Giữ vững và phát huy vị thế là trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học hành chính và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức

(QLNN) – GS.TS. Nguyễn Đăng Thành – Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã dành cho Tạp chí Quản lý nhà nước một buổi trao đổi chân tình, cởi mở với nhiều nội dung, trong đó quá trình xây dựng và phát triển của Học viện Hành chính quốc gia nhân Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Học viện. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

PV: Thưa Giáo sư, năm 2014, Học viện Hành chính quốc gia tròn 55 năm, xin Giáo sư cho bạn đọc Tạp chí Quản lý nhà nước biết một số nét ấn tượng về quá trình này?

GS.TS. Nguyễn Đăng Thành: Ấn tượng đầu tiên phải kể đến là Quyết định số 214/NV ngày 29/5/1959 do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký về việc thành lập Trường Hành chính Trung ương (Học viện Hành chính quốc gia hiện nay). Nó đánh dấu một sự kiện quan trọng từ đây đất nước ta có một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) đội ngũ cán bộ chính quyền từ cơ sở đến trung ương. Thực ra, tổ chức và hoạt động tiền thân của Trường đã có từ rất sớm, ngay từ những năm đầu kháng chiến, chúng ta đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý chính quyền địa phương.

Trong các giai đoạn phát triển, Học viện Hành chính Quốc gia có rất nhiều tên gọi, thuộc nhiều cơ quan quản lý, ban đầu trực thuộc Bộ Nội vụ, sau đó là trực thuộc Chính phủ, rồi lại trực thuộc Bộ Nội vụ, đến năm 2007 hợp nhất với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện nay (từ tháng 12/2013) lại trực thuộc Bộ Nội vụ với tên gọi là Học viện Hành chính quốc gia. Trong khoảng thời gian hơn 55 năm xây dựng và phát triển đó, có hơn 25 năm trực thuộc Chính phủ. Điều đó nói lên rằng, trong nội dung hoạt động và những gì mà Học viện đóng góp cho nghiên cứu khoa học hành chính, cũng như ĐTBD đội ngũ cán bộ cho hệ thống cơ quan hành pháp của đất nước suốt 55 năm qua, luôn thực chất là một trung tâm ĐTBD của Chính phủ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Học viện Hành chính Quốc gia, năm 2014.

Ở đây rõ một nét đặc thù là, dù trực thuộc Văn phòng Phủ Thủ tướng, trực thuộc Chính phủ, trực thuộc Bộ Nội vụ hay khi hợp nhất với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, với nhiều tên gọi khác nhau nhưng Học viện về thực chất vẫn luôn là trung tâm ĐTBD có tính chất quốc gia, trước hết là đối với đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) đang trực tiếp quản lý ở các bộ, ngành, cũng như ở các cấp chính quyền trong phạm vi cả nước.

Chính với ý nghĩa đó mà trong nhiều nhiệm kỳ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt các đồng chí Thường trực Chính phủ luôn dành sự quan tâm, ưu ái cho Học viện. Đó là việc các đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thông qua các cuộc họp, đến thăm, làm việc, phát biểu với cán bộ, viên chức Học viện; giảng bài ở các lớp bồi dưỡng các đối tượng cao cấp của trung ương và địa phương học tại Học viện trong từng thời kỳ, từng giai đoạn, như Thủ tướng Võ Văn Kiệt (năm 1996), Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2002), Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (năm 2004), nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (năm 2004), Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2005), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (năm 2008), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2012)…

Một ấn tượng nữa cần nói đến, đó là trong những năm gần đây, Học viện đã hình thành được hệ thống tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc, với 4 cơ sở trong cả nước, gồm Học viện trung tâm tại Hà Nội, TP. Huế, khu vực Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, đặc biệt đối với cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh, từ khi thành lập Đảng bộ bộ phận, cán bộ, giảng viên của cơ sở TP. Hồ Chí Minh đã ý thức rõ rệt định hướng và tự thân phấn đấu trở thành cơ sở tương đối độc lập, ngoài việc đào tạo hệ Đại học Hành chính chính quy, còn đảm nhận toàn bộ hệ thống đào tạo tại chức cho các tỉnh Nam Bộ, tham gia quá trình đào tạo sau đại học, thành lập được Phòng Quản lý khoa học và xuất bản nội san, phục vụ đắc lực cho công ác giảng dạy và nghiên cứu khoa học,…

Gần đây nhất, trước thềm năm mới 2014, theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 khoá XI chuyển Học viện Hành chính từ Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về Bộ Nội vụ, ngày 10/12/2013, Chính phủ đã có Nghị quyết số 121/NQ-CP khẳng định Học viện Hành chính có tên gọi chính thức là Học viện Hành chính quốc gia.

Đối với tôi và cán bộ, viên chức nhiều thế hệ của Học viện, đây thực sự là một ấn tượng sâu sắc và có ý nghĩa lịch sử. Bởi đằng sau hình thức trở về một tên gọi như suốt một thời kỳ dài Học viện đã có, là một kết luận được đúc rút nghiêm túc từ sự tự nhận thức, thực tiễn chỉ đạo hoạt động và trải nghiệm của cả hệ thống và Học viện qua rất nhiều thời kỳ phát triển. Kết luận trở lại tên gọi Học viện Hành chính quốc gia lần này ghi một dấu mốc lịch sử về sự khẳng định bền vững, về vị thế, chức năng, nhiệm vụ của một trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học hành chính và ĐTBD CBCC của Học viện.

PV: Thành tựu nổi bật nhất của Học viện trong những năm gần đây là gì, thưa Giáo sư?

GS.TS. Nguyễn Đăng Thành: Trước hết, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện đã tham gia đóng góp tích cực, trực tiếp và có hiệu quả vào xây dựng Đề án Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2000 – 2010, đây là sự đóng góp của nhiều cá nhân, các nhà khoa học trong Học viện, rất quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc.

Thành công đầu tiên, đóng góp lớn nhất là chúng ta đã triển khai có chất lượng các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp. Có thể nói, nội dung chương trình bao gồm cả mặt kiến thức, kỹ năng được chuẩn bị khá công phu và đầy đủ.

Đặc biệt là chương trình chuyên viên cao cấp, người học được tiếp thu những kiến thức rất căn bản về công tác quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực đời sống xã hội; về mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu của cải cách hành chính ở nước ta hiện nay. Chương trình cũng đã liên tục có nhiều cải tiến và đổi mới theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ công chức, cán bộ trung, cao cấp của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Đây chính là niềm tự hào, đóng góp quan trọng vào việc hình thành “thương hiệu” ĐTBD CBCC, viên chức của Học viện Hành chính quốc gia.

Hiện nay, bên cạnh ĐTBD theo ngạch, đặc biệt ngạch chuyên viên cao cấp, Học viện đang là cơ sở đi đầu trong ĐTBD theo chức danh. Đây là hướng ĐTBD có tính chất chiến lược và hết sức cần thiết. Đáp ứng được những yêu cầu thực tế của công chức ở các vị trí cụ thể khác nhau, nhất là vị trí công chức trung cao cấp. Hiện nay, Học viện đã và đang xây dựng, triển khai chương trình ĐTBD cho đối tượng là vụ trưởng, chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, UBND cấp huyện.

Với tính chất là trung tâm đào tạo quản lý khoa học hành chính, hệ đào tạo đại học chính quy đã có thêm 10 chuyên ngành chuyên sâu. Hàng năm, cung cấp cho hệ thống chính quyền các cấp hàng nghìn cử nhân hành chính công. Có thể khẳng định rằng, việc đào tạo cử nhân quản lý công ở Học viện Hành chính quốc gia đã được tiến hành qua 15 năm nay là một thành tích đáng kể, bởi vì khác với nhiều quốc gia, ở Việt Nam, đây là một hướng đào tạo đã góp phần quan trọng trong cung cấp nguồn nhân lực có trình độ đại học, có kiến thức và kỹ năng trực tiếp cho đội ngũ CBCC của hệ thống chính quyền các cấp.

Điểm nổi bật nhất trong ĐTBD của Học viện trong những năm gần đây là đào tạo sau đại học. Mặc dù thi tuyển đầu vào cao học và nghiên cứu sinh ngày một đòi hỏi chất lượng cao hơn nhưng nhu cầu và số lượng người mong muốn được tham gia vào quá trình đào tạo này lại tăng nhanh hàng năm. Điều đó được lý giải bởi: thứ nhất, nội dung chương trình quản lý công triển khai trong chương trình đào tạo ngoài ý nghĩa để người học có bằng thạc sỹ, tiến sỹ, thì ý nghĩa chính là những học viên này sau khi tốt nghiệp có được kỹ năng, kiến thức trực tiếp và hữu dụng cho công tác của mình.

Chương trình này vừa mang tính chất của một chương trình đào tạo cấp bằng, vừa là mang ý nghĩa là chương trình bồi dưỡng cho cán bộ đang làm việc một cách trực tiếp và có hiệu quả. Đó là lý do nhiều người vẫn quyết tâm thi vào. Thứ hai, bên cạnh việc bảo đảm nội dung và chất lượng cao, việc thực hiện nghiêm túc, khách quan, không có tiêu cực trong thi tuyển đã tạo nên một giá trị cho các tổ chức và học viên khao khát, mong muốn được theo học. Số lượng các nghiên cứu sinh ở các kỳ xét tuyển trong những năm gần đây được tăng lên rõ rệt, năm 2009 có 20 người; năm 2012 có 28 người; đến năm 2013 có 46 người.

Trong liên kết đào tạo với nước ngoài, chúng ta đã chủ động triển khai tích cực và đạt hiệu quả khả quan. Những năm gần đây, Học viện đã liên kết đào tạo với một số trường đại học, học viện danh giá trên thế giới, như: Trường ENA (Pháp), Trường Québec (Ca-na-đa), Trường Tempere (Phần Lan), Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản)…

Chúng ta cũng đã rất chủ động liên kết triển khai các khoá đào tạo thạc sỹ quản lý công, thạc sỹ quản lý tài chính công có chất lượng thực sự với các cơ sở đào tạo có uy tín quốc tế. Các khoá đào tạo này đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao. Năm 2014, phấn đấu mở lớp đào tạo thạc sỹ chính sách công theo hướng thực hành dưới sự liên kết, xây dựng, hướng dẫn, tư vấn của Trường Đại học Tokyo dưới sự tài trợ của JICA (Nhật Bản).

Ngoài ra, chúng ta đã tổ chức triển khai cho các khoá học 10 ngày cho một số quan chức Ấn Độ, Băng-la-đét về cải cách hành chính, về kinh nghiệm cải cách hành chính, quản lý nhà nước của Việt Nam, những vấn đề trong chuyển đổi và hội nhập khu vực của Việt Nam… Tiếp nhận, hướng dẫn và trao đổi với các sinh viên của In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Băng-la-đét. Từ đó, Học viện đã trở thành địa chỉ quen thuộc với các sơ sở đào tạo về quản lý công của khu vực và châu lục.

Các mặt hoạt động khác, như xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên; xây dựng, hoàn thiện giáo trình; xây dựng thể chế, quy chế hoạt động; coi trọng công tác tổ chức – cán bộ; đầu tư xây dựng, sửa sang, nâng cấp khang trang các cơ sở trong toàn hệ thống được coi trọng.

Những cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, thể hiện năng lực qua kết quả giảng dạy, nghiên cứu, công tác, có phẩm chất tốt, nhân cách tốt đều được quan tâm bồi dưỡng để trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý. Năm 2013, Học viện có 5 tiến sỹ được phong hàm phó giáo sư. Đó là các anh chị em tuổi còn trẻ, được đào tạo bài bản, có những thể hiện và đóng góp thực sự trong nghiên cứu và giảng dạy. Đó cũng là một trong những minh chứng rất rõ rệt về công tác ĐTBD cán bộ của Học viện. Một tín hiệu đáng mừng nữa là những năm gần đây, Học viện đã thu hút được đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, các giảng viên được đào tạo ở các nước tiên tiến về “đầu quân” cho Học viện.

Trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, không chỉ ở Học viện trung tâm tại Hà Nội được đầu tư nâng cấp khang trang mà các cơ sở khác, như ở TP. Huế, khu vực Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh cũng được đầu tư nâng cấp.

PV: Theo Giáo sư, hiện nay Học viện cần làm những gì để luôn giữ vững vị thế là trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học hành chính, về ĐTBD CBCC cho đất nước?

GS.TS. Nguyễn Đăng Thành: Bước sang năm 2014, trở về trực thuộc Bộ Nội vụ, chúng ta có nhiều thuận lợi: thu hút sự tham gia nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo trực tiếp không chỉ của các cán bộ Học viện mà còn của cả những người lãnh đạo, các chuyên gia trong hệ thống quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương. Qua đó, hứa hẹn khả năng các chương trình đào tạo và những nội dung nghiên cứu sẽ đóng góp thiết thực vào việc nâng cao tính hiệu quả của quá trình nghiên cứu cũng như đào tạo của Học viện.

Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, việc xây dựng, phát triển Học viện không phải chỉ bằng việc dựa vào uy tín, vị thế có sẵn mà cần khẳng định vị trí trung tâm quốc gia này bằng chính chất lượng ĐTBD và nghiên cứu khoa học hành chính của mình trong điều kiện mà tính cạnh tranh ngày càng cao và trực tiếp của nhiều cơ sở đào tạo, nhiều đơn vị khác cùng làm. Vì vậy, trong thời gian tới, Học viện cần làm tốt các nội dung sau:

Thứ nhất, với ưu thế về cơ sở, đội ngũ cán bộ, giảng viên, về nội dung đào tạo đã có, về tiếp cận các đối tác, thì việc định hướng chuyên môn sâu, nâng cao chất lượng thực sự trong mọi quá trình, mọi loại hình đào tạo, nghiên cứu là hướng phát triển đặc trưng có ý nghĩa sống còn đối với sự khẳng định vị thế của Học viện, đối với sự duy trì, phát triển “thương hiệu” của Học viện. Kinh nghiệm được đúc rút từ những thành công của Học viện trong những năm gần đây là phải nâng cao chất lượng chuyên môn, là “cái lõi” để xây dựng Học viện về mọi phương diện.

Thứ hai, phải ý thức xây dựng một hệ thống mà trong ấy, tổ chức cán bộ của Học viện là một thể thống nhất. Thống nhất trong hệ thống tổ chức Học viện nhưng duy trì sự thống nhất ấy lại phải trên cơ sở chủ động, sáng tạo, phát huy được nội lực, đặc trưng của từng phân viện, từng khu vực. Đồng thời, phải thống nhất trong những định hướng lớn về mặt nội dung, định hướng qua giá trị vì lợi ích chung và vì sự phát triển chung. Tất cả các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những người có trách nhiệm quản lý phải tôn trọng các giá trị chung; lợi ích chung đặt lên trên lợi ích cá nhân để duy trì sự đổi mới một cách toàn diện, tạo dựng được các giá trị thực sự cho Học viện.

Thứ ba, trong phương thức làm việc, cần phải thực hành dân chủ để có ý chí chung. Tất cả mọi việc sẽ rất khó khăn nếu chỉ tư duy một mình và theo kiểu “độc đoán”. Những người quản lý ở các cấp độ khác nhau, ở từng khoa, ban, đơn vị cho đến Ban Giám đốc Học viện không phải chỉ thực hiện quy chế dân chủ một cách hình thức, mà phải dân chủ một cách thật thà.

Một điểm nữa là phải coi trọng khối đoàn kết, mà vai trò của chi uỷ và các cấp uỷ đảng là hết sức quan trọng. Sự đoàn kết, thống nhất cao của các cấp uỷ, từ chi uỷ đến Đảng uỷ, tất cả vì công việc chung của tập thể. Đoàn kết, thống nhất là nhân tố rất quan trọng, quyết định sự phát triển ổn định của Học viện. Đây cũng là bài học kinh nghiệm đúc rút được trong nhiều năm qua.

Thứ tư, trong xu thế mới, Học viện cần phải nỗ lực chủ động hơn rất nhiều. Bởi vì, với tư cách vừa là trường đại học, vừa là trung tâm ĐTBD CBCC của Chính phủ, có vị trí tương đối độc lập, Học viện cần thực sự chủ động đề xuất ra những chiến lược xây dựng và phát triển, trong đó có chiến lược về mặt nội dung, chiến lược về công tác cán bộ,…

Ngoài ra, Học viện cần hết sức để tâm tới việc phát triển các quan hệ với đối tác quốc tế và khu vực. Trong đó, cần tập trung làm tốt một số nội dung, như việc xây dựng Chương trình đào tạo chính sách công theo hướng thực hành của Nhật Bản do JICA tài trợ; c hương trình bồi dưỡng chức danh vụ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện. Triển khai có hiệu quả và tham gia với hàm lượng ngày càng lớn hơn trong các chương trình đào tạo, liên kết đào tạo sau đại học với các đối tác mà chúng ta đang triển khai. Và, đã đến lúc Học viện cần phải trở lại và khẳng định vai trò tham mưu, tư vấn cho Chính phủ về cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn mới.

PV: Nhân dịp Năm mới, với cương vị là Giám đốc Học viện, chắc chắn giáo sư có nhiều cảm xúc muốn chia sẻ?

GS.TS. Nguyễn Đăng Thành: Năm 2014 là năm đầy ý nghĩa, năm có tính chất bản lề trong lịch sử phát triển của Học viện. Bản thân tôi cũng như các cán bộ, giảng viên, nhân viên của Học viện đều rất phấn khởi. Với tư cách là đại diện cho những người đang chịu trách nhiệm gánh vác sự nghiệp của Học viện hôm nay, điều đầu tiên tôi muốn nói là: tôi cảm ơn, trân trọng và đánh giá rất cao sự chủ động, sáng tạo, nhiệt tình và lao động âm thầm của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên của Học viện thế hệ hiện nay và tất cả thế hệ trước đây, để có được những thành quả như ngày hôm nay.

Sau thời gian công tác tại Học viện, tôi cảm nhận được rằng, Học viện là môi trường đa phong cách, mà ở đó, những định hướng tập thể được tôn trọng, đồng thời không làm lụi tắt và xoá nhoà đi bản sắc của mỗi cá nhân. Với tình cảm mến yêu của mình, tôi mong muốn và tin tưởng rằng, tập thể cán bộ, giảng viên, viên chức cùng chung tay xây dựng Học viện trở thành ngôi nhà chung – nơi mà chúng ta có thể sống hết mình với những giá trị về mặt chuyên môn và nhân cách, được làm công việc yêu thích, có ý nghĩa đối với đất nước, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước.

Mỗi bước đi, chúng ta không cầu toàn, chúng ta cũng không ảo tưởng, nhưng mỗi người ý thức thêm theo định hướng chung như vậy để làm cho Học viện có được sự phát triển bền vững, làm cho mỗi ngày chúng ta đến Học viện là một ngày vui, một ngày đầy tinh thần và tâm thế làm việc tích cực.

Nhân dịp xuân mới đang về, thay mặt Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện, tôi chúc các thế hệ cán bộ, giảng viên, viên chức trong toàn hệ thống Học viện Hành chính quốc gia và gia đình năm mới sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. Chúc Tạp chí Quản lý nhà nước liên tục đổi mới và phát triển.

PV: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

         Quang Vinh thực hiện
Theo Tạp chí Quản lý nhà nước số 216, tháng 1/2014