Bình đẳng giới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý ở tỉnh Thái Nguyên

(Quanlynhanuoc.vn) – Bình đẳng giới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước là một nội dung hướng tới sự bình đẳng trong nắm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở khối cơ quan thực thi quyền hành pháp. Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm đến vấn đề này và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song cũng còn những vấn đề cần lưu ý để công tác bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước nói riêng.
Điểm cầu trực tuyến Tọa đàm: “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới” tại tỉnh Thái Nguyên, tháng 3/2023. Ảnh: baothainguyen.vn.
Thực hiện bình đẳng giới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý tỉnh Thái Nguyên

Một là, đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) về cao cấp lý luận chính trị.

Cán bộ, công chức (CBCC) của tỉnh Thái Nguyên tham gia học các lớp cao cấp lý luận chính trị của được tổ chức tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực I, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên với hai hình thức tập trung và không tập trung. Theo số liệu tổng hợp, có thể thấy, số lượng học viên nữ trong tổng số CBCC được cử đi học ngày càng tăng: 2 lớp không tập trung (2018 – 2020 và 2019 – 2021) là khoảng 46 – 48%, trong khi trước đó ở 2 lớp không tập trung trước (2016 – 2018 và 2017 – 2019) chỉ là 22% và 37%. Ở các lớp ĐTBD cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung, tỷ lệ học viên nữ ít hơn (khoảng 25%, 26%, riêng khóa 2018 -2019 chỉ có 19%). Ở cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN), số lượng CBCC được cử đi học cao cấp lý luận chính trị còn chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số lượng CBCC nữ được cử đi học (dao động từ 14 – 27%)1.

Có thể nói, ở các lớp cao cấp lý luận chính trị, không phân biệt lớp tập trung hay không tập trung, tỷ lệ nữ làm việc trong CQHCNN tham gia theo học đều thấp. Nguyên nhân là do số lượng CBCC lãnh đạo, quản lý (LĐQL) được quy hoạch trong các CQHCNN còn thấp so với yêu cầu đề ra. Do đó, kéo theo tỷ lệ nữ tham gia các lớp ĐTBD cao cấp lý luận chính trị thấp; bên cạnh đó, độ tuổi và yêu cầu trình độ được đi học cũng là điểm hạn chế với nữ giới khi nữ CBCC trong độ tuổi 45, 46 là hết tuổi tham gia.

Hai là, ĐTBD chuyên viên cao cấp.

Theo số liệu tổng hợp2, số lượng CBCC là nữ tham gia các khóa học trên tổng số CBCC được cử từ các CQHCNN qua các năm như sau: năm 2016, 2018, 2019 là 2/7 (đạt 29%); năm 2017 là 1/6; năm 2020 là 2/8; năm 2021 là 1/11 (năm có tỷ lệ nữ thấp nhất chỉ đạt 9%) . Qua số liệu này cho thấy, một hạn chế ở công tác lên kế hoạch ĐTBD CBCC LĐQL còn chưa đồng đều giữa các khối cơ quan, giữa tỷ lệ nam, nữ CBCC được cử đi học. Lý giải cho điều này, từ góc độ chỉ tiêu đi học của tỉnh khi cử CBCC đi học và tỷ lệ CBCC nữ giữ chức vụ LĐQL hay diện quy hoạch các chức danh cao hơn còn thấp.

Ba là, CBCC tham gia các khóa ĐTBD phân theo giới tính trong CQHCNN tỉnh Thái Nguyên3.

Khảo sát thực tế đối với 260 công chức làm việc ở CQHCNN tỉnh Thái Nguyên cho thấy, CBCC đều tham gia các lớp ĐTBD LĐQL với tỷ lệ cao. Ở các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn (đại học, thạc sỹ, tiến sỹ) 48,1% công chức tham gia; đối với lớp bồi dưỡng kiến thức theo ngạch quản lý nhà nước là 74,6%; lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn của ngành là 51,9%, trong đó, tỷ lệ nữ giới tham gia có phần nhỉnh hơn về tỷ lệ tham gia với tỷ lệ lần lượt là 24,9%, 42,2%, 38,5%.

Ở các lớp ĐTBD khác, lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cấp phòng và tương đương có 32,3% CBCC được hỏi tham gia; lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cấp Sở và tương đương có12,7%; lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cấp huyện và tương đương 9,2%; lớp bồi dưỡng kiến thức an ninh, quốc phòng68,5%. Càng ở các vị trí LĐQL cấp cao hơn, tỷ lệ công chưc tham gia càng ít hơn. Trong đó, tỷ lệ nam CBCC tham gia đều nhiều hơn nữ CBCC với tỷ lệ lần lượt là 19,2%, 7,8%, 6%, 41,1%. Như vậy, ở các lớp ĐTBD CBCC LĐQL cấp cao (sở và cấp huyện) tỷ lệ nữ giới tham gia đều hạn chế. Ở các lớp bồi dưỡng kiến thức an ninh quốc phòng có tỷ lệ CBCC tham gia rất cao, nhưng nữ giới chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3 trên tổng số. Đặc biệt, đối với các lớp bồi dưỡng kiến thức kỹ năng về giới và BĐG là 16,6% CBCC được hỏi tham gia. Tuy nhiên, tỷ lệ nam giới tham gia các lớp bồi dưỡng này rất ít chỉ khoảng 3% và nữ giới 13,6%. Điều này cho thấy, BĐG thu hút sự quan tâm của nữ giới nhiều hơn nam giới và BĐG dường như là câu chuyện của nữ giới.

Trong quá trình tham gia các khóa ĐTBD, CBCC của các CQHCNN gặp phải không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên là sắp xếp thời gian cho công việc của cơ quan Trong khi, 44,6% nữ giới cho rằng họ gặp khó khăn ở nội dung này nhưng nam giới chỉ 3,2%. Khó khăn do sắp xếp thời gian dành cho công việc của gia đình (chăm sóc con cái, gia đình, bố mẹ già….) là 44,6%, nữ giới chiếm tỷ lệ cao ở nội dung này với 32,3% và nam giới chỉ có 8,3% CBCC được hỏi xác định khó khăn này; tương tự với nguyên nhân đi ĐTBD xa nhà dài ngày có 9,6% CBCC nữ xác nhận, nhưng khó khăn này với nam giới chỉ là 4,2%; và sự thông cảm của người vợ/chồng là 10% với nữ giới và 4,6% với nam giới. Điều này cho thấy, khó khăn lớn nhất khi tham gia các lớp ĐTBD đối với CBCC LĐQL là việc sắp xếp công việc ở cơ quan. Tuy nhiên, qua khảo sát, sự chệnh lệch lớn nhất khi so sánh nam giới và nữ giới là từ phía sắp xếp thời gian cho công việc của gia đình (chăm sóc con cái, gia đình, bố mẹ già….) khi tỷ lệ nữ giới cao gần gấp 4 lần nam giới (32,2% và 8,3%); nữ giới sẵn sàng để lại việc ĐTBD nâng cao trình độ sau và ưu tiên cho các công việc gia đình.

Như vậy, BĐG trong công tác ĐTBD CBCC LĐQL ở các CQHCNN tỉnh Thái Nguyên đã được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ tham gia ĐTBD còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nữ tham gia. Mặt khác, nữ giới thường có xu hướng tham gia các khóa ĐTBD ở cấp phòng và tương đương nhiều hơn là cấp huyện và sở. Có nghĩa là, càng lên vị trí LĐQL cấp cao hơn, tỷ lệ nữ thamg gia ĐTBD càng ít hơn và không đồng đều (giữa các năm điều tra từ 2016 – 2021). Tham gia các lớp ĐTBD kiến thức về an ninh – quốc phòng vẫn là thế mạnh của nam giới, trong khi tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức BĐG là thế mạnh của nữ giới.

Một số vấn đề cần tập trung để nâng cao hiệu quả thực hiện bình đẳng giới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý ở tỉnh Thái Nguyên.

Thứ nhất, kế hoạch hành động.

Trong giai đoạn từ 2016 – 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch ĐTBD CBCC, viên chức theo giai đoạn và hằng năm để tổ chức thực hiện. Nội dung các kế hoạch đã tập trung vào nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC LĐQL trong đó có đội ngũ nữ CBCC LĐQL. Các kế hoạch này về cơ bản đều đặt ra mục đích là nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị đạt chuẩn; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý, kỹ năng điều hành cho đội ngũ CBCC đáp ứng các yêu cầu của Luật CBCC, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các yêu cầu về lồng ghép giới vào các kế hoạch này chưa được thể hiện từ mục đích, đối tượng, nội dung đến tổ chức thực hiện, mà chủ yếu phê duyệt kế hoạch ĐTBD với tổng số lớp, số lượng học viên, thời gian khai giảng, thời gian bế giảng, số lượt CBCC được ĐTBD…

Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 21/4/ 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách, giai đoạn 2021-2230 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” đã đề ra mục tiêu bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh LĐQL các cấp được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đạt 75% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030. Nhưng kế hoạch này mới được triển khai từ tháng 4/2022. Như vậy, vấn đề lồng ghép giới trong các văn bản quy phạm pháp luật cần được thực hiện cụ thể hơn trong các kế hoạch ĐTBD CBCC LĐQL qua các thời kỳ và các năm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đánh giá cũng cần được đề ra những biện pháp mạnh mẽ hơn trong các kế hoạch hành động.

Thứ hai, công tác thống kê số liệu.

Trong các báo cáo tổng kết công tác ĐTBD của tỉnh Thái Nguyên qua các giai đoạn hoàn toàn thiếu vắng số liệu phân loại theo nam, nữ. Đây là điểm hạn chế trong công tác thống kê các hệ ĐTBD CBCC LĐQL. Những số liệu thống kê hiện có đều được thống kê tính toán thủ công, chưa trở thành hệ thống số liệu. Điều này gây ra sự khó khăn trong công tác đánh giá thực hiện BĐG ở các khóa ĐTBD CBCC LĐQL. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, cần triển khai những quy định về công tác thống kê trong các báo cáo về ĐTBD CBCC LĐQL, để từ đó làm căn cứ, cơ sở để nhận xét, đánh giá và có phương hướng điều chỉnh chính sách BĐG trong công tác ĐTBD CBCC LĐQL phù hợp và kịp thời.

Thứ ba, sự tác động của yếu tố truyền thống, gia đình đối với vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Qua khảo sát thực tế đã cho thấy, nữ giới thường bị chi phối nhiều hơn bởi những yếu tố liên quan đến công việc gia đình, như: chăm sóc gia đình, con cái, cha mẹ già yếu… Nữ giới thường có tâm lý ngại đi học xa, ngại việc tham gia các lớp ĐTBD để được thăng chức, bổ nhiệm, đề bạt ở vị trí cao hơn. CBCC nữ tham gia với tỷ lệ cao hơn nam giới ở các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn (đại học, thạc sỹ, tiến sỹ); lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch; nhưng ngược lại tỷ lệ nam nhiều hơn nữ giới ở các lớp bồi dưỡng theo chức danh cấp phòng, huyện, sở. Sự tác động yếu tố truyền thống với quan niệm “nữ nội, nam ngoại”, nữ giới sinh ra với trách nhiệm đối nội, làm mẹ, làm vợ, chăm sóc con cái, gia đình; nam giới đối ngoại, làm các công việc ngoài xã hội đã ăn sâu trong tâm trí CBCC. Do đó, sự lựa chọn ưu tiên của nữ giới là những công việc dành cho gia đình, sau đó mới đến công việc ngoài xã hội, cơ quan.

Để thay đổi những vấn đề đã trở thành văn hóa truyền thống trong nhận thức của nhiều thế hệ là công việc không hề đơn giản, cần có thời gian và tác động bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, truyền thông về BĐG và sự chia sẻ, cảm thông của các thành viên trong gia đình với những công việc gia đình là giải pháp lâu dài cần được triển khai nhiều hơn nữa.

Thứ tư, chính sách đối với CBCC nữ đi tham gia các lớp ĐTBD.

Nội dung chính sách đối với CBCC nữ trong quá trình tham gia ĐTBD, đặc biệt phụ nữ thường mất khoảng 5 – 10 năm cho việc sinh đẻ, nuôi con nhỏ… Khoảng thời gian này thường gắn với thời gian CBCC nữ tham gia các lớp ĐTBD nên sự phân tâm, gián đoạn trong việc tham gia đầy đủ, có trách nhiệm trong các lớp ĐTBD còn những hạn chế. Chính sách hỗ trợ đối với phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi đã ban hành (Điều 14 Luật BĐG năm 2006); tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện nội dung này. Bên cạnh đó, quy định độ tuổi tham gia ĐTBD vẫn còn khoảng cách giữa nam và nữ là 5 tuổi (60 tháng), mặc dù đã có sự thay đổi về độ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu. Đây cũng là khó khăn khi thực hiện cử CBCC đi ĐTBD và gây sự thiệt thòi cho CBCC đã ngoài tuổi theo quy định được đi ĐTBD đáp ứng yêu cầu quy hoạch các chức danh LĐQL.

Chú thích:
1. Số liệu tác giả tổng hợp từ danh sách các lớp do Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên cung cấp tính đến tháng 8/2022.
2. Tác giả tổng hợp từ danh sách các lớp do Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị, Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên cung cấp (tháng 9/2022).
3. Tác giả tổng hợp từ Phiếu Khảo sát thực tế đối với 260 cán bộ, công chức làm việc ở cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên năm 2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 70/BC-UBND ngày 12/5/2020 của UBND tỉnh Thái Nguyên tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020.
2. Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 21/4/ 2022 của UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách, giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.
3. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
4. Quyết định số 2464/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên về phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Học viện Chính trị Khu vực I