Xây dựng văn hóa Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(QLNN) – Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá, chứa đựng những nội dung hết sức sâu sắc và phong phú, bao quát nhiều lĩnh vực của cách mạng Việt Nam; thể hiện tư duy chính trị sắc sảo, nhạy bén và tấm lòng hết mình vì nước, vì dân của Người. Trong đó, xây dựng văn hóa Đảng là một trong những nội dung đặc sắc, điểm nhấn trong tác phẩm này.

 

Xét về mặt hình thức và câu chữ, bản Di chúc không có một thuật ngữ nào trực tiếp đề cập về văn hóa Đảng hay xây dựng Đảng về văn hóa,… Song, nghiên cứu khách quan, toàn diện cho thấy từ tầng sâu, bản chất của vấn đề, nội dung xây dựng văn hóa Đảng được thể hiện gián tiếp, tinh tế, kín đáo mà sâu sắc, sinh động và thuyết phục không chỉ trong bản Di chúc mà cả trong toàn bộ di sản tư tưởng của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Về mặt lý luận, văn hóa là những giá trị nhân đạo, nhân văn, chân – thiện – mỹ, do con người sáng tạo, lưu giữ, bồi đắp, phát huy nhằm hoàn thiện nhân cách con người. Đảng là của con người, do con người, mà đó lại là những con người ưu tú nhất, tiến bộ nhất. Vì thế, văn hóa và Đảng tất yếu có quan hệ bản chất. V.I.Lênin đã từng chỉ rõ, Đảng là trí tuệ, danh dự và lương tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, Đảng là đạo đức, là văn minh. Xét đến cùng, trí tuệ, danh dự, lương tâm, đạo đức, văn minh cùng thuộc phạm trù văn hóa. Điều đó có nghĩa, “V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhất quán khẳng định bản chất của Đảng trước tiên và quan trọng nhất là văn hóa”(1). Nói cách khác, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải luôn coi trọng xây dựng và thực hành văn hóa Đảng.

Thực tiễn đã chứng minh, văn hóa Đảng gắn liền với quá trình hình thành, phát triển, với truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc. Sự ra đời của Đảng chính là một sản phẩm của văn hóa, là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đỉnh cao của văn hóa nhân loại (chủ nghĩa Mác – Lênin) với tinh hoa của văn hóa dân tộc (phong trào yêu nước và phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam).

Bên cạnh đó, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng đã tạo lập nên những giá trị nổi bật, kết tinh trong lý tưởng, trí tuệ, phẩm chất, hoạt động của Đảng, tạo thành năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, vị thế, uy tín của Đảng trước dân tộc và thế giới. Những giá trị đó tổng hợp thành văn hóa Đảng, mà hạt nhân, bản chất là văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền của Đảng.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn coi trọng xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt, nhất là về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đó chính là xây dựng văn hóa Đảng. Bởi vì, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bản lĩnh cầm quyền của Đảng vừa là kết quả được tạo ra từ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; vừa là thước đo đánh giá trình độ trưởng thành, lớn mạnh của đảng cầm quyền.

Hơn nữa, xây dựng văn hóa Đảng còn góp phần làm cho những giá trị văn hóa lan tỏa sâu rộng, vững chắc vào đời sống, các mối quan hệ con người và tổ chức, trong Đảng và ngoài Đảng. Thông qua đó, văn hóa làm cho hoạt động xây dựng Đảng về chính trị thấm nhuần tính nhân văn, hoạt động chính trị trở thành “nghệ thuật chính trị”; hoạt động xây dựng Đảng về tư tưởng thực sự là tư tưởng khoa học và cách mạng; hoạt động xây dựng Đảng về tổ chức thực sự vững vàng về nguyên tắc, tuân thủ theo các chuẩn mực dân chủ và pháp quyền.

Xây dựng văn hóa Đảng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nghiên cứu từ rất sớm và được thể hiện xuyên suốt, nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Trong đó, Di chúc của Người là sự kết tinh, hội tụ cô đọng và hàm súc nhất, đặc biệt là về xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, văn hóa tự phê bình và phê bình, thực hành đạo đức cách mạng, văn hóa trọng dân, gần dân và sự nêu gương của người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.v.v…
Điều đó được biểu hiện cụ thể như sau:

Một là, tạo lập, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng – một đặc trưng của xây dựng văn hóa Đảng.

Đoàn kết là một trong những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đoàn kết thống nhất trong Đảng cũng trở thành một giá trị văn hóa của đảng cầm quyền, một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng, là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đây là nhân tố quan trọng hàng đầu đảm bảo cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành thắng lợi sứ mệnh lịch sử mà nhân dân, dân tộc giao phó.

Không phải ngẫu nhiên mà trong bản Di chúc thiêng liêng, nội dung đầu tiên Người đề cập về công tác xây dựng Đảng chính là vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng. Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” (2).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để sự đoàn kết thống nhất trong Đảng thực sự trở thành một giá trị văn hóa Đảng, là nền tảng cho mọi thành công của Đảng thì đoàn kết phải trước sau như một, đoàn kết phải dựa trên cơ sở lý luận mácxít, đường lối, chủ trương của Đảng và vì lợi ích của tập thể. Tức là, Đảng phải là một khối thống nhất cả ý chí và hành động, trong Đảng không cho phép có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; không phải bên ngoài đoàn kết nhưng bên trong lại bất đồng, mâu thuẫn. Vì thế, trong bản Di chúc Người đã nhấn mạnh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(3).

Để thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra yêu cầu, biện pháp rất cơ bản, khoa học và cụ thể. Người cho rằng, “cách tốt nhất” là phải thực hiện nghiêm túc, triệt để các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc dân chủ, tự phê bình và phê bình. Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”(4).

Thực tế cho thấy, nhờ thực hành dân chủ mà Đảng ta đã khơi dậy, phát huy cao nhất trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình; đã từng bước khắc phục được tình trạng cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, hách dịch cửa quyển, xa rời quần chúng. Nhưng, dân chủ phải gắn với tập trung, kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện dân chủ hình thức; hoặc lợi dụng dân chủ để truyền bá những quan điểm, tư tưởng cá nhân sai trái, xâm hại đến lợi ích chung, gây mất đoàn kết trong Đảng, bất ổn trong xã hội.

Mặt khác, trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh, để có sự đoàn kết thống nhất thực sự trong Đảng, không chỉ cần thực hiện đúng nguyên tắc, giữ vững bản lĩnh và lý trí, mà mỗi cán bộ, đảng viên còn phải có tình thương yêu đồng chí, sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc. Không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau sẽ dẫn đến dân chủ hình thức, tự phê bình và phê bình không nghiêm túc hoặc lợi dụng dân chủ, lợi dụng phê bình để trả thù cá nhân. Bởi vậy, vào năm 1966, Người bổ sung vào bản Di chúc cụm từ “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Đọc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ bản thảo đầu tiên (tháng 5/1965) đến những dòng sửa chữa, bổ sung (trong các năm 1967, 1968 và 1969), chúng ta thấy, Người luôn nhấn mạnh đến vấn đề đoàn kết, mà đặc biệt là sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Trong lời căn dặn đầu tiên “Trước hết nói về Đảng…”, chỉ với một đoạn văn ngắn gọn (hơn 100 từ), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng tới 5 lần cụm từ “đoàn kết”. Nhưng điều đặc biệt là ở chỗ, xuyên suốt vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng ở Di chúc (từ sự cần thiết, yêu cầu, nội dung và biện pháp xây dựng… mà Người đã chỉ ra) đều chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả, thấm đượm giá trị văn hóa đặc sắc. Đó chính là một trong những biểu hiện đặc trưng của văn hóa Đảng.

Hai là, thực hành văn hóa tự phê bình và phê bình – một nội dung căn bản trong xây dựng văn hóa Đảng.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, trong bản Di chúc của Người nói riêng, tự phê bình và phê bình không chỉ được xem là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng,… mà đã được nâng lên tầm văn hóa tự phê bình và phê bình để góp phần thiết thực trong xây dựng văn hóa Đảng. Theo đó, văn hóa tự phê bình và phê bình được thể hiện trước hết ở mục đích đúng đắn và động cơ trong sáng của việc tự phê bình và phê bình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, mục đích cao nhất và duy nhất của việc tự phê bình và phê bình là một mặt để sửa chữa cho nhau, mặt khác để khuyến khích nhau, “bắt chước” nhau cùng tiến bộ mãi. Tự phê bình và phê bình là để “trị bệnh cứu người”, để dân chủ và kỷ luật trong Đảng tốt hơn, nghiêm minh hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn, làm cho tổ chức đảng và cơ quan nhà nước trong sạch, vững mạnh hơn; qua đó “để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”(5).

Tự phê bình và phê bình yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao trách nhiệm, phải có động cơ trong sáng, vì lợi ích của Đảng, của dân tộc, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Những biểu hiện tiêu cực như: chỉ thiên về vạch khuyết điểm của người khác theo kiểu “bới lông, tìm vết” để tìm cách hạ bệ nhau, làm giảm uy tín của nhau,… thực chất đều là biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, là những yếu tố phản văn hóa trong tự phê bình và phê bình. Người chỉ rõ, những người cơ hội, vụ lợi luôn không dám phê bình trung thực, thẳng thắn, “không phê bình trước mặt để nói sau lưng. Khi khai hội thì không nói, lúc khai hội rồi mới nói”. “Khi phê bình ai, không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”(6).

Mặt khác, văn hóa tự phê bình và phê bình theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là thái độ thẳng thắn, trung thực, không sợ sai lầm, khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Người luôn nhắc nhở, trong khi phê bình người khác phải giữ thái độ hoàn toàn khách quan, công tâm, chân tình, không quy chụp, gò ép, mà phải giải thích rõ ràng những sai lầm, khuyết điểm, tác hại của nó và chỉ ra nguyên nhân, phương pháp sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm đó.

Trong đó, đối với người phê bình, Người khuyên phải nói thật, nói thẳng, không sợ bị “trù dập”, không nên có thái độ “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “không nể nang, không thêm bớt”. Nhưng đồng thời Người cũng nhắc nhở, phê bình tuyệt nhiên không phải để công kích, nói xấu; trong phê bình “chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc”(7). Còn đối với người được tổ chức, được đồng chí phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải có thái độ thành khẩn, vui lòng nhận để sửa đổi, không vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét người phê bình.

Trong tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc lấy giáo dục làm đầu, cốt để răn, dạy, động viên, nâng đỡ con người, chứ không phải để trừng phạt. Người viết: “Ta phải tự phê bình ráo riết, và phải lấy lòng nhân ái, lấy lòng thành thật mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau”(8).

Có thể thấy, mục đích cao cả, động cơ trong sáng, thái độ thẳng thắn, chân thành trong tự phê bình và phê bình theo tinh thẩn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tấm lòng yêu thương con người, quý trọng tình đồng chí, đồng đội, nêu cao nghĩa đồng bào, đổng loại, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, kế tục và phát huy đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam. Những yếu tố đó là giá trị văn hóa Đảng, cần thường xuyên được xây dựng và thực hành triệt để.

Ba là, tăng cường rèn luyện đạo đức cách mạng – hạt nhân của xây dựng văn hóa Đảng.

Đạo đức là cốt lõi, chính yếu của văn hóa. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề trung tâm, nổi trội, quy tụ nhất trong xây dựng văn hóa Đảng chính là thực hành đạo đức cách mạng trong Đảng và ở mỗi đảng viên. Đây là vấn đề mà Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt sâu sắc, trong đó Người thường xuyên nhấn mạnh, để xây dựng Đảng trong điều kiện cầm quyền, vấn đề tiên quyết là phải chăm lo giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng. Vì thế, trước lúc đi xa, trong Di chúc một lần nữa Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyển. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng” (9).

Với tư duy khoa học và tầm nhìn chiến lược cùng với sự mẫn cảm chính trị sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên lượng, sớm chỉ ra nguy cơ cán bộ, đảng viên rất dễ bị cám dỗ bởi cạm bẫy về lợi ích vật chất, bị sa ngã trước sự cám dỗ của quyền lực và tiền bạc, rất dễ đánh mất mình, dễ bị suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nguy cơ đó sẽ ngày càng tăng nếu mỗi cán bộ, đảng viên xem thường việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, như Người đã cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(10).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và ở mỗi cán bộ, đảng viên, xét về bản chất của khía cạnh văn hóa, đó là biểu hiện của sự suy thoái về văn hóa trong Đảng; là bộc lộ sự yếu kém, thiếu hụt năng lực văn hóa, sự lệch chuẩn văn hóa của cán bộ, đảng viên; trở thành những vấn đề cấp bách, bức xúc, làm cho toàn Đảng, toàn dân quan tâm, lo lắng. Người nhấn mạnh, điều này sẽ làm tổn hại tới uy tín, thanh danh của Đảng, làm suy giảm niềm tin của cả đảng viên và nhân dân đối với Đảng; gây phương hại tới năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Vì vậy, Người luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên coi trọng việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Đây chính là hạt nhân của xây dựng văn hóa Đảng, là một trong những phương thức hữu hiệu để xây dựng văn hóa Đảng.

Bốn là, coi trọng văn hóa nêu gương, văn hóa gần dân, trọng dân – vấn đề cơ bản của xây dựng văn hóa Đảng.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa Đảng còn là văn hóa nêu gương, “gương mâu là một nội dung, một phương thức trọng yếu trong công việc lãnh đạo của Đảng” (11). Do đó, sự gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức đảng cũng chính là văn hóa Đảng. Vì thế, để góp phần xây dựng văn hóa Đảng theo tinh thần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần tiếp tục đề cao sự gương mẫu về mọi mặt của các tổ chức và từng cán bộ, đảng viên. Người từng huấn thị: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(12).

Do vậy, để xây dựng văn hóa nêu gương đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương phải luôn làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống ở mọi lúc, mọi nơi, mọi việc; nói phải đi đôi với làm, nói ít làm nhiều để quần chúng noi theo. Người nói: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho ngưòi ta bắt chước” (13).

Xây dựng văn hóa Đảng là làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, làm cho nhân dân tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ, bảo vệ Đảng. Vì vậy, một trong những phương thức hữu hiệu, thiết thực để thực hành văn hóa nêu gương là phải đẩy mạnh thực hiện nguyên tắc “văn hóa gần dân, văn hóa trọng dân, văn hóa vì dân” của mỗi cán bộ, đảng viên. Bởi một chân lý thật giản đơn: có gần dân mới hiểu dân, tin dân và được dân tin yêu mến phục, người cán bộ, đảng viên mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, mới “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (14). Gần dân còn là để học hỏi dân, để làm tốt vai trò cầu nối nhân dân với Đảng, Nhà nước; qua đó sẽ trọng dân và phục vụ nhân dân được tốt hơn. Xa rời nhân dân, cán bộ, đảng viên sẽ giống như “cá bị tách ra khỏi nước”, mất khả năng và sức sống.

Mặc dù trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đề cập đến việc “xây dựng văn hóa Đảng”, nhưng suy ngẫm qua những lời căn dặn ân cần, giản dị, dễ hiểu và súc tích của Người khi để cập đến nội hàm, giá trị cốt lõi của công tác xây dựng Đảng, v.v… chúng ta thấy toát lên giá trị nhân văn, nhân đạo cao cả, giá trị chân – thiện – mỹ sâu sắc và độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nổi bật và tỏa sáng văn hóa Đảng. Năm mươi năm đã qua kể từ khi Di chúc được công bố, nhưng toàn bộ nội dung, đặc biệt là tư tưởng của Người vể xây dựng văn hóa Đảng trong tác phẩm này vẫn còn nguyên giá trị tư tưởng và ý nghĩa hiện thực.

Quán triệt và hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa Đảng, trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là xây dựng văn hóa Đảng, đã giành được những thành tựu to lớn và nổi bật. Tuy nhiên, trưóc những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, cùng vổi yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nhất là “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”(15) đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Nếu Đảng không giữ vững bản chất cách mạng, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí và hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức, cán bộ thì sẽ không được nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Vì vậy, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn quán triệt, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong đó cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thực hiện triệt để những giá trị khoa học và cách mạng của Người về xây dựng văn hóa Đảng trong bản Di chúc lịch sử./.

Chú thích:
(1) Vũ Ngọc Hoàng, Xây dựng Đảng về văn hóa, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 03/4/2015.
(2), (3), (4), (5), (9), (10), (14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr.622, tr.622, tr.622, tr.622, tr.622, tr.672, tr.622.
(6),(7),(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr.298, tr.272, tr.279.
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, H. NXB Chính trị Quốc gia, 1998, tr.81.
(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1, H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr.284.
(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr.16.
(15) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, H. Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr.22.

PGS. TS. Nguyễn Đình Bắc
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng