Tư tưởng Hồ Chí Minh với việc xây dựng nền hành chính cách mạng ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Huấn luyện cán bộ theo phương châm làm việc gì, học việc ấy, huấn luyện phải thiết thực và chu đáo, nghĩa là phải nắm được nhu cầu để huấn luyện – Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Học viện tổ chức Toạ đàm khoa học với chủ đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh với việc xây dựng nền hành chính cách mạng ở Việt Nam.

Sáng ngày 28/5/2020, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh với việc xây dựng nền hành chính cách mạng ở Việt Nam.

Đến dự Tọa đàm, về phía đại biểu, khách mời có TS. Nguyễn Tiến Đạo – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Nội vụ; GS.TS. Mạch Quang Thắng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị Khu vực I; Đại học Hải Phòng. Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; các đồng chí Phó Giám đốc Học viện: TS. Vũ Thanh Xuân; PGS.TS. Lương Thanh Cường; TS. Nguyễn Đăng Quế cùng các nhà khoa học, giảng viên, lãnh đạo, quản lý trong và ngoài  Học viện. Tọa đàm được tổ chức trực tuyến từ 4 đầu cầu: Trụ sở chính tại Hà Nội và các Phân viện: thành phố Huế, TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên.

TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng uỷ Học viện, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu khai mạc toạ đàm.

Khai mạc Tọa đàm, TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện đã khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực sự đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ. Cần nắm vững sâu sắc những di huấn của Người về việc vận dụng phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong xử lý mọi công việc, phù hợp với thực tiễn và xu thế của thời đại.

Tháng 6/1923, lần đầu gặp Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Mát-cơ-va, nhà báo Liên Xô Ô-xíp Man-đen-xtam đã khái quát: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa của châu Âu mà có lẽ là nền văn hóa tương lai”. Lịch sử gần một thế kỷ qua đã minh chứng tư tưởng Hồ Chí Minh về nền công vụ Việt Nam cũng luôn mang hơi thở của thời đại – đó là tư tưởng về nền công vụ cách mạng Việt Nam của hiện tại và tương lai.

Với hơn 40 tham luận gửi đến Tọa đàm, các nhà khoa học đã cùng chia sẻ, trao đổi, luận giải các vấn đề liên quan đến tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền hành chính cách mạng ở Việt Nam, qua đó thấy rõ hơn giá trị tư tưởng của Người và định hướng cho việc vận dụng những tư tưởng này vào thực tiễn nền hành chính Việt Nam trong bối cảnh hiện nay nhằm xây dựng một nền hành chính liêm chính, chuyên nghiệp, phục vụ.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng khoa Khoa học Hành chính và Tổ chức nhân sự trình bày đề dẫn Tọa đàm.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng khoa Khoa học Hành chính và Tổ chức nhân sự chủ trì Tọa đàm đã đề xuất các nhà khoa học, đại biểu tham dự tập trung thảo luận về những nội dung chính: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng thể chế nhà nước; Tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ; Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và đạo đức công vụ; Tư tưởng Hồ Chí Minh về cải cách hành chính nhà nước…

GS.TS. Mạch Quang Thắng tham luận về Tư tưởng Hồ Chí Minh với việc xây dựng chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà và một số vấn đề hiện nay.

GS.TS. Mạch Quang Thắng tham luận về Tư tưởng Hồ Chí Minh với việc xây dựng chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa và một số vấn đề hiện nay. Trong đó, GS.TS Mạch Quang Thắng tham luận về hai vấn đề: quan điểm của Hồ Chí Minh về Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; quan điểm của Hồ Chí Minh và suy nghĩ về bối cảnh thực tiễn hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng ta là những người lao động làm chủ nước nhà. Muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ”; phải “làm sao cho dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”, do đó phải nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân, làm cho nhân dân có ý thức và hành động tham gia một cách tích cực công việc của Nhà nước và chính quyền các cấp.

