Quản lý nhà nước về di chuyển lao động có kỹ năng trong khu vực ASEAN

 (QLNN) – Hiện nay ở Việt Nam, hoạt động xuất khẩu lao động là hoạt động quan trọng, được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo và được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ. Đảng và Nhà nước ta xác định đây là lĩnh vực kinh tế đối ngoại quan trọng, một bộ phận của chính sách giải quyết việc làm.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (tiếng Anh: ASEAN Economic Community, viết tắt: AEC) bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 630 triệu người, trong đó 300 triệu người trong lực lượng lao động và Việt Nam chiếm 15%1. Khi tham gia AEC, sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động bởi AEC cho phép các lao động có tay nghề cao của 10 quốc gia thành viên được di chuyển tự do trong khu vực (trước mắt là 8 lĩnh vực, ngành nghề bao gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch).

 

Ảnh: http://laodongxahoi.net
Một số khái niệm cơ bản
Quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động

Di chuyển lao động quốc tế là việc người lao động (NLĐ) di chuyển từ nước này sang nước khác để bán lao động hay với mục đích tuyên bố là để có việc làm. Xuất khẩu lao động (XKLĐ) của một nước là việc người lao động của nước đó rời đất nước để có việc làm, mặc dù “xuất khẩu” thường để mô tả việc bán hàng hóa – dịch vụ cho nước ngoài2.

Quản lý là sự tác động có chủ đích, có tổ chức của chủ thể quản lý lên đối tượng bị quản lý và khách thể của quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội của hệ thông để đạt được mục tiêu đặt ra trong điều kiện biến động của môi trường3.

Quản lý nhà nước (QLNN) là sự tác động có chủ đích, có tổ chức của chủ thể QLNN (các cơ quan QLNN) lên đối tượng bị quản lý và khách thể của QLNN nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội của hệ thống để đạt được mục tiêu đặt ra trong điều kiện biến động của môi trường4.

QLNN về di chuyển lao động là sự tác động có chủ đích, có tổ chức của chủ thể QLNN (các cơ quan QLNN) lên đối tượng bị quản lý là hoạt động di chuyển lao động và khách thể của QLNN là các doanh nghiệp hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm việc (doanh nghiệp XKLĐ) và NLĐ tham gia thị trường nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội của hệ thống để đạt được mục tiêu đặt ra trong điều kiện biến động của môi trường.

Lao động có kỹ năng

Kỹ năng của NLĐ được hiểu là sự thành thạo, tinh thông về thao tác, nghiệp vụ trong quá trình hoàn thành một công việc nào đó. Kỹ năng được chia làm hai loại: kỹ năng cứng kỹ năng mềm. Kỹ năng cứng là kỹ năng nghề nghiệp – phụ thuộc vào trình độ học vấn và chuyên môn. Kỹ năng mềm là thước đo hiệu quả trong công việc, gồm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ra quyết định…

Di chuyển lao động có kỹ năng trong AEC

Cộng đồng kinh tế khu vực Đông Nam á – AEC được thành lập giúp hình thành sự dịch chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và lao động có tay nghề cao trong khu vực. Một thị trường chung về lao động mà AEC hướng tới sẽ tạo cơ hội cho lao động có kỹ năng trong khu vực ASEAN tìm kiếm các công việc phù hợp, có khả năng phát triển nghề nghiệp, đem lại nguồn thu nhập xứng đáng cùng nhiều quyền lợi khác.

Những lao động có kỹ năng trong thị trường lao động tự do AEC được hiểu là lao động có chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có lao động được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh sẽ được tự do di chuyển trong AEC.

Tình hình xuất khẩu lao động của Việt Nam giai đoạn 2007-2018

Năm Số lượng lao động xuất khẩu (người) Lượng lao động được đào tạo (lao động có kỹ năng) (người) Tỷ lệ lao động chất lượng cao/tổng lao động xuất khẩu (%)
2007 85.020 21.255 25,0
2008 86.990 21.399 24,6
2009 73.028 16.431 22,5
2010 85.546 25.236 29,5
2011 81.412 20.597 25,3
2012 80.320 20.963 26,1
2013 88.000 24.288 27,6
2014 106.840 30.343 28,4
2015 115.980 32.474 28,0
2016 126.296 37.888 30,0
2017 134.751 46.489 34,5
2018 142.860 69.287 48,5

Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Điểm mạnh, điểm yếu; cơ hội, thách thức của lao động Việt Nam khi tham gia vào thị trường lao động trong AEC
Điểm mạnh
Chi phí XKLĐ thấp; giá nhân công rẻ hơn nhiều so với khu vực; NLĐ cần cù trong lao động, sản xuất; năng lực tiếp thu công nghệ mới của lao động Việt Nam tốt; NLĐ được sự giúp đỡ của chính quyền khi tiến hành vay vốn đi XKLĐ.
Điểm yếu

NLĐ có ý thức kỷ luật kém; tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp và cá biệt có nhiều trường hợp mang theo những thói quen xấu ra nước ngoài như: uống rượu, đánh bạc…; sự khác biệt về phong tục, tập quán giữa Việt Nam và các nước tiếp nhận lao động; chỉ có rất ít các doanh nghiệp XKLĐ uy tín trong cả nước tiến hành khảo sát thị trường để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của lao động Việt Nam làm việc tại các thị trường tiếp nhận lao động.

Cơ hội

Việt Nam có sự thay đổi mạnh mẽ nhất về số việc làm trong 10 quốc gia của AEC. Tại Việt Nam, số việc làm tăng thêm so với kịch bản cơ sở là 6,0 triệu, chiếm 9,5% tổng số việc làm5. Đặc biệt, với lao động có kỹ năng, tự do di chuyển lao động trong ASEAN sẽ đem lại nhiều lợi ích tích cực cho NLĐ. Trước mắt, với 8 ngành nghề lao động trong ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, lao động có kỹ năng, trình độ ngoại ngữ sẽ không chỉ có thêm việc làm trong nước, mà họ còn có cơ hội việc làm tại 10 quốc gia nội khối.

Thách thức

ASEAN là một khối không đồng nhất về hệ thống chính trị. Sự khác nhau về thể chế giữa các nước trong ASEAN là cơ sở tạo ra sự khác biệt về pháp luật. Vì vậy, Bộ luật Lao độngcủa các nước có các quy định khác nhau đối với lao động đến từ nước ngoài: về an sinh xã hội; về quyền nhập cư; một số nước có thể đưa ra chính sách mở cửa; nhưng một số lại yêu cầu rất cao – điển hình là Xinh-ga-po. Hiện nay, hệ thống cung cấp thông tin cho NLĐ ở Việt Nam chưa thực sự phát triển, sự khác biệt về luật pháp, sự khó khăn khi tiếp cận, hiểu những chính sách của nước chủ nhà là một thách thức lớn trong việc di chuyển lao động có kỹ năng của nước ta.

Trong tất cả các trở ngại dành cho lao động, kỹ năng di chuyển, trình độ chuyên môn của lao động là thách thức lớn nhất. Chính vì vậy, với trình độ kỹ thuật, chuyên môn hiện nay, lao động Việt Nam rất khó đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp đến từ các nước ASEAN khác.

Khung trình độ Việt Nam chưa hoàn thiện để phù hợp với khung trình độ ASEAN đã được đưa ra, trong khi các nước khác trong khối đã đi đến những bước cuối cùng trong xây dựng khung trình độ quốc gia. Lao động dù được đánh giá là có kỹ năng tại Việt Nam cũng phải rất vất vả mới có thể hoàn thiện mọi kỹ năng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việt Nam chưa có chính sách công nhận năng lực, trình độ của NLĐ trải nghiệm qua thực tiễn lao động và nghề nghiệp. Do đó dẫn đếnngười có bằng cấp thấp nhưng nhiều kinh nghiệm, có thể xử lý tình huống, năng lực công việc tốt cũng không được thừa nhận.

Một số giải pháp

Để XKLĐ phát triển bền vững trong thời gian tới, Nhà nước với vai trò quản lý của mình cần tiến hành các biện pháp sau:

Một là, hoàn thiện bộ máy và cơ chế QLNN về XKLĐ. Tập trung chức năng QLNN vào một cơ quan chính phủ là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ LĐTBXH theo chức năng quản lý của mình.

Bộ LĐTBXH cần nghiên cứu hoàn thiện theo hướng giảm đầu mối quản lý lao động và việc làm để thống nhất quản lý các hoạt động này được thống nhất và xuyên suốt, tạo sự đồng bộ và hiệu quả trong việc kết hợp QLNN về XKLĐ theo ngành, lãnh thổ trong nước và nước ngoài. Đồng thời, tích cực triển khai đào tạo toàn diện và bồi dưỡng cán bộ quản lý ngang tầm với nhiệm vụ mới, cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, pháp luật, kinh tế, chính trị, ngoại ngữ, tin học… để đáp ứng yêu cầu của ngành trong giai đoạn mới.

Hai là, ban hành kịp thời các văn bản pháp lý và điều chỉnh các nội dung của các bộ luật khác có liên quan đến XKLĐ. Hài hòa hóa luật về XKLĐ của Việt Nam với luật tiếp nhận lao động nước ngoài của các nước nhập cưCác văn bản hướng dẫn dưới Luật cần phải được ban hành kịp thời và phải được theo dõi, điều chỉnh theo diễn biến của thực tế XKLĐ, phải có sự tính toán cụ thể để phát huy được lợi thế nguồn nhân lực và không cản trở hoạt động của các doanh nghiệp XKLĐ, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia.

Ba là, hoàn thiện pháp luật về hợp đồng XKLĐCần có một sự chuyển biến căn bản về nhận thức các loại hợp đồng trong XKLĐ, phân biệt chức năng mục đích của từng loại hợp đồng, những điều khoản trong các hợp đồng phải thống nhất nhau, kế thừa nhau, tạo thành bộ hợp đồng trong XKLĐ.

Các hợp đồng trong XKLĐ phải chứa đựng đầy đủ đặc điểm của một quan hệ pháp luật, đó là tính ý chí, tính xã hội và tính cưỡng chế của pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia, thuận tiện trong việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng, tạo điều kiện cho các cơ quan QLNN theo dõi, đánh giá và hoạch định chiến lược XKLĐ.

Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động XKLĐBộ LĐTBXH cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ: xây dựng những quy định và điều kiện chặt chẽ đối với đơn vị được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài; nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn cấp giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp XKLĐ…

Năm là, hoàn thiện luật cho người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoàiNhà nước có thể ban hành luật cho người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hướng: Quy định cấp giấy phép có thời hạn 3 – 5 năm, hết thời hạn đó mà doanh nghiệp không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ không được cấp lại giấy phép; cho phép tạo nguồn lao động để chuẩn bị cung ứng cho hợp đồng do những quy định về tuyển chọn lao động có thể khiến doanh nghiệp bỏ lỡ hợp đồng do không có nguồn lao động chất lượng cao sẵn có, phù hợp về điều kiện và các chỉ tiêu về mặt chuyên môn và tay nghề để đối tác tuyển.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhà nước về XKLĐ. Công tác thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thường xuyên, kịp thời nhưng phải bảo đảm quyền tự chủ của doanh nghiệp nhằm phát huy những nhân tố tích cực. Đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm những doanh nghiệp có hành vi vi phạm để từ đó tiến hành tổng kết, đánh giá nhằm nắm bắt được tình hình thực hiện pháp luật, các kiến nghị của doanh nghiệp và địa phương kịp thời điểu chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật cho phù hợp với thực tế của công tác quản lý. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra XKLĐ là tiền đề và điều kiện tăng cường quản lý và hiệu lực của QLNN.

Bảy là, tăng cường vai trò của Hiệp hội XKLĐ Việt Nam. Cụ thể:

(1) Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của hội viên: Tăng cường cung cấp thông tin cho các hội viên về thị trường lao động ngoài nuớc như: chính sách, pháp luật, dự báo nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước, các khu vực. Mở rộng quan hệ với các hiệp hội môi giới và hiệp hội chủ sử dụng lao động nước ngoài để nắm bắt kịp thời các thông tin và diễn biến thị trường lao động nước ngoài.

Phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng đề án khảo sát thị trường lao động có tiềm năng. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa Hiệp hội với các cơ quan QLNN tạo thành mô hình gắn kết “5 nhà”: Nhà nước – Nhà nông (NLĐ) – Nhà buôn (doanh nghiệp) – Nhà khoa học – Nhà băng. Mở rộng quan hệ với các chính quyền địa phương, các cơ sở đào tạo để giúp hội viên tạo nguồn lao động, phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền sát thực về hình ảnh XKLĐ nhằm tạo lòng tin cho NLĐ và xã hội đối với hoạt động XKLĐ.

(2) Xây dựng sự gắn kết, kinh doanh lành mạnh của cộng đồng doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội có nhiệm vụ tạo cầu nối để các hội viên hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động kinh doanh. Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các hội viên giúp đỡ nhau cùng phát triển. Vận động các hội viên tuân thủ pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ ở nước ngoài.

Chú thích:
1. Cơ sở lý luận về dịch chuyển lao động có tay nghề trong ASEAN. http://congdoan.vn, truycậpnhật ngày 28/7/2019.
2. Nguyễn Bình Giang, Di chuyển lao động quốc tế. H. NXB Khoa học xã hội, 2011, tr. 3.
3. Đỗ Hoàng Toàn, Giáo trình quản lý kinh tế. H.NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 5.
4. Nguyễn Xuân Hưng, Quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động của Việt Nam, Luận án Tiến sỹ Kinh tế, 2015, tr. 38.
5. Tự do di chuyển lao động trong cộng đồng kinh tế ASEAN – cơ hội và thách thức đối với nhân lực có kỹ năng ở Việt Nam. http://www.tapchicongthuong.vn, truy cập ngày 28/7/2019.
TS. Lương Minh Việt – ThS. Vũ Hoàng Mạnh Trung
Học viện Hành chính Quốc gia