Xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – TP. Hồ Chí Minh luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác giáo dục, củng cố lòng tin, nâng cao tính tự giác, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Công tác triển khai xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh

Xuất phát từ truyền thống của dân tộc và do yêu cầu của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt quan tâm việc xây dựng Đảng về đạo đức. Người khẳng định: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”1; “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”2. Chuẩn mực đạo đức (CMĐĐ) cách mạng của cán bộ, đảng viên (CBĐV) được Bác Hồ, Đảng ta và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên nhấn mạnh, đề cao, yêu cầu CBĐV phải tập trung thực hiện.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành các kế hoạch về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… Trong đó, chỉ đạo các cấp ủy rà soát, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện CMĐĐ, CMĐĐ công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động ở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

Ban Thường vụ Thành ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chủ đề hằng năm gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt nghiên cứu, học tập hai tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sửa đổi lối làm việc Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, triển khai học tập hai tác phẩm trong toàn Đảng bộ TP.; tổ chức Tọa đàm khoa học “Nâng cao trách nhiệm thực hiện CMĐĐ công vụ của CBCCVC tại TP. Hồ Chí Minh”…

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh ban hành Hướng dẫn số 01-HD/TU ngày 30/6/2017 về thực hiện Quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của CBĐV, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy rà soát, đối chiếu với 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong Đề án số 01-ĐA/TU ngày 29/02/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ, góp phần ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong CBĐV thuộc Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh”. Việc đối chiếu, tự liên hệ của từng CBĐV với 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được đưa thành nội dung sinh hoạt chi bộ hằng tháng.

Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 67/2017/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 ban hành Quy định về Quy tắc ứng xử của CBCCVC và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nhằm cụ thể hóa việc xây dựng chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ (ĐĐCV) của CBĐV, công chức, viên chức.

Các cấp ủy yêu cầu mỗi CBĐV phải cam kết bằng văn bản với chi bộ, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị mình về việc phấn đấu, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị; định kỳ báo cáo với chi bộ về kết quả thực hiện; xác định đây là cơ sở kiểm điểm, đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm. Chi bộ, tổ chức đảng quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đảng viên; kịp thời phê bình, uốn nắn, xử lý nghiêm minh những trường hợp đảng viên có vi phạm; đồng thời, kiên trì giáo dục, thuyết phục, đấu tranh phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng và CBĐV, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Để xác định, xây dựng, triển khai thực hiện các CMĐĐ, Ban Thường vụ Thành ủy căn cứ Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01- KL/TW của Bộ Chính trị và các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, các văn bản luật… đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm, tính chất đặc thù của CBĐV, công chức, viên chức TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh xác định mục đích, yêu cầu khi xây dựng và thực hiện CMĐĐ là phải phát huy tính tiên phong của CBĐV, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở tự giác, gương mẫu thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; qua đó giáo dục, củng cố lòng tin, nâng cao tính tự giác, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên của CBĐV, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thực hiện việc nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và các tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ Nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, được Nhân dân và CBĐV tín nhiệm. TP. Hồ Chí Minh thực hiện theo phương châm “Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện…”, thực hiện “trên trước, dưới sau”, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp nêu gương thực hành trước nhằm tác động, tạo ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng đối với cán bộ cấp dưới và quần chúng Nhân dân, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải tự giác, gương mẫu, đi đầu.

Xác định đối tượng nêu gương trước hết là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu, toàn thể CBĐV, công chức, viên chức Đảng bộ thành phố học tập và noi theo, nêu gương trước Nhân dân; động viên, khuyến khích, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hành theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua quá trình triển khai xây dựng và thực hiện CMĐĐ, đội ngũ CBCCVC TP. Hồ Chí Minh ngày càng nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện CMĐĐ, giữ gìn hình ảnh của người CBĐV, công chức, viên chức. Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; CBCCVC tâm huyết, tận tụy, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc… CBCCVC thành phố ý thức về trách nhiệm rèn luyện ĐĐCV, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần và thái độ phục vụ Nhân dân; tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn Nhân dân về quy trình xử lý công việc; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị của Nhân dân; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài… góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân.

Một số hạn chế ở chỗ: việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, ĐĐCV của một bộ phận CBCCVC chưa thực sự chuyển biến rõ nét; vẫn còn tình trạng CBCCVC thực hiện chưa nghiêm một số quy tắc ứng xử, bị người dân, báo chí phản ánh. Tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với thái độ phục vụ và chất lượng giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị có tăng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của thành phố. Công tác kiểm tra, giám sát đã được thực hiện kịp thời nhưng mức độ và hiệu quả chưa đồng đều ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát công vụ theo thẩm quyền. Việc xây dựng CMĐĐ của một số cơ quan, địa phương, đơn vị còn dài, nặng lý thuyết, chưa sát với đặc điểm, tình hình, đặc thù đơn vị, chưa thật bảo đảm phương châm “ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đánh giá”.

Giải pháp thực hiện hiệu quả đạo đức công vụ trong thời gian tới

Thứ nhất, sớm xây dựng Luật về ĐĐCV, quy định các vấn đề về giá trị cốt lõi của nền công vụ, các chuẩn mực của CBĐV trên các phương diện; đặc biệt là phải quy định chế tài cụ thể và nghiêm khắc đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị để có hành vi bao che hay để xảy ra tình trạng CBĐV vi phạm ĐĐCV. Trên cơ sở Luật về ĐĐCV, từng đơn vị sẽ cụ thể hoá thành các quy định, quy tắc để quy định chi tiết và cụ thể về CMĐĐ, chuẩn mực hành vi ứng xử của CBĐV ở ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị mình; chú trọng mối quan hệ mật thiết giữa quy phạm pháp luật và quy phạm đạo đức; ở phạm vi cần thiết nên thể chế hóa những nguyên tắc đạo đức thành quy phạm pháp luật.

Thứ hai, phát huy hơn nữa vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong việc nâng cao ĐĐCV cho đội ngũ CBĐV, công chức; giao nhiệm vụ phải giao rõ quyền hạn để người đứng đầu dễ thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm, khắc phục tâm lý e dè, sợ sai, không dám triển khai thực hiện; tuyên truyền, vận động, giáo dục đội ngũ CBCCVC phát huy hơn nữa tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tinh thần tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế quản lý CBCCVC, tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử phạt nghiêm hành vi vi phạm ĐĐCV; phải tinh gọn bộ máy. Thực hiện công khai hóa quá trình tuyển chọn, sử dụng đánh giá CBCCVC; thi tuyển để lựa chọn được CBCCVCcó năng lực, kết hợp với kết quả thực thi nhiệm vụ được giao, kết quả đánh giá phẩm chất, nhân cách, mối quan hệ với đồng nghiệp trong quá trình công tác và Nhân dân nơi cư trú để bố trí cán bộ cho phù hợp; đối với những chức vụ quan trọng cần lấy ý kiến một cách rộng rãi hơn; xây dựng các cơ chế giám sát hoạt động, thực thi công vụ của CBCCVC, đặc biệt là cơ chế giám sát trực tiếp từ phía Nhân dân. Mạnh dạn chuẩn hóa cán bộ, mạnh dạn đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ phẩm chất.

Thứ tư, thực hiện nghiêm túc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm, thực hiện nêu gương về đạo đức, xây dựng và bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp, tu dưỡng đạo đức suốt đời; chú ý xây dựng môi trường văn hóa về đạo đức, xây dựng và hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh; đội ngũ CBCCVC lãnh đạo phải thực sự là tấm gương sáng để các thế hệ tiếp theo kế thừa và phát triển.

Thứ năm, thường xuyên rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định về quy trình, thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà; kiên quyết loại bỏ những khâu trung gian, thủ tục rườm rà, chồng chéo, nhằm tránh tình trạng CBCCVC lợi dụng kẽ hở từ những quy định pháp luật và vận dụng tùy tiện trong giải quyết công việc. Nghiên cứu tăng cường xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công, phát huy tính năng động, sáng tạo của các thành phần kinh tế, vừa giúp gia tăng chất lượng dịch vụ, vừa chủ động tăng thêm nguồn thu cho ngân sách và tổng quỹ lương trả cho công chức.

Thứ sáu, phải đổi mới công tác đào tạo, đổi mới phương thức lãnh đạo; rất cần thiết phải nghiên cứu để thực hiện một số chế độ, chính sách ngoài chính sách lương chung, như: khen thưởng đối với CBCCVC có sáng kiến cải cách thủ tục hành chính; có thành tích cao trong học tập, công tác; đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời đối với trường hợp hoàn cảnh khó khăn, giúp CBCCVC yên tâm công tác; thực hiện chính sách nhà ở; bảo đảm đời sống vật chất cơ bản, tương xứng với nhiệm vụ đảm nhận, phù hợp với tình hình thực tế; chế độ, chính sách phù hợp sẽ là động lực, khuyến khích CBCCVC phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị, địa phương, thành phố và đất nước.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh.Toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 601.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 291.
Nguyễn Hồ Hải
Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh