(Quanlynhanuoc.vn) – Tại “Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0” năm 2021, các chuyên gia cho rằng, trước đây người ta hay nói nhiều về chính phủ điện tử (CPĐT), nhưng 2 năm gần đây, chúng ta lại nghe nói nhiều về chính phủ số (CPS), đây là một xu hướng mới về CPĐT.
Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã xác định: phát triển CPS là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp đột phá, nhằm cung cấp dịch vụ số cho người dân, DN. Toàn bộ cơ quan nhà nước sẽ chuyển sang hoạt động trên môi trường số. Sử dụng dữ liệu công nghệ số để thiết kế lại các hoạt động vận hành của Chính phủ nhằm giúp việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam hướng tới có chỉ số phát triển CPĐT, CPS ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hiệp quốc.
Các chuyên gia cho rằng, CPS về bản chất là CPĐT, nhưng có cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. CPS bao hàm CPĐT, với đặc trưng là 4 “không”: họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc, thanh toán không dùng tiền mặt. CPS có thêm 4 có: có hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo, phát triển, dẫn dắt CĐS quốc gia, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong quá trình phát triển và quản lý kinh tế – xã hội.
Các số liệu mới liên quan đến chính phủ số tại Việt Nam
Xếp hạng CPĐT Việt Nam theo đánh giá của LHQ (EGDI) vào năm 2020, tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia; xếp thứ 23/47 tại châu Á và xếp 6/11 quốc gia tại Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam cao hơn chỉ số trung bình trên thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia xếp hạng cao. Tỷ lệ dịch vụ công trục tuyến (DVCTT) mức độ 3 trên cả nước năm 2020 đạt 30,86% vượt mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT năm 2019 – 2020 và định hướng đến năm 2025.
Tính đến ngày 20/8/2021, tỷ lệ DVCTT mức độ 3, 4 trên cả nước đạt 65,1%, trong đó tỷ lệ DVCTT mức độ 3 đạt 27,7%, tỉ lệ DVCTT mức độ 4, là 43,4%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước đã kết nối 100% đến các bộ ngành, tỉnh/thành trực thuộc trung ương, 100% quận huyện, thị xã, một số cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng đã được xây dựng như CSDL về bảo hiểm, CSDL hộ tịch điện tử, CSDL quốc gia về đăng ký DN, CSDL giáo dục, CSDL quốc gia về dân cư đã được vận hành chính thức từ ngày 01/7/2021.
Trục liên thông quốc gia văn bản quốc gia đã được xây dựng nhằm kết nối các hệ thống quản lý văn bản điều hành của các bộ, ngành và địa phương, hiện nay đã kết nối 94/94 bộ, ngành, địa phương và kết nối với hệ thống quản lý văn bản điều hành của Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, các tổ chức chính trị – xã hội… Từ khi khai trương ngày 12/3/2019 đến ngày 19/8/2021 đã có tổng số hơn 6,3 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử trên toàn quốc năm 2020 đạt 90,8%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ.
Các số liệu trên khẳng định sự thành công trong việc xây dựng CPS tại Việt Nam. Thể hiện sự quyết tâm từ mọi cấp, mọi ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng CPĐT, đáp ứng mong muốn và nhu cầu của người dân.
Định hướng về phát triển chính phủ số trong thời gian tới
Gần đây ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới CPS giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là chiến lược tổng thể đưa ra tầm nhìn mục tiêu, trách nhiệm triển khai các nội dung theo lộ trình, bảo đảm việc thực hiện đồng bộ kế thừa, kết nối phát triển cả chiều sâu và chiều rộng, được xem là một bước ngoặt quan trọng trong công cuộc CĐS nói chung và phát triển CPS tại Việt Nam nói riêng.
Theo ông Vũ Kiêm Văn, Phó Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA): “Dự án về CPS tại Việt Nam đưa ra mục tiêu là cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân, huy động sự tham gia rộng rãi của người dân và DN. Vận hành tối ưu cơ quan nhà nước dựa trên công nghệ số, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế – xã hội như y tế, giáo dục và giao thông”.
Trong khi đó, chiến lược của CPS sẽ đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện môi trường pháp lý phát triển hạ tầng số quốc gia; phát triển nền tảng số quốc gia; phát triển dữ liệu số quốc gia; phát triển các ứng dụng quốc gia và bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. Cùng với đó, CPS sẽ thay đổi cách thức phục vụ người dân, DN để giảm chi phí, tăng năng suất của DN, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng cho người dân, để người dân, DN tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để tạo ra giá trị lợi ích và sự hài lòng, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội.
Theo ông Đặng Hữu Tuấn, chuyên gia CĐS, Tổng thư ký Câu lạc bộ (CLB) các Nhà quản lý TT&TT, tiền đề của Việt Nam trong việc xây dựng CPS hiện đang có là sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, từ trên xuống dưới, từ Đảng, Chính phủ. Tiếp theo, ưu thế của Việt Nam là hạ tầng, Internet tốt và rẻ so với thế giới. Tỉ lệ phủ Internet cao, ví dụ Hà Nội có khoảng 10 triệu dân nhưng số lượng thuê bao Internet lên đến 14 triệu, tỉ lệ smartphone cũng cao, 90 – 100%, điều đó cho phép người dân tiếp cận với CPĐT dễ dàng. Tuy nhiên, ở vùng sâu, vùng xa thì việc này là còn khó, nhưng xét trên tổng thể toàn bộ quốc gia, thì chỉ số này là cao. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chỉ số EGDI, hiện Việt Nam chỉ được xếp vào nhóm mức trung bình khá của thế giới, trong khi tiềm lực của chúng ta đáng lẽ phải ở mức khá trở lên. Chúng ta có quyết tâm cao, hạ tầng tốt, người Việt Nam làm CNTT giỏi, nhưng bất cập của Việt Nam chính là khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn. Những hệ thống thật chạy khác với những gì đã được định nghĩa. Chúng ta cũng thiếu kinh nghiệm triển khai những hệ thống lớn, quy trình và cách thức triển khai như thế nào, rất phức tạp, khó tiếp cận… những vấn đề này Việt Nam cần học tập thế giới. Cuối cùng, theo tôi, hiện nay chi phí đầu tư cho chất xám để thực hiện các dự án liên quan đến CPS còn thấp, trong khi việc triển khai CPS vấn đề chất xám lại rất cần thiết./.