Nhà nước Việt Nam hiện nay đang chịu nhiều tác động của hoàn cảnh biến động phong phú, nhanh chóng, phức tạp, khôn lường của tình hình quốc tế và trong nước. Sự vận hành, hoạt động cụ thể của Nhà nước Việt Nam hiện nay và cả trong tương lai nữa, sẽ có thể đổi thay để tương thích. Nhưng, bản chất thì không thể thay đổi – đó là Nhà nước theo chính thể cộng hòa dân chủ đúng tư tưởng Hồ Chí Minh (GS.TS. Mạch Quang Thắng nhấn mạnh).

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phân tích về những huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến đạo đức, văn hoá về công vụ.

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phân tích về những huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến đạo đức, văn hóa về công vụ, về nền hành chính nhà nước, trong đó, một số giáo huấn của Người được coi là những minh chứng về văn hóa, đạo đức trong xây dựng nền hành chính. Những lời khuyên về Cần, Kiệm, Liêm, Chính, về lòng yêu nước, sự dũng cảm, tiết kiệm, yêu kính Nhân dân,… đều là những điển hình về đạo đức Hồ Chí Minh. Hiện nay, những gì mà Đảng, Nhà nước đang xây dựng tiêu chuẩn cán bộ để tham gia cấp ủy, chính quyền cũng không ngoài những giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ.

TS. Nguyễn Tiến Đạo – Phó Bí thư Đảng uỷ Bộ Nội vụ bàn về tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện trách nhiệm nêu gương.

Trong tham luận trình bày tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Tiến Đạo – Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Nội vụ đề cập về tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện trách nhiệm nêu gương, đồng thời nêu rõ: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải nêu gương, trước hết về đạo đức cho tất cả cán bộ, đảng viên. Bởi, “một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống” và“ quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người xác định, nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: đối với mình, đối với người và đối với việc.

PGS.TS. Huỳnh Văn Thới – Phó Giám đốc Phân viện tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến.

Nhiều ý kiến tham luận khác đã được các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý, các giảng viên dự Tọa đàm ở các đầu cầu trực tuyến bàn sâu thêm, như: Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, hạnh phúc của nhân dân – Bài học lớn trong xây dựng nhà nước vì dân phục vụ; những điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về lập pháp – nền tảng để xây dựng thể chế nhà nước cách mạng; đẩy mạnh xây dựng chính phủ liêm chính theo quan điểm Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay; Tư tưởng Hồ Chí Minh về lập pháp, về văn hóa và đạo đức công vụ; về phong cách nêu gương, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ; Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức người cán bộ, công chức; vận dụng tư tưởng “huấn luyện cán bộ” trong “sửa đổi lối làm việc” của Hồ Chí Minh đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hiện nay…

TS. Bùi Huy Tùng – Trưởng Ban Đào tạo, bồi dưỡng của Học viện bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến tham luận và đề nghị, Học viện cần đưa tư tưởng của Người vào trong các nội dung công tác đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ giảng viên được coi là “Bộ máy cái” cần phải thấm nhuần tư tưởng của Người trong thực hiện huấn luyện cán bộ, công chức là “Huấn luyện cán bộ theo phương châm làm việc gì, học việc ấy, huấn luyện phải thiết thực và chu đáo theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Kết thúc Tọa đàm, TS. Đặng Xuân Hoan đánh giá cao các bài viết tham luận, các ý kiến trao đổi của các nhà khoa học, trong đó có 9 tham luận trực tiếp, nhiều ý kiến phát biểu với hơn 300 trang tài liệu nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh là tài liệu quý giá có giá trị tham khảo trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

Giám đốc Học viện cũng yêu cầu lãnh đạo các khoa, đơn vị và mỗi giảng viên phải thấm nhuần và chuyển tải các giá trị cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh trong các bài giảng, giờ giảng đến cán bộ, công chức, viên chức là những học viên tham gia các khóa bồi dưỡng.

Tin, ảnh: Thu Hương