Vai trò của gia đình trong việc hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ

(Quanlynhanuoc.vn) – Gia đình có vai trò quan trọng trong xây dựng việc hình thành tính cách, tâm lý, tình cảm cũng như tinh thần cho sự hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ảnh hưởng của kinh tế – xã hội, công nghệ số, mạng xã hội… đã làm cho các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ít gắn bó hơn, truyền thống tốt đẹp của gia đình bị phá vỡ. Vì vậy, chúng ta cần phải nâng cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về gia đình nhằm phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững. Cụ thể là Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020 với mục tiêu phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, bền vững; Quyết định số 1028/QĐ-TTg ngày 08/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình…

Hiện nay, phần lớn các gia đình đều được công nhận “Gia đình văn hóa”. Các gia đình này có quan hệ cha/mẹ với con cái, ông/bà với con/cháu, anh/chị/em chứa đựng tình yêu thương gắn bó, hòa thuận, thủy chung. Các em nhỏ lớn lên trong sự chăm sóc, yêu thương của người thân và được hưởng sự quan tâm chân thành, tìm thấy sự nâng đỡ, sự thừa nhận, sự thông cảm… Đây chính là môi trường lý tưởng để hình thành nhân cách tốt cho lớp trẻ.

Giáo dục gia đình, tạo ra môi trường kế thừa giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu, chọn lọc giá trị văn hóa hiện đại. Thế hệ ông/bà trong gia đình giữ vai trò trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống; gắn kết thế hệ trẻ với cội nguồn.

Tuy nhiên, thế hệ ông/bà là những lớp người đi trước, có hệ giá trị tư tưởng với lối sống cũ thậm chí lạc hậu so với hiện nay. Điều này dẫn đến những đối lập, xung đột với thế hệ trẻ. Sự đối lập, mâu thuẫn giữa hai thế hệ: già – trẻ, cũ – mới nếu không được giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ. Cùng với đó, nền kinh tế thị trường cũng tạo cơ hội cho mỗi gia đình có điều kiện tích lũy, làm giàu và nâng cao cuộc sống, nhưng ngược lại cũng bị chịu sự chi phối của quy luật phát triển kinh tế thị trường làm cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ bị ảnh hưởng. Vì vậy, vai trò của gia đình ngày nay càng trở lên vô cùng cấp thiết.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, các gia đình ngày càng nhận thức cao về tầm quan trọng của trách nhiệm, chia sẻ trong đời sống gia đình. Đó là việc chia sẻ những mối quan tâm, lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của các thành viên trong gia đình. Các gia đình có mức độ hiện đại hóa càng cao, mang nhiều đặc điểm hiện đại, như sống ở đô thị, có việc làm, có học vấn cao, mức sống cao, các khu vực kinh tế phát triển hơn thì các giá trị chia sẻ và trân trọng được hiện rõ hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người phụ nữ vẫn chưa bình đẳng thực sự so với nam giới, chưa được lắng nghe tâm tư và chia sẻ suy nghĩ của mình.

Các gia đình ở nông thôn luôn quan niệm người cha là trụ cột, điểm tựa, là “nóc nhà”, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Do quan niệm truyền thống quá đề cao người cha – đàn ông trong gia đình nên trong thực tế có không ít người cha phó mặc trách nhiệm công việc gia đình, nuôi dạy, chăm sóc con cái cho người phụ nữ, gây ra tình trạng áp lực công việc gia đình đè nặng trên vai người phụ nữ. Con cái thiếu sự quan tâm từ phía cha, mẹ, thiếu kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống.

Cùng với việc coi trọng giá trị gia đình, các tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời của người Việt Nam vẫn giữ được các giá trị truyền thống nhưng đang có xu hướng dịch chuyển sang các giá trị mang tính cá nhân và hiện đại.

Sự phát triển gia đình ở nước ta cũng có nhiều biến đổi, như: độ tuổi kết hôn thay đổi, xu hướng kết hôn sớm (16 – 20 tuổi) và kết hôn muộn (trên 30 tuổi) gia tăng, xu hướng không kết hôn, sống độc thân cũng xuất hiện nhiều. Tình trạng ly hôn ngày một tăng, năm 2019, tỷ lệ ly hôn của các gia đình Việt Nam tăng từ 1,4% lên 2,1% so với cùng kỳ năm 2009, trung bình hằng năm có 600.000 vụ ly hôn, trong đó có 70% vụ ly hôn do phụ nữ đệ đơn2 vì quan niệm về ly hôn có xu hướng “thoáng”, “mở”.

Theo Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và kinh tế do chồng gây ra và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua)3.

Xã hội phát triển cũng làm cho cuộc sống của các gia đình bận rộn hơn, do đó, sự quan tâm  của cha mẹ tới con cái cũng chưa toàn diện, một số gia đình thường quan tâm chú trọng tới thành tích học tập, điều kiện vật chất của con hơn là đời sống tâm lý, tình cảm… Con cái thường sống khép kín, ngại chia sẻ, dẫn tới tình trạng bệnh lý tâm lý – tự kỷ, nghiện mạng xã hội, smartphone hoặc game… Khi đó, con cái tìm đến “thế giới ảo” – mạng xã hội, tệ nạn xã hội để “làm bạn” và thể hiện cái “tôi” của bản thân, hình thành nhân cách lệch lạc. Thống kê của Bộ Công an cho biết, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên  trên cả nước là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi4.

Những hạn chế trên dẫn đến nhiều biểu hiện bất thường trong đời sống tinh thần của trẻ em trong gia đình. Những biểu hiện khiếm khuyết, sai lệch trong tâm hồn trẻ em là nguyên nhân tác động tới sự phát triển không hoàn thiện về thể chất và tinh thần thế hệ tương lai của xã hội.

Để nâng cao vai trò của gia đình trong thời gian tới, theo chúng tôi cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước, các đoàn thể, các tổ chức xã hội về công tác bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em. Các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể giải quyết những thách thức khó khăn về gia đình và công tác gia đình nhằm nâng cao vai trò của gia đình và hướng đến xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Hai là, xây dựng phong trào thi đua vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, lấy phụ nữ và hội phụ nữ các cấp làm hạt nhân nhằm bảo vệ các truyền thống giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam; giúp từng gia đình có khả năng phòng vệ để gia đình thực sự là nơi an toàn cho mỗi cá nhân tìm về, góp phần phát triển xã hội bền vững, hạnh phúc.

Ba là, cần chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền về công tác gia đình và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nâng cao hiệu quả giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và các thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trong gia đình; xây dựng các mô hình gia đình gương mẫu về đạo đức, lối sống và nuôi dạy con cháu điển hình. Tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình, câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình…

Bốn là, tăng cường các nghiên cứu cơ bản và đánh giá, tổng kết các kết quả thực hiện các chính sách liên quan đến gia đình; đồng thời, cân đối nguồn lực để tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Giải quyết tốt các vấn đề của gia đình, là giải quyết tốt các vấn đề xã hội, là cơ sở, điều kiện để mỗi gia đình – một tế bào bền vững,   cũng là “tổ ấm” thật sự của mỗi thành viên và là môi trường tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đóng góp cho mục tiêu xây dựng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chú thích:
1. Quyết định số 1028/QĐ-TTg ngày 08/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020.
2. Quy mô dân số Việt Nam những phát hiện chính. http://consosukien.vn, ngày 03/8/2020.
3. Công bố Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019: “Hành trình để thay đổi”. https://vietnam.unfpa.org, ngày 14/7/2020.
4. Phòng ngừa người dưới 18 tuổi phạm tội thông qua hoạt động xét xử của Tòa án – Hạn chế và kiến nghị. https://tapchitoaan.vn, ngày 19/6/2019.
TS. Phạm Thị Thắm
Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương