Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội tỉnh Lào Cai

TS. Lê Cẩm Hà
Học viện Hành chính quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng lao động, qua đó, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra năng lực sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị – xã hội của thế giới. Bài viết phân tích thực trạng quá trình cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại tỉnh Lào Cai, qua đó, đề xuất giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính của các tổ chức này.
Hội nghị Chuyên đề về chuyển đổi số tại tỉnh Lào Cai (Ảnh: Quỳnh Hoa).
Đặt vấn đề

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số1. Chuyển đổi số trở thành xu thế trên toàn cầu, bản chất chuyển đổi số là sự hội tụ của 4 công nghệ đột phá: công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây cũng chính là những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 Đặc biệt, với kỳ vọng cuộc cách mạng số sẽ thực sự tạo ra được sự bứt phá cho đất nước ta trong những thập niên tới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng định hướng phát triển đất nước trong 10 năm, giai đoạn 2021 – 2030, trong đó xác định: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”2.

Ngày 10/8/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 27-QĐ/TW về việc ban hành Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu tổng quát là “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc và cải cách hành chính trong Đảng; tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu, phát triển, nâng cấp các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho công tác tham mưu, thông tin, phục vụ và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tại các cơ quan đảng, đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan đảng phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia”.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, cũng như yêu cầu của lãnh đạo cấp ủy các cấp đòi hòi thông tin tham mưu, tổng hợp ngày càng phải được xử lý nhanh chóng, chính xác, kịp thời và an toàn, bảo mật. Do vậy, cần tập trung đổi mới quy trình, nghiên cứu và áp dụng những công nghệ mới đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0, như: điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo,… xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số nhằm cải thiện, đổi mới hoạt động trong các cơ quan đảng.

Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành tại các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội tỉnh Lào Cai

Xác định mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai là phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thời gian qua, tỉnh quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đối với các lĩnh vực trọng điểm, địa bàn ưu tiên, trong đó chú trọng đến các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 17/01/2022 về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xác định các giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 117-KH/TU ngày 13/4/2022 về chuyển đổi số và triển khai thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 – 2025. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội tỉnh Lào Cai đã tổ chức triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật, cụ thể:

(1) Về hạ tầng kỹ thuật:

Trung tâm tích hợp dữ liệu Tỉnh ủy được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu vận hành, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng dùng chung. Sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng kết nối mạng thông tin diện rộng của Đảng liên thông 3 cấp từ Trung ương, tỉnh và huyện (Văn phòng Tỉnh ủy, các Ban Đảng Tỉnh ủy; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh; 5 đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy; Trung ương và 63 tỉnh ủy, thành ủy). Hạ tầng kỹ thuật bảo đảm triển khai các cuộc họp, hội nghị trực tuyến từ trung ương tới cấp xã. Các thiết bị tin học được bổ sung, nâng cấp, bảo trì thường xuyên đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của đội ngũ cán bộ, công chức.

(2) Về triển khai các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng dùng chung:

Các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng dùng chung do các cơ quan đảng Trung ương chuyển giao luôn được Tỉnh ủy quan tâm thực hiện triển khai đầy đủ, có hiệu quả. Ngoài ra, Tỉnh ủy Lào Cai đã và đang xây dựng, phát triển một số hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, cơ quan đảng thuộc đảng bộ tỉnh, như: cổng dịch vụ công trực tuyến khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh; hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành của các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh; hệ thống thông tin quản lý hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; xây dựng nền tảng số về cơ sở dữ liệu cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội tỉnh Lào Cai; cổng thông tin điện tử tỉnh; trang thông tin điện tử nội bộ của Tỉnh ủy; phần mềm kế toán và quản lý tài sản; hệ thống ứng dụng tập trung (hệ thống quản lý văn bản Ioffice; hệ thống lịch làm việc; hệ thống quản lý họp trực tuyến, hệ thống chỉ đạo điều hành)…

Thực hiện phân tách 2 hệ thống xử lý và gửi nhận văn bản trên 2 môi trường mạng. Sử dụng hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp (Lotus Notes) trên mạng thông tin diện rộng của Đảng để xử lý, gửi nhận văn bản mật có trang bị giải pháp bảo mật BMVNP2 của Ban Cơ yếu Chính phủ, bảo đảm quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice) trên mạng internet để xử lý, gửi nhận văn bản thông thường, bảo đảm cho người sử dụng có thể khai thác, xử lý công việc mọi lúc, mọi nơi. Qua đó, đã tăng cường hiệu quả khai thác, quản lý dữ liệu, hiệu suất làm việc của đội ngũ cán bộ văn thư và giảm các chi phí văn phòng phẩm, gửi nhận văn bản giấy, tiết kiệm chi phí.

