PGS.TS. Doãn Thị Chín
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(Quanlynhanuoc.vn) – Là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm thấy được tầm quan trọng công tác tư tưởng của Đảng và coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm tuyên truyền, phổ biến hệ tư tưởng cách mạng trong xã hội, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, thúc đẩy các tầng lớp nhân dân hành động tích cực, sáng tạo, để thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những tư tưởng quý báu của Người xây dựng Đảng về tư tưởng đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu và vận dụng sáng tạo trong tình hình mới.
Xây dựng Đảng về tư tưởng theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong quá trình tìm đường cứu nước, với tư duy chính trị nhạy bén, sắc sảo, tinh thần độc lập, tự chủ, cùng với những trải nghiệm thực tiễn phong phú, Hồ Chí Minh đã đến được với chủ nghĩa Mác – Lênin, Người xem đó như cẩm nang thần kỳ, là con đường giải phóng cho dân tộc, từ đó Người đã dày công truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận chính trị, tư tưởng và tổ chức, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam. Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng, Người đã đặc biệt quan tâm đến công tác tư tưởng của Đảng, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người nêu rõ: “Sách này chỉ ước ao sao cho đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”1. Như vậy, việc thức tỉnh tinh thần của một dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của công tác tư tưởng trong Đảng. Đây chính là tiền đề cho những thắng lợi của cách mạng Việt Nam ở những chặng đường tiếp theo.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, việc xây dựng Đảng về tư tưởng là vấn đề được Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm chú ý. Người khẳng định: “… công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất. Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất. Nếu trong Đảng và ngoài Đảng từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài đều tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn phức tạp, ta cũng nhất định thắng lợi”2.
Tiếp thu quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về vị trí vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong lãnh đạo toàn thể dân tộc thực hiện mục tiêu mà cách mạng đặt ra. Người chỉ rõ, Đảng muốn làm tròn nhiệm vụ tiên phong, trước hết phải có lý luận tiên phong dẫn đường, xây dựng Đảng về tư tưởng, đầu tiên chính là xác lập thế giới quan, và xác lập hệ tư tưởng của giai cấp công nhân. Người cho rằng: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”3. Người khẳng định: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”4.
Từ việc khẳng định học thuyết Mác – Lênin là học thuyết giải phóng con người, là học thuyết phát triển xã hội, là vũ khí tinh thần để Đảng làm tròn vai trò tiên phong, vai trò lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, giáo dục, rèn luyện đảng viên không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác – Lênin, nâng cao giác ngộ về giai cấp và dân tộc; làm cho toàn Đảng, mỗi đảng viên của Đảng luôn giữ vững lập trường tư tưởng của người cách mạng, chống lại những lệch lạc, sai lầm, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, giáo điều, bảo thủ.
Mỗi đảng viên cần phải xây dựng niềm tin vững chắc vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, cùng với đó là vừa không ngừng nâng cao ý chí phấn đấu của bản thân, vừa tích cực đấu tranh không khoan nhượng với các luận điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng. Người yêu cầu mỗi đảng viên của Đảng đều phải tự rèn luyện, trau đồi tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, thực hiện nghiêm khắc tự phê bình và phê bình; phải tự mình nêu gương người tốt, việc tốt để hướng dẫn mọi người cùng hành động, cùng noi theo, lời nói phải đi đôi với việc làm, lý luận gắn liền với thực tiễn và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cá nhân; phải không ngừng học tập văn hóa, khoa học – kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu của công tác cách mạng; trong học tập phải vừa nâng cao trình độ lý luận chính trị, vừa phải nâng cao trình độ chuyên môn mới có thể đạt hiệu quả cao trong công tác.
Để công tác tư tưởng, công tác giáo dục lý luận có hiệu quả, Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến việc tổ chức, củng cố, kiện toàn hệ thống các trường Đảng, thành lập nhiều trường lý luận chính trị. Người đã dành thời gian đến thăm, nói chuyện, giảng dạy tại các nhà trường, các lớp huấn luyện. Đối với công tác lãnh đạo, Người cho rằng: “Lãnh đạo cần phải chú trọng công tác tư tưởng, công tác xây dựng Đảng và củng cố chính quyền. Bồi dưỡng cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới”5. Trong xây dựng Đảng về tư tưởng, Người lưu ý: “Các cấp ủy cần phải chú trọng hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng và cần phải khắc phục tư tưởng phong kiến hẹp hòi,…”6.
Theo Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Đảng về tư tưởng cần phải chú ý đến tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tuyên truyền đến quần chúng nhân dân nhằm nâng cao dân trí, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của công tác tư tưởng trong Đảng. Người cho rằng, yếu tố tiên quyết làm nên sự vững mạnh của Đảng đó chính là lý luận cách mạng. Người cho rằng: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế… Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế”7. Người còn vạch rõ: Lý luận mà không đem áp dụng vào thực tế thì chỉ là “lý luận suông”. Còn “Lý luận thiết thực” là những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn nó đòi hỏi phải được giải quyết trên cơ sở lý luận, chẳng hạn “muốn biết ta tiến lên chủ nghĩa xã hội như thế nào thì trước hết… phải biết chủ nghĩa xã hội là gì”8.
Trong xây dựng Đảng về tư tưởng, Hồ Chí Minh cũng đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, cổ động nhằm truyền bá các quan điểm, lý tưởng của Ðảng đến với quần chúng. Người chỉ rõ: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”9. Theo Người, đối tượng tuyên truyền quyết định nội dung và phương pháp tuyên truyền, vì vậy trước hết cán bộ làm công tác tuyên truyền cần quan tâm đến đặc điểm đối tượng tuyên truyền. Cán bộ làm công tác tuyên truyền luôn phải tự đặt câu hỏi: Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Trong đó Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến phương pháp thuyết phục. Người cho rằng, phương pháp thuyết phục có hiệu quả cần thực hiện kiên trì, “có lý, có tình”, lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau. Đây là cách tốt nhất nhằm xây dựng Đảng, xây dựng con người mới, bởi theo Người: “…một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”10.
Hồ Chí Minh cũng cảnh báo và chỉ dẫn cách thức đấu tranh chống lại âm mưu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng. Người sớm nhận thấy, kẻ thù “…không những chiến tranh xâm lược bằng quân sự, chúng còn chiến tranh bằng tuyên truyền. Chúng dùng báo chí và phát thanh hàng ngày, tranh ảnh và sách vở in rất đẹp, các nhà hát, các trường học, các lễ cúng bái ở nhà thờ và chùa chiền, các cuộc hội họp để tuyên truyền… Nhất là chúng lợi dụng những sai lầm khuyết điểm của cán bộ ta – để tuyên truyền”11. Do đó, để đấu tranh, chống lại mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, cán bộ, đảng viên hiểu thông về đường lối, chính sách và giải thích cặn kẽ, cụ thể cho Nhân dân hiểu, đoàn kết, đồng lòng cùng với Đảng chống lại âm mưu, dã tâm của kẻ thù.
Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, xây dựng Đảng về tư tưởng không chỉ là làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin luôn được quán triệt trong toàn Đảng và toàn xã hội, mà còn phải làm cho Đảng ta và từng đảng viên luôn nâng cao ý chí phấn đấu, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với xã hội chủ nghĩa, đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng.
Người yêu cầu mỗi đảng viên của Đảng đều phải tự rèn luyện, trau đồi tư tưởng chính trị, đạo đức cho bản thân, nghiêm khắc tự phê bình và phê bình; phải tự mình nêu gương người tốt, việc tốt để hướng dẫn mọi người cùng hành động, cùng noi theo, lời nói phải đi đôi với việc làm, lý luận gắn liền với thực tiễn và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cá nhân; phải không ngừng học tập văn hóa, khoa học – kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu của công tác cách mạng; trong học tập phải vừa nâng cao trình độ lý luận chính trị, vừa phải nâng cao trình độ chuyên môn mới có thể đạt hiệu quả cao trong công tác. Trong công tác, tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm. Do vậy, Người yêu cầu “mỗi đảng viên, mỗi chi bộ, mỗi cấp ủy đảng phải luôn luôn tăng cường công tác tư tưởng của Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng, bảo đảm chặt chẽ kỷ luật và tổ chức của Đảng”12.
Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng hiện nay
Trong suốt 93 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng Đảng về tư tưởng nhằm xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Để Đảng luôn vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, đạt được nhiều thành tưụ to lớn, “Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”13. Có được những thành tựu đó phải nói đến sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đó chính là nhân tố quyết định thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và các yêu cầu đặt ra của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những biến đổi khó dự báo, khó lường. Tình hình trong nước cũng gặp những khó khăn, thách thức, đặc biệt là có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện của sự “tự diễn biến” “tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ đảng viên và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trong và ngoài nước tấn công nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và thành quả của cách mạng Việt Nam trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phá hoại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân đã lựa chọn. Để bảo vệ thành quả cách mạng, thực hiện công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, toàn Đảng, toàn dân ta cần phải tiếp tục khai thác, vận dụng, phát triển toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh trong đó đặt biệt là tư tưởng của Người về xây dựng Đảng về tư tưởng.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta tăng cường công tác xây dựng Đảng về tư tưởng trong đó chú trọng đổi mới công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Qua đó góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đồng thời nắm bắt được tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được quán triệt kịp thời và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận trong công tác tư tưởng của Đảng thường xuyên được coi trọng và đẩy mạnh; việc đổi mới nội dung, phương pháp nghiên cứu, học tập, tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần chống lại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; công tác phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ luôn được chú trọng, nhờ đó đã góp phần tạo sự thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ đó là cần phải coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời, hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…”14.
Bên cạnh những thành tựu to lớn mà công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, xây dựng Đảng về tư tưởng mà chúng ta đã đạt được, Đảng cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Công tác tư tưởng có nơi, có lúc chưa thực sự được cấp ủy coi trọng, chưa kịp thời, tính thuyết phục chưa cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ. Công tác thông tin, tuyên truyền một số chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa phong phú, thường xuyên, kịp thời, chưa đáp ứng được sự mong đợi của Nhân dân. Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”15. Những vấn đề này đã và đang ảnh hưởng, tác động một cách tiêu cực đến công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng Đảng về tư tưởng nói riêng. Từ thực tiễn đó, yêu cầu đặt ra là cần phải coi trọng hơn nữa tới công tác xây dựng Đảng về tư tưởng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của Đảng trong tình hình mới.
Từ những quan điểm, định hướng, chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng về tư tưởng và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về tư tưởng của Đảng ta thời gian qua, trong giai đoạn mới hiện nay, cần tập trung thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh việc nghiên cứu, vận dụng và thấu triệt đầy đủ những quan điểm của Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, xây dựng Đảng về tư tưởng nói riêng. Coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng bộ và các cấp uỷ Đảng. Nhiệm vụ này đòi hỏi, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, từ người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng cho đến mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng, hiểu sâu sắc, nắm vững nội dung công tác xây dựng Đảng về tư tưởng theo quan điểm của Hồ Chí Minh và của Đảng đã khẳng định ở Đại hội lần thứ XIII. Từ đó, xây dựng kế hoạch, đề ra các biện pháp vận dụng và thực hành cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng của Đảng theo tinh thần mà Đại hội lần thứ XIII đã khẳng định: chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao, coi trọng hơn nữa tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong công tác tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong tình hình mới đặc biệt cần “Nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”16.
Công tác tư tưởng cần kịp thời nắm bắt, dự báo đúng tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để định hướng dư luận xã hội. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Nhiệm vụ này đòi hỏi Đảng phải luôn coi trọng và xác định đúng tầm quan trọng của công tác này trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, công tác tư tưởng cần phải được đặt lên hàng đầu như chỉ dẫn của Người: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”17. Do vậy, trong mọi hoàn cảnh Đảng cần quan tâm đến giáo dục tư tưởng trong Đảng và trong xã hội, kiên quyết chống việc xem nhẹ công tác tư tưởng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, công tác tư tưởng phải luôn đi đầu và không ngừng đổi mới để phù hợp với điều kiện mới của cách mạng Việt Nam.
Thứ ba, xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về tư tưởng là để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phấn đấu xây dựng Đảng “là đạo đức, là văn minh”, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị. Nhận thức đúng, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng nói chung, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là những người đứng đầu, giữ những cương vị, trọng trách quan trọng; nâng cao nhận thức, củng cố lập trường, quan điểm và chú trọng năng lực vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn đặt ra, nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với những quyết sách chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,…
Tiếp tục coi trọng và gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa XII), về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết cần phải xem là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội, địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Thứ tư, coi trọng hơn nữa công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Nhiệm vụ này đòi hỏi, công tác nghiên cứu lý luận phải được thực hiện đồng thời với công tác tổng kết thực tiễn; kết quả nghiên cứu lý luận phản ánh kết quả sinh động từ thực tiễn, do vậy lý luận phải gắn với thực tiễn, qua đó cung cấp các luận cứ khoa học cho thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước, không ngừng bổ sung, hoàn thiện và phát triển đường lối đổi mới của Đảng theo đúng quan điểm mà Hồ Chí Minh đã định hướng: “Lý luận sở dĩ quan trọng là vì nó dạy ta hành động… Hiểu biết do thực hành mà ra. Hiểu biết lại trải qua thực hành mà thành lý luận. Lý luận ấy lại phải dùng vào thực hành”18. Và, “Do thực hành mà tìm ra sự thật. Lại do thực hành mà chứng thực sự thật và phát triển sự thật. Từ hiểu biết bằng cảm giác tiến lên hiểu biết bằng lý trí. Lại từ hiểu biết bằng lý trí tiến lên thực hành lãnh đạo cách mạng, cải tạo thế giới. Thực hành, hiểu biết. Lại thực hành, lại hiểu biết nữa. Cứ đi vòng như thế mãi, không bao giờ ngừng”19. Và, quan điểm định hướng của Đảng: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn kết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách… Chú trọng cập nhật kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; sớm kết luận những vấn đề lý luận đã chín, đã rõ để phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận; có chế độ chính sách thỏa đáng nhằm thu hút, trọng dụng các chuyên gia đầu ngành”20.
Thứ năm, đẩy mạnh hơn nữa việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch. Cần phải coi trọng cả “xây” và “chống” trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng; gắn công tác tuyên truyền với giáo dục ý thức, nâng cao cảnh giác đối với các thủ đoạn, chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch; tỉnh táo nhận diện và vạch trần các thủ đoạn chống phá về tư tưởng, góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới hiện nay phải được quán triệt và thực hiện trên cơ sở nhận thức sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn Việt Nam, trước hết là trong xây dựng đường lối chính trị, và việc cụ thể hoá thành các chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong thể chế, nguyên tắc tổ chức hoạt động của toàn hệ thống chính trị. Giữa nhiệm vụ “xây” và “chống” thì “xây” phải là cơ bản, là nền tảng, “chống” phải quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ và hiệu quả.
Thứ sáu, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có bản chính trị lĩnh vững vàng. Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng có hiệu quả hay không, trước hết là ở đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng. Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng là những “chiến sĩ tiên phong”, thực hiện nhiệm vụ “gác cửa” cho Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hoá. Đội ngũ này sẽ trở thành nòng cốt trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Qua đó, giúp cho Đảng hoàn thiện hơn nữa mọi quyết sách chính trị của mình, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng về tư tưởng.
Kết luận
Xây dựng Đảng về tư tưởng là nội dung của công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng và trù tính từ trước khi thành lập Đảng. Qua 93 năm xây dựng, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng Đảng về tư tưởng nói riêng. Có thể thấy, đây là nội dung xuyên suốt, tiên phong, đi trước, mở đường trong quá trình hình thành, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vận dụng những chỉ dẫn của Người và định hướng của Đảng ta để tiếp tục xây dựng và thực hành trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”, hoàn thành trọng trách và sứ mệnh được Nhân dân giao phó là vô cùng cần thiết, cấp bách hiện nay.