Chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu quản trị hiệu quả

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc thực hiện thành công chuyển đổi số góp phần để Việt Nam tăng tính chủ động, tạo động lực mạnh mẽ, phát triển nhanh và bền vững. Chuyển đổi số cũng thúc đẩy tư duy của người lãnh đạo, quản lý từ quản lý sang quản trị – đây là vấn đề được quan tâm, mang tính cấp bách hiện nay. Phóng viên Tạp chí Quản lý nhà nước đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Luân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về chủ đề: Chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu quản trị hiệu quả. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Chuyển đổi số cũng thúc đẩy tư duy của người lãnh đạo, quản lý từ quản lý sang quản trị – đây là vấn đề được quan tâm, mang tính cấp bách hiện nay.
PV: Xin ông đánh giá về bối cảnh chuyển đổi số từ góc nhìn quản trị quốc gia?

Ông Nguyễn Minh Luân: Thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với sự kết hợp của các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực như vật lý, công nghệ số và sinh học. Các công nghệ tiên tiến, nổi bật trong cuộc cách mạng này bao gồm điện toán đám mây (cloud computing), internet vạn vật (IoT-Internet of things), trí tuệ nhân tạo (AI-Artifical Intelligence), thực tế ảo (AR/VR- Virtual Reality/Augmented Reality), khai thác dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ di động không dây (wifi), công nghệ tin học lượng tử (quantum information technology), công nghệ Nano (nanotechnology),… Từ đó đã tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế – xã hội (KTXH) và chính trị của thế giới.

Cũng giống như các cuộc CMCN trước đó, CMCN 4.0 đã mang lại cho các quốc gia trên thế giới cả cơ hội và thách thức. Vì vậy, để nắm bắt, hòa nhập thành công và không bị tụt hậu trong cuộc cách mạng này, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải thực hiện chiến lược chuyển đổi số (CĐS). Điển hình, như: ở Mỹ, ban hành “Chiến lược quốc gia về sản xuất tiên tiến”; Pháp: “Bộ mặt mới của công nghiệp nước Pháp”; Anh: “Kỳ vọng việc số hóa các nhà máy có thể khôi phục lại sản xuất”. Ở châu Á, có Hàn Quốc đã ban hành:“Chương trình tăng trưởng trong tương lai”; Trung Quốc: “Định hướng sản xuất năm 2025”; Nhật Bản: “Xã hội thông minh 5.0”…

Chuyển đổi số hướng tới cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân.
PV: Ông cho biết những trụ cột chính của chuyển đổi số hiện nay?

Ông Nguyễn Minh Luân: Nhìn chung, chiến lược CĐS của các quốc gia nêu trên đều tập trung chủ yếu ở ba trụ cột chính sau đây:

(1) CĐS trong cơ quan Chính phủ hay còn gọi là Chính phủ số: hướng tới cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, tăng cường sự tham gia của người dân trong các hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN); tăng cường hiệu quả hoạt động và đổi mới trong các CQNN; phát triển dữ liệu mở của CQNN để tạo điều kiện phát triển KTXH.

(2) CĐS nền kinh tế hay còn gọi là kinh tế số: phát triển các doanh nghiệp (DN) số; CĐS cho các DN truyền thống (hướng tới sản phẩm tích hợp số; chuyển đổi mô hình kinh doanh trên nền tảng số; thay đổi quy trình sản xuất dựa trên dữ liệu số, tự động hóa, ảo hóa,…); phát triển tài chính số; phát triển thương mại điện tử.

(3) CĐS xã hội hay còn gọi là xã hội số để phát triển kinh tế – xã hội: tập trung ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực, như: giáo dục, y tế, văn hóa,… để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm khoảng cách các đối tượng trong xã hội. Chú trọng CĐS trong một số ngành trọng điểm, như: nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông,…

Để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nội dung trên, các nước đã đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện CĐS, đến nay, nhiều nước đã có những thành tựu và đi đầu thế giới trong CĐS.

Ở Việt Nam, trong Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong và thử nghiệm các mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp” với mục tiêu kép là “vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”. Để hoàn thành tốt mục tiêu này, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần xác định rõ quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu và giải pháp của trung ương, từ đó triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn từng ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng miền để tận dụng thế mạnh nội lực làm nền tảng xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch CĐS phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất.

Đối với Cà Mau, chuyển đổi số là cơ hội tận dụng các công nghệ số của CMCN 4.0 để thúc đẩy phát triển KTXH, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững.
PV: Quan điểm và mục tiêu của ông về chuyển đổi số của tỉnh Cà Mau?

Ông Nguyễn Minh Luân: Từ bối cảnh chung của các quốc gia và từ góc nhìn thực tiễn của tỉnh Cà Mau khi đặt vấn đề có nên hay không nên CĐS vào mô hình cơ quan, tổ chức, DN nhằm chỉ dẫn cho các nhà lãnh đạo, quản lý tư duy lựa chọn bước đi, phương thức, giải pháp công nghệ để ứng dụng, áp dụng vào chuyển đổi mô hình cơ quan, tổ chức, DN của mình một cách hiệu quả.

Có nghĩa là, lựa chọn phương thức quản trị khác đi, tốt hơn để lãnh đạo, quản lý hiệu quả hơn, dẫn dắt cơ quan, tổ chức, DN phát triển được toàn diện hơn, miễn dịch tốt hơn với những tác động tiêu cực bởi môi trường an ninh phi truyền thống.

Đối với tỉnh Cà Mau, CĐS giờ đây là nhu cầu tất yếu, là cơ hội tận dụng các công nghệ số của CMCN 4.0 để thúc đẩy phát triển KTXH, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững.

Đối với tỉnh Cà Mau, CĐS giờ đây là nhu cầu tất yếu.
PV: Chuyển đổi số để quản trị hiệu quả. Xin ông cho biết quan điểm của tỉnh về vấn đề này?

Ông Nguyễn Minh Luân: Với quyết tâm đưa tỉnh Cà Mau thành một trong những tỉnh CĐS thành công của đất nước trong thời gian tới, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/7/2022 về “Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là Nghị quyết rất quan trọng được UBND tỉnh thực hiện xây dựng và triển khai có hiệu quả về CĐS, phản ánh quan điểm chỉ đạo, tầm nhìn, nhiệm vụ và giải pháp CĐS của tỉnh. Đặc biệt, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV “Tập trung xây dựng thành công chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai, thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số”.

CĐS là một nội dung trọng tâm trong kế hoạch các năm tiếp theo của đơn vị, tổ chức và DN ở tỉnh Cà Mau. Bên cạnh các hoạt động chuyển đổi kỹ thuật số, sự chuyển đổi về văn hóa và quy trình làm việc linh hoạt hơn sẽ trở thành mục tiêu ưu tiên. Nhìn chung, mỗi giải pháp tạo nên không gian làm việc số đều có ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Để có sự lựa chọn hợp lý, các nhà quản trị có thể lưu ý một số tiêu chí, như: tính năng, khả năng tích hợp, yếu tố bảo mật, chi phí, khả năng hỗ trợ và các bài toán điển hình mà nền tảng đó đang xử lý.

Quan điểm của Cà Mau là muốn CĐS trên mọi phương diện hiệu quả, trong đó, xác định nhận thức đóng vai trò tiên quyết trong CĐS. Xuất phát từ quan điểm CĐS là việc sử dụng công nghệ để thay đổi mô hình hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ để tạo ra cơ hội, giá trị mới. Nói cách khác, đây là hoạt động tư duy lại tổ chức, tập hợp con người và dữ liệu để tạo ra những thay đổi tổng thể và toàn diện trên tất cả các lĩnh của đời sống xã hội, hình thành những thói quen mới trên môi trường số. Chính vì vậy, để thực hiện thành công quá trình này, đòi hỏi phải chuyển đổi thành công nhận thức, cách tiếp cận và sự tích cực hưởng ứng CĐS của những đối tượng tham gia, mà đi đầu là các cơ quan trong hệ thống chính trị, cán bộ, công chức, viên chức và tất cả người dân tham gia.

Cùng với quan điểm xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số thì quan điểm “Lấy người dân là trung tâm, là đối tượng để phục vụ” luôn được các nhà hoạch định chiến lược CĐS hướng tới. Mục đích của chiến lược này nhằm tăng cường sự tương tác của người dân, DN với CQNN, tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong môi trường CĐS, người dân và DN sử dụng chủ yếu là các thiết bị di động thông minh để tương tác, thực hiện các giao dịch. Từ đó, hình thành văn hóa số gắn liền với hoàn thành mục tiêu CĐS quốc gia, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững.

Để bảo đảm CĐS thành công, tỉnh Cà Mau xác định rõ công tác xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách cần phải được ưu tiên hàng đầu nhằm bảo đảm cho các hoạt động CĐS được diễn ra đúng định hướng và đạt được các mục tiêu mà chính sách đề ra. Bên cạnh cơ chế, chính sách, công nghệ cũng là một trong những yếu tố không thể tách rời tiến trình thực hiện CĐS. Việc lựa chọn và ứng dụng công nghệ phù hợp đặc biệt là các công nghệ lõi giúp hạn chế những yếu kém, ngăn ngừa những sự cố có thể xảy ra khi đưa vào vận hành, tiết kiệm được chi phí đầu tư nâng cấp và đạt được kết quả tốt hơn.

PV: Theo ông, trong quá trình chuyển đổi số, vai trò của người lãnh đạo, quản lý được xác định như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Luân: Muốn chuyển đổi, cần nâng cao nhận thức về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; nhất là việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; triển khai thực hiện CĐS, xem đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Xác định cụ thể trách nhiệm của các cấp, các ngành; lấy kết quả chỉ đạo thực hiện là một trong các tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua hằng năm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân về CĐS trong cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội về sự cần thiết và tính cấp bách của CĐS, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số của tỉnh phát triển cùng cả nước.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, thể chế chính sách và ban hành chính sách đặc thù. Cập nhật, bổ sung các kiến trúc, quy chế, quy định về xây dựng, phát triển,quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin phục vụ chính quyền số phù hợp với định hướng Chiến lược quốc gia, khung kiến trúc chính quyền điện tử Việt Nam và tình hình thực tế tại Cà Mau. Gắn kết chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính với phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình CĐS bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Phát triển hạ tầng số bảo đảm khả năng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về kết nối, xử lý dữ liệu và triển khai các ứng dụng công nghệ số. Hoàn thiện nền tảng kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dự liệu trong nội bộ địa phương, kết nối với nền tảng quốc gia theo Khung Kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài. Từng bước mở dữ liệu của các CQNN theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, khai thác tạo ra các dịch vụ, sản phẩm phát triển KTXH. Phát triển nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp nhằm lưu trữ tập trung từ các nguồn khác nhau. Từ đó, tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ chính quyền số, hướng tới việc hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. Bảo đảm kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu, nền tảng số của bộ, ngành để tăng hiệu quả CĐS, tránh trùng lặp trong các lĩnh vực cần ưu tiên CĐS như: Y tế, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính – Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải,…

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau quyết tâm hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số.
PV: Xin ông cho biết, để chuyển đổi số thật sự hiệu quả trên địa bàn tỉnh Cà Mau cần có những giải pháp cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Luân: Cà Mau đang triển khai rất quyết liệt các nội dung sau:

Một là, rà soát, tổng hợp và đánh giá toàn bộ hiện trạng dữ liệu trong phạm vi của CQNN đang được lưu trữ trong các cơ sở dữ liệu để xác định chất lượng dữ liệu, khả năng chia sẻ và sử dụng bởi các cơ quan bên ngoài theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ. Xây dựng kho dữ liệu của công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến với các CQNN để giúp người dân quản lý, lưu trữ dữ liệu điện tử, cung cấp, chia sẻ với các CQNN nhằm hạn chế việc sử dụng văn bản giấy và cung cấp lại thông tin. Phát triển, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ chính quyền số, bảo đảm không trùng lặp, cập nhật, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia theo yêu cầu và thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Triển khai các cơ sở dữ liệu để phục vụ hoạt động CĐS trong các lĩnh vực ưu tiên tại địa phương. Đồng thời, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia và ngành do các bộ triển khai.

Hai là, triển khai bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) theo mô hình 4 lớp; thuê dịch vụ giám sát ATTT cho các lĩnh vực quan trọng và hệ thống thông tin quan trọng của các cơ quan Đảng, Nhà nước nhằm cảnh báo sớm nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố khi mất ATTT; định kỳ hằng năm kiểm tra, đánh giá ATTT cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Đào tạo, tập huấn, phát huy vai trò của Đội ứng cứu sự cố ATTT của tỉnh, kết hợp với sự hỗ trợ của cơ quan ATTT của trung ương để kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống mất ATTT trên địa bàn tỉnh. Tổ chức đào tạo hoặc cử nhân sự chuyên trách, phụ trách về ATTT, công nghệ thông tin tham gia các khóa đào tạo về ATTT. Tổ chức hoặc phối hợp các chương trình diễn tập, tập huấn bảo đảm ATTT với các phương án, kịch bản phù hợp thực tế cho cán bộ chuyên trách, phụ trách về ATTT của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ trong việc ứng phó các sự cố mất ATTT tại cơ quan, đơn vị.

Ba là, phát triển nhân lực số theo hướng tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tinhiện có trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu về kỹ năng số phục vụ CĐS trong cơ quan, đơn vị. Xây dựng và tổ chức triển khai chương trình dạy và học về kỹ năng số và STEM/STEAM trong giáo dục tiểu học và phổ thông. Khuyến khích các cơ sở giáo dục phối hợp với tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo kỹ năng số, STEM/STEAM để triển khai. Xây dựng cơ chế, chính sách bố trí và thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ, kỹ năng làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước và DN.

Bốn, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội. Đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ và bảo đảm tính bảo mật, thông suốt trong cơ quan của Đảng từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng hạ tầng thiết yếu trong cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tiến tới thực hiện CĐS toàn diện trong các cơ quan Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh thông qua việc trang bị đầy đủ các trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dữ liệu,… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành; tạo sự gắn kết và tăng hiệu quả tương tác, giao tiếp giữa đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thuý Vân – Hồng Ngọc thực hiện