(3) Về phát triển và số hóa cơ sở dữ liệu:

Công tác số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung được thực hiện thường xuyên, tỷ lệ ký số văn bản điện tử được nâng cao. 100% văn bản gửi, nhận qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được số hóa (trong đó: văn bản đi có ký số là trên 80%, văn bản đến có ký số là 78%). Số tài liệu đã số hóa tại lữu trữ lịch sử Tỉnh ủy là 652.968 bản với 2.257.232 trang tài liệu. Số lượng hồ sơ đảng viên được cập nhật vào phần mềm Cơ sở dữ liệu đảng viên 3.0 là 53071/53140 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,87%3.

(4) Về công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin:

Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin luôn được quan tâm, chú trọng. Hệ thống mạng thông tin diện rộng của Đảng bảo đảm độc lập, tách biệt với mạng internet; mô hình kết nối mạng, chính sách an ninh được thực hiện theo hướng dẫn của Văn phòng Trung ương Đảng. Triển khai hệ thống giám sát an toàn, an ninh thông tin, cài đặt phần mềm CP-EDR để sớm cảnh báo, phát hiện sự cố an ninh thông tin. Triển khai 182 sản phẩm bảo mật BMVNP2 tạo vùng mạng nội bộ (LAN) mật trên Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp đối với đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan đảng cấp tỉnh, cấp huyện; 246 thiết bị lưu trữ an toàn DC02-M.19 bảo đảm việc thực hiện sao chép tài liệu giữa máy tính kết nối mạng thông tin diện rộng của đảng và mạng tnternet theo quy định4.

(5) Về công tác đào tạo, bồi dưỡng:

Công tác đào tạo, tập huấn nghệp vụ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số luôn được quan tâm thực hiện. Văn phòng Tỉnh ủy thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về quản trị hệ thống, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đối với cán bộ quản trị mạng, phụ trách công nghệ thông tin các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin đối với đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã. Từ năm 2019 đến nay đã tổ chức được 50 lớp đào tạo, bồi dưỡng với tổng số 2.700 lượt cán bộ, công chức tham gia5.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm công nghệ, tốc độ số hóa ngày càng nhanh, các mối nguy cơ về an toàn, an ninh thông tin đã đặt ra một số khó khăn, thách thức đối với công tác chuyển đổi số tại các cơ quan đảng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh, như: hạ tầng kỹ thuật và trình độ ứng dụng công nghệ chưa bảo đảm tính đồng bộ bộ nên nhiều hoạt động trong hệ thống các cơ quan Đảng còn chưa triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chưa giải quyết được bằng trực tuyến; công tác rà soát các thủ tục hành chính, xây dựng quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản hóa để ứng dụng hiệu quả công nghệ số còn hạn chế; một số phần mềm ứng dụng còn chưa đồng bộ, tích hợp dẫn đến khó khăn cho công tác triển khai; việc thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nguồn kinh phí thực hiện chuyển đổi số cần đầu tư lớn, các nền tảng liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu chưa hoàn thiện, việc triển khai số hóa dữ liệu chưa đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng…

Một số giải pháp

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành tại các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội tỉnh Lào Cai, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên về vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số bằng nhiều hình thức và kênh thông tin khác nhau. Cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo triển khai chương trình đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan đảng theo thứ tự ưu tiên, dựa trên nhu cầu thực tế, bảo đảm hiệu quả, khả thi, thiết thực và tiết kiệm, thể hiện bằng các kế hoạch, đề án, dự án, nhiệm vụ cụ thể phục vụ, hỗ trợ công việc liên quan đến thông tin, chỉ đạo, điều hành, tham mưu, quản lý tại cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng và quy trình hóa các hoạt động nghiệp vụ để ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả cao.

Người đứng đầu các cơ quan đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, các đề án, dự án, nhiệm vụ cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc và cải cách hành chính trong Đảng. đẩy mạnh phong trào thi đua chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính. Thực hiện tốt hệ thống ứng dụng tập trung và xử lý các công việc được giao trên hệ thống theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục triển khai thực hiện Hệ thống quản lý phòng họp không giấy.

Thứ hai, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, tiếp tục đầu tư, trong đó tập trung xây dựng và phát triển Trung tâm tích hợp dữ liệu Tỉnh ủy hướng tới đạt chuẩn Tier II trong giai đoạn 2021 – 2025. Triển khai nâng cấp hệ thống hội nghị trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã đáp ứng 100% các cuộc họp, hội nghị do Trung ương, Tỉnh ủy tổ chức. Tiếp tục xây dựng và triển khai các phòng họp số, phòng họp không giấy tờ nhằm nâng cao chất lượng các cuộc họp trong hoạt động của các cơ quan đảng, tiết kiệm thời gian, đồng bộ trong quy trình làm việc và điều hành. Bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan đảng với các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội. Bổ sung, nâng cấp, bảo trì thường xuyên thiết bị tin học đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng, mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí.

Thứ ba, tiếp nhận và chuyển giao các hệ thống thông tin chuyên ngành của các cơ quan đảng trung ương. Nghiên cứu xây dựng và phát triển các nền tảng số, các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng dùng chung đáp ứng các quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, cơ quan đảng, chất lượng tham mưu, giúp việc của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ tư, chú trọng công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong toàn bộ hệ thống mạng máy tính, hệ thống thông tin, dữ liệu của các cơ quan đảng. Thường xuyên kiểm tra, rà soát bảo đảm an toàn thông tin đối với các phần mềm, thiết bị tin học trước khi đưa vào khai thác, vận hành, đồng thời, tuân thủ kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin và truyền thông thống nhất trong các cơ quan đảng, bảo đảm đúng quy định về xây dựng, triển khai các phần mềm hệ thống thông tin. Duy trì và bảo đảm hoạt động của hệ thống giám sát an toàn, an ninh thông tin mạng của các cơ quan đảng. 100% máy tính được cài đặt phần mềm theo dõi, giám sát và phần mềm bản quyền diệt virus và mã độc. Thường xuyên thực hiện rà soát, cập nhật các bản vá lỗi, lấp lỗ hổng bảo mật bảo đảm an toàn, an ninh của hệ thống mạng máy tính.

Thứ năm, ứng dụng các công nghệ mới, như: dữ liệu lớn (Big Data) để thực hiện lưu trữ số hóa trên 90% dữ liệu văn kiện, tài liệu chính thức có nội dung thông tin không mật; điện toán đám mây (Cloud Computing) để chia sẻ, liên kết dữ liệu, tài nguyên thuận tiện cho việc khai thác, tra cứu một cách nhanh chóng, hiệu quả; công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường chất lượng, giảm thời gian, công sức trong công tác tham mưu, giúp việc của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ sáu, chú trọng xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực số đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể của tỉnh.
Thứ bảy, thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; kịp thời đôn đốc, giải quyết những khó khăn, vướng mắc để bảo đảm thực hiện đúng nội dung, tiến độ kế hoạch đề ra.

Chú thích:
1. Chuyển đổi số là gì?. https://dx.mic.gov.vn, ngày 22/4/2023.
2. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030. https://vietnamnet.vn, ngày 18/4/2021.
3, 4. Số liệu thống kê của Tỉnh ủy Lào Cai năm 2022.
5. Số liệu thống kê của Tỉnh ủy Lào Cai giai đoạn năm 2019 – 2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Đề án số 14-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 – 2025.
2. Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3. Quy định số 269-QĐ/TW ngày 25/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan Đảng.
4. Quyết định số 27-QĐ/TW ngày 10/8/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc ban hành Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng giai đoạn 2021 – 2025.