Giáo dục giá trị đạo đức, nhân văn của Phật giáo cho sinh viên

(Quanlynhanuoc.vn) – Đội ngũ sinh viên hiện nay đang được Đảng và Nhà nước đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người, hướng đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và phẩm chất. Việc giáo dục đạo đức cho sinh viên thông qua việc phát huy các giá trị tích cực trong tư tưởng của các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng đóng một vai trò quan trọng. Bài viết trình bày về những nội dung, phương pháp, vai trò quan trọng của các giá trị đạo đức Phật giáo, từ đó đề xuất giải pháp phát huy vai trò của giá trị đạo đức Phật giáo đến việc hình thành nhân cách, lối sống cho sinh viên hiện nay.
Ảnh minh họa (nguồn: vnu.edu.vn)

Đặt vấn đề

Quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế, dưới tác động của toàn cầu hóa và mặt trái của nền kinh tế thị trường, không ít thanh niên, sinh viên rơi vào lối sống vị kỷ, thực dụng, chỉ nghĩ đến bản thân, mà không có những việc làm thiết thực, giúp ích cho xã hội… Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng giáo dục có ý nghĩa quyết định đến việc hình thành nhân cách của mỗi con người. Cùng với các yếu tố khác như văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo, môi trường sống… giáo dục đạo đức  (GDĐĐ) Phật giáo có vai trò quan trọng trong việc song hành nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay. Thực tế cho thấy, giáo lý của Phật giáo đã giúp những người trẻ có cái nhìn về cuộc sống, có cách ứng xử, cũng như suy nghĩ về đời sống xã hội tốt đẹp hơn. Qua đó khẳng định, GDĐĐ Phật giáo đã góp phần tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách, lối sống của sinh viên, thế hệ trẻ hiện nay.

Vai trò của giáo dục giá trị đạo đức, nhân văn Phật giáo cho sinh viên

GDĐĐ Phật giáo nổi bật với tư tưởng về hành thiện, từ bi, đem tình yêu thương đến với mọi người, tu tâm và xây dựng xã hội bền vững, đã định hướng cho lý tưởng sống con người và trở thành kim chỉ nam hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.

GDĐĐ Phật giáo có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa bản chất con người thông qua sự hoàn thiện về mặt đạo đức, trí tuệ và tinh thần, hình thành nhân cách, lối sống cho thế hệ trẻ. Đồng thời, đề cao các giá trị mà giới trẻ đem lại, khai thác tối đa tiềm năng của nguồn nhân lực này. Bằng nhiều biện pháp khác nhau mà Phật giáo đã có thể chung tay giúp thế hệ trẻ nhận thức được giá trị cuộc sống, giá trị của bản thân cũng như trách nhiệm trước xã hội, gia đình và người thân, là người có ích cho xã hội.

Cũng như các phương pháp giáo dục khác, GDĐĐ Phật giáo nhằm hoàn thiện con người, giáo dục con người có sức sống, có năng lực. Đạo đức Phật giáo khuyên con người phát huy tính tự lực, tự thân, nỗ lực hoàn thiện mình. GDĐĐ Phật giáo là giáo dục lối sống lành mạnh, tích cực cho sinh viên. Phương pháp của GDĐĐ Phật giáo là thông qua các hoạt động của khoa học giáo dục, tổ chức các chương trình giáo dục, giáo hóa và truyền bá chính pháp, có nội dung thiết thực, phù hợp và đáp ứng với mọi trình độ, nhu cầu lý luận, nhu cầu của đời sống và hoàn cảnh xã hội từng người và từng lớp người. Các phương pháp được thực hiện một cách linh động, tiến bộ để phù hợp trình độ, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau trong xã hội.

Hiện nay, với việc bùng nổ công nghệ thông tin, các tổ chức Phật giáo có thể dễ dàng mở ra các lớp bồi dưỡng online để GDĐĐ Phật giáo, thu hút nhiều người quan tâm nhờ mạng xã hội phát triển. Ngoài ra, các tổ chức cũng phối hợp với nhau mở ra các khóa giáo dục về đạo Phật ở các địa phương, các giảng sư trực tiếp đến các địa bàn để thực hiện việc giảng pháp. Một số địa điểm có thể kể đến như ở chùa Hoằng Pháp, chùa Khai Nguyên,… hiện nay thường xuyên được các giảng sư giảng trực tiếp và trực tuyến, thu hút hàng ngàn lượt người xem và chia sẻ.

Nhìn chung, GDĐĐ Phật giáo hiện đang góp phần hình thành thế giới quan, nhân sinh quan tích cực cho sinh viên. GDĐĐ Phật giáo góp phần song hành cùng các hệ thống giáo dục và đào tạo khác tạo nền tảng tích cực để phát triển nhân cách, phát huy sức mạnh của bản thân, thúc đẩy nhu cầu, động cơ, hứng thú trong học tập của sinh viên, giúp thế hệ trẻ phát triển theo hướng tích cực, nhân ái và quan trọng hơn là phù hợp với những quy luật bên trong của sự phát triển cá nhân – nhân tố quyết định sự tiến bộ, phát triển toàn diện và tương lai của thế hệ trẻ. GDĐĐ Phật giáo cũng góp phần hoàn thiện, tạo ra hệ thống những hành vi chuẩn mực cho sinh viên, giúp uốn nắn đạo đức, lối sống, hoàn thiện những thiếu sót khi còn trên ghế nhà trường. Ngoài ra, GDĐĐ Phật giáo còn giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh bất hạnh, truyền cho họ một tinh thần tự lực, giúp họ có ý chí vươn lên, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Thực trạng của giáo dục đạo đức Phật giáo cho sinh viên

Hiện nay, ở mọi lĩnh vực, thế hệ trẻ, sinh viên Việt Nam được giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng ngày một tốt hơn. Phần lớn sinh viên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân; đồng thời, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn giữ trong mình sự năng động trẻ trung vốn có. Lực lượng này đã phát huy được nội lực của mình, họ là những con người năng động, chủ động, sáng tạo, tự chủ, dễ hòa nhập và thích ứng với sự đổi mới, tiến bộ; là những người tiên phong trong công cuộc cải cách, đổi mới về kinh tế, giáo dục.

Với thế mạnh là được đào tạo vừa toàn diện vừa chuyên sâu, lực lượng trẻ đã không chờ đợi, thụ động, phụ thuộc vào thầy cô, họ tự vận động tìm kiếm phương pháp học tập hiệu quả, sáng tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, tận dụng mọi cơ hội để có thể ứng dụng lý thuyết vào thực tế, biến những ý tưởng sáng tạo của mình trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, kế thừa những truyền thống văn hóa, giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, sinh viên Việt Nam có tinh thần hiếu học, cầu tiến, có lối sống lành mạnh, trung thực, đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái cao, sẵn sàng tham gia các hoạt động công ích vì lợi ích cộng đồng…

Trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong những năm gần đây, các tôn giáo ở Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện và bảo đảm hoạt động, sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Không có những mâu thuẫn giữa các tôn giáo và trong nội bộ từng tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo luôn có sự phối hợp, liên kết dưới mái nhà chung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp để tham gia các hoạt động ích nước, lợi dân, được chính quyền và xã hội đánh giá cao.

Đảng, Nhà nước ta trân trọng ghi nhận, biểu dương những kết quả, đóng góp của đồng bào có đạo trong sự nghiệp cách mạng nói chung, thời kỳ đổi mới nói riêng, đó là: luôn yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; phát huy lòng yêu nước, truyền thống tốt đẹp của con người, văn hóa Việt Nam và những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đã luôn kề vai sát cánh, đồng hành cùng dân tộc, có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, thông qua các hoạt động (cả trong nước và quốc tế), các tôn giáo, tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã góp phần quan trọng trong quảng bá hình ảnh một Việt Nam văn hiến, thân thiện, hòa bình, nhân ái, làm cho bạn bè quốc tế có cái nhìn thiện cảm, chính xác về Việt Nam, về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo.

Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa hội nhập kinh tế cũng đã có những tác động mạnh mẽ đến một bộ phận sinh viên, hình thành lối sống sùng bái vật chất, vị kỷ, thực dụng, thích dùng bạo lực … Tâm lý sùng bái ngoại, lối sống tự do cũng đang xâm nhập vào một bộ phận tầng lớp trí thức trẻ và sinh viên đã tạo nên một số những quan niệm lệch “chuẩn”.

Một bộ phận trong lớp trẻ hiện nay thay đổi giá trị sống, có tâm lý sống thực dụng, thờ ơ, buông thả, sùng bái đồng tiền, quay lưng lại với những giá trị văn hóa đạo đức dân tộc. Trong lĩnh vực giáo dục, nhất là GDĐĐ cho sinh viên còn nhiều bất cập. Một bộ phận không nhỏ sinh viên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu tôn trọng pháp luật; theo lối sống thực dụng, đua đòi, lãng phí, lấy đồng tiền làm thước đo giá trị cuộc sống. Tình trạng sinh viên vướng vào tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng…

Trước những thay đổi nhanh chóng của đất nước và thế giới hiện nay đòi hỏi phải phát huy thế mạnh của nhiều tổ chức, của các phương tiện truyền thông hiện đại trong việc bồi dưỡng lý tưởng và lối sống tích cực cho sinh viên.

Phát huy vai trò của đạo đức Phật giáo trong việc giáo dục sinh viên

Thứ nhất, về mặt nhận thức, nên xem tư tưởng Phật giáo về giáo dục là một trong những tư tưởng giáo dục tiến bộ trong lịch sử nhân loại. Bởi lẽ, Phật giáo hàm chứa nhiều giá trị quý báu về giáo dục nhân cách sống cho con người. Hơn nữa, Phật giáo có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt và là hệ tư tưởng dễ đi vào nơi sâu thẳm nhất của lòng người và lưu lại đó một cách bền vững. Tư tưởng giáo dục của Phật giáo luôn hướng đến và chỉ nhằm giáo dục, xây dựng con người thành những người có ích, vì thế đạo đức Phật giáo là những nội dung có giá trị, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam hiện nay, nhất là đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên.

Thứ hai, đạo đức Phật giáo được hình thành từ trong đời sống con người, do đó, đạo đức Phật giáo cần được nghiên cứu đưa vào nội dung giáo dục cho sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhằm giúp các em có tri thức, sự hiểu biết về Phật giáo từ sớm, để được học tập, lựa chọn cho mình lối sống hạnh phúc an vui, ứng dụng lời Phật dạy, điều chỉnh hành vi và thái độ tích cực để sống lạc quan. Đồng thời, giúp các em sinh viên hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, hiểu về nhân – quả, công bằng, sống có lý tưởng, trách nhiệm với xã hội,… Đây là những nội dung giúp định hướng niềm tin, sự hiểu biết về các giá trị văn hoá phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng của các thế hệ trẻ trong tương lai.

Thứ ba, để việc GDĐĐ Phật giáo hiệu quả và sâu sắc hơn, người dạy cần phải có những hiểu biết và nhận thức nhất định về Phật giáo nói chung và giá trị về đạo đức, lối sống của Phật giáo nói riêng. Ngoài ra, phương pháp truyền thụ cũng cần được lựa chọn phù hợp trong các tiết dạy, những bài nói chuyện, những buổi hoạt động ngoại khóa, những lời căn dặn, khuyên bảo về kỹ năng, cách sống… cho sinh viên.

Thứ tư, song song với việc GDĐĐ tại các trường học chính quy, cần tổ chức các mô hình giáo dục dưới hình thức các câu lạc bộ Phật pháp, lớp giáo lý. Mô hình này không chỉ đáp ứng nhu cầu “đến với Phật pháp” mà còn thực sự hữu ích trong giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Hình thức này giúp cho sinh viên có được một “sân chơi” lành mạnh, có cơ hội tiếp cận, hiểu và thực hành theo chính pháp, theo giáo lý của Đức Phật. Qua các hoạt động này giúp các bạn trẻ được học tập, trao đổi giáo lý Phật giáo; học tập các nghi lễ nhà Phật. Hướng các bạn trẻ đến lối sống tốt đẹp, lành mạnh; có định hướng, suy nghĩ và lý tưởng sống đúng đắn, góp phần xây dựng đạo pháp, xây dựng xã hội tốt đẹp.

Thứ năm, khuyến khích sinh viên tìm về những giá trị đạo đức tốt đẹp của truyền thống dân tộc, giá trị đạo đức, lối sống của Phật giáo… động viên, khuyến khích để họ tự lựa chọn, tự “chiêm nghiệm”, tự “tu tập” tư tưởng đạo đức Phật giáo khi họ thấy phù hợp và yêu thích. Cần chú trọng việc tuyên truyền giáo dục với nội dung, hình thức và biện pháp cụ thể phù hợp.

Vận dụng tư tưởng GDĐĐ Phật giáo có thể mang lại những hiệu quả tích cực trước mắt và lâu dài cho việc GDĐĐ lối sống cho sinh viên ở Việt Nam trong thời đại hiện nay, bởi đạo đức Phật giáo là những giá trị tốt đẹp đi ra từ chính đời sống xã hội, vượt lên mọi giáo điều, bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể, gồm mọi phương diện trên, trong cái nhất thể đầy ý nghĩa.

Tài liệu tham khảo:
1. Thích Minh Châu. Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Kinh Tương Ưng bộ, Phẩm Tự mình làm hòn đảo. Tập 1. H. NXB Tôn giáo, 2013.
2. Đào Tấn Thành. Đạo đức Phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đạo đức con người Việt Nam hiện nay. Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2020.
3. Trần Thị Hoài Thương. Giáo dục Phật giáo và ý nghĩa của nó đối với giáo dục đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay. Luận văn thạc sỹ chuyên ngành Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016.
4. Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. H. NXB Khoa học xã hội, 1998.
5. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (nhiều tác giả). Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại. Kỷ yếu Hội thảo khoa học. NXB TP. Hồ Chí Minh, 2001.
ThS. Trần Thị Hương
Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp