Khung năng lực số châu Âu và giá trị tham khảo trong xây dựng khung năng lực số cho cán bộ, công chức ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc xây dựng khung năng lực số của cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu phát triển Chính phủ số là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam có thể nghiên cứu khung năng lực số châu Âu để kế thừa và điều chỉnh cho phù hợp trong việc xây dựng khung năng lực số của cán bộ, công chức.
Ảnh minh họa (internet).
Năng lực số

Khái niệm năng lực số đã dần định hình và thường được sử dụng cùng lúc với các khái niệm, như: kỹ năng số, năng lực thông tin, năng lực truyền thông hay năng lực công nghệ thông tin. Năng lực số có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì, con người đang sống trong bối cảnh xã hội có một khối lượng thông tin khổng lồ đang tồn tại dưới dạng số và cần có khả năng phân tích hợp lý, tư duy phản biện để đánh giá và nắm bắt được cách thức sử dụng các công cụ số trong việc chia sẻ thông tin phục vụ công việc và biểu đạt chính bản thân mình. Trong hiện tại và tương lai, khả năng sử dụng công nghệ số là đòi hỏi của hầu hết mọi ngành nghề và mọi vị trí việc làm.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đưa ra định nghĩa: “Năng lực số là khả năng truy cập, quản trị, thấu hiểu, kết hợp, giao tiếp, đánh giá và sáng tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua công nghệ số để phục vụ cho thị trường lao động phổ thông, các công việc cao cấp và khởi nghiệp kinh doanh”1. Nó bao gồm các năng lực thường được biết đến như năng lực sử dụng máy tính, năng lực công nghệ thông tin, năng lực thông tin hay năng lực truyền thông. Năng lực số được thừa nhận rộng rãi, bao gồm kiến thức và kỹ năng, thái độ.

Khung năng lực số châu Âu

Năm 2013, Hội đồng châu Âu (EC) đã công bố Khung năng lực số châu Âu cho công dân (European Digital Competence Framework for Citizens – DigComp). DigComp là kết quả của dự án về năng lực số được thực hiện từ năm 2011 – 2012, được phát triển bởi một đội ngũ các chuyên gia và được chứng thực ở cấp độ châu Âu.

Khung năng lực (KNL) hướng đến cung cấp sự hiểu biết cũng như định hướng phát triển năng lực số cho các công dân tại châu Âu, cung cấp các phạm vi năng lực thuộc năng lực số mà một công dân cần phải có, bao gồm: thông tin, giao tiếp, tạo lập nội dung, an toàn và giải quyết vấn đề. Từng phạm vi được chia nhỏ thành các năng lực cụ thể, với tổng số 21 năng lực. Các năng lực được phân ra 4 mức độ: cơ bản, trung cấp, nâng cao, chuyên sâu. KNL số cung cấp các ví dụ minh hoạ cho 3 thành phần: kiến thức, kỹ năng và thái độ; đồng thời, cũng chỉ ra khả năng áp dụng các năng lực này cho mục đích cụ thể là học tập và làm việc; 5 phạm vi và các năng lực được thể hiện như sau:

Phạm vi 1 – thông tin (Information): để xác định, định vị, truy xuất, lưu trữ, tổ chức và phân tích thông tin số, đánh giá mức độ phù hợp và mục đích của thông tin. Phạm vi này gồm 3 năng lực: (1) Duyệt, tìm kiếm và lọc thông tin; (2) Đánh giá thông tin; (3) Lưu trữ và truy xuất thông tin.

Phạm vi 2 – giao tiếp (Communication): mỗi cá nhân có thể giao tiếp trong môi trường số, chia sẻ các nguồn lực thông tin thông qua các công cụ trực tuyến, liên kết với người khác, cộng tác thông qua các công cụ kỹ thuật số, tương tác và tham gia vào các cộng đồng, mạng lưới, nhận thức sự giao thoa văn hóa. Phạm vi giao tiếp gồm: (1) Tương tác thông qua các công nghệ; (2) Chia sẻ thông tin và nội dung; (3) Tham gia với tư cách công dân trực tuyến; (4) Cộng tác thông qua các kênh kỹ thuật số; (5) Tuân thủ các nghi thức mạng; (6) Quản lý nhận diện kỹ thuật số.

Phạm vi 3 – tạo lập nội dung (Content cre­ation): tạo lập và chỉnh sửa nội dung mới (từ xử lý văn bản đến hình ảnh và video); tích hợp và chỉnh sửa lại kiến thức và nội dung trước đó; tạo ra những cách diễn đạt, sản phẩm truyền thông và lập trình có tính sáng tạo; giải quyết, áp dụng các quyền và giấy phép sở hữu trí tuệ trong môi trường số. Phạm vi này gồm: (1) Phát triển nội dung; (2) Tích hợp và chỉnh sửa lại các nội dung và kiến thức đã có; (3) Hiểu cách áp dụng bản quyền và giấy phép cho thông tin, nội dung; (4) Lập trình.

Phạm vi 4 – an toàn (Safety): bảo vệ cá nhân người sử dụng, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ danh tính số, các biện pháp bảo mật, sử dụng an toàn và bền vững. Phạm vi này gồm: (1) Bảo vệ thiết bị; (2) Bảo vệ dữ liệu cá nhân; (3) Bảo vệ sức khỏe; (4) Bảo vệ môi trường.

Phạm vi 5 – giải quyết vấn đề (Problem solv­ing): xác định nhu cầu và tài nguyên số, đưa ra quyết định sáng suốt về việc lựa chọn các công cụ kỹ thuật số phù hợp với mục đích hoặc nhu cầu; giải quyết vấn đề khái niệm thông qua các phương tiện kỹ thuật số, sử dụng công nghệ một cách sáng tạo; giải quyết các vấn đề kỹ thuật, điều chỉnh các năng lực của chính mình và người khác. Phạm vi này gồm: (1) Giải quyết các vấn đề về kỹ thuật; (2) Xác định nhu cầu và phản hồi công nghệ; (3) Đổi mới và sáng tạo trong việc sử dụng công nghệ; (4) Nhận diện những lỗ hổng trong năng lực số.

DigComp được thiết kế không chỉ tập trung vào môi trường giáo dục đại học mà còn được sử dụng trong bối cảnh công việc, giáo dục, đào tạo và học tập suốt đời. DigComp dành cho mọi đối tượng với 4 mức năng lực nên dễ áp dụng và có thể làm cơ sở cho việc đánh giá mức độ thành thạo về kiến thức số của cá nhân. Việc mô tả chi tiết từng năng lực con người cùng với ví dụ về kiến thức, kỹ năng và thái độ nhận được trong mỗi năng lực, giúp người sử dụng hiểu được mục đích của từng năng lực cũng như cách vận dụng chúng trong công việc và học tập.

Ngoài ra, DigComp không chỉ dừng lại ở những năng lực về tìm kiếm, đánh giá, sử dụng thông tin, hay thiên về kỹ thuật số mà còn nhấn mạnh đến các kiến thức về môi trường, sức khỏe, vấn đề an toàn trong môi trường kỹ thuật số, sử dụng hay tạo ra thông tin trong môi trường số một cách thông minh và hợp pháp.

Giá trị tham khảo cho việc xây dựng khung năng lực số của cán bộ, công chức ở Việt Nam

KNL số được xây dựng cho người dân châu Âu nói chung, không giới hạn sử dụng cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Vì vậy, để áp dụng KNL này trong việc đào tạo chuyển đổi số, cần chọn lọc, điều chỉnh để phù hợp với từng nhóm đối tượng cũng như những bối cảnh khác nhau. Việt Nam có thể xây dựng các KNL số và kế hoạch hành động giáo dục số dựa vào kinh nghiệm của nước ngoài và điều chỉnh cho phù hợp. Trên thực tế, từ những kinh nghiệm chuyển đổi số của một số nước trên thế giới, UNESCO đã lựa chọn KNL số châu Âu làm căn bản, bổ sung 2 phạm vi năng lực gồm: “Phạm vi 0 – vận hành thiết bị và phần mềm” và “Phạm vi 6 – năng lực liên quan đến nghề nghiệp” để xây dựng phiên bản KNL số của UNESCO.

Tham khảo kinh nghiệm của châu Âu và UNESCO, KNL số cho cán bộ, công chức (CBCC) Việt Nam có thể được đề xuất gồm 5 phạm vi như KNL số châu Âu cho công dân (DigComp) đã mô tả ở phần trên và bổ sung một phạm vi tương ứng với lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù. Có thể gọi đó là Phạm vi 6 – Năng lực số tương ứng với đặc thù nghề nghiệp của CBCC, bao gồm: (1) Lựa chọn, sử dụng được các công cụ, công nghệ số chuyên biệt cho một lĩnh vực công vụ, dịch vụ công cụ thể; (2) Hiểu, phân tích và đánh giá được dữ liệu, thông tin chuyên ngành và nội dung số cho một lĩnh vực công vụ, dịch vụ công cụ thể trong môi trường số.

Để chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước thành công, trước tiên, cần xây dựng một KNL số cho CBCC làm căn cứ cho việc tuyển dụng, bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá CBCC trong bối cảnh chuyển đổi số. Trên đây là những đề xuất bước đầu cho việc xây dựng KNL số cho CBCC, dựa trên tham khảo KNL số châu Âu cho công dân (DigComp). Khi vận dụng KNL trong công tác quản lý, sử dụng, bồi dưỡng, đánh giá CBCC, cần có những mô tả chi tiết theo 4 mức độ cơ bản, trung cấp, nâng cao, chuyên sâu đi kèm. Trong đó, cần bổ sung các nội dung bồi dưỡng theo KNL số vào chương trình bồi dưỡng hiện có để thúc đẩy đội ngũ CBCC tích cực, chủ động tham gia quá trình chuyển đổi số, đồng thời, bổ sung tiêu chí và tiêu chuẩn đánh giá đáp ứng năng lực số vào hệ thống đánh giá CBCC. Trong tương lai gần (đến năm 2030), công tác tuyển dụng CBCC cần được thực hiện trên nền tảng số, coi đây như là một bộ lọc để có thể thu hút và tuyển lựa được những công dân có năng lực số vào nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ số.

Chú thích:
1. UNESCO (2018). A Global Framework of Reference on Digital Literacy Skills for Indicator 4.4.2. http://uis.unesco.org, truy cập ngày 20/8/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Cẩm nang chuyển đổi số. H. NXB Thông tin và truyền thông, 2020.
2.Vũ Thị Dung, Ngô Thị Huyền. Mô hình và khung kiến thức số. Tạp chí Thư viện Việt Nam. Số 6/2019.
3. Các khung năng lực số của Liên minh châu Âu và vài gợi ý cho Việt Nam để chuyển đổi số thành công. https://giaoducmo.avnuc.vn, truy cập ngày 18/8/2022.
4. Xây dựng khung năng lực số của cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu phát triển Chính phủ số. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 10/02/2022.
ThS. Nguyễn Hồng Hoàng
Học viện Hành chính Quốc gia