(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện chương trình công tác năm 2022 của Đảng ủy Học viện Hành chính Quốc gia (viết tắt là Học viện), sáng ngày 22/3/2022, Đảng ủy Học viện tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Văn hóa ứng xử của cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại trụ sở chính Học viện và các Phân viện. GS.TS.NGƯT. Phùng Hữu Phú, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương báo cáo chuyên đề tại Hội nghị.
Tham dự hội nghị có PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Bí thư phụ trách Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Đăng Quế, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc điều hành Học viện; các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ cùng toàn thể đảng viên Học viện.
Truyền đạt tại hội nghị, GS.TS.NGƯT. Phùng Hữu Phú nhấn mạnh yếu tố giá trị tốt đẹp của văn hóa cũng như văn hóa ứng xử. Văn hóa ứng xử là sự thích ứng của một cộng đồng, một cá nhân đối với thế giới xung quanh thông qua thái độ, hành vi, cử chỉ, hành động được đặt trên nền tảng những giá trị, chuẩn mực văn hóa được cộng đồng, xã hội thừa nhận trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Văn hóa ứng xử có ý nghĩa rất thiết thực, quan trọng, là thước đo tư tưởng, trình độ văn hóa, đạo đức, trí tuệ, tri thức và phẩm cách mỗi con người, đặc biệt đối với người lãnh đạo, quản lý. Theo Giáo sư, việc thực hiện các chuẩn mực giá trị trong văn hóa ứng xử của cán bộ lãnh đạo, quản lý đòi hỏi cao hơn, nghiêm ngặt hơn, phấn đấu đạt tới chuẩn mực, có ý nghĩa gương mẫu, nêu gương. Văn hóa ứng xử ngày càng có tầm quan trọng hơn trong giai đoạn hiện nay, khi “quyền lực mềm” tác động vào các đối tượng không phải bằng sức mạnh mà bằng “sự hấp dẫn”, bắt nguồn từ lý tưởng chính trị, nền tảng tri thức và hơn cả là văn hóa ứng xử. Văn hóa ứng xử thực sự đã trở thành đại diện của sức mạnh, uy tín đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hoá kiệt xuất, danh nhân văn hóa thế giới, hội tụ đầy đủ những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, điển hình của nhân cách con người Việt Nam. Một trong những đặc trưng cơ bản của văn hóa Hồ Chí Minh được thể hiện đậm nét, mang dấu ấn riêng, rất đặc thù và rất Hồ Chí Minh đó là văn hóa ứng xử. Người là tấm gương vĩ đại của việc thực hiện văn hóa ứng xử đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. GS.TS. Phùng Hữu Phú cho rằng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là học tập một ý chí, một nghị lực phi thường để “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Đồng thời, Giáo sư cũng lưu ý học tập Bác không có nghĩa là bắt chước mà cần suy ngẫm, tự nhận thấy cái gì học được theo năng lực, sở trường và cách thức của riêng bản thân từng đồng chí, biết vận dụng phù hợp với mình; biết tự giác, tôn trọng bản thân, hoàn thiện văn hóa ứng xử bản thân xuất phát từ cái lợi thiết thực.
Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên đề, thay mặt Đảng ủy Học viện, PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Bí thư phụ trách Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện trân trọng cảm ơn GS.TS. Phùng Hữu Phú đã dành thời gian truyền đạt các nội dung về kinh nghiệm, đặc trưng trong văn hóa ứng xử của Việt Nam cũng như Văn hóa ứng xử của cán bộ lãnh đạo, quản lý; về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đội ngũ cho cán bộ, đảng viên của Học viện.
PGS.TS. Lương Thanh Cường đề nghị các Chi bộ, Đảng ủy bộ phận tiếp tục xây dựng, thực hiện kế hoạch sinh hoạt chuyên đề trong năm 2022 trên nguyên tắc bảo đảm thiết thực, hiệu quả; mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, mỗi đảng viên, viên chức của Học viện không ngừng tự nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để ngày một hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.