Tăng cường sự phối hợp giữa hệ thống chính trị cơ sở với Nhân dân trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

(Quanlynhanuoc.vn) – Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cần huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là tăng cường phối kết hợp của hệ thống chính trị cơ sở với Nhân dân. Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị cơ sở trong thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần ổn định chính trị – xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Nội dung nghiên cứu

Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Hệ thống chính trị Việt Nam gồm có: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội (bao gồm: Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam).

Trong hệ thống chính trị Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là một tổ chức thành viên của Mặt trận, vừa là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, là hạt nhân của hệ thống chính trị; Nhà nước là trung tâm của hệ thống chính trị1.

Hệ thống chính trị được chia thành 4 cấp hành chính từ trung ương đến cơ sở (xã, phường, thị trấn), trong đó hệ thống chính trị cơ sở (HTCTCS) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội và quốc phòng – an ninh, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân. HTCTCS là cấp hướng dẫn Nhân dân chấp hành nghiêm các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn, quy định của Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương; là cơ quan tham mưu, đề xuất, xây dựng chương trình, tổ chức các hoạt động biểu diễn lễ hội tôn vinh các giá trị văn hóa (GTVH) của đất nước, dân tộc; cấp trực tiếp đứng lên kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức trong nước và ngoài nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy

GTVH của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); phối hợp với Nhân dân tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đi đến thống nhất về nội dung, biện pháp bảo tồn và phát huy GTVH.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ nhất, công tác bảo tồn và phát huy GTVH của đồng bào DTTS là hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp cơ sở với mục đích đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước đến gần với Nhân dân, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, qua đó, tạo dựng uy tín, niềm tin cho Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân vùng DTTS.

Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán và có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các GTVH truyền thống các DTTS, như: Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 18/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS đến năm 2020.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy GTVH của đồng bào DTTS, thời gian qua, việc tăng cường phối hợp HTCTCS với Nhân dân đã đạt được kết quả nhất định về nhận thức và trong hoạt động thực tiễn, như: tổ chức giao lưu văn hóa sinh hoạt cộng đồng Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung và miền Đông Nam Bộ; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, dân tộc Chăm, dân tộc Khmer, dân tộc Mường, dân tộc Hoa, Thái; giao lưu mang tính chuyên đề như: Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái; giao lưu văn hóa nghệ thuật tuyến biên giới Việt Nam – Lào và Việt Nam – Cam-pu-chia,… Qua đó, tôn vinh các GTVH của 54 dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong cả nước; tuyên truyền, vận động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống nhằm tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng.

Thứ hai, xây dựng và triển khai dự án bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống: đây là mô hình mới trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, qua đó, phát huy các GTVH tiêu biểu, vừa bảo tồn bền vững, vừa quảng bá các GTVH dân tộc kết hợp với phát triển du lịch. Hiện nay, đã có hơn 30 làng, bản, buôn của 25 dân tộc đại diện cho các vùng miền được hỗ trợ đầu tư bảo tồn2.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ cơ sở đã tích cực, chủ động bám sát cơ sở, nắm bắt hiện trạng các GTVH của đồng bào DTTS như các lễ hội, các trò chơi dân gian, các món ăn truyền thống, di tích lịch sử văn hóa; lắng nghe đồng bào đề xuất, kiến nghị về cách thức tổ chức, đầu tư kinh phí cho từng hoạt động văn hóa; tổ chức xây dựng nhà văn hóa ở các thôn, bản để bà con sinh hoạt văn hóa văn nghệ; gắn việc tổ chức những lễ hội truyền thồng, các đặc sản của từng địa phương với quảng bá giới thiệu văn hóa, con người; giúp đỡ Nhân dân là cầu nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm kiếm thị trường, hướng đi cho các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể ở mỗi vùng, miền; các đoàn thể chính trị – xã hội, đặc biệt là Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã đồng hành cùng Nhân dân trong hướng dẫn, truyền dạy những làn điệu, trò chơi, diễn xướng cho thế hệ trẻ.

Thực tiễn cho thấy, để bảo tồn và phát huy GTVH truyền thống một số địa phương, chẳng hạn như: tỉnh Bắc Kạn đã gắn với phát triển du lịch ở từng địa phương, huy động Nhân dân ở những địa phương có danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cùng tham gia với chính quyền địa phương, tham gia xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm và trang phục của một số DTTS có nguy cơ bị mai một. Hỗ trợ phục dựng các lễ hội truyền thống, duy trì tổ chức và khuyến khích tinh thần, khả năng sáng tác của các tầng lớp nhân dân3. Hay như ở tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, chú trọng xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm.

Xây dựng và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa nhất là cấp cơ sở. Nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ. Có chính sách thu hút, đãi ngộ đối với công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Hỗ trợ đội văn nghệ quần chúng cấp cơ sở hoạt động thường xuyên4. Tỉnh Điện Biên dành sự quan tâm đặc biệt xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa – văn nghệ và sưu tầm, phục dựng, gìn giữ, phát huy GTVH truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế, đó là việc phối hợp giữa đội ngũ cán bộ cấp cơ sở với Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy GTVH của đồng bào DTTS còn mang tính thời vụ, thời điểm; một số cán bộ chưa tận tâm hướng dẫn Nhân dân hiểu rõ GTVH cần phải bảo tồn; chưa có sự phối hợp chặt chẽ với Nhân dân để tổ chức những lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ có ý thức bảo tồn và phát huy các GTVH của dân tộc mình; việc xây dựng những mô hình, loại hình văn hóa chủ yếu do cán bộ địa phương chỉ định, chưa có sự bàn bạc thống nhất với đại diện của Nhân dân, đặc biệt ở khu vực, địa bàn có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống; có những hộ gia đình tự ý đầu tư, xây dựng, mở rộng những địa điểm du lịch và những khu vực có vị trí đắc địa, thuận lợi phục vụ cho mục đích cá nhân, thậm chí không xin phép chính quyền địa phương…

Bác Hồ và phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Bắc. Ảnh tư liệu – Nguồn: internet.
Một số biện pháp tăng cường phối hợp hệ thống chính trị cơ sở với Nhân dân
(1) Quán triệt và thực hiện nghiêm túc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng Nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người mẫu mực về phẩm chất, đạo đức, nhân cách gần gũi với Nhân dân, Nhân dân có vị trí đặc biệt quan trọng trong trái tim Người, Người khẳng định: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt”5. “Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”6. Theo Người, “nếu không có Nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng… Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”7.

Theo đó, HTCTCS mà trực tiếp thường xuyên là đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở phải quán triệt và thực hiện nghiêm những nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương về công tác dân vận của Đảng, cụ thể: Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”…

Năm 2015, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo tổng kết 17 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2021 và Đề án “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”… Trên cơ sở đó, HTCTCS cần phải cụ thể hóa một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán ở từng địa phương.

(2) Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của Nhân dân trong thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước

HTCTCS, đặc biệt là chính quyền cơ sở phải công khai, minh bạch chủ trương, biện pháp bảo tồn và phát huy GTVH của đồng bào DTTS trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn thể quần chúng nhân dân; lấy ý kiến để bổ sung, hoàn thiện trước khi trở thành văn bản chính thức; những vấn đề gì mà quần chúng nhân dân còn băn khoăn, chưa rõ, chưa sáng thì phải xin ý kiến của những người có kinh nghiệm, già làng, trưởng bản, người có uy tín.

Luôn tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu có kế thừa, chọn lọc những ý kiến đóng góp tâm huyết, chân thành của các tầng lớp nhân dân; tổ chức những buổi sinh hoạt tập thể ở các thôn, bản, xã, phường, thị trấn có sự tham gia đầy đủ của các tầng lớp nhân dân để lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, cũng như sáng kiến, bài học kinh nghiệm của Nhân dân về bảo tồn và phát huy GTVH của dân tộc.

Trên cơ sở đó, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Đặc biệt, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cán bộ, đảng viên của HTCTCS cần chú trọng làm công tác dân vận, sâu sát hơn với cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; qua đó, khắc phục tình trạng chậm hoặc không nắm được tình hình của dân. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò nêu gương trong cuộc sống, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Tập trung xử lý dứt điểm, kịp thời các vấn đề bức xúc có liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân, các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, tránh để hình thành và lan rộng các điểm nóng về an ninh, trật tự xã hội.

(3) Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội

Trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội từng địa phương phải xây dựng chương trình hành động cho phù hợp, phát huy các GTVH của đồng bào DTTS trong từng nội dung, hoạt động. Theo đó, cần hướng vào tuyên truyền, phổ biến phát huy GTVH phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đấu tranh loại bỏ văn hóa phẩm đồi trụy, thiếu tính dân tộc, không phù hợp với truyền thống dân tộc.

Đẩy mạnh thực hiện các phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới”, “xây dựng nông thôn mới”; tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, giữ gìn bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Đặc biệt, hướng dẫn Nhân dân cách thức, phương pháp gắn việc bảo tồn với phát triển kinh tế du lịch. Xây dựng các mô hình, khuôn viên văn hóa du lịch, ẩm thực để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; phối hợp với chính quyền làm tốt việc quản lý, kiểm tra các hoạt động phát triển kinh tế du lịch ở những vùng có di sản văn hóa.

Các GTVH tốt đẹp của dân tộc nói chung và của đồng bào DTTS nói riêng đã, đang và sẽ phát huy tốt những lợi thế, tiềm năng của mình, góp phần làm cho bức tranh văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phấn đấu đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam), trở thành nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao. Việc huy động các nguồn lực, trong đó việc tăng cường phối hợp giữa HTCTCS với Nhân dân trong bảo tồn và phát huy GTVH của đồng bào DTTS là cấp bách. Thực hiện tốt những nội dung, biện pháp trên là góp phần vào việc thực hiện quan điểm, mục tiêu về phát triển văn hóa mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Chú thích:
1. Hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay. http://tinhdoanbinhphuoc.vn, ngày 21/7/2020
2. Chuyển biến trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào Dân tộc thiểu số. http://bvhttdl.gov.vn, ngày 20/12/2019.
3. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. http://backan.gov.vn, ngày 26/11/2020.
4. Tích cực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. http://laichau.gov.vn, ngày 16/10/2014.
5, 6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB quốc gia – Sự thật, 2011. tr. 286, 286.
7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4, NXB quốc gia – Sự thật, 2011. tr. 64 – 65.
ThS. Nguyễn Tú Anh
Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng