Tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ và học tập không ngừng đối với cán bộ, đảng viên

(QLNN) – Những giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng, Nhà nước và dân tộc là di sản vô giá, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam. Trong di sản đó, những tư tưởng của Người về công tác huấn luyện cán bộ như: mục đích của huấn luyện, ai huấn luyện, huấn luyện ai, huấn luyện gì; huấn luyện như thế nào và sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong huấn luyện cán bộ… có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nửa thế kỷ Người đi xa, nhưng tư tưởng của Người về huấn luyện cán bộ vẫn luôn mang đậm ý nghĩa thực tiễn cho tới ngày nay.   

Sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh luôn trăn trở, chăm lo công việc gốc của Đảng – huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ bởi vì “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”1. Tư tưởng về huấn luyện đó được thể hiện rõ hơn thông qua việc tổ chức huấn luyện cán bộ (HLCB) của Người. “cách mạng trước hết cần phải có Đảng cách mạng” nên những năm 30 của thế kỷ XX, Người tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho sự ra đời của Đảng, trong đó có việc đào tạo những “hạt giống đỏ” đầu tiên ở Quảng Châu, Trung Quốc.

Từ đầu năm 1926 đến tháng 4/1927, tại Trụ sở số nhà 13 và 13B đường Văn Minh đối diện với Trường Đại học Trung Sơn, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở 3 lớp huấn luyện chính trị cách mạng cho lớp thanh niên ưu tú của Việt Nam, với tổng số 75 người2. Từ đội ngũ cán bộ đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc chọn lựa, huấn luyện và trưởng thành, họ thực sự là những cán bộ ưu tú của Đảng góp phần đào luyện được lớp lớp thanh niên cách mạng kế tiếp và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Qua cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã để lại nhiều quan điểm, tư tưởng vô giá về HLCB.

Thứ nhất, mục đích của huấn luyện cán bộ.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh xác định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, vì vậy, “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”3để xây dựng được đội ngũ cán bộ có đức, có tài, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật”4, để có học thức đó cần phải HLCB. Hơn nữa “Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có”5.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh căn dặn: “Chúng ta phải học nhiều, phải cố gắng học. Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”6.

Trên cơ sở nắm bắt được xu thế của thời đại và dự báo sự phát triển của tương lai, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tình hình thế giới và trong nước luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận, thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập. Nghiên cứu, học tập lý luận và kỹ thuật”7.

Người cũng chỉ ra mục đích của học tập còn để theo kịp tiến bộ của nhân dân: “Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”8.

Phát biểu trong Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, năm 1950, Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: học để làm gì? và Người đã nói nhiều về mục đích của sự học, song đúc kết lại vẫn là để làm việc, để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Điều này được thể hiện rõ trong Lời ghi ở trang đầu Quyển Sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”9.

Cuộc đời Hồ Chí Minh là một minh chứng tiêu biểu cho mục đích “Học để làm việc”. Phương châm học suốt đời với mục đích cao nhất là đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ, thông qua công việc để rèn luyện tư cách của người cách mạng, để đối nhân xử thế, để làm người. Theo Hồ Chí Minh: Học chủ nghĩa Mác – Lê nin không phải là “thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lê nin nói thế kia”10, “Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin được”11.

Làm việc tốt, có tình thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau là tiêu chuẩn, điều kiện để làm cán bộ. Làm cán bộ phải là tấm gương sáng để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cho cấp dưới và nhân dân đoàn kết thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Để hoàn thành được nhiệm vụ của người cán bộ, người lãnh đạo, đòi hỏi mỗi cán bộ phải học tập suốt đời, lấy mục đích “phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”12để nỗ lực cố gắng trong học tập, luyện rèn.

Để bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực trong HLCB, mục đích của cơ quan tổ chức huấn luyện phải rõ ràng và đáp ứng yêu cầu của cơ quan, tổ chức sử dụng cán bộ. Người chỉ rõ: “Ban huấn luyện phải liên lạc mật thiết với các cơ quan tuyên truyền, dân vận, chính quyền. HLCB là cốt để cung cấp cán bộ cho các ngành công tác: Đoàn thể, Mặt trận, Chính quyền, Quân đội. Các ngành công tác như là người tiêu thụ hàng. Ban huấn luyện như là người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ. Nếu người ta cần nhiều xe mà mình làm ra nhiều bình tích thì hàng ế”13.

Thứ hai, chủ thể huấn luyện.

Xuất phát từ vai trò của cán bộ – “là cái gốc của mọi công việc” nên Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập khai mạc ngày 06/5/1950, Hồ Chí Minh khẳng định: “Không phải ai cũng huấn luyện được”. Người yêu cầu người huấn luyện phải nắm chắc kiến thức của môn học, của lĩnh vực cần huấn luyện thì hiệu quả huấn luyện mới cao; hơn nữa người huấn luyện còn phải là tấm gương về đạo đức, lối sống, về phong cách làm việc khoa học để người học tin yêu, kính phục.

Một trong những yêu cầu đối với người huấn luyện là phải không ngừng học tập theo tư tưởng của Lênin để không ngừng tiến bộ, không ngừng đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng. Nếu tự hài lòng, bằng lòng với lượng kiến thức, tri thức mình có của ngày hôm nay mà không tiếp tục học thêm thì sẽ lạc hậu, thậm chí cản trở sự phát triển.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Lênin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”. Mỗi người đều phải ghi nhớ và thực hành điều đó, những người huấn luyện lại càng phải ghi nhớ hơn ai hết. Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất. Khẩu hiệu “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” treo trong phòng họp chính là của Khổng Tử. Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học”14.

Thứ ba, đối tượng huấn luyện.

Thấm nhuần tư tưởng của Lênin về đào tạo cán bộ: “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”, nên Hồ Chí Minh khẳng định đối tượng cần huấn luyện đầu tiên là “cán bộ” bởi vì: “cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể”, “Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”15. Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập khai mạc ngày 06/5/1950, trả lời câu hỏi: “Huấn luyện ai?”, Hồ Chí Minh nói:

“Ta phải: huấn luyện cán bộ.

– Huấn luyện hội viên của Đoàn thể.

– Huấn luyện cán bộ các ngành chuyên môn của chính quyền.

– Huấn luyện nhân dân”16.

Đối với người được huấn luyện, Hồ Chí Minh yêu cầu:

Một là, “cần phải có thái độ học tập cho đúng”17, “động cơ học tập đúng đắn”, “Muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng”18. Thái độ học tập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến là thái độ học tập tích cực, tự học và thái độ khiêm tốn, thật thà trong học tập và học tập không ngừng.

Học tập suốt đời là tư tưởng được Hồ Chí Minh kế thừa của các nhà triết học phương Đông và tư tưởng “học, học nữa, học mãi” của Lênin. Người cho rằng “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời… Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”19. Do đó, “Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”20.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh đã cho thấy Người là tấm gương về việc học suốt đời. Phát biểu tại lớp huấn luyện đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 14/5/1966, Người khẳng định thái độ ngại học tập của một số cán bộ khi cho mình đã già là không đúng: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm”21. Từ đó, Người yêu cầu: “Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận và chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình”22.

Để học tập hiệu quả, ngoài thái độ học tập nghiêm túc, phương pháp học tập tích cực, Hồ Chí Minh còn yêu cầu người học còn “phải có động cơ học tập đúng”. Nếu có động cơ, mục đích học tập không trong sáng, không đúng đắn thì phải sửa chữa nghiêm túc. Theo Người: “Khi học lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa nó ra để mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”23.

Hai là, “Học phải đi đôi với hành”, “lý luận liên hệ với thực tế”. Muốn học tập tốt vừa phải có thái độ, động cơ học tập đúng, vừa phải có phương pháp học tập đúng. Hồ Chí Minh cho rằng, phương pháp học tập tốt nhất là học đi đôi với hành, lý luận đi đôi với thực tiễn: “Lý luận rất cần thiết, nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: Lý luận phải liên hệ với thực tế”, “Học phải đi đôi với hành, chứ không phải học để nói suông”24. Người nhấn mạnh mục đích của học tập là để thực hành, để vận dụng linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương: “Học để hành: học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”25.

Phát biểu khai mạc tại Lớp học lý luận khoá I Trường Nguyễn Ái Quốc, Người chỉ rõ vai trò, mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận không liên hệ thực tiễn là lý luận suông”26. Do đó, “phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế”27, “lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”28, “lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn hoặc bắn lung tung cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, chỉ đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng học, đồng thời học thì phải hành”29.

Ba là, “Phải lấy tự học làm cốt”, “biết tự động học tập”. Đối với người được huấn luyện, Hồ Chí Minh yêu cầu cần phải nâng cao tinh thần “tự học tập”. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập khai mạc ngày 06/5/1950, Hồ Chí Minh nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên luôn chủ động tự học tập, tranh thủ tối đa thời gian khi được tập trung học tập tại trường, lớp: “Học tập ở trường của Đoàn thể không phải như học ở các trường lối cũ, không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập”30.

Mặc dù, quá trình học tập ở trường lớp rất quan trọng nhưng do thời gian không nhiều, mỗi lớp lại gồm nhiều loại cán bộ với nhiều trình độ khác nhau nên giảng viên chỉ có thể trang bị được những kiến thức lý luận chung, làm cơ sở phương pháp luận để học viên tiếp tục phát triển trong thực tiễn sau khi ra trường. Nói chuyện tại Lớp Nghiên cứu chính trị khóa I, trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Người ân cần dạy bảo: “Thời gian các bạn đến nghiên cứu ở trường này tương đối ngắn ngủi, cho nên không thể yêu cầu quá cao, quá nhiều. Những điều các bạn nghiên cứu được ở đây có thể ví như một hạt nhân bé nhỏ. Sau này, các bạn sẽ tiếp tục săn sóc, vun xới, làm cho hạt nhân ấy mọc thành cây và dần dần nở hoa, kết quả”31.

Theo Người: phải học tập với thái độ “khiêm tốn, thật thà”32, tránh bệnh lười học tập, bệnh kiêu ngạo, bởi vì: “Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”33. Người được huấn luyện: “Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ”34. Trong quá trình được huấn luyện, Hồ Chí Minh yêu cầu người học “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”35.

Đồng thời, thái độ học tập tích cực còn đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên luôn có ý thức học tập mọi lúc, mọi nơi, tranh thủ học tập: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”36.

Bốn là, nội dung HLCB.

Để HLCB hiệu quả, thiết thực cần chuẩn bị nhiều công việc, trong đó xác định, chuẩn bị nội dung huấn luyện là tiền đề quan trọng. Cách đây hơn chín thập kỷ, để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng vào đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc tích cực chuẩn bị tài liệu huấn luyện và trực tiếp huấn luyện những thế hệ cán bộ đầu tiên cho cách mạng. Những bài giảng đó đã được tập hợp thành tác phẩm “Đường Kách mệnh” – “Bảo vật quốc gia”, là cuốn cẩm nang đầu tiên cho bao lớp cán bộ từ đó đến nay. Trả lời câu hỏi: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?”, Người cho rằng: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh… Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy… Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”37.

Đối với cán bộ, đảng viên khi tham gia huấn luyện, Người luôn nhấn mạnh các nội dung cần huấn luyện gắn với từng loại cán bộ, từng lớp học với những yêu cầu riêng. Cách mạng tháng Tám thành công, trước bộn bề công việc của Nhà nước dân chủ non trẻ, Người vẫn tranh thủ viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để tuyên truyền, HLCB. Trong tác phẩm này, Người yêu cầu HLCB tập trung vào các nội dung: Huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa và huấn luyện lý luận.

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập khai mạc ngày 06/5/1950, Hồ Chí Minh nêu lên bốn nội dung cần huấn luyện gồm: Huấn luyện lý luận “Phải dạy lý luận Mác – Lênin cho mọi người”; huấn luyện công tác; huấn luyện văn hóa (chú ý dạy văn hóa cho những đồng chí kém văn hóa để giúp cho họ tiến bộ về lý luận, công tác) và huấn luyện chuyên môn (Mỗi người phải biết một nghề để sinh hoạt. Riêng về cán bộ, ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành ấy)38.

Phát biểu tại lớp huấn luyện đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Người nhắc nhở: “các cô, các chú phải chịu khó học tập lý luận Mác – Lênin, học tập đường lối, chính sách của Đảng; đồng thời phải học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ”39.

Trong điều kiện hiện nay, cách mạng khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0; công nghệ số phát triển như vũ bão, đòi hỏi mỗi cơ sở đào tạo phải không ngừng đổi mới nội dung, hình thức đào tạo; tránh những khuyết điểm trong HLCB; xác định đúng đắn động cơ, mục đích đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng đúng “nhu cầu” thiết thực của cả hệ thống chính trị; đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên phải không ngừng tích cực, chủ động, tự giác học tập. Tư tưởng Hồ Chí Minh về HLCB cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và sức sống thực tiễn. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng và những chỉ dạy của Người vào việc đổi mới, xây dựng đội ngũ cán bộ “đủ tâm, đủ tầm” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh về HLCB sẽ luôn là ngọn đèn dẫn đường cho chúng ta trong công tác đào tạo, bồi dưỡng hướng tới xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng các yêu cầu của cải cách hành chính và đổi mới trong tương lai./.

Chú thích:
1, 3, 5, 9. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 309; 309; 320; 684.
2. Nguyễn Ái Quốc và lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu. https://nhandan.com.vn, Thứ sáu, ngày 17/9/2010.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 90.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 333.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 145.
6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 377.
10, 11, 18, 20, 21, 22, 23, 24, 27, 28, 29, 39. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 668; 668; 116; 113; 117; 117; 116; 116; 274; 274; 275; 113.
12, 13, 14, 15, 16, 25, 30, 36, 38. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 208, 359, 356, 356, 356, 361, 360, 361, 357.
17, 26, 32, 33, 34, 35. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 98; 95; 98; 98; 98; 98.
19, 31. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 377; 377.
37. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 289.

PGS.TS. Đinh Ngọc Giang
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS. Nguyễn Thị Mai Anh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh