Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nguồn nhân lực cho khu vực công cần đổi mới sâu sắc hơn nữa

(QLNN) – “Trải qua 60 năm thành lập, phát triển, trong nhiều giai đoạn với những tên gọi khác nhau, Học viện Hành chính Quốc gia đã không ngừng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, học viên của Học viện đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực sáng tạo, xây dựng Học viện phát triển về mọi mặt, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và nghiên cứu khoa học hành chính, quản lý công”. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Học viện Hành chính Quốc gia, ngày 08/6/2019 (Nguồn: napa.vn).

Thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng;

Thưa các đồng chí lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia qua các thời kỳ;

Thưa các đồng chí cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia;

Thưa toàn thể các đồng chí!

Hôm nay, tôi rất vui mừng về dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Học viện Hành chính Quốc gia, trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học về hành chính và quản lý nhà nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái gửi tới các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo, nhất là các nhà giáo lão thành, cán bộ, nhân viên, học viên, sinh viên của Học viện chúng ta những lời thăm hỏi thân thiết và chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí,

Trải qua 60 năm thành lập, phát triển, trong nhiều giai đoạn với những tên gọi khác nhau, Học viện Hành chính Quốc gia đã không ngừng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, học viên của Học viện đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực sáng tạo, xây dựng Học viện phát triển về mọi mặt, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và nghiên cứu khoa học hành chính, quản lý công. Những kết quả mà Học viện đã đạt được, góp phần đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và xây dựng bộ máy hành chính của đất nước ta.

Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm nghìn lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ, công chức cho hệ thống hành chính nhà nước, hệ thống chính trị. Nhiều học viên của Học viện đã trở thành nhà lãnh đạo, nhà quản lý có uy tín, giữ trọng trách trong các cơ quan trung ương và địa phương.

Những kết quả nghiên cứu của Học viện về khoa học hành chính, về lãnh đạo, quản lý đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước xây dựng những chủ trương, chiến lược, chính sách về cải cách hành chính, công vụ, công chức cũng như tư vấn cho các cơ quan hành chính nhà nước, các doanh nghiệp về hành chính, chính sách.

Học viện cũng tích cực, chủ động hợp tác với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của nhiều nước và tổ chức quốc tế để hỗ trợ đổi mới chương trình, giáo trình và phát triển đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Trong những năm gần đây, Học viện đã tích cực triển khai việc sắp xếp bộ máy, giảm đầu mối và tập trung cho nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, công chức; đào tạo chất lượng cao theo tinh thần Quyết định 05 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Học viện. Đặc biệt, có một tinh thần đoàn kết quyết tâm mới trong thời gian gần đây, là một tín hiệu rất vui với tất cả chúng ta.

Hôm nay, cùng nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển của Học viện, chúng ta không thể không nhắc tới những nỗ lực, đóng góp to lớn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ quản lý, giảng viên; trong đó có những nhà giáo, nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam về quản lý hành chính, tiêu biểu như: cố GS. Mai Hữu Khuê, cố GS. Đoàn Trọng Truyến, cố GS.TS. Bùi Thế Vĩnh, GS.TS. Vũ Huy Từ, GS.TSKH. Nguyễn Duy Gia… và nhiều nhà giáo ưu tú khác có mặt hôm nay.

Với những đóng góp to lớn và thành tích xuất sắc trong 60 năm qua, Học viện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý, như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập các hạng Nhất, Nhì, Ba… Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, Học viện lại vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì 2 lần. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích to lớn của Học viện trong những năm qua.

Thưa các đồng chí,

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến cho các quốc gia nhiều cơ hội và thách thức, tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải có những thay đổi trong quản trị quốc gia để tận dụng thời cơ, không bỏ mất cơ hội và không nằm ngoài tiến trình phát triển của thế giới. Quản trị quốc gia phải tạo được động lực, khơi nguồn cho những ước mơ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, xây dựng nên những thế hệ doanh nhân, nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà quản lý xuất sắc, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Muốn xây dựng nền hành chính nhà nước kiến tạo, liêm chính, minh bạch, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp thì trụ cột quan trọng nhất chính là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng cao, có đạo đức trong sáng và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn mới phải có tinh thần khởi nghiệp, tạo sự lan tỏa, ủng hộ cái mới, sự sáng tạo và tạo lập những điều kiện cần thiết cho tinh thần khởi nghiệp.

Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển nguồn nhân lực, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đã khẳng định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả.

Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nguồn nhân lực cho khu vực công cần phải đổi mới, đổi mới quyết liệt và đổi mới sâu sắc hơn nữa. Học viện Hành chính Quốc gia không được phép bằng lòng với những gì đã đạt được mà cần phải vươn lên với tinh thần đổi mới, đột phá. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “… huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng; yêu cầu phải thiết thực, chu đáo trong công việc huấn luyện”. Thấm nhuần những tư tưởng đó, trong bối cảnh phát triển mới, tôi đề nghị Học viện cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong giai đoạn tới như sau:

Một là, phát triển Học viện Hành chính Quốc gia gắn với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, làm việc hiệu quả trong môi trường hội nhập sâu rộng và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Học viện cần xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, xác định được những nhiệm vụ, những công việc mà Học viện có thể đảm trách, trong đó đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt với Lào và Cam-pu-chia.

Bồi dưỡng kiến thức cần song hành với bồi dưỡng nhân cách, chú trọng hình thành và phát triển tư duy quản trị hành chính phù hợp với yêu cầu xây dựng quốc gia khởi nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trung thành với Đảng, Nhà nước, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân.

Hiện nay, hệ thống hành chính nhà nước các cấp tuy đã có nhiều đổi mới, song không ít cán bộ, công chức vẫn còn tư duy hành chính xin – cho, nhũng nhiễu; thủ tục hành chính chậm cải tiến, người dân, doanh nghiệp còn kêu ca… Thông qua công tác đào tạo, Học viện cần phải chuyển tải, khơi thông và truyền bá tư duy hành chính liêm chính, hành chính phục vụ, hành chính kiến tạo trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của nước ta; nếu không, việc đào tạo sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa, vì như Bác Hồ đã nói: “Học đi đôi với hành”.

Hai là, Học viện cần đổi mới toàn diện chương trình, tài liệu bồi dưỡng, trang bị những kiến thức, kỹ năng mà cán bộ, công chức cần phải có để đáp ứng trước yêu cầu của quản lý nhà nước hiện nay và nhiều năm tiếp theo. Giáo trình, tài liệu của Học viện phải thực sự là cẩm nang tri thức quản lý đối với mọi cán bộ, công chức. Đồng thời, Học viện phải đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xóa nhòa những giới hạn về không gian, thời gian trong bồi dưỡng cán bộ, công chức bằng các hình thức đào tạo phù hợp, tạo điều kiện để cán bộ, công chức ở mọi nơi, mọi lúc có thể tiếp cận, được bồi dưỡng kiến thức quản lý, sát thực tiễn cuộc sống. Cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo là một yêu cầu đặt ra cho Học viện Hành chính Quốc gia.

Ba là, đào tạo sau đại học cần góp phần xây dựng đội ngũ chuyên gia, các nhà quản lý có tư duy đổi mới, tiên phong, có tri thức quản lý khoa học, có khả năng ứng dụng các công cụ quản trị hiện đại vào hoạt động công vụ, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đào tạo sau đại học cũng phải nâng cao chất lượng hơn nữa để góp phần phát triển nhân lực cho khu vực công, không được học chỉ để lấy cái bằng, cái danh, mà cần thực chất hơn, đóng góp cho cơ quan, đơn vị công tác nhiều hơn.

Bốn là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và tư vấn. Nghiên cứu khoa học cần gắn liền với thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện; đồng thời, đưa ra được những dự báo, tư vấn về chính sách quản lý hành chính cho Đảng, Nhà nước ta. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện cần gắn chặt với công tác của Bộ Nội vụ và Chính phủ, nhất là việc chuẩn bị xây dựng các đề án quan trọng mà Trung ương, Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ chủ trì chuẩn bị.

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy không chỉ có trình độ, chuyên môn giỏi mà còn phải nắm chắc thực tiễn quản lý nhà nước, có vốn sống thực tế, có năng lực sáng tạo, có phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị vững vàng.

Chú trọng phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học có kinh nghiệm và uy tín trong và ngoài Học viện. Sau mỗi khóa đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải có sự phát triển mới về năng lực, trình độ, kỹ năng và động lực công tác để nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của cơ quan mình, góp phần phát triển nền hành chính quốc gia. Học viện cũng cần tiếp tục quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của  cán bộ, công nhân viên và học viên.

Thưa các thầy, cô giáo và các bạn học viên, sinh viên thân mến,

Được là học viên, sinh viên của Học viện có truyền thống 60 năm là một niềm vinh dự của mỗi chúng ta. Tôi đề nghị mỗi học viên, sinh viên của Học viện cần tranh thủ thời gian, tận dụng mọi điều kiện để đọc, nghe, trao đổi, thảo luận, phát huy tính chủ động, ý thức tự giác, biến quá trình được đào tạo thành tự đào tạo; học đi đôi với hành, gắn kiến thức cơ bản với kiến thức ứng dụng để vận dụng vào hoạt động thực tiễn, xử lý đúng các tình huống công việc, trở thành cán bộ ưu tú về trí tuệ và đạo đức, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng và bộ máy chính quyền các cấp.

Hôm nay, với tư cách là học viên cũ của Học viện những năm 80 của thế kỷ XX, tôi xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới các thầy, các cô, những người thầy xuất sắc cho những học viên đã từng học tại Học viện. Tôi thật sự cảm động nhận thấy sau mấy chục năm gặp lại, các thầy cô vẫn theo sát từng bước phát triển của Học viện, vẫn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục – đào tạo của đất nước. Tôi xin được bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và chúc các thầy, các cô luôn mạnh khỏe, lạc quan, vững tin vào tương lai tươi sáng của Học viện, vào thế hệ cán bộ, giảng viên của Học viện.

Tôi cũng mong tất cả chúng ta – những người đã và đang công tác, học tập tại Học viện, dù ở cương vị nào cũng luôn cố gắng, phát huy tài năng, sức sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Đó cũng là hành động thiết thực xây dựng hình ảnh, vai trò và uy tín của Học viện Hành chính Quốc gia thân yêu của chúng ta trong hệ thống các cơ sở đào tạo trong nước.

Chúc quý vị đại biểu và các thầy, cô giáo, học viên, sinh viên, cán bộ, nhân viên, người lao động của Học viện sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

Ban Biên tập Tạp chí Điện tử