Hiện đại hóa cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở Học viện Hành chính Quốc gia

(QLNN) – Với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, ngoài chương trình, giáo trình thì cơ sở vật chất là một tiền đề rất quan trọng nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Theo quy định, một nhà trường đại học, học viện được xây dựng theo những chuẩn mực quốc tế phải có cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính tương xứng đủ lớn để trang trải cho các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy có chất lượng, hiệu quả. Cơ sở vật chất không phải là nhân tố quyết định nhưng có một vai trò không thể thiếu trong quá trình thực hiện đào tạo, bồi dưỡng.

Yêu cầu khách quan về nâng cấp cơ sở vật chất trong các cơ sở đào tạo hiện nay

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thì cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị hiện đại, tích hợp với các công cụ cho chuyển đổi số như: công cụ hội nghị truyền hình Skype, Gotomeeting, Blue jeans; ứng dụng đàm thoại, chia sẻ tài nguyên Microsoft Teams; ứng dụng OneNote; Stream; ứng dụng phân tích người đọc Reader Analytics; tra từ điển Tflat; dịch vụ trực tuyến Wolfram Alpha; công cụ Power BI và các Hệ thống quản lý học tập Blackboard, WebCT, Desire2Learn, ANGEL, Sakai, Moodle… là cực kỳ quan trọng, mang tính sống còn đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD).

Việc nhanh chóng áp dụng công nghệ mới, sử dụng các công cụ đa năng, như: máy tính, máy chiếu, bài giảng điện tử, bảng điện tử thông minh, sách giáo khoa điện tử, nhất là các phần mềm dạy học; tổ chức lớp học, giao bài tập, giới hạn thời gian, kiểm tra bài, cung cấp tài liệu, nhận phản hồi, điều chỉnh hoạt động của giảng viên, học viên, tổ chức ĐTBD trực tuyến, từ xa… là hết sức cần thiết, một mặt, nhằm nâng cao chất lượng ĐTBD, mặt khác, tiết kiệm chi phí xã hội cho việc ĐTBD cả về thời gian, tài chính; đồng thời, tạo nền tảng cho việc hội nhập quốc tế.

Xây dựng các mô hình trường quay thu nhỏ sử dụng công nghệ mới, các phòng học ảo, phòng thí nghiệm ảo, thiết bị ảo, thư viện ảo, dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI, nhất là trong tổng hợp thông tin học tập, các gợi ý hữu ích cho người học và người dạy, tạo điều kiện cho người học tiếp cận giáo trình chuẩn hóa theo từng cá nhân, trong đánh giá năng lực và nhu cầu của người học… là một xu thế tương đối phổ biến và phát triển hiện nay ở các cơ sở đào tạo trên thế giới và ở Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm đến xây dựng và hoàn thiện chính phủ điện tử, trong đó có xây dựng chính quyền điện tử, cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở sẽ vận hành theo chế độ điện tử. Trong bài phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Học viện Hành chính Quốc gia (ngày 08/6/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Muốn xây dựng nên hành chính nhà nước kiến tạo, liêm chính, minh bạch, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp thì trụ cột quan trọng nhất chính là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có chất lượng cao, có đạo đức trong sáng, đáp ứng yêu cầu hội nhập… Học viện Hành chính Quốc gia không được phép bằng lòng với những gì đã đạt được mà cần phải vươn lên với tinh thần đổi mới đột phá”1.

Thủ tướng khẳng định, hoạt động ĐTBD, nghiên cứu khoa học hành chính và quản lý nhà nước của Học viện Hành chính Quốc gia gắn liền với vấn đề cải cách hành chính, với vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Cũng tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng đã yêu cầu: “Học viện phải đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xóa nhòa những giới hạn về không gian, thời gian trong bồi dưỡng CBCCVC bằng các hình thức đào tạo phù hợp, tạo điều kiện để CBCCVC ở mọi nơi, mọi lúc có thể tiếp cận, được bồi dưỡng kiến thức quản lý, sát thực tiễn cuộc sống”2. Và, “Học viện Hành chính Quốc gia phải xây dựng theo hướng học viện điện tử, gắn với chính phủ điện tử”3.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trong bài viết đăng trên Tạp chí Quản lý nhà nước số tháng 5/2019 cũng như những lần thăm và làm việc với Học viện đều nhấn mạnh yêu cầu: “Học viện tập trung xây dựng cơ sở vật chất trên cơ sở hiện có, quản lý và sử dụng hợp lý, tiết kiệm các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất. Chú trọng việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại phục vụ nhiệm vụ quản lý và giảng dạy”4.

Theo Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án ĐTBD CBCCVC giai đoạn 2016 – 2025, trong đó có nhấn mạnh tới giải pháp “Xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia trở thành những trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm khu vực”.

Đặc biệt, Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia, trong đó khẳng định Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Nội vụ.

Theo Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg, Học viện được giao thực hiện 14 nhiệm vụ, trong đó tập trung chủ yếu vào việc: bồi dưỡng CBCCVC; đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành theo quy định của pháp luật; nghiên cứu và phổ biến kiến thức về khoa học hành chính và quản lý nhà nước; tham gia với các đơn vị của Bộ Nội vụ xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch, quy chế và các văn bản quy phạm pháp luật khi được cấp có thẩm quyền giao; hợp tác quốc tế trong ĐTBD, trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học hành chính, quản lý nhà nước và các lĩnh vực liên quan; quyết định và chỉ đạo thực hiện Chương trình cải cách hành chính đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc Học viện và các tổ chức khác theo chỉ đạo hoặc phân công của Bộ trưởng Bộ Nội vụ…

Mặc dù Học viện không còn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại học kể từ năm 2018, song so với trước đây, các nhiệm vụ khác được giao cho Học viện đã được tăng thêm rất nhiều. Do đó, trong giai đoạn mới, đòi hỏi Học viện cần khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển lâu dài với những mô hình hoạt động mới để phát triển xứng tầm là trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học, ĐTBD và phấn đấu trở thành trung tâm ĐTBD cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm khu vực.

Để thực hiện được mục tiêu trên, ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, đổi mới nội dung chương trình, giáo trình ĐTBD và nghiên cứu khoa học, Học viện còn cần phải được tăng cường đầu tư về hệ thống CSVC để phục vụ cho công tác bồi dưỡng CBCCVC với nhiều loại hình mới, trong đó có ĐTBD đội ngũ tinh hoa cho nền công vụ.

Trước những yêu cầu đó, với hệ thống CSVC vừa hạn chế về diện tích, vừa hạn chế về chất lượng như hiện tại thì chưa thể đáp ứng được việc nâng cao chất lượng ĐTBD và nghiên cứu khoa học của Học viện. Về vấn đề này, thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Nội vụ, Học viện cũng đã và đang triển khai công tác khảo sát, đánh giá về hiện trạng quản lý và sử dụng CSVC và thiết bị ĐTBD của Học viện, trong đó có tính đến chiến lược phát triển đến năm 2030 về quy mô hạ tầng và chất lượng CSVC cũng như thiết bị ĐTBD để báo cáo Bộ Nội vụ xem xét và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quan tâm tạo điều kiện để Học viện được đầu tư triển khai xây dựng, sửa chữa CSVC tại Hà Nội và các phân viện nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ  đề ra trong thời kỳ mới.

Thực trạng cơ sở vật chất của Học viện Hành chính Quốc gia

Trong quá trình hơn 60 năm xây dựng và phát triển (1959 – 2020), Học viện đã xây dựng được các cơ sở ĐTBD đặt ở các khu vực trọng yếu của đất nước, gồm: trụ sở chính tại Hà Nội và 3 phân viện là Phân viện tại TP. Hồ Chí Minh; Phân viện tại thành phố Huế và Phân viện Khu vực Tây Nguyên (tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Hiện nay, tại Hà Nội, Học viện đang được giao quản lý, sử dụng 2 trụ sở nhà và đất, gồm: trụ sở chính tại số 77 Nguyễn Chí Thanh và tại số 73 Nguyên Hồng. Thực trạng hệ thống và công năng sử dụng của các công trình được xây dựng tại trụ sở chính của Học viện đã được sử dụng hiệu quả, bao gồm khu nhà làm việc của Lãnh đạo Học viện, các khoa, ban, đơn vị. Khu Giảng đường (nhà G), Khu ký túc xá (nhà B, nhà C), Khu nhà 11 tầng…

Cùng với Hà Nội, các phân viện: Phân viện tại TP. Hồ Chí Minh, Phân viện tại thành phố Huế, Phân viện Khu vực Tây Nguyên cũng đã được xây dựng và tăng cường CSVC, như: Phân viện tại thành phố Huế có 2,66 ha tại địa chỉ số 201 Phan Bội Châu, Phường Tràng An, thành phố Huế và các công trình trên đất, gồm: khu nhà hành chính, khu giảng đường, khu ký túc xá. Ngoài ra, Phân viện còn có các công trình phụ trợ tương đối đầy đủ để phục vụ hoạt động điều hành và giảng dạy, nhà thi đấu đa năng, sân tennis, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp…

Phân viện Khu vực Tây Nguyên có tổng diện tích đất sử dụng là 8,026 ha và có 27 công trình xây dựng trên đất nhưng tất cả đều là công trình cấp 4, chỉ có một công trình cấp 3. Nhìn chung, số lượng và chất lượng CSVC của Phân viện đáp ứng theo yêu cầu sử dụng, bảo đảm hiệu quả trong quá trình sử dụng. CSVC của Phân viện luôn trong trạng thái khai thác, sử dụng, bảo đảm về chất lượng và số lượng, không có tình trạng dư thừa.

Phân viện tại TP. Hồ Chí Minh có tổng diện tích đất sử dụng là 3,96 ha và các công trình nhà trên đất bao gồm: nhà làm việc của cán bộ, viên chức và giảng viên, khu giảng đường, nhà công vụ, nhà ăn tập thể và nhà ký túc xá, hội trường, thư viện… Nhìn chung, các công trình Phân viện tại TP. Hồ Chí Minh được xây dựng từ năm 1959 và được xây dựng, sửa chữa lại năm 2006, một công trình xây dựng năm 2013 là nhà cấp 4.

Bên cạnh hệ thống CSVC nhà ở, giảng đường, các khu chức năng được đầu tư xây dựng ở cả 4 cơ sở, Học viện còn quan tâm tới việc đầu tư mua sắm các thiết bị đào tạo, phục vụ cho hoạt động ĐTBD CBCCVC, như: máy tính, máy chiếu, loa, âm ly, micro, hệ thống âm thanh, bàn, ghế, bảng… để phục vụ công tác giảng dạy truyền thống, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay, Học viện cũng đã trang bị được phòng thực hành máy tính, phòng thực hành ngoại ngữ với hệ thống máy vi tính khoảng hơn 150 bộ phục vụ đào tạo và dịch vụ công; phần mềm quản lý văn thư lưu trữ, thư viện, đào tạo cũng đã được đầu tư, hoạt động. Đồng thời, các hoạt động khác như cổng thông tin điện tử Học viện; phòng đào tạo trực tuyến, giao ban trực tuyến; phòng quay phục vụ đào tạo từ xa, Tạp chí điện tử Quản lý nhà nước cũng được chú trọng đầu tư, hiện đã và đang hoạt động mang lại hiệu quả, góp phần tích cực trong tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt đối với hoạt động ĐTBD của Học viện Hành chính Quốc gia.

Bên cạnh những kết quả của việc đầu tư nâng cấp CSVC, thì hiện tại về hạ tầng công nghệ thông tin đang có những bất cập, hạn chế cần phải được sớm khắc phục:

Một là, các trang thiết bị đã được đầu tư hiện đã đưa vào sử dụng từ lâu, nay đã xuống cấp và hư hỏng thường xuyên như máy vi tính, hệ thống máy chiếu, âm thanh…; các phần mềm quản lý đào tạo, quản lý thư viện, văn thư – lưu trữ vẫn còn hẹp, cục bộ, chưa liên thông, chưa kết nối được với hệ thống mạng chung của Bộ Nội vụ, với các cơ quan bộ, ngành trung ương. Phòng quay đào tạo từ xa còn đơn chiếc, máy quay chưa hiện đại, chưa bảo đảm đủ tiêu chuẩn của phòng quay đào tạo từ xa.

Hai là, các công trình của Học viện xây dựng đã quá lâu, đều đã xuống cấp, thực hiện cải tạo, sữa chữa nhiều lần, trong khi đó, mỗi giai đoạn, các công trình được xây dựng phục vụ nhu cầu cấp thiết của thời điểm đó, do vậy về tổng thể chung, công trình không đồng bộ trong kiến trúc và công năng sử dụng. Việc cải tạo, sửa chữa tốn nguồn kinh phí không nhỏ song cũng không khắc phục được tình trạng thiếu đồng bộ về tổng thể công trình và bất cập trong sử dụng. Hơn nữa, với khuôn viên quá chật hẹp như hiện tại, Học viện rất khó có giải pháp để đầu tư xây dựng CSVC cho xứng tầm là trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học hành chính và ĐTBD CBCCVC ngang tầm khu vực.

Giải pháp tăng cường hệ thống cơ sở vật chất trong giai đoạn mới

Để đáp ứng CSVC phục vụ công tác ĐTBD và hợp tác quốc tế trong giai đoạn mới, tiến tới xây dựng hoàn chỉnh Học viện điện tử, Học viện cần tiếp tục được đầu tư CSVC, mở rộng trụ sở, trang bị thêm các thiết bị hiện đại phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Có thể khẳng định, hiện đại hóa CSVC để đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng ĐTBD CBCCVC ở Học viện trong giai đoạn hiện nay là một tất yếu khách quan. Do đó, cần phải tập trung vào một số nội dung chính là:

Thứ nhất, xây dựng đề án xây mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở của Học viện tại Hà Nội trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đầu tư kinh phí nâng cấp trụ sở tại Hà Nội để có điều kiện tốt, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng ĐTBD đội ngũ CBCCVC ở tất cả các hệ bồi dưỡng. Tiếp tục được đầu tư nâng cấp hệ thống nhà làm việc, phòng họp, ký túc xá, giảng đường, phòng hội thảo… ở các Phân viện.

Thứ hai, xây dựng đầu tư phần mềm ĐTBD theo các phương thức hiện đại, về quản trị nhân sự; quản lý điện tử dữ liệu các luận án, luận văn, đề án, đề tài; văn bản điện tử, hồ sơ điện tử.

Thứ ba, xây dựng phần mềm tác nghiệp quản lý văn bản điện tử, liên thông với Bộ Nội vụ, với các cơ quan trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương theo tinh thần đồng bộ, phù hợp với xu hướng chính phủ điện tử hiện nay.

Thứ tư, nâng cấp hệ thống máy chủ, đường truyền, trong đó tập trung nguồn kinh phí để nâng cấp tổng thể cấu hình máy và cáp mạng, đường truyền để bảo đảm nhu cầu học tập tại chỗ, trực tuyến, từ xa và cung ứng dịch vụ công.

Thứ năm, tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ giảng viên. Học viện sẽ sớm xây dựng kế hoạch cử cán bộ, viên chức, giảng viên đi bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng giảng dạy trực tuyến, từ xa; về kỹ năng xây dựng và xử lý bài giảng, xử lý hậu kỳ trong đào tạo từ xa./.

Chú thích:
1, 2, 3. Nguyễn Xuân Phúc. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nguồn nhân lực cho khu vực công: Cần đổi mới quyết liệt và sâu sắc hơn nữa. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 281 (tháng 6/2019), tr. 5, 6, 7.
4. Lê Vĩnh Tân. Học viện Hành chính Quốc gia phấn đấu để xứng tầm trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng đầu của đất nước. Tạp chí Quản lý nhà nước số 280 (tháng 5/2019), tr. 7.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
2. Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.
3. TS. Đặng Xuân Hoan. Đổi mới nội dung chương trình và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình mới. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 276 (tháng 01/2019).
TS. Đặng Xuân Hoan
Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia