Động lực mới cho bước phát triển đột phá của thành phố Cần Thơ

(QLNN)- Đón chào năm 2019, kết thúc năm 2018 với nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, cũng là dịp kỷ niệm 15 năm Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Tạp chí Quản lý nhà nước đã có cuộc phỏng vấn với ông Võ Thành Thống – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về những bước phát triển đột phá của thành phố hiện nay và những năm tiếp theo.

 

Ông Võ Thành Thống – Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ (ảnh: https://tuoitre.vn).
PV: Xin ông cho biết yếu tố nào quyết định sự phát triển của thành phố Cần Thơ hôm nay?
Ông Võ Thành Thống – Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ: Qua 15 năm, có thể khẳng định rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ đã một lòng đoàn kết, phấn đấu xây dựng thành phố. Cần Thơ đã dần phát huy được vai trò trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long theo kỳ vọng của Trung ương, của Chính phủ.

Những kết quả đột phá, giúp thành phố Cần Thơ làm tốt vai trò động lực để phát triển toàn vùng hiện nay là do Cần Thơ có một số thuận lợi như:

(1) Thành phố Cần Thơ với vai trò trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, có những lợi thế về mặt chính trị, kinh tế – xã hội. Đây là lợi thế lớn của thành phố.

(2) Kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố tương đối hoàn chỉnh, kết nối với TP. Hồ Chí Minh và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là tiền đề để phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu của thành phố trực tiếp ra nước ngoài; có lợi thế để trở thành trung tâm logistics của cả vùng.

(3) Cần Thơ hiện đang tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao. Đây là điều kiện để thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, đưa khoa học vào nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

(4) Nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố là một thuận lợi lớn để thực hiện các chính sách cũng như kêu gọi đầu tư đối với nước ngoài.

(5) Việt Nam tham gia thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN, tham gia các Hiệp định thương mại tự do sẽ có rất nhiều thuận lợi để phát triển đầu tư cho cả nước nói chung và cho thành phố Cần Thơ nói riêng.

Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện các đề án, chương trình, dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư để tăng cường cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cao chất lượng và mở rộng các khu đô thị hiện hữu, xây dựng khu đô thị mới. Qua đó, bộ mặt đô thị của thành phố đã “thay da đổi thịt”, ngày càng văn minh, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Đây chính là thước đo cho quá trình phát triển của thành phố.

PV: Trong vai trò là lãnh đạo thành phố, ông có thể khái quát về sự phát triển kinh tế – xã hội của chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ hiện nay?
Ông Võ Thành Thống: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đã đặt ra quyết tâm xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Theo đó, sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của thành phố thời gian qua được xác định lần lượt là: thương mại, dịch vụ – công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp.
Cơ cấu kinh tế này nhằm tạo tiền đề vững chắc cho quá trình công nghiệp hóa, đồng thời xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại – dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục và đào tạo, khoa học – công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Vài con số minh chứng về tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố từ năm 2004 đến nay, đó là, thành phố luôn duy trì ở mức khá, GDP giai đoạn 2004 – 2014 tăng bình quân 14,15%/năm, GRDP trong giai đoạn 2015-2018 tăng bình quân 7,56%/năm; đóng góp đáng kể vào việc bảo đảm chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người dự kiến năm 2018 đạt 80,48 triệu đồng, tăng 8 lần so với năm 2003; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,53%…

PV: Vừa qua, thành phố đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cũng đã triển khai việc tự đánh giá, đo lường sự hài lòng của người dân. Xin ông đánh giá kết quả và bài học kinh nghiệm của Cần Thơ trong quá trình triển khai các hoạt động này?
Ông Võ Thành Thống: Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ được tổ chức vào tháng 8/2018. Có thể khẳng định rằng, đây là lần đầu tiên Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với chủ đề: “Chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển”. Tại Hội nghị, thành phố đã kêu gọi đầu tư đối với 54 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, logistics, du lịch sinh thái, khu đô thị mới, giao thông,…
Kết quả, thành phố Cần Thơ đã trao 10 quyết định, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng; ký kết thỏa thuận hợp tác với 19 nhà đầu tư đạt tổng vốn đầu tư gần 85.000 tỷ đồng và ký thỏa thuận hỗ trợ tài chính với 4 ngân hàng. Hiện nay, các sở, ban, ngành của thành phố đang tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư tiến hành khảo sát, lập hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án tiếp theo.

Năm 2018, thành phố đã triển khai thực hiện tốt việc xác định chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp tỉnh; hoàn thành việc tự đánh giá, chấm điểm trên phần mềm; triển khai các hoạt động thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện chỉ số CCHC, kiểm tra đột xuất về CCHC và kiểm tra việc thực hiện nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tại 31 đơn vị, bao gồm: 6 sở, 9 quận, huyện và 16 xã, phường, thị trấn.

Việc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh CCHC đã giúp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh và chỉ số CCHC cấp tỉnh của Cần Thơ thời gian qua đều nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất. Công tác tổ chức bộ máy, biên chế và tổ chức phi chính phủ; công tác cán bộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý và giải quyết chế độ, chính sách cho công chức, viên chức theo đúng quy định.

Trong quản lý kinh tế – xã hội ở Cần Thơ, đặc biệt việc thực hiện CCHC, bài học kinh nghiệm về thực hiện chỉ đạo,  lãnh đạo, đó là, người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành của thành phố luôn tập trung chỉ đạo sâu sát, điều hành, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với việc đổi mới lề lối, tác phong làm việc của từng cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu ở các sở, ngành và địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của thành phố.

PV: Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2020 là thành phố công nghiệp. Vậy hiện nay có yếu tố nào làm hạn chế quá trình thực hiện mục tiêu nói trên hay không thưa ông?
Ông Võ Thành Thống: Thời gian thì còn rất ngắn mà thành phố Cần Thơ vẫn còn một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức đang tạo áp lực lớn cho lãnh đạo thành phố như:

Một là, mô hình tăng trưởng chưa thật sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào vốn; đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm, chưa có dự án đầu tư sản xuất công nghiệp quy mô lớn, công nghệ hiện đại, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực; khả năng sản xuất – xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng, công nghệ cao còn hạn chế. Việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gặp khó khăn về nguồn lực, nhất là nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp so với nhu cầu.

Hai là, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại để tăng giá trị và năng suất cao trong nông nghiệp còn hạn chế; hoạt động logistics chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, chưa phát huy được địa vị kinh tế và trung tâm dịch vụ vùng; thương mại – dịch vụ gia tăng chủ yếu do sức mua, chưa thu hút và là đầu mối trong các giao dịch thị trường cũng như dịch vụ hỗ trợ tốt cho các lĩnh vực kinh doanh khác.

Ba là, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng của phần lớn người lao động chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp sử dụng công nghệ – kỹ thuật hiện đại. Công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa phát huy hết tiềm năng đất đai, làm giảm hiệu quả sử dụng…

PV: Vậy ông có thể cho bạn đọc Tạp chí QLNN biết quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo chính quyền thành phố Cần Thơ trong khắc phục những hạn chế nói trên và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới?
Ông Võ Thành Thống: Năm 2019, thành phố đã xác định chủ đề năm là: “Đẩy mạnh CCHC, tập trung đầu tư phát triển, nâng cao đời sống nhân dân” với mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng; đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ hơn về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; xây dựng và phát triển đô thị ngày càng văn minh, hiện đại; hoàn thành xây dựng nông thôn mới, tạo chuyển biến rõ nét bộ mặt nông thôn; đẩy mạnh CCHC, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Để đạt các mục tiêu trên, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện 8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

(1) Tăng cường ổn định kinh tế, kiểm soát giá cả; tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế – xã hội.

(2) Quyết liệt thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực theo hướng tăng cường đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

(3) Tiếp tục thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với cách mạng công nghiệp 4.0.

(4) Bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ, liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp của thành phố.

(5) Phát triển toàn diện các lĩnh vực xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế.

(6) Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

(7) Đẩy mạnh công tác CCHC; tăng cường công tác tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

(8) Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng – an ninh trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Trong bản dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ nêu rõ:

(1) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước số năm 2015 và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%;

(2) Mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định; (3) UBND thành phố Cần Thơ được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính thành phố để đầu tư cho các dự án hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố, nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn, thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng.

Như vậy, với 3 quy định đặc thù nói trên, thành phố Cần Thơ được hưởng ở mức tương đương với cơ chế đặc thù dành cho thành phố Hải Phòng và thành phố Đà Nẵng. Riêng nội dung cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính thành phố, cơ chế này tương đương cơ chế đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh. Đây là động lực mới cho bước phát triển đột phá của thành phố Cần Thơ trên chặng đường tiếp tục thực hiện các mục tiêu về xây dựng và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị trong thời gian tới.

PV: Kỷ niệm 15 năm thành phố trực thuộc Trung ương vào đúng dịp Xuân mới 2019. Kính chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ đạt và vượt kế hoạch, mục tiêu đề ra, ngày càng thịnh vượng và phát triển. Trân trọng cảm ơn ông!
                           Thúy Vân thực hiện