Đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức của TP. Hồ Chí Minh – những giải pháp và kiến nghị

(Quanlynhanuoc.vn) – Quán triệt chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh tại Công văn số 4780/UBND-VX và số 124/UBND-VX, các sở, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã xây dựng Quy chế tổ chức đánh giá xếp loại cán bộ, công chức và được triển khai đồng bộ, thống nhất trong các cơ quan, đơn vị. Công tác đánh giá xếp loại chất lượng căn cứ vào kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao theo các chương trình, kế hoạch công tác được đề ra từ đầu năm gắn với kết quả thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Ảnh minh họa (internet)

Ngày 13/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP quy định nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Nghị định số 90/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2020, thay thế Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 quy định về đánh giá và phân loại đối với CBCCVC và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP. Nội dung bài viết đánh giá việc thực hiện công tác đánh giá, xếp loại chất lượng (ĐGXLCL) cán bộ, công chức (CBCC) năm 2020 của TP. Hồ Chí Minh; đồng thời, đề xuất những kiến nghị nhằm hoàn thiện công tác ĐGXLCL CBCC trong thời gian tới.

Công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức năm 2020 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh

Công tác triển khai tổ chức đánh giá, phân loại

Triển khai thực hiện Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 4780/UBND-VX ngày 14/12/2020 về hướng dẫn ĐGXLCL CBCCVC, người đại diện và người quản lý doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; Công văn số 124/UBND-VX ngày 03/01/2021 về hướng dẫn bổ sung công tác ĐGXLCL năm 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch ĐGXLCL CBCCVC và các đối tượng khác (người đại diện và người quản lý doanh nghiệp nhà nước) theo quy định. Việc đánh giá, phân loại theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP được thực hiện đồng thời với công tác tổ chức kiểm điểm, ĐGXLCL hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo Kế hoạch số 11- KH/TU ngày 21/11/2019 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.

Kết quả thực hiện

Công tác đánh giá, phân loại được thực hiện theo quy trình, thủ tục quy định và nguyên tắc thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm ĐGXLCL CBCC thuộc thẩm quyền quản lý. Cơ sở, tiêu chí đánh giá bám sát theo hướng dẫn của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, minh bạch và nhằm tạo sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, thái độ làm việc cũng như góp phần khuyến khích tinh thần chủ động, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của CBCC. Ngoài ra, kết quả đánh giá của người đứng đầu còn căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể và có tham khảo kết quả đánh giá về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan, đơn vị.

Công tác tổ chức, triển khai thực hiện ĐGXLCL CBCC được thực hiện kịp thời, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ công tác chuyên môn của từng CBCC. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt trong đội ngũ CBCC, người lao động trong các cơ quan, đơn vị được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên và kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực. Quy trình đánh giá, phân loại được triển khai đồng bộ và cơ bản đáp ứng yêu cầu về tính khách quan, công khai, minh bạch. Công tác đánh giá, phân loại đã có tác động tích cực, khuyến khích CBCC, nỗ lực phấn đấu trong thực thi công vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân. Chất lượng ĐGXLCL đã từng bước tiếp cận và phản ánh chính xác về tinh thần, nhận thức và năng lực chuyên môn của CBCC giúp Thành phố tiếp tục thực hiện các mục tiêu về nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, những điểm mới của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP cũng có nhiều thuận lợi cho công tác ĐGXLCL CBCC: việc điều chỉnh tên gọi mức xếp loại chất lượng CBCC (mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng òn hạn chế về năng lực điều chỉnh thành mức hoàn thành nhiệm vụ) đã rõ ràng; tiêu chí đánh giá, xếp loại cụ thể (Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đã khái quát thành các tiêu chí cụ thể về: chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, tác phong, lề lối, ý thức tổ chức kỷ luật). Việc không quy định nội dung có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong hoạt động công vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền công nhận trong quy định lần này đã tạo điều kiện cho việc ĐGXLCL CBCC  không bị trói buộc như trước. Năm 2020, số lượng CBCC của UBND TP. Hồ Chí Minh được ĐGXLCL là 120.678 người. Trong đó, cán bộ: 2.581 người, chiếm 2,14%; công chức: 12.394 người, chiếm 10,27%; viên chức: 105.703 người, chiếm 87,59%. Kết quả ĐGXLCL CBCC năm 2020 của TP. Hồ Chí Minh (xem bảng cuối bài).

Tuy vậy, việc ĐGXLCL CBCCVC của Thành phố cũng còn có những khó khăn, hạn chế nhất định.

Một là, việc triển khai, thực hiện công tác ĐGXLCL CBCC còn phải trao đổi, xin ý kiến để được hướng dẫn thực hiện cho đồng bộ, hiệu quả nên cũng mất rất nhiều thời gian do năm 2020 là năm đầu tiên triển khai thực hiện ĐGXLCL theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP. Một bộ phận CBCC chưa dành nhiều thời gian và sự quan tâm đúng mức đối với công tác đánh giá, xếp loại.

Hai là, còn một số quy định về công tác đánh giá, phân loại chưa có sự thống nhất giữa các văn bản của Đảng và Nhà nước nên khi triển khai thực hiện gặp nhiều vướng  mắc, lúng túng (chẳng hạn: theo  quy  định  của  trung ương, số lượng cán bộ, đảng viên được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tối đa  20% tổng số hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng hiện nay chưa có quy định tương  tự trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước;…).

Ba là, trong quá trình thực hiện ĐGXLCL CBCC, một số cơ quan, đơn vị còn tâm lý nể nang, ngại va chạm nên ít nhiều có ảnh hưởng đến tính khách quan của kết quả đánh giá, xếp loại.

Một số giải pháp và đề xuất kiến nghị

Trong thời gian tới, UBND TP. Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể là:

(1) Triển khai có hiệu quả, nâng cao chất lượng thực hiện quy định pháp luật về công tác ĐGXLCL CBCC theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP. Công tác đánh giá, xếp loại phải được xem là khâu trọng yếu trong công tác cán bộ, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

(2) Quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, quản lý và từng cá nhân CBCC về vai trò và tầm quan trọng của công tác đánh giá, xếp loại để CBCC phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, phục vụ tổ chức và người dân ngày càng tốt hơn.

(3) Đề cao vai trò, trách nhiệm thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện đánh giá, xếp loại theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, khách quan trong từng khâu của quy trình đánh giá, xếp loại. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng, tính chính xác về kết  quả đánh giá, xếp loại tại cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách.

(4) Thường xuyên rà soát ban hành, điều chỉnh các quy định liên quan đến đánh giá, xếp loại phù hợp với thẩm quyền. Phải nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất bảng tiêu chí đánh giá theo kết quả thực thi công vụ.

(5) Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể có thành tích tốt và những cá nhân gương mẫu trên cơ sở kết quả đánh giá, xếp loại; đồng thời nhắc nhở, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt, chưa đúng quy định, quy trình và chất lượng đánh giá, xếp loại.

Để thực hiện tốt Nghị định số 90/2020/NĐ-CP và các mục tiêu nêu trên, TP. Hồ Chí Minh cần tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai công tác ĐGXLCL; kiến nghị Bộ Nội vụ các nội dung sau:

Thứ nhất, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP không hướng dẫn ĐGXLCL tập thể cơ quan, tổ chức, đơn vị, tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP: “100% cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ  trở lên…”. Vì vậy, đề nghị Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn công tác ĐGXLCL tập thể để có căn cứ thực hiện.

Thứ hai, Bộ  Nội  vụ  nghiên  cứu, có hướng  dẫn hoặc  trình  cấp  có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn cụ thể: theo khoản 1 Điều 12 Quy định số 132-QĐ/TW ngày 08/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về việc kiểm điểm và ĐGXLCL hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị: “Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để số lượng tập thể, cá nhân được xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số được xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ” theo từng nhóm đối tượng có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng”. Tuy nhiên, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP không quy định tỷ lệ số lượng CBCCVC được xếp loại ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” hằng năm. Do vậy, Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn cụ thể việc xếp loại ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” có giới hạn tối đa không vượt quá 20% số được xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ” theo từng nhóm đối tượng có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Thứ ba, trong trường hợp cơ quan, đơn vị có CBCC vi phạm, bị xử lý kỷ luật, kể cả vi phạm các quy định ngoài phạm vi công vụ, như: vi phạm quy định về dân số, kế hoạch hóa gia đình (sinh con thứ ba); vi phạm pháp luật, quy định, quy chế của địa phương nơi cư trú (gây ô nhiễm môi  trường ở khu phố…); hoặc ngoài phạm vi quản lý của địa phương, cơ quan, đơn vị (vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; bị xử phạt trong khi đi du lịch ở địa phương khác…) thì cấp lãnh đạo, quản lý trực tiếp của CBCC đó được xếp loại chất lượng ở mức cụ thể nào? Quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, CBCCVC lãnh đạo, quản lý muốn được xếp loại ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “hoàn thành tốt nhiệm vụ”, “hoàn thành nhiệm vụ” đều phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể, trong đó bao gồm tiêu chí nêu tại điểm a khoản 5 Điều 3 “Đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản 1ý… không để xảy ra các vụ, việc vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý…”. Đồng thời, lãnh đạo, quản lý của những trường hợp này có bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ” hay không. Tương tự, đối với lãnh đạo, quản lý cấp trên của cấp trực tiếp quản lý, sử dụng CBCC vi phạm kỷ luật có phải thực hiện xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ” hay không?

Thứ tư, trường hợp CBCC có hành vi vi phạm vào thời điểm năm trước, cá nhân và tập thể đơn vị đó đã bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ năm trước nhưng đến thời điểm năm sau liền kề mới có quyết định xử lý kỷ luật. Như vậy, việc ĐGXLCL cá nhân và cơ quan, đơn vị đó có căn cứ quyết định xử lý kỷ luật đó để đánh giá xếp loại chất lượng cho năm sau liền kề nữa hay không?.

Tài liệu tham khảo:
1. Công văn số 4780/UBND-VX ngày 14/12/2020 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về hướng dẫn đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đại diện và người quản lý doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
2. Công văn số 124/UBND-VX ngày 03/01/2021 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về hướng dẫn bổ sung công tác đánh giá, xếp loại chất lượng năm 2020 và những năm tiếp theo.
3. Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
4. Sơ thảo kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu đề tài “Đánh giá công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh theo kết quả thực thi công vụ”. Đề tài khoa học theo Quyết định số 532/QĐ-SKHCN ngày 02/6/2020 của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
5. Tờ trình số 1066/TTr-SNV ngày 19/3/2021 của Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh về báo cáo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức năm 2020.
TS. Nguyễn Thị Thu Hòa
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Nguyễn Văn Hiếu
Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh