(Quanlynhanuoc.vn) – Tư tưởng Hồ Chí Minh về “đức” và “tài” của người cán bộ giữ vị trí quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng Việt nam. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải có cả yếu tố “đức” và “tài” trong mỗi cán bộ, đảng viên. Trước yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cần có những con người phát triển toàn diện cả về đạo đức và tài năng, trong đó đạo đức là “gốc”, là “nền tảng”, tài năng là yếu tố quan trọng không thể thiếu của người cán bộ quân đội. Để thực hiện có hiệu quả yêu cầu trên, cần phải có những giải pháp đồng bộ, đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân đội có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Đặt vấn đề
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phẩm chất và năng lực của người cán bộ cách mạng. Người cho rằng, đối với người cán bộ cách mạng, hai mặt đức và tài không thể thiếu mặt nào, cũng không thể coi nhẹ mặt nào. Do đó, ngay từ rất sớm, Người đã dày công vun đắp để đào tạo cho Ðảng, đất nước những thế hệ cán bộ vừa có đức, vừa có tài, vừa “hồng” lại vừa “chuyên”. Đó là hệ thống những quan điểm, bài học, kinh nghiệm thực tiễn nhằm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ quân đội nói riêng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
“Đức” và “tài” của người cán bộ cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Kế thừa tư tưởng về trọng dụng nhân tài của ông cha trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh bậc thầy về tuyển dụng, sử dụng người tài, Người đưa ra những quan điểm, tư tưởng rất đúng đắn, hợp lý để chiêu dùng người tài vào những công việc, nhiệm vụ khác nhau. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ về mọi mặt. Theo Người, cán bộ là những người đem chính sách của Đảng và Chính phủ giải thích cho quần chúng hiểu rõ và thi hành, đồng thời cũng là người đem tình hình dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ để đặt ra chính sách cho đúng.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, theo Người: cán bộ tốt là người có phẩm chất toàn diện về mọi mặt, có phẩm chất chính trị đạo đức, lối sống, trình độ hiểu biết, chuyên môn, nghiệp vụ. Những phẩm chất đó được Hồ Chí Minh khái quát trong hai chữ “đức” và “tài”. Đức và tài trở thành những tiêu chuẩn, giá trị cơ bản để mỗi người cán bộ phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện. Đức và tài là những tiêu chuẩn cơ bản để xem xét, đánh giá, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ của Đảng và Nhà nước ta.
Đề cập sự thống nhất “đức” và “tài” của người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có tài phải có đức”. Theo Người, đức và tài gắn bó chặt chẽ, thống nhất với nhau trong nhân cách người cán bộ cách mạng, được biểu hiện trên kết quả công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người cán bộ cách mạng trước hết phải có đạo đức cách mạng, bởi vì đạo đức là gốc của người cách mạng. Người khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân” và “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài của người cán bộ có vị trí đặc biệt quan trọng để họ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đạt chất lượng và hiệu quả cao trong công việc. Tài của người cán bộ cáchmạng là năng lực của họ, được biểu hiện bằng hiệu suất, hiệu quả hoạt động trong một lĩnh vực thực tiễn nào đó. Tài năng của người cán bộ là kết quả của một quá trình học tập, tích lũy kinh nghiệm của mỗi người. Bởi vậy, trong sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy phải biết tùy tài mà dùng người. Theo Người, để có được tài năng, người cán bộ cách mạng cần phải tích cực học tập, kiên trì rèn luyện, phải thực hiện lời dạy của Lênin: “Học, học nữa, học mãi”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đức và tài phải luôn gắn bó chặt chẽ, quan hệ biện chứng với nhau trong nhân cách của người cán bộ cách mạng. Trong mối quan hệ đó thì đức phải được đặt lên hàng đầu: “Đức phải có trước tài”, đức là gốc. Nếu có tài mà không có đức là vô dụng, vì “Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước”. Bên cạnh đó, Người cũng nói rõ: “Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.
Đức với tài trong tư tưởng Hồ Chí Minh có mối quan hệ khăng khít với nhau, là hai mặt cơ bản của người cán bộ. Trong đó đức là “gốc”, nhưng tài là quan trọng và Người luôn nhắc nhở chúng ta không được xem nhẹ mặt nào, Người ví: “có đức mà không có tài thì không khác ông Bụt, không làm gì hại ai, nhưng cũng không làm được gì có ích cho mọi người. Ngược lại có tài mà không có đức thì sẽ trở thành kẻ phá hoại”. Người nhấn mạnh vai trò của đạo đức, nhưng không tuyệt đối hóa, bên cạnh đó Người cũng đặc biệt xem trọng tài năng, coi đó là nhân tố cần thiết không thể thiếu cuae người cán bộ.
Nhờ có chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” phù hợp mà Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới tồn tại và phát triển, đứng vững trước âm mưu, thủ đoạn chống phá điên cuồng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động mọc lên như nấm nhằm bóp chết chính quyền non trẻ vừa mới giành được và giải quyết thành công hàng loạt những di sản mục ruỗng, thối nát là giặc đói, giặc rốt, giặc ngoại xâm do hậu quả chính sách cai trị của thực dân, phong kiến để lại. Đó là kết quả cụ thể minh chứng cho tài năng và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn xây dựng chính quyền cách mạng, kháng chiến, kiến quốc mà đến nay chúng ta vẫn và sẽ phải tiếp tục học tập, noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực tuyệt vời, tiêu biểu nhất về việc trọng dụng nhân tài. Tư tưởng tìm và trọng dụng người tài của Bác cần tiếp tục được quán triệt và phát huy để đội ngũ cán bộ của chúng ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.
Yêu cầu nâng cao đạo đức, phát triển tài năng của đội ngũ cán bộ quân đội hiện nay
Hiện nay, sự nghiệp đổi mới đất nước toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ cách mạng, quân đội đã có những thay đổi, song những tiêu chuẩn cơ bản nhất của người cán bộ nói chung và người cán bộ quân đội nói riêng vừa có đức, vừa có tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, đó là cơ sở để Đảng, Quân ủy Trung ương vận dụng xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Trước hết, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về đạo đức và nâng cao đạo đức cách mạng, thực hiện có hiệu quả quá trình nâng cao đạo đức cách mạng, phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ quân đội hiện nay.
Việc nắm vững và vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng là điều kiện có ý nghĩa quyết định không chỉ đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn đối với lĩnh vực xây dựng đạo đức, nâng cao đạo đức cách mạng và phát triển năng lực của đội ngũ cán bộ. Đạo đức là “gốc”, là “nền tảng” để phát triển tài năng nhưng chỉ có thể nâng cao đạo đức trên cơ sở tri thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ. Tri thức, năng lực phát triển cũng phải trên nền tảng đạo đức vững chắc, đó cũng là cơ sở để phát triển, hoàn thiện nhân cách của người cán bộ quân đội. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta ngay từ khi ra đời đã chú trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, bên cạnh đó phải rèn luyện, học tập để có kiến thức và năng lực phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, nắm vững thực tiễn khách quan, phát huy năng động chủ quan, thúc đẩy các xu hướng tích cực, hạn chế các xu hướng tiêu cực, bảo đảm quá trình nâng cao đạo đức, phát triển tài năng của đội ngũ cán bộ quân đội đạt kết quả.
Đây là yêu cầu có vai trò quan trọng, bởi vì nâng cao đạo đức cách mạng và phát triển tài năng của đội ngũ cán bộ quân đội trong tình hình hiện nay là cuộc đấu tranh gay gắt giữa những yếu tố tích cực và tiêu cực, giữa thiện và ác, giữa giá trị và phản giá trị, giữa lối sống trong sạch, lành mạnh, có lý tưởng, có hoài bão, ước mơ với lối sống cá nhân lấy hưởng thụ làm lẽ sống. Trong cuộc đấu tranh này, vai trò tích cực, năng động chủ quan của các chủ thể có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi sự phát triển đạo đức của đội ngũ cán bộ phụ thuộc rất lớn vào khả năng nhận thức và xác định giải pháp phù hợp của chủ thể để khai thác và phát huy triệt để các yếu tố thuận lợi, khắc phục và hạn chế các yếu tố không thuận lợi.
Thứ ba, nâng cao đạo đức cách mạng, phát triển tài năng của đội ngũ cán bộ quân đội phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình, nhiệm vụ.
Đây là yêu cầu có ý nghĩa phương pháp luận rất quan trọng trong quá trình nâng cao đạo đức, phát triển tài năng cho đội ngũ cán bộ. Nâng cao đạo đức cách mạng, phát triển tài năng của đội ngũ cán bộ phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Phải kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị với tăng cường giáo dục lý luận chính trị, giáo dục quân sự, pháp luật, kiến thức kinh tế, năng lực quản lý và trình độ chuyên môn phù hợp với môi trường công tác, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình, nhiệm vụ.
Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội vừa có đức, vừa có tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay
Một là, đổi mới, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, bồi dưỡng phát triển tài năng cho đội ngũ cán bộ quân đội.
Đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị trước hết cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, truyền thống của dân tộc, quân đội, nhiệm vụ của cách mạng, của quân đội trong tình hình mới, điều kiện mới. Giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý thức giữ gìn và phát triển những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, của Đảng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng trong giáo dục nâng cao đạo đức, bên cạnh đó việc giáo dục, bồi dưỡng về tri thức, chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với từng lĩnh vực công tác cũng là cơ sở để phát triển tài năng của đội ngũ cán bộ quân đội hiện nay.
Hai là, phát huy tính tích cực, đề cao tính chủ động của người cán bộ quân đội trong tự giáo dục, tự rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, phát triển tài năng.
Nâng cao đạo đức cách mạng, phát triển tài năng của người cán bộ cách mạng phụ thuộc quyết định vào quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện các hoạt động giáo dục lý luận, giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống, tự phê bình và phê bình, các hình thức giáo dục thông qua hoạt động thực tiễn,… Nhưng toàn bộ các hoạt động đó cuối cùng đều thông qua chính đối tượng giáo dục, thông qua khả năng tiếp nhận, chuyển hóa các tác động bên ngoài thành quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của họ. Đối với người cán bộ có ý thức, trách nhiệm, tự giác rèn luyện thì họ luôn coi việc tự rèn luyện, hoàn thiện mình là trách nhiệm, là vinh dự. Để thực sự tự rèn luyện đạo đức và phát triển tài năng có kết quả đòi hỏi người cán bộ phải có năng lực tự ý thức cao, phải luôn nghiêm khắc với chính mình, đồng thời biết kiểm tra, đánh giá những nỗ lực về trí tuệ, đạo đức, năng lực đạt tới mục đích tự rèn luyện mình.
Ba là, xây dựng và phát huy vai trò môi trường quân đội, góp phần nâng cao đạo đức và phát triển tài năng của đội ngũ cán bộ quân đội.
Môi trường quân sự có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng cũng có nhiều thử thách khắc nghiệt đối với quá trình rèn luyện phẩm chất, năng lực của mọi quân nhân, trong đó có đội ngũ cán bộ. Môi trường quân đội là môi trường rèn luyện cho đội ngũ cán bộ ý thức tổ chức kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh, xây dựng nền nếp hoạt động chính quy khoa học. Mọi hoạt động của quân nhân đều tuân thủ các quy định, điều lệnh quân đội. Dù tự giác hay chưa tự giác đều phải chấp hành, không có trường hợp ngoại lệ.
Để thực hiện tốt yêu cầu đó, cần tập trung xây dựng môi trường chính trị vững mạnh, nâng cao trình độ giáo dục chính trị, xây dựng bản lĩnh chính trị, cũng cố niềm tin của đội ngũ cán bộ vào thắng lợi của cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì nhiệm vụ xây dựng quân đội, tạo sự nhất trí cao về tư tưởng và hành động, phát huy bản chất truyền thống quân đội trong thời kỳ mới.
Bốn là, phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong bồi dưỡng, giáo dục nâng cao đạo đức và phát triển tài năng của đội ngũ cán bộ quân đội.
Tổ chức đảng các cấp trong quân đội là nơi trực tiếp lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ nên vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sự phát triển đạo đức và tài năng đội ngũ cán bộ. Việc phát huy vai trò của cấp ủy và tổ chức đảng không chỉ là giải pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu mà còn là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng quân đội, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội. Phát huy vai trò của cấp ủy và tổ chức đảng các cấp cần nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác cán bộ, lựa chọn cán bộ, sử dụng người có đức, có tài, đưa những người không đủ đức tài ra khỏi vị trí, sử dụng đúng người, đúng việc… là những vấn đề quan trọng, cốt tử liên quan đến sự vững mạnh của đội ngũ cán bộ trong quân đội.
Kết luận
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “đức” và “tài” luôn là định hướng cho việc xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Quân đội quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ phát triển toàn diện cả đức và tài. Để thực hiện tốt yêu cầu đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, mỗi giải pháp có vị trí, vai trò khác nhau, nhưng là chỉ dẫn giúp cho các lực lượng tham gia vào quá trình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, góp phần vào xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.