(QLNN) – Sau hơn 5 năm thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa được chú trọng, còn hình thức và mờ nhạt. Trước tình hình đó, cần tiếp tục đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII.
“Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”
Cán bộ, đảng viên (CBĐV) là những nhân tố cơ bản nhất, năng động nhất của các tổ chức đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, có vai trò rất quan trọng không chỉ quyết định đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị mà còn quyết định đến việc tổ chức, tập hợp, dẫn dắt các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để thực hiện vai trò đó, CBĐV phải luôn gương mẫu trong lời nói và việc làm, nói phải đi đôi với làm, luôn nêu cao trách nhiệm nêu gương (TNNG).
TTNG là bổn phận, nghĩa vụ mà CBĐV phải thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả. Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của người đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay là khoan hãy vào”1. Nêu gương cũng là trách nhiệm, là đạo lý, gắn với tư cách của CBĐV. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Người đảng viên – dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp – ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng… Mà muốn quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”2. Không nêu gương, chính bản thân CBĐV đã tự mình không còn chân chính, cách mạng. Xuất phát từ văn hóa phương Đông, Người đúc kết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”3.
Chính vì vậy, Người nhiều lần nhắc nhở CBĐV trước dân chúng, không phải chúng ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” là được người ta tôn trọng, mà muốn lãnh đạo nhân dân “phải làm mực thước cho nhân dân bắt chước”4, phải làm gương, nêu gương trong công tác, trong lối sống, trong mọi hoàn cảnh để quần chúng noi theo. Cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ Người là tấm gương mẫu mực, toàn vẹn cho Đảng, CBĐV và nhân dân học tập, noi theo.
Thực tiễn từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã có rất nhiều CBĐV tiên phong, gương mẫu trong hoạt động cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng, chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”5. Trong thời kỳ đổi mới, đã có không ít CBĐV làm tốt TNNG, để lại dấu ấn, sự lan tỏa mạnh mẽ, thực sự là tấm gương sáng cho các thế hệ CBĐV. Nhiều CBĐV hy sinh lợi ích cá nhân phục vụ lợi ích tập thể, như hiến đất xây trường học, bệnh viện, cầu đường… tất cả vì cuộc sống của nhân dân.
Kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương trong 5 năm qua
Sau 5 năm thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện bằng những cách làm sáng tạo, tạo chuyển biến tích cực, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong CBĐV và nhân dân như tại các tỉnh: Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Giang,… Tinh thần, TNNG của CBĐV trên các mặt ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng cho công tác xây dựng Đảng, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân đối với CBĐV và với sự lãnh đạo của Đảng.
Nhiều cấp ủy đã lãnh đạo các tổ chức trực thuộc xây dựng chuẩn mực đạo đức phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, vừa là căn cứ để đánh giá CBĐV, vừa là tấm gương phản chiếu để CBĐV soi rọi, tự chấn chỉnh. Đặc biệt, để thực hiện nêu gương về trách nhiệm trong công tác, nhiều cấp ủy đã xây dựng quy chế, quy định cụ thể về trách nhiệm cá nhân, nhất là ở các lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ xảy ra sai phạm và quy định xử lý trách nhiệm đối với cá nhân khi xảy ra sai phạm.
Thực hiện nêu gương trong kỷ luật của Đảng được các cấp ủy đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên, kể cả cán bộ diện Trung ương quản lý. Hơn 5 năm qua, việc xử lý kỷ luật nghiêm trong Đảng đã và đang tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Việc nêu cao tinh thần trách nhiệm trong xem xét, xử lý kỷ luật của Trung ương là động lực thúc đẩy quyết tâm của các cấp ủy, tổ chức đảng ở ban, bộ, ngành, ở các địa phương xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, việc thực hiện TNNG của CBĐV ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa đáp ứng yêu cầu trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình, mối quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất nội bộ.
Đánh giá kết quả làm việc của các đoàn kiểm tra theo Chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017 về việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Bí thư khẳng định: “Việc nêu gương của một số CBĐV, người đứng đầu ở một số cấp uỷ, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa tốt; vẫn còn biểu hiện thiếu gương mẫu, lãng phí trong công tác và sinh hoạt, thậm chí vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mức bị xử lý kỷ luật”6.
Từ đó dẫn đến hệ quả là từ năm 2013 đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật hơn 4.300 CBĐV do tham nhũng, cố ý làm trái pháp luật. Qua đó, đã kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 400 ngàn tỷ đồng và 18.525 ha đất, chuyển 515 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, làm rõ, kết luận, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức và đã nghỉ hưu7.
Đặc biệt, hai năm trở lại đây, ủy ban kiểm tra các cấp và các cơ quan chức năng đã kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đã có 59 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 13 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương. Đảng đã kỷ luật khai trừ 1 ủy viên Bộ Chính trị8. Việc thực hiện các chủ trương, quy định về nêu gương của Đảng đã góp phần “tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của CBĐV và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều đồng chí đã có ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tụy với công việc, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm”8.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có, trong đó có 4 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Tiếp tục tinh thần không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, năm 2018, đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự…”9.
Bên cạnh đó, việc thực hiện TNNG trên cả 7 nội dung đều có những hạn chế nhất định:
Về tư tưởng chính trị: đã xuất hiện tình trạng không kiên định với chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thờ ơ, không gương mẫu trong đấu tranh chống những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và nhận thức lệch lạc trong một số CBĐV. Thậm chí, một bộ phận không nhỏ CBĐV suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện lười học tập, nghiên cứu chủ trương, nghị quyết của Đảng, rụt rè, né tránh trong các buổi sinh hoạt Đảng, không dám chịu trách nhiệm về lời nói và hành động của mình, nói một đằng, làm một nẻo, nói nhiều, làm ít, nói hay làm dở, nói mà không làm,…
Về đạo đức, lối sống: không ít CBĐV có lối sống xa hoa, ích kỷ, vụ lợi, tham nhũng, lãng phí, không thực hiện nghiêm đạo đức cách mạng, không dám đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị. Phong cách làm việc quan liêu, hách dịch, mệnh lệnh hành chính vẫn tồn tại ở nhiều CBĐV.
Về nêu gương trong tự phê bình và phê bình: ở nhiều CBĐV còn hạn chế, còn nể nang, né tránh trong phê bình đồng chí, đồng nghiệp. Không ít CBĐV thiếu tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình, ngại góp ý, phê bình đồng chí, đồng nghiệp. Trong không ít tổ chức, cơ quan, đơn vị, việc tự phê bình và phê bình của CBĐV rất hình thức. Có tình trạng bằng mặt nhưng không bằng lòng, trong cuộc họp thì im hơi lặng tiếng, nhưng ngoài cuộc họp thì chỉ trích, phê phán.
Về mối quan hệ với nhân dân: đã có tình trạng CBĐV xa dân, thờ ơ với cuộc sống của nhân dân, không chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Về trách nhiệm trong công tác: một số CBĐV không thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, thậm chí còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là khi có sai phạm. Nhiều cán bộ chủ chốt ở các địa phương, cơ quan, đơn vị chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị…
Về ý thức tổ chức kỷ luật và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng: còn không ít hạn chế. Một số CBĐV chưa nghiêm túc trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức…
Tất cả những hạn chế trên đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng tổ chức đảng, đến phương thức lãnh đạo của Đảng, đến uy tín của Đảng, đến lòng tin của nhân dân với Đảng. Thực trạng đó đòi hỏi toàn Đảng phải tăng cường, đề cao và nghiêm túc thực hiện TNNG của CBĐV. Nguyên tắc CBĐV giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương.
Giải pháp tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
Một là, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp chiến lược về TNNG.
Đây vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ của mỗi CBĐV đối với Đảng, với nhân dân và chính bản thân mình. Để nhận thức đúng, đầy đủ về TNNG, mỗi CBĐV phải nghiêm túc học tập và quán triệt đầy đủ nội dung trong các quy định của Đảng về nêu gương. Mỗi CBĐV phải xác định nêu gương vừa là đạo lý, vừa là trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên, phải được thể hiện trong cuộc sống, trong công tác.
Đặc biệt, đối với CBĐV giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, TNNG càng phải được đề cao và phải được thực hiện nghiêm túc. Phải xác định trách nhiệm thực hiện các nội dung nêu gương trên tất cả các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, thực hiện tự phê bình và phê bình, mối quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và giữ gìn đoàn kết nội bộ.
Các nội dung nêu gương gắn với các chuẩn mực đạo đức của CBĐV trong từng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải xây dựng và hoàn thiện chuẩn mực đạo đức của CBĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực hành chuẩn mực đạo đức chính là quá trình thực hiện TNNG.
Các cấp ủy cần xây dựng quy chế, quy định và công khai các nội dung nêu gương của CBĐV trước tập thể. Thực hiện nghiêm TTNG theo phương châm chức vụ càng cao càng phải mẫu mực trên các mặt, nói phải đi đôi với làm, cán bộ lãnh đạo, quản lý nêu gương cho thành viên trong tổ chức. Người có chức vụ càng cao, càng có sự ảnh hưởng rộng đến tập thể. Do đó, nêu gương tốt trong nhận thức và hành động của cán bộ lãnh đạo có tác động tích cực đến từng thành viên trong tổ chức.
Hai là, tiếp tục cụ thể hóa nội dung nêu gương của từng chức danh, trước hết là của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan.
Người đứng đầu trong các tổ chức khác nhau, ngoài thực hiện 7 nội dung nêu gương theo quy định, cần phải thực hiện nêu gương gắn với chức trách, nhiệm vụ của mình.
Đối với bí thư cấp ủy, phải thực hiện nghiêm TNNG trong hoạt động lãnh đạo, như: xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng, gương mẫu trong đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, gương mẫu nhận diện và đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…; đặc biệt, với vai trò là người lãnh đạo, cán bộ phải gương mẫu trong thực hiện phong cách nói đi đôi với làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi xảy ra sai phạm.
Đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phải tự giác, gương mẫu trong việc xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện và đăng ký cam kết thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Thực tiễn cho thấy, ở nơi nào, người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện tốt TNNG, chủ động, tích cực phối hợp công tác vì công việc chung, ở nơi đó nội bộ đoàn kết, không khí dân chủ, sức mạnh của tập thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị là hợp lực từ tinh thần trách nhiệm, sức mạnh của mỗi thành viên.
Ba là, nâng cao hiệu quả, chất lượng của phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Để thực hiện tốt TNNG của CBĐV trong giai đoạn hiện nay, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả của các phong trào thi đua. Trong đó, trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm lãnh đạo tổ chức, cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, CBĐV phải tự giác, nghiêm túc đăng ký thực hiện chương trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chất lượng, hiệu quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phụ thuộc vào hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và chương trình, kế hoạch thực hiện của CBĐV.
Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, mỗi cấp ủy cần căn cứ vào đặc điểm của đơn vị mình để xây dựng nội dung thực hiện phong trào thi đua, gắn với các nội dung cụ thể trong việc học tập tấm gương của Bác Hồ. Mỗi CBĐV gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao xây dựng chương trình hành động, bản cam kết thực hiện TTNG gắn với phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bốn là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện TNNG của CBĐV, gắn với đánh giá, khen thưởng, kỷ luật CBĐV.
Nêu gương đã trở thành một quy định của Đảng, mỗi CBĐV có trách nhiệm thực hiện một cách nghiêm túc, tuy nhiên, không phải CBĐV nào cũng tự giác, làm gương, nêu gương. Do đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện TNNG của CBĐV, phải xây dựng kế hoạch giám sát chuyên đề trong việc thực hiện quy định của Đảng về nêu gương.
Qua quá trình kiểm tra, giám sát, phát hiện những điển hình trong nêu gương để nhân rộng, những hạn chế của CBĐV trong thực hiện TNNG để kịp thời chấn chỉnh. Kết quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện TNNG là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, kỷ luật CBĐV. Để làm tốt việc này, cần xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra cụ thể. Quán triệt đến tổ, đoàn kiểm tra thực hiện nghiêm kế hoạch, không nể nang, né tránh; phải công tâm, khách quan trong việc đánh giá kết quả thực hiện TNNG.
Năm là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện TNNG của CBĐV.
Trước tình trạng một bộ phận không nhỏ CBĐV suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện, việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân trong việc giám sát việc thực hiện TNNG của CBĐV là một giải pháp không kém phần quan trọng. Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và CBĐV, quy định hai nội dung giám sát, gồm: (1) Các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; (2) Việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, CBĐV.
Khi phát hiện hoặc tiếp nhận báo cáo, phản ảnh về những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và CBĐV, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội báo cáo bằng văn bản hoặc phản ảnh trực tiếp với cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp để xem xét, xử lý.
Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về TNNG của CBĐV, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quy định”10.
Do đó, nhân dân cần nhận thức đúng, đầy đủ về quyền giám sát trực tiếp của mình hoặc gián tiếp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội đối với CBĐV. Khi phát hiện những biểu hiện vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước; những biểu hiện thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm về công tác cán bộ, tham nhũng, hối lộ, lãng phí công quỹ, tài sản; sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí; để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để vụ lợi, hoặc sống xa hoa, phô trương, lãng phí… kịp thời phản ánh với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Thực hiện TNNG của CBĐV trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý theo các quy định của Trung ương càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh những năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII. Nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng và cũng là phẩm chất quan trọng của người CBĐV, do đó hơn bao giờ hết, mỗi CBĐV phải thực sự thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý thức, TNNG, trong đó CBĐV giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương./.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 292.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 55.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 284.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 16.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 602.
6. Thông báo Kết luận số 48-TB/TW ngày 27/4/2018 của Ban Bí thư về kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.
7. Tổng Bí thư: Đã kỷ luật 56 cán bộ diện Trung ương quản lý. https://dantri.com.vn, ngày 16/8/2018.
8. Thu Hằng. Khai trừ 1 ủy viên Bộ Chính trị, kỷ luật nhiều ủy viên TƯ trong nửa nhiệm kỳ. http://vietnamnet.vn, ngày 23/11/2018.
9. Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, http://vietnamnet.vn, ngày 26/12/2018.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Văn phòng Trung ương Đảng, 2018, tr. 125.
PGS.TS. Đinh Ngọc Giang
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh