Nhân tố ảnh hưởng đến năng lực sáng tạo của sinh viên các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu nhằm xác định và kim định các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực sáng tạo của sinh viên các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Qua việc phân tích dữ liệu của 810 sinh viên các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, năng lực sáng tạo của sinh viên chịu tác động của các nhân tố: kỹ năng sáng tạo, tương tác xã hội, đặc điểm tính cách và kiến thức kỹ năng. Nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt về mức độ tác động của các nhân tố tới năng lực sáng tạo của sinh viên hai nhóm trường công lập và tư thục. Dựa trên kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất một số hàm ý nhằm tăng cường năng lực sáng tạo của sinh viên các trường đại học.
Ảnh minh họa. Nguồn: deslab.vn.
Đặt vấn đề

Trong bối cảnh nền kinh tế số ở Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) của sinh viên trong các trường đại học nhằm nâng cao năng lực ĐMST cho sinh viên, qua đó, thay đổi việc học tập của sinh viên hướng đến yêu cầu cao hơn về tính sáng tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization – WIPO), chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2020 đã xếp hạng 42/131 quốc gia, đứng thứ 9/17 nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương. Kết quả này đã ghi nhận những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc hoàn thiện và nâng cao thứ bậc trong đánh giá ĐMST của quốc gia. Phân tích nền kinh tế số của Việt Nam của Lucy Cameron & các cộng sự (2019) cũng đã chỉ rõ một trong những điểm yếu còn tồn tại là “thiếu đổi mới sáng tạo và giám sát sử dụng kỹ thuật số” và đối tượng thực hiện ĐMST bao gồm các trường đại học, trung tâm ĐMST, công ty khởi nghiệp, cá nhân1. Vì vậy, nghiên cứu NLST của sinh viên trường đại học góp phần quan trọng vào việc khắc phục những điểm yếu trên.

Bài viết nghiên cứu năng lực sáng tạo (NLST), xây dựng và kiểm định mô hình đánh giá NLST của sinh viên trong các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh để tiến hành đánh giá và đề xuất hàm ý góp phần nâng cao NLST của sinh viên các trường đại học.

Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết

Có nhiều quаn niệm về NLST xuất phát từ các cách tiếp cận khác nhаu. Từ cách tiếp cận tâm lý học, Guilford (1967) quаn niệm về năng lực sáng tạo là thuộc tính cá nhân, có thể được sử dụng trong những lĩnh vực khác nhаu mà không nhất thiết phải gắn liền với một bộ môn nào đó, nhưng năng lực chung đó được biểu hiện rõ nét nhất ở khả năng tư duy sáng tạo2. Vygotskij (1995) cho rằng hoạt động sáng tạo là hoạt động trí tuệ cаo nhất củа con người và quаn niệm về năng lực sáng tạo là thuộc tính nhân cách, là tổ hợp các phẩm chất tâm lý mà nhờ đó con người trên cơ sở vốn tri thức – kinh nghiệm và bằng tư duy phân kỳ ưu thế (phân tích, so sánh, tổng hợp và đánh giá) tạo rа và lựа chọn ý tưởng giải quyết vấn đề mới, độc đáo và hợp lý trên bình diện cá nhân, xã hội hoặc toàn cầu. NLST biểu hiện khi con người đứng trước hoàn cảnh có vấn đề và nhờ đó có thể chọn lựа được giải pháp phù hợp nhất so với thực tiễn.

Theo quan điểm học tập toàn diện của Ye (2011), khả năng đổi mới của sinh viên đại học là năng lực toàn diện, là biểu hiện cụ thể trong ý thức đổi mới của sinh viên trong quá trình học tập,năng lực tự học, khả năng tiếp thu kiến thức thông tin, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, sáng tạo tri thức và trao đổi tri thức thành vật chất…3.

Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, đã có nhiều học giả nghiên cứu các vấn đề liên quan đến năng lực ĐMST dưới nhiều góc độ khác nhau, trong đó có góc độ cá nhân. Các công trình nghiên cứu theo góc độ này chủ yếu nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng và xây dựng các mô hình đánh giá năng lực ĐMST cá nhân.

Evers (2005) đã nghiên cứu về danh mục các kỹ năng cần thiết cho các cá nhân trong hai quá trình: từ sinh viên đại học đến khi đi làm và quá trình chuyển đổi các công việc khác nhau của những người đi làm. Nghiên cứu đã đề cập đến ĐMST như là một trong bốn nhóm năng lực cơ bản. Các khảo sát được hoàn thành bởi các sinh viên, sinh viên đã tốt nghiệp và các nhà quản trị. Danh mục được xây dựng là tập hợp 18 loại kỹ năng cần thiết, chia làm bốn nhóm năng lực là: quản trị bản thân, giao tiếp, quản trị con người và các nhiệm vụ, vận động ĐMST và thay đổi. Sự vận động ĐMST được hiểu là việc lên ý tưởng và tiến hành các hành động bằng cách bắt đầu một sự thay đổi có liên quan đến cái hiện có và quản trị sự thay đổi. Trên cơ sở đó, tác giả chỉ ra sự ĐMST của mỗi cá nhân gồm 4 thành phần: khả năng lên ý tưởng, sự sáng tạo/đổi mới/thay đổi, mức độ chấp nhận rủi ro và tầm nhìn4.

Matejun (2017) đã nghiên cứu các yếu tố phát triển năng lực ĐMST của sinh viên trong một trường đại học ở Ba Lan. Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ phiên bản thứ 2 của dự án nghiên cứu quốc tế khảo sát về tinh thần doanh nhân của các trường đại học toàn cầu (GUESSS) trên mẫu 1.597 sinh viên của Đại học Công nghệ Lodz University, Ba Lan. Kết quả cho thấy mức độ năng lực ĐMST của sinh viên bị ảnh hưởng mạnh bởi cấp bậc các lớp học khởi nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè trong trường đại học đối với các sáng kiến kinh doanh và đổi mới được thực hiện. Những người có năng lực ở mức cao nhất thường có những kế hoạch chuyên nghiệp và hơn một nửa trong số họ dự định thực hiện các ý tưởng đổi mới của mình trong công ty của họ, sau thời gian họ tích lũy kinh nghiệm làm việc tại các doanh nghiệp vừa, nhỏ và lớn. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã chỉ ra 3 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến năng lực ĐMST của sinh viên gồm: nhận thức, cảm xúc xã hội5.

Walder (2014) cho rằng, năng lực của sinh viên được hình thành qua quá trình giáo dục, ĐMST trong giáo dục. ĐMST sư phạm trong bối cảnh đại học được đặc trưng bởi hành động có chủ đích nhằm cải thiện việc học tập của sinh viên đại học một cách bền vững nhờ những tiến bộ về công nghệ, tài chính và yếu tố xã hội của trường đại học6.

Kettunen & cộng sự (2013) xác định năng lực ĐMST của sinh viên bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ xác định cần thiết để sinh viên học tập và sẵn sàng bước vào môi trường làm việc7.

Đỗ Anh Đức (2021), với việc sử dụng mô hình phương trình cấu trúc bình phương nhỏ nhất từng phần (PLS SEM) thông qua đánh giá mô hình đo lường và đánh giá mô hình cấu trúc bằng phần mềm SPSS 26 và Smart PLS 3.0. Kết quả khảo sát 303 sinh viên tại các trường đại học tại Hà Nội đã xác định được 4 yếu tố: kỹ năng quản lý, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng xã hội, kiến thức chuyên sâu có tác động đáng kể đến năng lực ĐMST của sinh viên8.

Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

Dựa trên các nghiên cứu của Walder (2014), Kettunen & cộng sự (2013), Đỗ Anh Đức (2021),nghiên cứu xác định NLST của sinh viên được hiểu là khả năng của sinh viên giúp tạo ra giá trị mới nhờ tố chất sẵn có cùng với quá trình học tập, rèn luyện ở trường đại học và ứng dụng giá trị đó vào thực tiễn để đáp ứng nhu cầu, mục tiêu cụ thể.

Các giả thuyết của nghiên cứu:

H1: Các đặc điểm cá nhân có quan hệ thuận chiều với năng lực ĐMST.

H2: Kỹ năng tư duy sáng tạo có quan hệ thuận chiều với năng lực ĐMST.

H3: Tương tác xã hội có quan hệ thuận chiều với năng lực ĐMST.

H4: Nội dung kiến thức học tập ở trường đại học có quan hệ thuận chiều với năng lực ĐMST.

H5. Kỹ năng quản lý có quan hệ thuận chiều với năng lực ĐMST.

Mô hình nghiên cứu đề xuất:

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng để tăng tính chặt chẽ và bảo đảm độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu định tính được tiến hành bằng việc tổng quan tài liệu, thảo luận nhóm hoàn chỉnh các thang đo và bảng khảo sát. Phương pháp nghiên cứu định lượng được tiến hành bằng cách tiến hành khảo sátbằng bảng hỏi đối với các sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Số phiếu điều tra là 1.000 sinh viên, có 810 phiếu hợp lệ (sinh viên trường công lập: 352 phiếu, trường tư thục: 458phiếu). Việc xử lý số liệu sơ cấp được tiến hành trên phần mềm thống kê SPSS 26. Phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính được sử dụng để phân tích sự ảnh hưởng của các nhân tố ảnh hưởng đến NLST của sinh viên.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Thống kê mô tả mẫu

Kết quả thống kê mô tả tổng thể mẫu khảo sát (146 mẫu) theo giới tính, trường đại học đang theo học và năm học:

Giới tính: mẫu khảo sát có nam: 334 (41,2%) và nữ: 476 (58,8%).

Sinh viên từ các khối ngành khác nhau thuộc các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh như: kinh tế: 300 (37%); công nghệ – kỹ thuật: 112 (15,1%); khoa học cơ bản: 132 (16,3%); các ngành khác: 256 (31,6%).

Phân theo năm học: sinh viên năm nhất: 56 (6,9%), sinh viên năm hai: 682 (84,2%), sinh viên năm ba: 48 (5,9%), sinh viên năm tư và năm: 24 (3%).

Sinh viên theo loại hình đại học: sinh viên các trường công lập: 352 (43,5%); sinh viên các trường tư thục: 458 (56,5%).

Kết quả kiểm định thang đo

Kết quả kiểm định Cronbach’s alpha cho cho 6 thang đo (bao gồm 5 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc): đặc điểm tính cách (5 biến quan sát); kỹ năng sáng tạo (5 biến quan sát); tương tác xã hội (5 biến quan sát, bỏ trật tự xã hội do không đạt yêu cầu); nội dung kiến thức (5 biến quan sát); kỹ năng quản lý (4 biến quan sát); NLST (5 biến quan sát). Sau khi điều chỉnh, tất cả các thang đo đều có Cronbach’s alpha > 0,6, các biến quan sát đều có hệ số tương quan với biến tổng > 03). Các thang đo và các biến quan sát đều đạt yêu cầu9.

Kết quả phân tích EFA với biến độc lập lần 4 (Bảng 1), sau khi bỏ biến các biến do không đạt yêu cầu hội tụ và phân biệt cho thấy: chỉ số KMO là 0,813 và Sig của kiểm định Bartlett’s là 0,00 đủ điều kiện phân tích EFA10. Kết quả phân tích EFA có 4 nhân tố với tổng phương sai trích là 61,139%. Kết quả EFA đưa ra gồm 4 nhân tố: kỹ năng kiến thức (KNKT); tương tác xã hội (TTXH); kỹ năng sáng tạo (KNST); đặc điểm tính cách (ĐĐTC).

Bảng 1. Kết quả phân tích EFA cho biến độc lập
Tên biến quan sát Nhân tố Tên nhân tố
  1 2 3 4  
NDKT5 .840 Kỹ năng kiến thức
NDKT1 .816
NDKT2 .741
KNQL1 .649
NDKT4 .605
KNQL4 .554
TTXH3 .790 Tương tác xã hội
TTXH4 .776
TTXH2 .772
TTXH1 .649
KNST3 .781 Kỹ năng sáng tạo
KNST2 .759
KNST5 .743
KNST1 .664
KNST3 .781
DDTC1 .926 Đặc điểm tính cách
DDTC4
DDTC2

Nguồn: Kết quả phân tích từ dữ liệu điều tra.

Kết quả phân tích EFA với biến phụ thuộc NLST gồm 5 biến quan sát nhóm thành 1 nhân tố với phương sai trích 54,641%.

Phân tích hồi quy và kiểm định các giả thuyết nghiên cứu (Bảng 2).

Bảng 2. Kết quả hồi quy
Mô hình Hệ số chưa chuẩn hóa Hệ số chuẩn hóa t Sig. Thống kê đa cộng tuyến
  B Std. Error Beta     Tolerance VIF
(Constant) 0,506 0,120 4,219 .000
KTKN 0,119 0,028 0,114 4,221 .000 0,857 1,166
TTXH 0,253 0,026 0,284 9,816 .000 0,741 1,349
KNST 0,364 0,027 0,395 13,382 .000 0,714 1,400
DDTC 0,126 0,024 0,148 5,300 .000 0,800 1,250

Nguồn: Kết quả phân tích từ dữ liệu điều tra.

Kết quả phân tích hồi quy có hệ số xác đinh bội R2 = 0,500, kiểm định F có là sig = 0,000 < 0,05, cho nên mô hình có ý nghĩa thống kê. Từ bảng 2, có kết luận về các nhân tố ảnh hưởng đến kết quyết định chọn trường của sinh viên gồm: KTKN, TTXH, KNST, ĐĐTC với mức ý nghĩa 5%.

Phương trình hồi quy: 

Từ Bảng 2 cho thấy: các đặc điểm cá nhân (H1); kỹ năng tư duy sáng tạo (H2); kỹ năng tương tác xã hội (H3); nội dung kiến thức học tập ở trường; kỹ năng quản lý (H4, H5) có tác động thuận chiều tới NLST của sinh viên. Mức độ tác động của các nhân tố được xếp theo độ lớn của hệ số hồi quy chuẩn hóa: tác động lớn nhất là kỹ năng sáng tạo (0,395), các nhân tố tiếp theo là: TTXH(0,284), ĐĐTC (0,148), KTKN (0,114).

Một số kiểm định khác

Kiểm định Independent Samples cho thấy, không có sự khác biệt về NLST giữa sinh viên nam và sinh viên nữ.

Kiểm định sâu Anova cho thấy, không có sự khác biệt về NLST của sinh viên giữa các nhóm ngành học và giữa các năm học, tuy nhiên, có sự khác biệt về mức độ tác động của các nhân tố tới NLST của sinh viên các trường công lập và sinh viên các trường tư thục.

Bảng 2. Kết quả hồi quy so sánh ảnh hưởng của các nhân tố đến NLST
Mô hình Trường công lập Trường tư thục
Hệ số chuẩn hóa Sig. Hệ số chuẩn hóa Sig.
(Constant) 0,033 0,001
KTKN 0,272 0,000 0,074 0,027
TTXH 0,207 0,000 0,323 0,000
KNST 0,293 0,000 0,402 0,000
DDTC 0,140 0,001 0,145 0,000

Nguồn: kết quả phân tích từ dữ liệu điều tra.

Cụ thể, về tác động kiến thức và kỹ năng đến NLST ở hai nhóm sinh viên có sự khác nhau. Nhóm sinh viên các trường công lập đánh giá mức độ quan trọng của nhân tố này cao hơn so với nhóm các sinh viên các trường đại học tư thục.

Kết luận và hàm ý đề xuất

Từ kết quả nghiên cứu, đề xuất một số hàm ý nhằm nâng cao NLST của sinh viên. Cụ thể:

Thứ nhất, các trường đại học cần tạo môi trường chủ động sáng tạo nhằm nuôi dưỡng và khuyến khích khả năng sáng tạo của sinh viên. Nhà trường nên tổ chức các cuộc thi để sinh viên thể hiện sự sáng tạo của mình, cụ thể như cuộc thi về bảo vệ môi trường, thi thiết kế, thi về ý tưởng kinh doanh… Trong các cuộc thi, những sáng tạo dù là nhỏ nhất phải được công nhận và tôn trọng, tùytheo mức độ, nhà trường có chính sách giúp các ý tưởng này có thể áp dụng vào thực tiễn.

Thứ hai, kết nối sinh viên với doanh nghiệp là định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường nên dành kinh phí, nhân lực nhiều hơn cho lĩnh vực này. Nên dành một thời lượng và kinh phí cho cho học kỳ doanh nghiệp của sinh viên, tổ chức triển khai và đánh giá chặt chẽ để hoạt động này mang lại hiệu quả tích cực hơn.

Thứ ba, mặc dù kiến thức và kỹ năng được sinh viên đánh giá với tầm quan trọng không cao, tuy nhiên, các nghiên cứu dựa vào khảo sát người lao động lại đánh giá cao kỹ năng làm việc nhóm và kiến thức11. Vì thế, để có những lao động có khả năng sáng tạo thì việc giảng dạy trong các trường đại học rất quan trọng. Theo chúng tôi, khi xây dựng chương trình, nội dung các học phần,các trường cần tăng cường nội dung thực hành. Khi giảng dạy, giảng viên nên cập nhật những ứng dụng mới trong thực tế. Trong quá trình học tập và đánh giá nên tăng cường khả năng làm việc nhóm cho sinh viên, nêu ra các bài tập nhóm, các tiểu luận áp dụng thực tế theo hướng mở để phát huy khả năng sáng tạo của sinh viên. Trong kiểm tra đánh giá, cần phát huy và tôn trọng các ý kiến giải pháp mới; động viên, khuyến khích người học có những ý tưởng mới. Đối với những bài tập phức tạp, giảng viên cần tập hợp sinh viên để cùng thảo luận và đưа rа ý kiến một cách thoải mái nhất. Từ đó, những ý tưởng sáng tạo hаy ít rа là những giải pháp tốt cho vấn đề sẽ xuất hiện.

Thứ tư, tổ chức các khóa huấn luyện thúc đẩy NLST. Các hoạt động như huấn luyện kỹ năng sáng tạo hаy trải nghiệm sáng tạo thực tế sẽ có ảnh hưởng tích cực đến sinh viên, từ đó, thúc đẩy NLST của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Chú thích:
1. Tương lai nền kinh tế số Việt Nam. https://vjst.vn, ngày 10/5/2019.
2. Guilford, J.P. (1967). “Creativity: yesterday, today and tomorrow”, The Journal of Creative Behavior, Vol. 1 No. 1, pp. 3 – 14.
3. Ye, L. (2011). Students’ Innovation Ability. educational theory and practice.
4. Evers, F.T. (2005). “Bases of Competence Skills Porfolio Specifications”, University of Guelph, 1-34.
5. Matejun, M. (2017). “Development of students’ innovative competences in the academic environment: determinants and career paths, People: International Journal of Social Sciences, 3(2), 2191-2209.
6. Walder, A. M. (2014). “The concept of pedagogical innovation in higher education”, Education Journal, 3(3), 195-202.
7. Kettunen, J., Kairisto-Mertanen, L. and Penttilä, T. (2013). “Innovation pedagogy and desired learning outcomes in higher education”, On the Horizon, Vol. 21 No. 4, pp. 333-342.
8. Đỗ Anh Đức. Nhân tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên trong các trường đại học. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 286/2022, 96 – 106.
9, 10. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc. Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. H. NXB Hồng Đức, 2008.
11. Isobe, T., Makino, S., & Montgomery, D. 2008. Technological capabilities and firm performance: The case of small manufacturing firm in Japan. Asia Pacific Journal of Management, 25(3): 413 – 428.
PGS. TS. Nguyễn Duy Thục
Trường Đại học Văn Lang
TS. Nguyễn Huy Hoàng
Trường Đại học Tài chính Marketing