Vận dụng chỉ dẫn của V.I. Lê-nin về năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ trong nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ ở nước ta

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong di sản quý báu mà V.I. Lê-nin để lại cho nhân loại tiến bộ, những chỉ dẫn về nâng cao năng lực công tác của cán bộ là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với quá trình xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền, xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh. Bài viết tập trung làm rõ một số chỉ dẫn của V.I. Lê-nin về nâng cao năng lực công tác cho cán bộ, từ đó, đề xuất một số giải pháp vận dụng vào nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ ở nước ta, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
V.I. Lê-nin – lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới. Ảnh tư liệu.
Một số chỉ dẫn của V.I. Lê-nin về nâng cao năng lực công tác của đội ngũ cán bộ

Sau một thời gian xây dựng, nghiêm túc đánh giá thực trạng bộ máy nhà nước Xô-Viết, V.I. Lê-nin đã chỉ ra rằng: “Trừ Bộ dân ủy ngoại giao ra, bộ máy nhà nước của chúng ta, trong một mức độ rất lớn, vẫn còn là một tàn dư của thời trước, và rất hiếm được sửa đổi một cách ít nhiều đáng kể. Bộ máy ấy chỉ mới được tô điểm sơ qua bên ngoài; ngoài ra, nó vẫn là điển hình thật sự của bộ máy nhà nước cũ ở ta”2, trong đó trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ hạn chế, không đáp ứng được công việc được giao là vấn đề nổi cộm. Người chỉ rõ: “Cần phải thừa nhận, và không nên sợ phải thừa nhận rằng trong 100 trường hợp thì có đến 99 trường hợp là những người cộng sản phụ trách không được sử dụng đúng theo khả năng của họ; họ không biết tiến hành công việc của họ…”3. Điều này tạo ra một hệ thống tổ chức có nhiều bê trễ, thậm chí lệch hướng, dẫn đến không những không thực hiện được mục tiêu tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, không khẳng định được tính ưu việt của chế độ xã hội mới mà còn làm mất lòng tin của quần chúng. Trước thực tế đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “Không phải là ra những sắc lệnh, tiến hành các cuộc cải tổ mà là lựa chọn người; thiết lập chế độ trách nhiệm cá nhân đối với công việc đang làm; kiểm tra công việc thực tế4, trong đó coi nâng cao năng lực công tác của cán bộ là vấn đề mấu chốt nhất, có ý nghĩa quyết định đối với quá trình xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp. Người đã tìm tòi, kiến nghị và đưa ra nhiều chỉ dẫn sâu sắc về vấn đề này trong một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với công việc.

Đây vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp mấu chốt, tạo động lực để cán bộ nỗ lực phấn đấu hoàn thiện bản thân, nâng cao năng lực công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. V.I. Lê-nin cho rằng, “Cái mấu chốt không phải là chính quyền, mà mấu chốt chính là biết lãnh đạo, biết đặt người cho đúng chỗ”5. Khi chủ trương, đường lối được Đảng vạch ra một cách đúng đắn thì chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện phụ thuộc chủ yếu vào năng lực công tác của đội ngũ cán bộ. Trước những khó khăn, thách thức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, V.I. Lê-nin chỉ rõ: “mấu chốt và cũng là thực chất của tình hình chính trị hiện nay: đặt trọng tâm vào việc lựa chọn người, vào việc kiểm tra sự chấp hành công tác thực tế”6. Phải “chọn những người xứng đáng” dựa trên các tiêu chuẩn: a) Về mặt trung thực, b) Về lập trường chính trị, c) Về hiểu biết công việc, d) Về năng lực quản lý7, bảo đảm lựa chọn được những người có tài…, những người vừa trung thành với chủ nghĩa xã hội lại vừa có năng lực. Muốn vậy, “Chúng ta phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ tốt”8, nếu không cẩn thận, để những người bất tài, kém năng lực, không đủ phẩm chất “chui lọt” vào các cơ quan nhà nước thì sẽ nguy hại cho cách mạng.

Không chỉ giao công việc, sử dụng cán bộ đúng việc để cán bộ phát huy khả năng, sở trường trong công tác mà còn cần quy giao nhiệm cụ thể cho cán bộ, luân chuyển cán bộ bảo đảm “sao cho không làm ảnh hưởng đến việc giới thiệu công tác với những người mà vấn đề thuyên chuyển họ được bàn đến, và sao cho không ảnh hưởng đến công tác, nghĩa là chỉ tiến hành bằng cách nào để việc đảm nhiệm công tác luôn luôn nằm trong tay những cán bộ hoàn toàn am hiểu công việc chuyên môn và bảo đảm thắng lợi cho công tác”9. Đồng thời, cần phát huy vai trò của Nhân dân trong lựa chọn, theo dõi, giám sát cán bộ, tham gia vào công việc của Nhà nước để buộc cán bộ phải nỗ lực thường xuyên trong công tác, xứng đáng với sự tin tưởng của Nhân dân.

Hai là, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ, thu hút người có chuyên môn giỏi tham gia vào công việc quản lý nhà nước.

Đây là điều kiện, là giải pháp cơ bản để nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ. Theo V.I. Lê-nin: “… không có sự tận tụy nào, không có uy tín nào của Đảng có thể thay thế được điều cơ bản trong trường hợp này, đó là: sự hiểu biết công việc, hiểu biết bộ máy nhà nước của chúng ta và hiểu biết bộ máy đó phải được cải tổ như thế nào”10. Người cho rằng: “Làm sao có thể quản lý được nếu không có uy tín chuyên môn…, nếu không có kiến thức đầy đủ, nếu không tinh thông khoa học quản lý…? Muốn quản lý được, thì cần am hiểu công việc và phải là một cán bộ quản lý giỏi”11. Do đó, cán bộ phải học tập cách quản lý, hiểu thấu công việc quản lý nhà nước và xây dựng nhà nước bảo đảm được những cơ quan đó tiếp tục công việc sao cho công việc ấy thật sự phù hợp với trình độ khoa học hiện đại.

Đồng thời, “Nhiệm vụ của chúng ta là qua thí nghiệm mà thu hút nhiều chuyên gia, rồi bồi dưỡng lớp cán bộ lãnh đạo mới, lớp chuyên gia mới để họ học cho bằng được công tác quản lý, một công tác mới, hết sức khó khăn, phức tạp, để thay thế chuyên gia cũ”12. Phải học tập giai cấp tư sản, học tập kinh nghiệm của các chuyên gia tư sản và biết sử dụng họ bằng cách “Cần phải giao công việccho họ, nhưng cũng phải theo dõi họ chặt chẽ, đặt họ dưới quyền các chính ủy, ngăn chặn các ý đồ phản cách mạng của họ. Đồng thời cần phải học tập họ”13.  Không chỉ giao công việc cho các chuyên gia, giám sát họ mà còn phải có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút, phát huy khả năng, kinh nghiệm của họ trong công việc quản lý.

Ba là, chú trọng kiểm tra việc chấp hành thực tế của cán bộ.

Đây là giải pháp đột phá, thúc đẩy cán bộ nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc được giao. V.I. Lê-nin cho rằng: “…chọn những người xứng đáng và phải kiểm tra việc chấp hành thực tiễn: làm như thế nhân dân sẽ tán thành…, và chỉ khi nào biểu hiện được đúng ý nguyện của nhân dân, thì chúng ta mới quản lý nhà nước được”14. Kiểm tra việc chấp hành công việc trên thực tế nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả tối đa, kịp thời biểu dương những nhân tố tích cực, phát hiện, khắc phục và chấm dứt tình trạng cán bộ vô nguyên tắc, nói không đi đôi với làm, nói mà không làm hay nói nhiều làm ít…

Để kiểm tra việc chấp hành của cán bộ cần phải xây dựng, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước cũng như của từng cán bộ, nhân viên, “phải có kèm theo một quy định về trách nhiệm hết sức rõ ràng của từng người trong số những người đảm nhiệm bất cứ chức vụ Xô-Viết nào, đối với việc chấp hành những nhiệm vụ nhất định, được quy định rõ ràng, dứt khoát, và về các công tác thực tế”15. Theo V.I. Lê-nin, kiểm tra việc chấp hành công việc của cán bộ phải được thực hiện kiên trì, từ từ, thận trọng, thiết thực và tỉ mỉ, cần định ra những hình thức báo cáo thực tế, thật ngắn gọn, nhưng rõ ràng và chính xác. Muốn thực hiện được điều đó phải cải tạo Bộ Dân ủy thanh tra công – nông thành một cơ quan kiểu mẫu, nâng cao vai trò của nó, và sử dụng nó làm công cụ cải tạo toàn bộ bộ máy nhà nước; đồng thời, thu hút Nhân dân tham gia công tác quản lý nhà nước, “Quần chúng càng chủ động, càng có nhiều ý kiến, càng mạnh dạn và càng có tinh thần sáng tạo khi tiến hành công việc đó thì lại càng tốt”16.

Bốn là, kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, tham nhũng, hối lộ.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, buộc cán bộ phải nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, thực hiện công việc nghiêm túc, hiệu quả. Bởi lẽ, theo V.I. Lê-nin, “Chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm đến mức tối đa những cái không tuyệt đối cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được”17. Do đó, V.I. Lê-nin luôn coi đấu tranh chống căn bệnh quan liêu, giấy tờ, “tác phong lề mề” của cán bộ là “nhiệm vụ chính trị” của đảng và Nhà nước Xô-Viết. Đồng thời, V.I. Lê-nin cũng yêu cầu phải loại trừ nạn tham ô, xem đây là điều kiện bắt buộc để củng cố hàng ngũ và tăng cường năng lực công tác của mỗi cơ quan, đơn vị, bởi lẽ “Nếu còn có một hiện tượng như nạn hối lộ, nếu còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được…”18.

V.I. Lê-nin đã đưa ra và thực hiện nhiều biện pháp để chống các căn bệnh này như: những nhân viên của Nhà nước không chỉ được bầu ra mà còn có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào; lương của họ không cao hơn lương của công nhân; thi hành ngay những biện pháp khiến tất cả mọi người đều làm chức năng kiểm sát và giám thị… Đặc biệt, V.I. Lê-nin đã tiến hành thanh Đảng nhằm mục đích loại trừ những người không đủ tiêu chuẩn, những phần tử chống Đảng, những kẻ quan liêu, không trung thực, luồn lọt; tham ô, phẩm chất đạo đức xấu, yếu kém về năng lực…, ra khỏi Đảng, làm trong sạch bộ máy. Đồng thời, V.I. Lê-nin rất coi trọng dựa vào ý kiến của quần chúng lao động ngoài Đảng. Người chỉ rõ: “… đối với việc đánh giá người, và gạt bỏ những kẻ “chui vào đảng”, bọn “làm quan”, bọn đã bị “quan liêu hóa” thì những lời chỉ dẫn của quần chúng vô sản ngoài đảng và trong nhiều trường hợp thì cả những lời chỉ dẫn của quần chúng nông dân ngoài đảng nữa, rất là quý báu”19.

Vận dụng chỉ dẫn của V.I. Lê-nin trong nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ ở nước ta hiện nay

Những chỉ dẫn của V.I. Lênin không chỉ có giá trị lịch sử mà đến nay vẫn có tính thời sự, có ý nghĩa lớn đối công tác cán bộ nói chung, nâng cao năng lực công tác của cán bộ ở nước ta nói riêng. Vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn đó vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam, Đảng ta luôn xác định công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp để nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ, công việc được giao. Tuy nhiên, Đảng ta cũng đã thẳng thắn chỉ rõ: “năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”20. Chính việc hạn chế về năng lực công tác đã dẫn đến nhiều hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một số nơi chậm được khắc phục; trách nhiệm người đứng đầu chưa thực sự được đề cao. Tư tưởng trông chờ, thụ động, ỷ lại vào cấp trên, tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, kỷ cương phép nước không nghiêm còn khá phổ biến”21.

Thực tế đó đòi hỏi cần tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, nhất là tư tưởng V.I. Lê-nin về nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ. Để thực hiện được điều đó, cần chú trọng:

Thứ nhất, đặt vấn đề lựa chọn, sử dụng cán bộ trong tổng thể các giải pháp xây dựng bộ máy nhà nước theo phương châm “thà ít mà tốt”, trong đó chú trọng xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, các căn cứ và quy trình công tác cán bộ, đồng thời tiến hành lựa chọn, bố trí và sử dụng cán bộ một cách thận trọng, chặt chẽ; quy rõ trách nhiệm cụ thể của cán bộ; lấy năng lực tổ chức thực tiễn, hiệu quả công tác làm thước đo để lựa chọn, bố trí, sử dụng và đánh giá cán bộ. Thu hút và giao công việc cho những người có chuyên môn giỏi, thường xuyên theo dõi để giúp đỡ, cải tạo họ; đồng thời có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nhân tài tham gia công tác quản lý nhà nước.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ… Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”22. Để thực hiện điều đó cần chú trọng “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại”23, thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý cho cán bộ phù hợp với từng chức vụ đảm nhiệm. Tổ chức tốt các hoạt động thực tiễn để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, luân chuyển, sử dụng và chính sách cán bộ; đề cao tính tích cực, chủ động, tự giác trong tự học, tự rèn luyện của đội ngũ cán bộ.

Thứ ba, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công việc của cán bộ trên thực tế. Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần căn cứ vào các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tiến hành kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện công việc của cán bộ. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm”… Kiểm tra chặt chẽ, kịp thời phát hiện, biểu dương cán bộ tốt, việc tốt; đồng thời kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, mất dân chủ, kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, không xứng đáng, không trung thành, không đủ đức, đủ tài, không được Nhân dân tín nhiệm. Muốn thực hiện có hiệu quả công tác này cần phải xây dựng các cơ quan kiểm tra, thanh tra gương mẫu, trong sạch.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của Nhân dân trong lựa chọn, giám sát cán bộ, khuyến khích Nhân dân tham gia vào công tác quản lý nhà nước, xây dựng bộ máy công quyền ngày càng trong sạch vững mạnh, vì Nhân dân phục vụ.

Công tác cán bộ là nội dung then chốt của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ. Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Trong đó, nâng cao năng lực công tác cho cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác cán bộ, có ý nghĩa quyết định đối với quá trình xây dựng “bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính”24. Vì vậy, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo chỉ dẫn của V.I. Lê-nin phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta nhằm góp phần nâng cao năng lực công tác cho cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Chú thích:
1, 2, 4, 5, 7, 9, 13, 16. V.I. Lê-nin. Toàn tập. Tập 45. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2005, tr. 435, 138, 128, 137, 446, 449, 133, 459.
3, 17, 18. V.I. Lê-nin. Toàn tập. Tập 44. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2005, tr. 452, 218, 152.
6. V.I. Lê-nin. Toàn tập. Tập 53. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2005, tr. 126 – 127.
7. V.I. Lê-nin. Toàn tập. Tập 41. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2005, tr. 349.
8. V.I. Lê-nin. Toàn tập. Tập 40. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2005, tr. 257.
9. V.I. Lê-nin. Toàn tập. Tập 39. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2005, tr. 489.
10. V.I. Lê-nin. Toàn tập. Tập 38. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2005, tr. 115 – 116.
11. V.I. Lê-nin. Toàn tập. Tập 37. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2005, tr. 448.
12. V.I. Lê-nin. Toàn tập. Tập 31. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2005, tr. 337.
19, 22, 21, 22. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 93, 93, 187, 182, 193.
23. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
ThS Nguyễn Hồng Chinh
ThS. Trần Ngọc Ngân
Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng