Cơ hội, thách thức trong xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số góp phần xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và ảnh hưởng sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng chính phủ điện tử là một đòi hỏi cấp thiết, cần được tập trung triển khai với tầm nhìn chiến lược lâu dài trong tình hình mới. Chính phủ điện tử không chỉ rút ngắn về mặt không gian, thời gian, tạo khả năng kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả mà còn thực hiện vai trò quản lý nhà nước đạt hiệu quả tối ưu. Bài viết tập trung phân tích cơ hội cũng như thách thức trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm hướng đến xây dựng chính phủ số.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản về xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới chính phủ số (CPS), như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 942/QĐ-TTg  ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới CPS giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được một số cơ sở dữ liệu (CSDL) mang tính chất nền tảng, như: CSDL quốc gia về dân cư, CSDL đất đai quốc gia, CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (DN), CSDL quốc gia về thống kê, tổng hợp về dân số, CSDL quốc gia về tài chính, CSDL quốc gia bảo hiểm, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân…, đã đáp ứng và phục vụ công cuộc CĐS quốc gia một cách bài bản, trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo; hướng đến các nhóm tiện ích quan trọng phục vụ người dân, DN và phát triển của đất nước.

Đến tháng 12/2020, có 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Tổng số hệ thống đã kết nối với dữ liệu quốc gia là 220 hệ thống thông tin của 90 cơ quan, đơn vị, trong đó có 85 dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh của bộ, ngành, địa phương và 5 CSDL, 9 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương1.Theo báo cáo của Liên hiệp quốc về khảo sát CPĐT năm 2020, Việt Nam có vị trí tăng hạng liên tục trong 6 năm qua (từ vị trí thứ 99 năm 2014 lên vị trí thứ 86 năm 2020), nhưng chỉ số nguồn nhân lực của Việt Nam tăng không đáng kể, với 0,6779 điểm2. Vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng chỉ số phát triển CPĐT vẫn ở mức trung bình trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp hạng khiêm tốn ở vị trí thứ 6. Công tác xây dựng triển khai CSDL quốc gia, hạ tầng CNTT còn hạn chế; các hệ thống thông tin dữ liệu chưa có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Ngoài ra, cơ sở pháp lý và những yêu cầu đặt ra về thể chế, khung pháp lý, cơ cấu tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, khả năng ứng dụng khoa học – công nghệ đang là những vấn đề nan giải trong xây dựng CPĐT ở Việt Nam hiện nay.

Cơ hội và thách thức trong xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số

Những cơ hội

(1) Thay đổi tư duy của các nhà lãnh đạo, quản lý, người dân và DN.

Xây dựng CPĐT hướng đến CPS cũng đang dần thay đổi nhận thức của nhà lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, có khả năng quyết định hướng đi và sự thành công đó. Vì vậy, khi xây dựng CPĐT, đòi hỏi các cấp chính quyền phải thay đổi tư duy quản lý từ người “lái thuyền” sang người “chèo thuyền”, định hướng, dẫn dắt người dân và DN  áp dụng những thành tựu của khoa học – công nghệ trong quá trình giải quyết công việc trên môi trường số.

Báo cáo của Liên hiệp quốc năm 2020 cho thấy, thứ hạng phát triển CPĐT của Việt Nam đã tăng 2 bậc, lên vị trí thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là điều kiện quan trọng thúc đẩy và phát huy hiệu quả “làm việc không giấy tờ, giải quyết thủ tục không gặp, thanh toán không dùng tiền mặt” gắn với khai thác CSDL quốc gia.

(2) Nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước và chính quyền các cấp.

Thời gian qua, nhiệm vụ xây dựng CPĐT đã góp phần thúc đẩy việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và xử lý văn bản trên môi trường mạng, thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường mạng, góp phần làm giảm đáng kể chi phí, thời gian gửi, nhận văn bản, thời gian xử lý công việc (tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian…3), nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, Trục liên thông văn bản quốc gia đến nay đã kết nối, liên thông phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với 94/94 bộ, ngành, địa phương. Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ khai trương Hệ thống từ ngày 12/3/2019 – 08/3/2021, đã có hơn 4,5 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong năm 2020 gấp 2,5 lần so với năm 20194. Điều này cho thấy, quá trình vận hành đã mang lại những hiệu quả to lớn, góp phần cải thiện môi trường đầu tư cho DN tạo đà phát triển kinh tế – xã hội.

(3) Kiểm soát, đánh giá các chi phí, nguồn lực.

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xây dựng CPĐT, giúp chính quyền và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có thể nắm bắt được mọi thông tin, thực hiện công việc mọi lúc, mọi nơi. CPĐT góp phần hiện thực hóa lộ trình giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí trong quá trình kiểm tra giám sát. Cụ thể, quá trình vận hành hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ chínhlà hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình CĐS quốc gia. Đến nay, hệ thống đã kết nối với hệ thống báo cáo của 14 bộ, cơ quan ngang bộ và 37 địa phương, tương tác, điều hành trực tuyến thông qua hệ thống mạng dữ liệu của Bộ Quốc phòng, mạng chuyên dùng internet với gần 57 điểm cầu tại các bộ, ngành, địa phương; kết nối 32 camera giám sát các hồ, đập thủy điện…; cung cấp dữ liệu của 105/200 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cung cấp dữ liệu trực tuyến cho 8 chỉ tiêu kinh tế – xã hội hằng tháng5.

(4) Bảo đảm tính công khai, minh bạch thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Công khai thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì đây là cơ sở để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin với tư cách là một trong những quyền cơ bản của công dân. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin còn là cơ sở bảo đảm sự tham gia và giám sát của người dân, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như góp phần hạn chế tham nhũng trong khu vực công. Quá trình xây dựng CPĐT hướng đến CPS chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà CĐS mang lại, đó là phổ cập và cá nhân hóa các dịch vụ, như: dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa… tới từng người dân, DN.

Những thách thức đặt ra

(1) Nhận thức của các cấp chính quyền về xây dựng CPĐT hướng đến CPS. Rào cản lớn nhất đối với sự chuyển đổi nói chung và CĐS nói riêng chính là tư duy và thói quen cũ, cách làm cũ ngay cả khi không còn hiệu quả, bởi thay đổi tư duy và cách làm mới cần phải có một quyết tâm lớn. Vì vậy, để hướng đến xây dựng CPS thành công cần phải xuất phát từ quyết tâm và sự vào cuộc của người đứng đầu, cơ quan, tổ chức. Người đứng đầu phải coi đó là việc bắt buộc phải làm và phải làm bằng được thì CĐS sẽ thành công. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thiếu quyết tâm, ngại thay đổi, chưa nhìn nhận đúng vai trò của ứng dụng CNTT, cùng với đó là sự né tránh của cán bộ, công chức để không phải công khai, minh bạch vẫn còn tồn tại. Ngoài ra, còn có một số tổ chức và cá nhân đang hiểu sai về việc xây dựng CPS chỉ bao hàm việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào quy trình xử lý công việc hay thực hiện số hóa các dữ liệu tại cơ quan, từ đó, dẫn đến những cách làm chưa đúng. Trong khi đó, CPS được bao hàm cả những hoạt động số hóa dữ liệu lẫn việc ứng dụng CNTT và thay đổi văn hóa tổ chức, văn hóa sử dụng dịch vụ của người dân theo cách làm mới. Mặt khác, một số bộ, ngành, địa phương chưa khai thác hiệu quả hạ tầng ứng dụng CNTT, viễn thông hiện có dẫn đến công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn hạn chế.(2) Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, đầy đủ.

Quá trình xây dựng CPĐT hướng đến CPS là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thốngchính trị, vì vậy, có nhiều cơ chế, chính sách cần được cập nhật sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhưng trên thực tế một số quy định chưa được cập nhật sẽ trở thành rào cản, khiến các bộ, ngành, địa phương, DN chưa dám triển khai hoặc triển khai chậm trễ. Cụ thể, môi trường pháp lý cho CPĐT chưa hoàn thiện (một số nghị định quan trọng còn ban hành chậm, đặc biệt là quy định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định về văn bản điện tử; lưu trữ tài liệu điện tử của cơ quan nhà nước; giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch hành chính và thanh toán; về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử… Do vậy, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn còn thấp chưa đáp ứng được tiến độ, kế hoạch đã đề ra…

(3) Ngân sách hạn hẹp, nguồn lực đầu tư còn thiếu đồng bộ.

Đầu tư cho quá trình CĐS là một khoản đầu tư không hề nhỏ, bao gồm cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, các giải pháp kỹ thuật, CNTT… Ngân sách hạn hẹp là thách thức vô cùng lớn, làm chậm quá trình ra quyết định, trong đó phát triển cơ sở hạ tầng thông tin là một trong những biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển CNTT trong xây dựng CPĐT… (4) Vấn đề an toàn, an ninh mạng.Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành công việc của các cơ quan quản lý nhà nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức như việc bị rò rỉ, lộ lọt thông tin, xuyên tạc và phát tán thông tin xấu độc, sai sự thật… Thêm vào đó, CSDL quốc gia tạo nền tảng phát triển CPĐT triển khai chậm, công tác an toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được bảo đảm, nhiều rủi ro khi phát triển CPĐT. Do đó, việc chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước còn hạn chế, tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng.(5) Nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình xây dựng CPĐT.Để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, bên cạnh việc có hành lang pháp lý, lộ trình, cơ chế, chính sách, cần có đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ CNTT phù hợp. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước có thể tuyển dụng và giữ chân những cán bộ có kỹ năng CNTT phù hợp với mức lương, thưởng và chế độ làm việc tương ứng so với khu vực DN tư nhân, DN nước ngoài. Thách thức lớn nhất trong xây dựng CPĐT chính là từ một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức – nhân vật trung tâm của chính quyền số. Một số cán bộ, công chức, viên chức có khả năng sử dụng CNTT còn hạn chế, thói quen sử dụng văn bản giấy tờ, không chia sẻ thông tin… chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa quen với công nghệ, chưa tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến nên họ có tâm lý muốn giải quyết công việc bằng cách nhờ vả quan hệ thân hữu hoặc “bôi trơn” cho nhanh được việc. Vì vậy, CPĐT chỉ có thể phát huy hiệu quả tốt nhất khi được vận hành bởi những công chức và công dân 4.0.

Một số giải pháp thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân và DN về xây dựng CPĐT, hướng tới CPS. Xây dựng CPĐT, cần xây dựng hành lang pháp lý dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ hiện đại (như: trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, giao diện lập trình ứng dụng mở…); vấn đề bảo vệ quyền con người, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Hoàn thiện các văn bản quy định về tài chính phù hợp đặc thù quản lý ứng dụng CNTT. Ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện chương trình từ ngân sách trung ương theo cơ chế hỗ trợ có mục tiêu. Ban hành chính sách yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí kinh phí từ các nguồn vốn để triển khai các nội dung của chương trình.

Thứ hai, nâng cao kỹ năng số cho cán bộ khoa học – công nghệ tham gia vào quá trình CĐS, đồng thời, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng CĐS, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số, CPS. Xây dựng, phát triển dữ liệu số và đẩy mạnh phát triển ứng dụng số hóa, do đó, các bộ, ngành cần có chiến lược cụ thể phù hợp với chiến lược dữ liệu quốc gia, tuân thủ nguyên tắc thu thập dữ liệu một lần nghĩa là khi dữ liệu đã được cơ quan nhà nước thu thập, quản lý và chia sẻ thì cơ quan nhà nước sẽ không được yêu cầu người dân, DN cung cấp lại. Tập trung ưu tiên cho phát triển các ứng dụng số hóa trong hoạt động của Nhà nước để đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, tăng cường tính minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch với cơ quan nhà nước và tiếp cận dịch vụ công.

Thứ ba, rà soát, sắp xếp lại và huy động các nguồn lực triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển CPĐT. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, đặc biệt là theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) nhằm tạo bước đột phá trên cơ sở nghiên cứu lựa chọn mô hình, hoàn thiện khung chính sách về hình thức đầu tư PPP trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng nói chung và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thông tin trong xây dựng CPĐT nói riêng. Ưu tiên bố trí tập trung ngân sách trung ương triển khai các nhiệm vụ quan trọng thuộc các chương trình lớn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, cần tổ chức đào tạo, tập huấn, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, DN và nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút nhân tài tham gia xây dựng, phát triển CPĐT.

Thứ tư, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, điều này đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ số, đặc biệt là các chuyên gia công nghệ số trong nước và ngoài nước làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục trên địa bàn cả nước cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình giáo dục – đào tạo theo hướng phát triển tư duy sáng tạo, thích ứng với môi trường khoa học – công nghệ phát triển đưa vào chương trình giáo dục phổ thông các nội dung kỹ năng số. Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích các mô hình giáo – dục đào tạo mới dựa trên nền tảng số. Có cơ chế khuyến khích đối với các tổ chức, DN tham gia vào quá trình đào tạo về công nghệ số, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao để xây dựng CPS.

Thứ năm, tăng cường nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển khoa học – công nghệ, cần có những đột phá về quản lý phát triển công nghệ và phát triển thị trường khoa học – công nghệ. Huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong xây dựng CPĐT hướng tới CPS, kinh tế số.

Thứ sáu, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin là ưu tiên hàng đầu trong CĐS hướng tới xây dựng CPS. Vì vậy, cần tuân thủ tiêu chuẩn ISO 27001:2013; đồng thời, xây dựng giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an toàn thông tin trong xây dựng CPĐT một cách hiệu quả và toàn diện.

Kết Luận

Xây dựng CPĐT hướng tới CPS, nền kinh tế số, xã hội số là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Do vậy, để hoàn thành mục tiêu đề ra, cần có sự quyết tâm vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương sẽ là nền tảng để xây dựng Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Chú thích:
1. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và doanh nghiệp. https://www.xaydungdang.org.vn, ngày 30/11/2022.
2. United Nations E-Government Survey 2020. Department of Economic and Social Affairs – United Nations New York, tr. 272.
3. Tiết kiệm hơn 1.200 tỷ đồng tiền giấy, mực khi liên thông văn bản quốc gia. https://tienphong.vn, ngày 12/3/2019.
4, 5. Chính phủ điện tử góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.https://baochinhphu.vn, ngày 10/3/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Trọng Bình. Một số vấn đề lý luận về đánh giá quản trị công. Tạp chí Tổ chức Nhà nước, số 10/2018, tr. 17.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia, 2021.
3. Nguyễn Thanh Hải. Công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin. Tạp chí Công nghệ thông tin và truyền thông, kỳ 2, năm 2014, tr. 27.
4. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
ThS. Đỗ Thị Tâm
Học viện Cảnh sát nhân dân