Một số giải pháp thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam quy định 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động, bao gồm: tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất; Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân và Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tập trung dân chủ được xem là nguyên tắc căn bản chi phối các nguyên tắc khác, là sự kết hợp hài hòa và khoa học giữa hai mặt tập trung và dân chủ tạo thành chỉnh thể thống nhất của một nguyên tắc. Dân chủ là điều kiện là tiền đề của tập trung; tập trung là cơ sở, là cái bảo đảm cho dân chủ được thực hiện.
Tập trung dân chủ – nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của Đảng. Ảnh minh hoạ: lyluanchinhtri.vn.
Tập trung dân chủ – nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ (TTDC). Nhờ thực hiện nghiêm nguyên tắc này, chế độ tập trung, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được giữ vững. Những quyết sách lớn của Đảng đều được tổ chức thảo luận rộng rãi, lấy ý kiến của đảng viên và tổ chức đảng từ cơ sở. Sinh hoạt chi bộ, các hội nghị Đảng được tiến hành dân chủ, bàn bạc công khai, quyết theo đa số, dân chủ trong Đảng ngày càng được mở rộng. Công tác tổ chức và cán bộ, nhất là đánh giá tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ được tiến hành cơ bản công khai, dân chủ. Tình trạng cục bộ, mất đoàn kết trong cán bộ được chấn chỉnh, những tổ chức cá nhân vi phạm bị xử lý kịp thời…

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá, khẳng định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt,… đề cao trách nhiệm của cấp ủy, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cấp; phát huy dân chủ; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) tại Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng được quy định trong Điều lệ Đảng đã cơ bản bảo đảm tính bao quát, toàn diện, đầy đủ và phù hợp…; các nội dung cơ bản của nguyên tắc TTDC trong tổ chức và hoạt động của Đảng quy định trong Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương đã được các cấp ủy, tổ chức đảng tuân thủ và thực hiện nghiêm túc.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nhằm phát huy tốt hơn nữa nguyên tắc TTDC, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cần có những định hướng cho các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, cụ thể:

Thứ nhất, không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của việc thực hiện nguyên tắc TTDC. Phải luôn xác định việc thực hiện tốt nguyên tắc này là một trong những yêu cầu quan trọng để xây dựng đoàn kết thống nhất trong các tổ chức Đảng, phát huy trí tuệ tập thể, tạo sự đồng thuận đối với những chủ trương, chính sách và các quyết sách được ban hành và thực thi. Dân chủ phải dưới sự chỉ đạo của tập trung và tập trung trên tinh thần dân chủ. Kiên quyết khắc phục cả hai khuynh hướng: hoặc là áp đặt tập trung mà không lắng nghe dân chủ; hoặc là dân chủ quá trớn, dân chủ cực đoan không tuân thủ nghị quyết, Điều lệ Đảng và vi phạm pháp luật.

Thứ hai, thực hiện nguyên tắc TTDC phải nằm trong tổng thể thống nhất việc thực hiện đầy đủ và nghiêm túc những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Mỗi cấp ủy Đảng phải thực chất đề cao tự phê bình và phê bình trên tinh thần đồng chí, giúp nhau cùng tiến bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh hoặc lợi dụng phê bình để “đấu tố”, “hạ bệ” nhau.

Thứ ba, cụ thể hóa, làm rõ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc TTDC trong tình hình mới. Đối với các khâu, quy trình – từ việc ban hành các chủ trương, chính sách đến công tác cán bộ – cần cụ thể hóa bằng các quy trình, các bước tiến hành. Việc ban hành và thực thi các chỉ thị, nghị quyết cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, liên thông.

Thứ tư, kiên quyết đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc TTDC. Tổng kết lý luận, thực tiễn cho thấy, sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô có nhiều sai lầm, trong đó có sai lầm nghiêm trọng là xa rời nguyên tắc TTDC trong quá trình cải tổ. Những “ví dụ cụ thể” nêu trên là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch gieo rắc hoài nghi, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo và nguyên tắc TTDC của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, để đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải “nằm lòng” những hiểu biết căn bản về nội dung nguyên tắc, về tính biện chứng giữa tập trung và dân chủ và ngược lại.

Thứ năm, mở rộng dân chủ đi liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Xây dựng các thiết chế, cơ chế cho phép phát huy dân chủ, trước hết là bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên, nhất là quyền được thảo luận, chất vấn, phê bình, thông tin, bảo lưu ý kiến. Xác định đúng những nội dung cốt lõi bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ trong Đảng. Hoàn thiện, cụ thể hóa, quy chế hóa nguyên tắc TTDC cho từng lĩnh vực, từng mặt công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt cần thực hiện nghiêm túc chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng.

Đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng theo hướng hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng cụ thể, gắn với công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên và cán bộ, công chức. Các cấp ủy nghiên cứu kỹ các văn bản của Đảng trước khi quán triệt, làm rõ những nội dung có liên quan đến cơ quan, đơn vị, tổ chức mình. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên có chất lượng gắn với nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, tổ chức có hiệu quả việc triển khai học tập nghị quyết, nghe thông tin thời sự trong đảng bộ.

Thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức cấp ủy viên các chi bộ, đảng bộ cơ sở về vị trí then chốt của công tác xây dựng Đảng nói chung và xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng nói riêng; về vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng. Cấp ủy cơ sở lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả để đảng viên nhận thức rõ về những nguy cơ, thách thức và những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.

Hai là, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, chăm lo công tác phát triển đảng viên.

Rà soát đặc điểm, hiệu quả hoạt động các tổ chức cơ sở đảng; bố trí, sắp xếp lại các tổ chức cho phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị và hoạt động của các đoàn thể quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo. Tập trung thực hiện công tác phát triển đảng viên nói chung và phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; chỉ đạo các tổ chức chính trị – xã hội, nhất là tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên làm tốt công tác giới thiệu quần chúng ưu tú. Việc kết nạp đảng viên phải vừa bảo đảm chỉ tiêu, vừa bảo đảm chất lượng, nguồn đoàn viên ưu tú phải bảo đảm tiêu chuẩn của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên.

Ba là, nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chức đảng, cấp ủy đảng và sinh hoạt chi bộ.

Tập trung triển khai, thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW. Từng cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng thường xuyên rà soát, hoàn thiện quy chế làm việc của chi bộ, đảng bộ và chương trình công tác gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Quy chế phải phù hợp các quy định của Đảng, cấp ủy cấp trên và điều kiện cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị, nội dung phải bảo đảm nguyên tắc TTDC, thể hiện được phạm vi, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; quy định rõ chế độ công tác, sinh hoạt, thông tin, báo cáo, mối quan hệ với cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

Thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các chi bộ trực thuộc, nhất là việc bảo đảm nội dung sinh hoạt chi bộ và phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ ở khu phố, ở cơ quan. Từng chi bộ trực thuộc thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 02/3/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ. Ngoài ra, phải đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW vào sinh hoạt chi bộ định kỳ; thường xuyên tự phê bình và phê bình những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, đảng viên trong chi bộ thực hiện cam kết về việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nội dung sinh hoạt chi bộ phải thiết thực, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng; khắc phục tình trạng đảng viên tự mãn, đùn đẩy nhiệm vụ khi được chi bộ phân công: kiên quyết cho ra khỏi đảng những đảng viên bỏ sinh hoạt; tránh lạm dụng việc cho đảng viên miễn, giảm công tác, sinh hoạt với lý do không chính đáng hoặc lý do không trung thực. Trong sinh hoạt chi bộ phải có nội dung ghi nhận các phản ánh, kiến nghị của đảng viên, nhất là các đảng viên hưu trí liên quan đến việc xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh đối với trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy các cấp.

Thực hiện nghiêm túc, nền nếp chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng. Nội dung sinh hoạt phải cụ thể sát với điều kiện của cơ quan, đơn vị. Cấp ủy, bí thư chi bộ phải chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt; phải trăn trở suy nghĩ và nêu cao tinh thần trách nhiệm, họp chi ủy để thống nhất nội dung trước khi họp chi bộ. Đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ hằng tháng gắn với khắc phục các yếu kém, khuyết điểm trong tháng trước để định hướng nhiệm vụ công tác tháng tới. Nâng cao ý thức đảng viên trong việc tham gia sinh hoạt chi bộ, đảng viên dự họp phải tham gia ý kiến đóng góp, thể hiện rõ chính kiến của mình, tham gia biểu quyết, xây dựng nghị quyết và quyết định những vấn đề quan trọng của chi bộ.

Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên và bí thư cấp ủy các cấp.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng theo các chuyên đề cho đội ngũ bí thư, cấp ủy viên các chi bộ, đảng bộ cơ sở và chi bộ trực thuộc. Việc tổ chức bồi dưỡng hằng năm cần thực hiện theo từng loại hình tổ chức đảng; trong công tác bồi dưỡng phải bố trí thời gian để hướng dẫn xử lý các tình huống phát sinh từ thực tiễn do các chi bộ, đảng bộ đặt ra.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, chú trọng đào tạo cán bộ qua thực tiễn. Cấp ủy các chi bộ, Đảng bộ cơ sở thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ theo hướng trẻ hóa đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ được học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực thực tiễn.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội tham gia xây dựng Đảng.

Trong chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm cần có nội dung kiểm tra, giám sát chất lượng sinh hoạt chi bộ và thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Trong kiểm tra, giám sát phải tập trung vào những vấn đề tổ chức đảng, đảng viên còn yếu kém để tìm ra nguyên nhân chủ quan, khách quan để xử lý, khắc phục. Hướng dẫn cho các chi bộ, đảng bộ cơ sở tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng công tác tự giám sát; kỷ luật nghiêm minh đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng; động viên những đảng viên sa sút phẩm chất, không có ý chí phấn đấu tự nguyện xin ra khỏi Đảng.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội các cấp tích cực thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. Việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phải thực hiện một cách cụ thể, thiết thực, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, tránh hình thức, như: góp ý chung chung, chỉ góp ý cho tập thể mà không chỉ ra được trách nhiệm của cá nhân.

Hằng năm, các tổ chức cơ sở đảng đăng ký thực hiện giao ước thi đua với các nhiệm vụ cụ thể, trong đó có cam kết kiên quyết đấu tranh không để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhũng nhiễu xảy ra trong địa phương, đơn vị. Căn cứ vào nội dung đăng ký và hiệu quả lãnh đạo hệ thống chính trị để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Tập trung không có nghĩa là quan liêu, cực đoan, lấy mệnh lệnh đè bẹp ý chí. Ngược lại, dân chủ nhưng phải trong khuôn khổ của tổ chức, nói và làm trong khuôn khổ, không có dân chủ quá trớn, dân chủ vô tổ chức, vô kỷ luật. Thực hiện nguyên tắc là cơ sở bảo đảm cho Đảng thống nhất về tư tưởng, chính trị, tổ chức, mọi đảng viên phát huy hết thế mạnh, khả năng sáng tạo của mình. Đây là nguyên tắc nền tảng, là đường ray cho mọi hoạt động lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, nó như một hành lang pháp lý, chỉ ra phương pháp, cách thức hoạt động của một tổ chức. Trong điều kiện Đảng cầm quyền ở nước ta, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách có mối quan hệ mật thiết với nguyên tắc TTDC. Đây vừa là một nguyên tắc trong hoạt động lãnh đạo, vừa là một nội dung, một biểu hiện của nguyên tắc TTDC; mọi công việc trong cơ quan, đơn vị đều được bàn bạc tập thể trong cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhằm phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất cao.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Phần II (Đại hội X, XI, XII). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2019.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Nguyễn Tiến Phồng. Dân chủ và tập trung dân chủ – lý luận và thực tiễn. H. NXB Khoa học xã hội, 2001.
Hoàng Minh Vân
Thành ủy thành phố Thủ Dầu Một