Giải pháp huy động vốn cho phát triển công nghiệp công nghệ cao vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển công nghiệp công nghệ cao có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cùng với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, các địa phương trong vùng đã có nhiều chủ trương, biện pháp và cơ chế, chính sách huy động vốn nhằm bảo đảm cho phát triển công nghiệp công nghệ cao. Để huy động tốt nguồn vốn cho phát triển công nghiệp công nghệ cao ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ hiện nay, cần làm rõ những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế trong huy động vốn. Từ đó, đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm huy động vốn cho phát triển công nghiệp công nghệ cao một cách hiệu quả.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Phát triển công nghệ cao (CNC) nói chung và công nghiệp công nghệ cao (CNCNC) tại vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ nói riêng luôn gặp phải thách thức hơn các lĩnh vực kinh tế khác bởi nhu cầu, yêu cầu về nguồn vốn. Hơn nữa, vốn đầu tư phát triển CNCNC thường đòi hỏi kinh phí rất lớn, tính chất rủi ro, mạo hiểm cao, cùng với đó là những biến động về giá cả, lãi suất cho vay đã làm cho việc huy động vốn (HĐV) đầu tư phát triển CNCNC gặp nhiều khó khăn.

Để HĐV cho phát triển CNCNC ở vùng KTTĐ Bắc Bộ, bên cạnh những chủ trương, chính sách phù hợp, linh hoạt cần phân tích một cách đầy đủ những kết quả và hạn chế trong quá trình HĐV, qua đó có giải pháp, phương thức huy động phù hợp, hiệu quả vì sự phát triển CNCNC ở vùng KTTĐ Bắc Bộ trong thời gian tới.

Kết quả đạt được và thách thức trong huy động vốn cho phát triển công nghiệp công nghệ cao ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Số lượng vốn huy động cho phát triển CNCNC ở vùng KTTĐ Bắc Bộ hiện nay đang tăng lên nhanh chóng, chủ yếu tập trung vào các địa phương có tiềm năng, lợi thế trong phát triển CNCNC, như: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương…; trong đó tập trung vào khu CNC Hòa Lạc, với quy mô vốn đầu tư huy động ngày càng tăng, được đầu tư vào nhiều dự án, có nhiều dự án lên đến hàng tỷ USD. Tính đến nay, khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được trên 100 dự án đầu tư, chủ yếu là các dự án, doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm CNC, với tổng số vốn đầu tư khoảng 94.760 tỷ đồng; riêng năm 2021, thu hút được 6 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.590 tỷ đồng.

Nhiều DN trong nước và nước ngoài đầu tư vào CNCNC với số vốn lớn đang hoạt động hiệu quả tại vùng, như: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel (đầu tư 3.700 tỷ đồng); Tập đoàn Vingroup (9.020 tỷ đồng); Tập đoàn FPT (5.430 tỷ đồng); Tập đoàn VNPT (3.765 tỷ đồng);Nidec (200 triệu USD và dự kiến sẽ đầu tư 5 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD tại Khu CNC Hòa Lạc)1… Riêng Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đầu tư vào Việt Nam lên đến 19,4 tỷ USD, trong đó, đầu tư vào Bắc Ninh lên đến 9,3 tỷ USD, chủ yếu sản xuất sản phẩm CNCNC2.

Cơ cấu vốn được huy động cho phát triển CNCNC ở vùng KTTĐ Bắc Bộ ngày càng đa dạng. Nếu như giai đoạn mới phát triển, vốn được huy động chủ yếu vào các ngành thuộc công nghệ thông tin, công nghệ sinh học thì đến nay, vốn được huy động cho phát triển CNCNC ở hầu hết các ngành, bao gồm cả các ngành công nghệ phần mềm; robot công nghiệp chuỗi hở, robot song song có 3 bậc tự do trở lên; thiết bị chẩn đoán hình ảnh; thiết bị kỹ thuật số xử lý và truyền dữ liệu tự động; kính hiển vi quang học phức hợp… Cơ cấu vốn được huy động ưu tiên một số ngành CNCNC gồm: công nghiệp CNTT, công nghiệp sản xuất thiết bị tự động hóa; công nghiệp công nghệ sinh học; công nghiệp vật liệu mới. Tại khu CNC Hòa Lạc hiện nay có 33 dự án về công nghệ thông tin và điện tử viễn thông, 19 dự án về tự động hóa, 13 dự án về lĩnh vực vật liệu mới, 9 dự án về công nghệ sinh học3. Cơ cấu vốn trong nước và nước ngoài cũng có nhiều sự thay đổi, những năm gần đây vốn trong nước đầu tư vào phát triển CNCNC ở các địa phương trong vùng không ngừng được tăng lên. Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào CNCNC ở vùng như: Samsung, Nidec, Hanwha, Nissan Techno…, các DN trong nước, như: Viettel, FPT, VNPT, Vinsmart…, cũng đang tích cực đầu tư, mở rộng sản xuất. Chẳng hạn, như: Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 100 dự án đầu tư, trong đó có 86 dự án trong nước (chiếm tỷ lệ 86%) và 14 dự án đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ lệ 14%)4.

Việc HĐV thuận lợi sẽ góp phần thúc đẩy CNCNC của vùng KTTĐ Bắc Bộ phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu công nghiệp của vùng phát triển có chiều sâu, hiện đại, sản xuất cácsản phẩm CNC có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho quá trình chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ ở vùng nói riêng và Việt Nam nói chung. Góp phần nâng cao trình độ người lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nhiều vấn đề xã hội khác; thúc đẩy kinh tế – xã hội của vùng phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, HĐV cho phát triển CNCNC ở vùng KTTĐ Bắc Bộ còn gặp những khó khăn, hạn chế.

Thứ nhất, vốn được huy động vào các dự án phát triển CNCNC của vùng KTTĐ Bắc Bộ với quy mô nhỏ là chủ yếu. Các DN tham gia sản xuất sản phẩm CNCNC ở vùng KTTĐ Bắc Bộ hầu hết là các DN có quy mô nhỏ. Sản phẩm CNC ở vùng chủ yếu thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhiều cơ sở CNCNC đủ mạnh, đa số các DN này có quy mô về vốn nhỏ. Ngay cả các DN trong nước đã được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận là DN CNC thì chủ yếu là DN tư nhân với quy mô vốn nhỏ, chỉ có 1 DN CNC thuộc thành phần kinh tế nhà nước có quy mô vốn lớn hơn. Trong tổng số 8 DN CNC được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận thì tổng số vốn ban đầu của 3 DN CNC trong nước (Công ty Cổ phần Thông minh MK; Công ty TNHH ATS Co.,Ltd.; Công ty VNPT Tech) chỉ bằng 0,53% (15,6 triệu USD/2.932,6 triệu USD) so với số vốn ban đầu của 5 DN CNC nước ngoài (Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội; Công ty SEV – Tập đoàn Samsung; Công SDIV – Tập đoàn Samsung; Công ty TNHH Kefico Việt Nam; Công ty Cổ phần Bang Joo Electronics Việt Nam)5.

Vốn đầu tư nước ngoài vào các DN CNCNC của vùng đa số quy mô còn nhỏ. Tổng số vốn ban đầu của 6 DN CNC đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận (Công ty Cổ phần Thông minh MK; Công ty ATS Co.,Ltd.; Công ty Cổ phần Công nghệ VNPT Tech; Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội; Công ty TNHH Kefico; Công ty Cổ phần Bang Joo Electronics) chỉ bằng 11,97% (315,06 triệu USD/2.632,6 triệu USD) tổng số vốn ban đầu của 2 DN CNC của Tập đoàn Samsung (Công ty SEV và SDIV)6.

Thứ hai, vốn đầu tư trong nước đầu tư vào phát triển CNCNC còn thấp. CNCNC ở vùng KTTĐ Bắc Bộ thu hút vốn lớn chủ yếu đến từ các dự án đầu tư nước ngoài, các loại hình DN CNCNC là rất ít, đa số vốn còn nhỏ và chủ yếu sản phẩm tập trung trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất phần mềm. Chẳng hạn, như: sản phẩm CNC của các DN trong nước (Công ty Cổ phần Thông minh MK; Công ty TNHH Hệ thống Kỹ thuật Ứng dụng – ATS Co.,Ltd.; Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông VNPT Tech) thuộc lĩnh vực công nghiệp sản xuất phần mềm, đơn giản, chủ yếu là đơn chiếc, giá trị chưa cao. Các sản phẩm tập trung vào các loại từ điển, xử lý tiếng Việt, phục vụ học tập, các ứng dụng trong quản lý nhà nước, quản trị công ty, quản lý tài chính, kế toán…, mà chưa quan tâm đến các ứng dụng trong công nghiệp chế tạo các thiết bị và hệ thống thiết bị điện tử hiện đại, mức độ tự động hóa cao. Chính vì vậy, tổng doanh thu của các DN trong nước là rất nhỏ so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, cơ cấu vốn huy động cho phát triển CNCNC của vùng còn nhiều bất cập. Sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, giữa các thành phần kinh tế và lĩnh vực CNCNC có sự chênh lệch lớn, như: Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh, như: Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh chưa có DN hoạt động CNC nào được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tổng nguồn vốn đầu tư tham gia phát triển CNCNC ở vùng chủ yếu đến từ vốn FDI và phần lớn đến từ Hàn Quốc, vốn đầu tư trong nước còn ít. Vốn cho phát triển CNCNC ở vùng chưa có sự đa dạng về lĩnh vực ngành nghề, chủ yếu tập trung vào dự án thuộc lĩnh vực điện tử, CNTT, một số lĩnh vực khác như công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp sinh học đầu tư chưa nhiều.

Một số giải pháp huy động vốn cho phát triển công nghiệp công nghệ cao ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Một là, đa dạng các hình thức, phương thức HĐV cho phát triển CNCNC của vùng. Theo đó, huy động từ nhiều nguồn khác nhau, như: huy động theo chỉ tiêu, kế hoạch phân bổ các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương theo chỉ tiêu, kế hoạch phân bổ hằng năm cho phát triển CNCNC; việc phân bổ và bảo đảm ngân sách cho phát triển CNCNC được lập kế hoạch chi tiết, cụ thể, rõ ràng. Hoặc HĐV theo cơ chế thị trường thông qua vay vốn tín dụng của các DN, tổ chức, cá nhân (chủ yếu là của các ngân hàng) trong và ngoài nước để thực hiện các chương trình, dự án phát triển CNCNC. Bên cạnh đó, có thể huy động thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu với mức lãi suất thích hợp để thu hút nhà đầu tư…

Quá trình HĐV phải bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, theo kế hoạch, tránh huy động một cách tùy tiện dẫn đến những hệ lụy khó lường. Hiệu quả HĐV được đo bằng hiệu quả của năng suất lao động, kết quả kinh doanh, đời sống người lao động được cải thiện, thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhà nước và xã hội.

Hai là, tạo cơ chế, chính sách phù hợp để HĐV cho phát triển CNCNC đạt hiệu quả. Để huy động được các nguồn vốn hiệu quả cao, đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách minh bạch, đồng bộ, hiệu quả, trên cơ sở luật pháp hiện hành. Các chính sách, như: chính sách tài chính, tín dụng, vốn; chính sách ưu đãi thuế; chính sách thuê mặt bằng; chính sách an sinh cho người lao động… Từ đó, vận dụng linh hoạt các hình thức, phù hợp cơ chế thị trường, thúc đẩy quá trình HĐV cho phát triển CNCNC của vùng đạt hiệu quả cao nhất.

Ba là, nâng cao năng lực sản xuất – kinh doanh của các DN CNCNC tạo sự hấp dẫn trong HĐV cho phát triển CNCNC của vùng. Để nâng cao khả năng HĐV, bên cạnh sự hỗ trợ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi từ phía chính quyền địa phương thì bản thân các DN CNCNC cũng cần xây dựng nội lực để có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường. Từ đó, thu hút được sự quan tâm đầu tư từ phía ngân hàng, công ty cho thuê tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm cung cấp vốn tín dụng đầu tư cho DN CNCNC trên địa bàn của vùng. Nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh của DN CNCNC không nằm ngoài mục tiêu nhằm tích lũy, đồng thời HĐV từ nội bộ các DN CNCNC; theo đó, cần chú trọng đổi mới thiết bị, công nghệ; nâng cao trình độ nguồn nhân lực, năng lực sản xuất – kinh doanh, nâng sức cạnh tranh của các DN CNCNC, bảo đảm cho việc HĐV cho phát triển CNCNC ở vùng KTTĐ Bắc Bộ diễn ra được thuận lợi.

Bốn là, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn phát triển CNCNC trong vùng.  Cần thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển CNCNC là giải pháp quan trọng trong quá trình HĐV. Bởi vì, mục đích cuối cùng của HĐV là huy động được tối đa các nguồn vốn và vốn được đầu tư hiệu quả giúp quá trình phát triển CNCNC theo mục tiêu, yêu cầu các nghị quyết của Chính phủ đề ra về phát triển CNCNC. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi các địa phương trong vùng KTTĐ Bắc Bộ phải triển khai thật tốt, sâu sát, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để nguồn vốn được quản lý chặt chẽ và đầu tư có hiệu quả, tránh để xảy ra thất thoát, lãng phí sẽ tác động, ảnh hưởng xấu, làm mất niềm tin của nhà đầu tư.

Chú thích:
1, 3, 4. Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ban hỗ trợ đầu tư. Báo cáo về tình hình thu hút đầu tư từ năm 2021 đến tháng 6/2022 tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, 2022.
2. Samsung 14 năm đồng hành cùng sự phát triển của Bắc Ninh. http://baobacninh.com.vn, ngày 25/3/2022.
5, 6. Bộ Khoa học và Công nghệ, Vụ Công nghệ cao. Báo cáo Kết quả triển khai Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao (kèm theo Văn bản ngày 11/9/2017 của vụ Công nghệ cao và các tệp về doanh nghiệp công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao), Hà Nội, 2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Công nghệ cao năm 2008.
2. Lại Trần Tùng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2020.
ThS. Nguyễn Bá Vận
ThS. Nguyễn Đức Thành
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng