Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

(QLNN) – Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng nói chung, về Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền nói riêng, cùng với thực tiễn hành động trong xây dựng Đảng và tấm gương đạo đức của Người là tài sản vô giá mà Đảng ta, nhân dân ta mãi mãi giữ gìn, phát huy. Xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “Đảng lãnh đạo và đày tớ thật trung thành của nhân dân” phải là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, vì đây là vấn đề then chốt, là bảo đảm chắc chắn nhất cho mọi thắng lợi của cách mạng, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiến tới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Bác Hồ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân (GCCN), nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Tư tưởng của Người về công tác xây dựng Đảng (XDĐ), chỉnh đốn Đảng (CĐĐ) là một hệ thống khá đầy đủ, toàn diện. Trong các bài viết, bài nói, Bác đã sử dụng các khái niệm “Đảng lãnh đạo”, “Đảng cầm quyền”. Nhà nước ta sau đó đã kế thừa quan điểm này trở thành tính pháp lý. Việc minh định lại một cách thấu đáo, tường minh các vấn đề “Đảng lãnh đạo”, “Đảng cầm quyền” và “Công tác chỉnh đốn xây dựng đảng” của Người trong giai đoạn hiện nay là việc làm ý nghĩa; tạo cơ sở để Đảng ta tiếp tục đổi mới về phương thức lãnh đạo và xây dựng các triết lý cầm quyền.

Đảng lãnh đạo

“Đảng lãnh đạo” là một khái niệm được các nhà kinh điển Mác – xít nêu ra vào thập niên cuối thế kỷ XIX, đánh dấu sự trưởng thành về mặt tổ chức với sự ra đời các đảng của GCCN, lực lượng tiên phong thực hiện sứ mệnh lịch sử thủ tiêu chế độ bóc lột, xây dựng một xã hội mới, không có áp bức, bất công. “Đảng lãnh đạo” được hiểu là một hình thức của cuộc đấu tranh giai cấp, là GCCN thực hiện vai trò tiền phong, gương mẫu, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân để có được sự đồng tình, ủng hộ một cách tự nguyện của đại đa số nhân dân lao động đối với Đảng, kể cả khi Đảng chưa giành được chính quyền, nhằm xây dựng một xã hội tiến bộ theo mục tiêu của Đảng. V.I. Lênin viết: “Không có sự đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình, nghĩa là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được. Nhưng sự đồng tình, ủng hộ đó không thể có ngay được và không phải do những cuộc bỏ phiếu quyết định, mà phải trải qua một cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, gian khổ mới giành được”1.

Trên cơ sở quan điểm của Lênin về Đảng lãnh đạo, Hồ Chí Minh sáng lập ra một đảng của GCCN để lãnh đạo toàn dân trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

ĐCSVN là đội tiền phong lãnh đạo của GCCN, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lãnh đạo cách mạng bằng chủ trương, đường lối, bằng công tác tư tưởng, lý luận, đồng thời qua hành động tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên (CBĐV). Người cho rằng: phải giáo dục mọi người bằng chính tấm gương sống của mình trước, sau đó mới giáo dục bằng lời nói. Nói đến sự gương mẫu là nói đến trách nhiệm, nói đến sự hy sinh. Bác nhấn mạnh: “Đảng không bắt buộc ai vào Đảng. Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay là khoan hãy vào”2. Để xứng đáng với vai trò tiền phong lãnh đạo, Đảng và đội ngũ CBĐV phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức. Theo Người: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào – đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”3.

ĐCSVN đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam cả trong cách mạng giải phóng dân tộc và thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc đấu tranh đó, Đảng đã tỏ rõ là lực lượng “có sức hấp dẫn lớn” được quần chúng nhân dân tin yêu, ca ngợi, thuyết phục là lực lượng giữ địa vị lãnh đạo. Sau khi Đảng lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, sự công nhận đó được kiểm chứng chủ yếu qua các cuộc bầu cử dân chủ và khi có đa số đảng viên của Đảng được bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước các cấp.

Tuy nhiên, nhân dân công nhận địa vị lãnh đạo của Đảng không có nghĩa là Đảng có thể giữ mãi địa vị lãnh đạo đó nếu đánh mất niềm tin của nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nếu Đảng không chiến thắng được trong cuộc đấu tranh gian khổ chống chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”4. Người còn viết: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không phải nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”5.

Đảng cầm quyền

ĐCSVN ra đời trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược. Trong bối cảnh đó, nước ta đã có nhiều phong trào, nhiều tổ chức yêu nước phất cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp và lũ tay sai nhưng đều thất bại. ĐCSVN do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, được lịch sử giao phó quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam cả trước và sau khi Đảng giành được chính quyền về tay nhân dân. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ĐCSVN trở thành Đảng cầm quyền, đã lãnh đạo nhân dân, dân tộc Việt Nam “chiến thắng hai đế quốc xâm lược” là Pháp và Mỹ, mang lại hòa bình, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau gần 35 năm đổi mới, Đảng là người khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Trong lĩnh vực chính trị học, Đảng cầm quyền là một khái niệm được sử dụng rộng rãi ở các nước phương Tây ngay khi xã hội bắt đầu hình thành các đảng chính trị. Theo Lênin, Đảng cầm quyền được hiểu là “Đảng nắm chính quyền” bằng những người đại diện của Đảng trực tiếp thực hiện công việc quản lý trong bộ máy nhà nước. Những CBĐV trong bộ máy nhà nước phải bảo đảm vừa là tư cách người đại diện cho Đảng thực hiện việc tuyên truyền, vận động nhân dân đi theo Đảng, tức là hoạt động “lãnh đạo”; đồng thời là đại biểu của nhân dân thực hiện công việc quản lý nhà nước, tức là hoạt động “cầm quyền”. Đảng cầm quyền là khái niệm gắn với quyền lực. Nghĩa là, Đảng có quyền lực chính trị mà cụ thể là việc “nắm chính quyền”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rất sớm về Đảng cầm quyền. Tuy nhiên, Người không nêu rõ khái niệm Đảng cầm quyền.

Theo khảo cứu của tác giả bài viết, chỉ duy nhất một lần trong Di chúc, Người mới nói rõ “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”6; nhưng qua những bài viết, bài nói của mình, Người cho rằng “Đảng cầm quyền” là một khái niệm khác với “Đảng lãnh đạo”. Theo Người, Đảng cầm quyền cũng là Đảng nắm chính quyền; nghĩa là Đảng có quyền lực trong thực tế. Tuy nhiên, Đảng ta là đội tiền phong không chỉ của GCCN mà là của cả dân tộc. Đảng là đảng của cả giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân; đồng thời, những CBĐV của Đảng trực tiếp thi hành những nhiệm vụ quản lý trong bộ máy nhà nước và là những người được nhân dân “ủy thác”, bầu ra để phục vụ nhân dân. Người viết: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”7. Có thể thấy, đây là một nét đặc thù của Đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay.

Hiện nay, “một bộ phận không nhỏ” CBĐV có chức, có quyền suy thoái về chính trị và đạo đức, lối sống, đặt cái “tôi” lên trên, bị chủ nghĩa cá nhân chi phối nặng nề. “Bộ phận không nhỏ” đảng viên này sử dụng quyền lực mà Đảng và nhân dân giao để phục vụ cho lợi ích, tham vọng của mình và phe nhóm mình. Để cho xuất hiện “một bộ phận không nhỏ” ấy trong thời gian dài, qua nhiều kỳ Đại hội Đảng, gây hậu quả nghiêm trọng cho Đảng, cho đất nước, đấy là khuyết điểm trong công tác XDĐ ở nước ta.

Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đảng lãnh đạo”, “Đảng cầm quyền” có ý nghĩa rất lớn, mang tính thời sự nóng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (XDCĐĐ) của ta hiện nay. Cần nhận thức đúng đắn nội hàm của các khái niệm đó làm cơ sở để đổi mới phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng một cách đúng hướng.

Trước hết, trong mối quan hệ, tác động của Đảng đối với Nhà nước mà từ trước đến nay chúng ta coi là quan hệ “lãnh đạo”, “Đảng lãnh đạo Nhà nước” cần phải có sự nhận thức lại rõ hơn. Đây phải được coi là quan hệ gắn với quyền lực, do sự “cầm quyền” của Đảng. Tức là Đảng có quyền lực, “Đảng cầm quyền”, nắm quyền lực nhà nước bằng cách Đảng “hóa thân” sự lãnh đạo của mình trong sự quản lý của Nhà nước, trên các phương diện của đời sống kinh tế, xã hội. Do vậy, hoạt động của Đảng hiện nay vừa có sự lãnh đạo, vừa có sự cầm quyền với các phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng.

Phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng có những điểm giống và khác nhau. Điểm giống nhau chủ yếu ở chỗ: sự tác động, ảnh hưởng của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội đều hướng tới thực hiện các cương lĩnh, mục tiêu do Đảng đề ra; Đảng là một bộ phận của hệ thống chính trị, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc nhưng giữ vai trò lãnh đạo; Đảng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, Đảng phải đặt mình dưới luật, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội.

Điểm khác nhau chủ yếu ở chỗ: phương thức lãnh đạo của Đảng tập trung ở việc xác định đúng đắn đường lối, mục tiêu thể hiện trong các cương lĩnh, nghị quyết của Đảng; ở tính thuyết phục của công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục của Đảng; ở việc toàn Đảng, mỗi đảng viên luôn tự rèn luyện, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu về mọi mặt, hết lòng, tận sức để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực sự là “người đày tớ trung thành của nhân dân”, trở thành ngọn cờ dẫn đường, vận động, thuyết phục nhân dân tự nguyện đi theo, ủng hộ Đảng, phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, mục tiêu của Đảng. Phương thức cầm quyền của Đảng tập trung ở việc thực hiện công tác cán bộ, cắt cử và nắm chắc, kiểm tra, giám sát những cán bộ ưu tú của Đảng giữ những vị trí chủ chốt của bộ máy nhà nước các cấp để hoạch định và thực thi các quyết định, chính sách của chính quyền nhà nước trên cơ sở pháp luật và các cơ chế được thể chế hóa nhằm thực hiện các định hướng mục tiêu của Đảng.

Sự lãnh đạo và cầm quyền của Đảng là hai mặt hoạt động có quan hệ chặt chẽ với nhau. Một mặt, để có thể giữ vững địa vị cầm quyền, đòi hỏi Đảng phải giữ vững địa vị lãnh đạo, tức Đảng phải luôn có được vị trí tiên phong trong toàn xã hội, luôn được nhân dân tin yêu, đồng tình ủng hộ. Mặt khác, để có và giữ vững được địa vị lãnh đạo, thì ngoài việc Đảng phải thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo; Đảng còn phải thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền của mình… Việc thực hiện tốt các mặt hoạt động sẽ là điều kiện tiên quyết để Đảng luôn giữ vững được lòng tin yêu của nhân dân đối với Đảng.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện ĐCSVN, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo đến việc XDCĐĐ để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, làm tốt vai trò là Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền, giữ trọn niềm tin yêu của nhân dân.Trước hết nói về Đảng, với những lời ngắn gọn, súc tích, cần thiết nhất về Đảng, về mục tiêu, phương hướng XDCĐĐ, Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”8.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa ra quan điểm gắn kết XDĐ với CĐĐ và luôn kiên định quan điểm này. Với Người: gắn kết XDĐ với CĐĐ không chỉ là quy luật tất yếu, mà còn là sự vận động và phát triển của Đảng trong suốt tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo; XDĐ và CĐĐ là hai mặt của một quá trình thống nhất, có quan hệ chặt chẽ với nhau, gắn kết với nhau vì mục tiêu đem lại cho Đảng một chất lượng mới, một tầm cao mới để Đảng luôn tồn tại với tư cách người lãnh đạo cách mạng, luôn phát triển với tư cách Đảng cầm quyền. Do vậy, xây dựng và CĐĐ không chỉ là nhiệm vụ then chốt mang tầm chiến lược, mà còn là công việc thường xuyên của Đảng trong vai trò lãnh đạo cách mạng, bởi “Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”9.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về XDCĐĐ, với tư cách người khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã xác định một cách rõ ràng và dứt khoát rằng, trong suốt tiến trình công cuộc đổi mới này, XDĐ là nhiệm vụ then chốt. Vị trí then chốt này không chỉ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, mà còn là nhiệm vụ đóng vai trò chi phối, quyết định thắng lợi công cuộc đổi mới. Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, Đảng ta khẳng định, Đảng “phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn”. Đó là quan điểm nhất quán, gắn kết XDĐ với CĐĐ.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về XDCĐĐ là một di sản vô cùng quý giá, khá đầy đủ, toàn diện, sâu sắc. Đảng ta không hề coi nhẹ, luôn kế thừa, tiếp thu, phát triển không ngừng. Qua các kỳ Đại hội Đảng, công tác XDĐ (Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền) đều được coi là nhiệm vụ hàng đầu, “then chốt”. Chính vì vậy mới có những “thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử” trong công cuộc đổi mới gần 35 năm qua.

Song thực tế cho thấy, công tác XDCĐĐ của Đảng ta còn nhiều hạn chế, yếu kém; hiệu quả, chất lượng thấp. Ở một số cơ sở đảng, khoảng cách giữa lời nói và việc làm, giữa nghị quyết và thực hiện nghị quyết còn xa, chưa đồng bộ và hiệu quả thấp; kỷ luật Đảng chưa nghiêm, đoàn kết một chiều, “dĩ hòa vi quý”, “bằng mặt mà không bằng lòng”, “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”, đấu tranh tự phê bình và phê bình rất kém. Những CBĐV thoái hóa biến chất, phạm tội hầu hết đều do dư luận quần chúng, báo chí phát hiện.

Kết luận và đề xuất

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác XDĐ nói chung, về Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền nói riêng, cùng với thực tiễn hành động trong XDĐ và tấm gương đạo đức của Người là tài sản vô giá mà Đảng ta, nhân dân ta mãi mãi giữ gìn, phát huy. XDĐ ta trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “Đảng lãnh đạo và đày tớ thật trung thành của nhân dân” phải là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, vì đây là vấn đề then chốt, là bảo đảm chắc chắn nhất cho mọi thắng lợi của cách mạng, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiến tới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng phát động là rất đúng, rất trúng, cần tiếp tục thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp, giải pháp mạnh mẽ, cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn, tuyệt đối chống bệnh hình thức, phong trào. Dựa hẳn vào dân để XDCĐĐ; phát động, huy động, tạo cơ chế, điều kiện để toàn dân tham gia XDCĐĐ. Chỉ khi nào làm được điều này thì XDCĐĐ mới thành công mỹ mãn. Bởi vì:

Thứ nhất, Đảng là đội tiên phong, đại biểu cho ý chí, quyền lợi không chỉ của GCCN mà còn là của toàn thể nhân dân, dân tộc Việt Nam. Cần loại bỏ quan niệm coi việc XDCĐĐ chỉ là công việc nội bộ của Đảng khi nhân dân đã tin yêu giao phó vị trí lãnh đạo độc tôn cho Đảng, khi mà sự mạnh – yếu, mất – còn của Đảng có quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của đất nước, của nhân dân.

Đảng cần khẳng định phải dựa hẳn vào dân, có chuyên đề nghiên cứu sâu và ra nghị quyết về nhân dân tham gia XDCĐĐ. Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp cũng đã nêu vấn đề nhân dân, thông qua Mặt trận Tổ quốc tham gia phản biện, giám sát, XDĐ. Chỉ cần cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách để sao cho kẻ địch không thể lợi dụng, mà mọi người dân có quyền, có điều kiện tham gia góp ý, phản biện, giám sát việc XDCĐĐ một cách thuận lợi, có hiệu quả.

Thứ hai, vì XDCĐĐ là việc lớn, việc khó, đặc biệt việc chống tham nhũng, phát hiện tham nhũng, đưa những “con sâu mọt” trong Đảng ra ánh sáng là công việc rất khó khăn, phức tạp. Những “con sâu mọt” trong Đảng thường kéo bè kéo cánh theo “lợi ích nhóm”, nhất thời và cục bộ đâu đó, có khi chúng còn mạnh hơn cả những CBĐV chân chính. Vậy thì Đảng, những CBĐV chân chính phải dựa hẳn vào dân thì mới có sức mạnh chiến thắng tiêu cực này. Sức mạnh của nhân dân là phương tiện quan trọng, quá trình cách mạng của Đảng cho thấy “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đó là chân lý!

Tăng cường công khai, minh bạch trong XDCĐĐ. Bởi vì, sự nghiệp của Đảng là của nhân dân, vận mệnh của Đảng gắn liền với vận mệnh của nhân dân, của đất nước. Bác Hồ nói: “Một Đảng mà che giấu khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”10.

Cần có chuyên đề nghiên cứu sâu và có nghị quyết cụ thể về vấn đề này: những vấn đề gì, cái gì trong công tác XDCĐĐ cần công khai minh bạch, cái gì không? Trừ những bí mật quốc gia, liên quan quốc phòng, an ninh quốc gia không được công khai. Thiết nghĩ, những thành tích, ưu điểm của Đảng, của lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và cả sai lầm, khuyết điểm, tiền lương, thu nhập, tài sản của bản thân, gia đình, những nhà lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp cần công khai, minh bạch để nhân dân kiểm tra, giám sát.

Cần nghiên cứu, phát triển tư tưởng về XDCĐĐ về Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện, hoàn cảnh mới: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trong thời đại thông tin bùng nổ, hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa – có rất nhiều điều mới phát sinh: tác động, ảnh hưởng của những yếu tố trong điều kiện, hoàn cảnh mới đó đến công tác XDCĐĐ Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền như thế nào; những biện pháp, giải pháp nào mới để đáp ứng được những yêu cầu mới trong XDCĐĐ hiện nay./.

Chú thích:
1. V.I. Lê nin. Toàn tập. Tập 39. NXB Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1979, tr. 251.
2. Xưa Trần Thủ Độ cũng từng răn: “… Để lời nói suông mà bảo đời sau thì sao bằng lấy chính thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ.” http://www.bqllang.gov.vn, ngày 03/02/2020.
3. Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ Sáu, ngày 18/01/1947.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 138.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 510.
6, 8. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. H. NXB Chính trị quốc gia, 2010.
7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 218.
9. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 267.
10. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 301.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội