Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị

(Quanlynhanuoc.vn) – Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Bác luôn thanh bạch và giản dị từ lối sống sinh hoạtcách ăn, mặc đến cách nói, cách viết, cách tiếp xúc với quần chúng nhân dân; Bác sống thanh bạch, giản dị ở mọi không gian, thời gian, hoàn cảnh.

 

Bác Hồ bên ao cá trong Khu Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Tư liệu)

Hẳn nhiều người chúng ta đã được xem bộ phim tư liệu có hình ảnh trên đường công tác, Bác Hồ xuống suối tắm, tắm xong, Bác phơi quần áo trên mũ và chiếc gậy vác lên vai tiếp tục lên đường. Hình ảnh đó đã làm chúng ta xúc động đến nghẹn ngào!

Là Chủ tịch nước nhưng Bác lấy ngôi nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao làm “cung điện” của mình. Ngôi nhà sàn nhỏ có vài phòng tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và cũng là nơi nghỉ với những đồ đạc mộc mạc, đơn sơ. Trang phục của Bác cũng hết sức giản dị với bộ quần áo bà ba nâu, đôi dép lốp thô sơ.

Việc ăn uống của Người cũng đạm bạc với những món ăn dân tộc không chút cầu kỳ, như: cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa… Món ăn chính của Bác thường là quả cà giòn với món cá kho ngọt dầm tương quen thuộc của xứ Nghệ quê nhà.

Còn khi tiếp xúc với quần chúng, nhân dân, Người gần gũi, thân tình như người bác, người cha, người ông, người anh; không hề có sự phân cách giữa lãnh tụ và nhân dân. Bác tặng kẹo cho trẻ thơ, tặng lụa cho cụ già, vỗ tay cất nhịp cùng hát bài kết đoàn…

Cách nói và cách viết: Người luôn nói và viết để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Cách dạy của Người dễ đi vào lòng người, phù hợp với từng lứa tuổi, ngành nghề, công việc.

Với thiếu niên, nhi đồng, Bác viết:

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm1.

Với đoàn viên, thanh niên:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên2.

Với lực lượng quân đội: Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng3.

Với Công an nhân dân:

Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính

Đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ

Đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành

Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép

Đối với công việc phải tận tụy

Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo4.

Bác là người thông tuệ, không chỉ ngôn ngữ dân tộc mà còn biết nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Bác là nhà chính trị, ngoại giao sắc sảo, là nhà văn, nhà thơ lớn đã từng viết những áng văn, thơ tuyệt tác như: Tuyên ngôn Độc lập, Nhật ký trong tù, Thuế máu… ngôn từ vừa sắc sảo của chính luận, vừa chuẩn mực của Đường thi nhưng bao giờ Bác cũng lấy sự giản dị, trong sáng làm đầu.

Theo không gian: dù ở nước ngoài, chiến khu Việt Bắc, đến khi trở về Thủ đô, cuộc sống riêng của Bác đều giản dị, thanh bạch. Theo chân Bác, tìm đến ngôi nhà Người từng sống và làm việc bên Pháp; về suối Lênin, hang Pác Pó, về lán Nà Lừa hay là ngôi nhà sàn đơn sơ giữa lòng Thủ đô Hà Nội, ngắm những vật dụng tối thiểu trong sinh hoạt của Người vẻn vẹn chỉ có: cuốn từ điển, viên gạch hồng, chiếc quạt nan, chiếc ra-đi-o… khiến ta không khỏi xúc động về đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị.

Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Balê

Một viên gạch hồng Bác chống cả một mùa băng giá

Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ?

Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya.5                             

Theo thời gian: cuộc sống riêng của Người không hề thay đổi cho dù là trước hay sau khi đã làm Chủ tịch nước. Vẫn đôi dép cao su, vẫn bữa cơm đạm bạc với 2 -3 món quê nhà. Người từ chối không ở tại Phủ Chủ tịch, Phủ Toàn quyền Đông Dương xưa mà xuống ở trong căn nhà cấp bốn đã cũ và sau đó là ngôi nhà sàn đơn sơ lộng gió bốn phương.

Theo hoàn cảnh: Người là tấm gương sáng về người lãnh đạo, người đứng đầu ở vị trí cao nhất nhưng luôn trung thành, tận tụy vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, không mưu cầu lợi ích riêng cho cá nhân và gia đình. Mong muốn của Người khi giữ trọng trách Chủ tịch nước: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lâp, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì đến vòng danh lợi”6.

Tư tưởng và tấm gương “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào” một lần nữa lại được Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (ngày 31/10/1946): “Lần này là lần thứ hai Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải cố gắng mà làm. Tôi xin nhận. Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài”.

Những dịp sinh nhật, Người luôn từ chối lễ nghi phiền phức của vị Chủ tịch nước, Lãnh tụ tối cao của Ðảng. Nhân cách ấy, sự cao thượng ấy càng làm cho hình ảnh Bác Hồ trở nên cao đẹp và là tấm gương mẫu mực về đức tính giản dị, trong sáng và đạo lý làm người cao đẹp nhất.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần khẳng định, sự trong sáng, giản dị của Bác hoàn toàn không phải là giản đơn, xuề xòa, dễ dãi mà là biểu hiện, kết tinh của một nhân cách văn hóa và cao thượng “tiên ưu, hậu lạc” của bậc thánh nhân. Một nhân cách Việt Nam, một lối sống bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông nhưng đồng thời cũng rất mới, rất hiện đại.

Từ lối sống trong sáng, giản dị, khiêm tốn của Bác, chúng ta nghĩ nhiều về nếp sống hiện nay. Lịch sử đã sang trang, đất nước và cuộc sống đã có những đổi thay kỳ diệu. Nhưng đất nước ta vẫn đang còn nghèo, bình quân thu nhập của người dân vẫn còn thấp, nguy cơ lạc hậu còn tiềm ẩn. Nhắc lại vài nét về nếp sống cần kiệm, giản dị của lãnh tụ vĩ đại để mỗi chúng ta cùng suy ngẫm, tự nhìn lại mình, cố gắng thực hiện những điều Bác dạy. Ta học Bác bắt đầu bằng cố gắng sống không cầu kỳ, xa hoa, sống sao cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh cá nhân; cố gắng rèn giũa lời ăn, tiếng nói cẩn thận, không khoa trương, không xa hoa, bóng bẩy; học cách viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ truyền đạt của Bác…

Chú thích:
1. Thư Bác gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam (15/5/1941-15/5/1961), năm 1961.
2. Bài thơ Bác tặng Đơn vị thanh niên xung phong 312 làm đường tại xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn, ngày 28/3/1951.
3. Bác khen tặng Quân đội nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập (22/12/1944 -22/12/1964) và đó cũng chính là truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, là chuẩn mực của Bộ đội Cụ Hồ.
4. Thư Bác gửi cho đồng chí Hoàng Mai – Giám đốc Công an Khu XII về “Tư cách người Công an cách mệnh”, năm 1948.
5. Nội dung những câu thơ trong bài Người đi tìm hình của nước. Chế Lan Viên, năm 1960.
6. Bác trả lời các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hoàng Trang
Học viện Hành chính Quốc gia