ThS. Trần Văn Điền
Trường Đại học Đồng Tháp
(Quanlynhanuoc.vn) – Giáo dục đạo đức, lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên không chỉ góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại mới. Trên cơ sở làm rõ nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, góp phần tạo nên một thế hệ sinh viên vững vàng về đạo đức, đáp ứng về năng lực, trình độ, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của đất nước*.
Từ khóa: Đạo đức; lối sống; tư tưởng Hồ Chí Minh; sinh viên; đại học; cao đẳng.
1. Đặt vấn đề
Giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng theo tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò rất quan trọng để tạo nguồn nhân lực kế cận cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Thông qua giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên không chỉ bồi đắp tình cảm, niềm tin, sự kính trọng, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho đất nước, mà còn đặt ra cho mỗi sinh viên không ngừng tự giác tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống để xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Người, xây dựng đất nước phát triển bền vững, thịnh vượng.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên
Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, lúc đó Người mới có 20 tuổi, có lý tưởng, khát vọng ở tương lai, Người rất thấu hiểu những suy nghĩ, hành động của tuổi trẻ. Cuộc đời và sự nghiệp của Người gắn liền với năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, đó là cuộc đời của tuổi trẻ đầy những giông bão ở phía trước, nhưng cũng thấm đượm những giá trị nhân văn sâu sắc; đó là sự dâng hiến, hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước và cho Nhân dân, là sự phấn đấu không ngừng nghỉ để đúc kết ra những bài học kinh nghiệm, những triết lý nhân sinh sâu sắc để giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng bao gồm ở những khía cạnh chủ yếu sau:
Một là, Người khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của thế hệ trẻ đối với tiến trình phát triển của dân tộc.
Trong các bài viết, bài nói chuyện của mình, Người đều nhấn mạnh đến thanh niên: “Thanh niên là bộ phận quan trọng của dân tộc, thanh niên là chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”1… Người đã đưa ra kết luận mang tầm thời đại, thể hiện sự kỳ vọng, đặt niềm tin to lớn vào thanh niên: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước trên đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ công học tập của các em”2.
Hai là, Người đặt ra những nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ để giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên đáp ứng với tình hình cụ thể của đất nước.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của Nhân dân ta còn diễn ra lâu dài, gian khổ, phức tạp, cần phải huy động được sự tham gia của cả xã hội, trong đó thế hệ trẻ là lực lượng xung kích, tiên phong, hăng hái đi đầu. Với tinh thần đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên, tham gia vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Vì vậy, để hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang, Người đã đặt ra nội dung giáo dục cho thế hệ trẻ rất toàn diện, sâu sắc, đầy đủ và gắn liền với đặc điểm, thế mạnh của tuổi trẻ. Đó là phải có lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, có đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; giáo dục ý thức, tinh thần, trách nhiệm cao với công việc, nhiệm vụ được giao; phải giáo dục tinh thần khiêm tốn, giản dị, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám xông pha, đương đầu với khó khăn, thử thách của thực tiễn.
Về hình thức, phương pháp cần linh hoạt, sáng tạo, không cố định, dập khuân, máy móc, thụ động, trông chờ vào người khác; kết hợp giáo dục thuyết phục với nêu gương; kết hợp giữa giáo dục chung và giáo dục riêng, giữa lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, đưa thanh niên vào hoạt động thực tiễn, mạnh dạn giao nhiệm vụ cho thanh niên, tin tưởng, phát huy dân chủ, tính sáng tạo của thanh niên.
Ba là, Người luôn đặt niềm tin vào sự tiến bộ, trưởng thành của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Người vẫn thường nói trong mỗi con người đều có phần tốt, phần xấu, song phần tốt vẫn là cơ bản, chủ yếu. Đối với thế hệ trẻ, việc mắc lỗi lầm, khuyết điểm là điều không thể tránh khỏi, đây là lứa tuổi mới bước vào đời, còn nhiều ước mơ, khát vọng ở phía trước, mỗi chủ thể cần nắm rõ những đặc điểm đó để có cơ chế tác động cho hợp lý, linh hoạt, sáng tạo. Người yêu cầu thế hệ trẻ phải lấy tự học làm cốt, tự mình học tập, rèn luyện ở mọi lúc, mọi nơi, tự mình thấy những hạn chế, yếu kém gì thì phải bổ sung, hoàn thiện, không giấu dốt, không học gạo, học vẹt; xây dựng cho mình kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng khoa học, hợp lý, đặt ra những tiêu chí cần phải đạt được trong khoảng thời gian nhất định; đó là lộ trình, bước đi cụ thể của thanh niên, không chung chung, được chăng hay chớ, phải có ý chí tiến thủ, phấn đấu vươn lên không ngừng, không nghỉ, không được ngại khó, ngại khổ; chấp nhận những sai sót, khuyết điểm của bản thân để trưởng thành, tiến bộ hơn.
Người luôn đặt niềm tin vào thanh niên, coi thanh niên là lực lượng tiếp tục kế thừa vẻ vang sự nghiệp cách mạng của thế hệ đi trước đã làm, trách nhiệm đó vô cùng vinh dự, tự hào nhưng cũng hết sức nặng nề, lớn lao, đặt ra cho thanh niên. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức, cách mạng cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng đất nước, Đảng ta đánh giá cao vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong sự nghiệp đổi mới: “Thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI, có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, phần lớn phụ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên”3.
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng hiện nay
Một là, xây dựng chương trình giáo dục đạo đức, lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh tích hợp vào chương trình học tập của các môn học khác.
Thay vì coi đạo đức là một môn học riêng lẻ, cần tích hợp các giá trị đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh vào các môn học khác, như: lịch sử, văn hóa, khoa học xã hội, kỹ năng mềm… Phương pháp này có nhiều lợi ích quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên, cụ thể, tăng tính liên kết và ứng dụng bằng cách tích hợp vào các môn học khác, sinh viên sẽ có cơ hội áp dụng những giá trị và nguyên tắc đạo đức vào các mô hình thực tế trong cuộc sống và lĩnh vực học tập hàng ngày. Điều này giúp tăng tính ứng dụng của kiến thức lý thuyết đến việc vận dụng trong thực tế.
Việc tạo ra môi trường học tập toàn diện, giúp cho sinh viên không chỉ học về kiến thức chuyên môn mà còn phát triển kỹ năng sống và giá trị đạo đức Hồ Chí Minh thông qua các môn học khác. Điều này giúp xây dựng một môi trường học tập toàn diện, hỗ trợ sự phát triển toàn diện của sinh viên; việc tích hợp vào các môn học chính giúp tiết kiệm thời gian và tài nguyên cho cả sinh viên và giáo viên. Điều này cũng giúp tránh được sự phân tán và thiếu quan tâm từ phía sinh viên đối với các khóa học đạo đức riêng lẻ. Việc học về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua các môn học chính khác sẽ giúp sinh viên hiểu biết sâu sắc và nhớ lâu hơn về các giá trị và nguyên tắc đạo đức. Điều này làm tăng hiệu quả của quá trình học tập và giúp sinh viên hình thành những tư duy và thái độ tích cực về đạo đức và lối sống.
Hai là, tổ chức các buổi hội thảo và diễn đàn thường xuyên về chủ đề đạo đức, lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tổ chức các buổi hội thảo, diễn đàn hoặc các cuộc trò chuyện với các diễn giả có uy tín về tư tưởng Hồ Chí Minh và các giá trị đạo đức, khuyến khích sinh viên tham gia và chia sẻ quan điểm của mình về những giá trị này. Việc tạo cơ hội tiếp xúc trực tiếp với kiến thức và có ý kiến độc lập, giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc với kiến thức mới và các quan điểm đa dạng. Điều này giúp mở rộng tầm hiểu biết của sinh viên và khuyến khích tư duy sâu sắc về các vấn đề đạo đức và xã hội.
Việc đưa sinh viên tham gia vào các buổi hội thảo và diễn đàn, giúp sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và thảo luận. Khuyến khích tư duy phản biện và suy luận logic. Sinh viên được khuyến khích đặt câu hỏi, phản biện và đánh giá, trình bày những quan điểm cá nhân. Ngoài ra, cần thúc đẩy ý thức xã hội và trách nhiệm công dân của sinh viên về các giá trị đạo đức, giúp sinh viên xây dựng mối quan hệ và mạng lưới kết nối thông qua các buổi hội thảo và diễn đàn, cung cấp cơ hội tốt để sinh viên xây dựng mối quan hệ và mạng lưới kết nối với các diễn giả, giáo viên và bạn bè có cùng quan điểm và mục tiêu, tạo ra môi trường học tập sôi nổi, phát triển nhân cách cho sinh viên, đồng thời giúp họ hiểu rõ hơn về các giá trị đạo đức, lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Ba là, xây dựng môi trường học tập tích cực và khuyến khích sự tham gia của sinh viên vào các hoạt động xã hội và tình nguyện.
Việc xây dựng một môi trường học tập tích cực và khuyến khích sự tham gia của sinh viên vào các hoạt động xã hội và tình nguyện không chỉ giúp sinh viên áp dụng những giá trị đạo đức vào thực tế mà còn phát triển kỹ năng mềm và ý thức xã hội, từ đó góp phần vào việc hình thành nhân cách và sự phát triển toàn diện của sinh viên, giúp sinh viên áp dụng những giá trị và nguyên tắc đạo đức mà họ học được vào thực tế. Điều này tạo ra một kết nối chặt chẽ giữa lý thuyết trong lớp học và thực hành trong cộng đồng, giúp sinh viên hiểu sâu hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của những giá trị đạo đức, lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, việc tham gia vào các hoạt động tình nguyện xã hội, hoạt động của nhà trường cung cấp cho sinh viên cơ hội phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm và kỹ năng lãnh đạo. Điều này rất quan trọng trong việc tạo ra một cộng đồng học tập tích cực, giúp sinh viên có thể chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, khuyến khích sự tiến bộ của mọi thành viên trong cộng đồng vì một mục tiêu cao cả, hướng tới việc tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội.
Bốn là, tăng cường hợp tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên thông qua các cuộc họp phụ huynh, các chương trình phối hợp giáo dục. Mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để tạo môi trường thực hành, học hỏi và bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho sinh viên trong các hoạt động xã hội.
Tổ chức các khóa đào tạo cho giảng viên về cách tích hợp các giá trị đạo đức vào bài giảng và hoạt động giáo dục, cung cấp nguồn tài liệu và hỗ trợ cho giảng viên để họ có thể giảng dạy và đào tạo sinh viên về các giá trị đạo đức, lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo môi trường học tập tích cực, đa chiều cho sinh viên.
Việc tích hợp các giá trị đạo đức, lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh vào bài giảng không chỉ làm tăng hiệu quả của quá trình giảng dạy mà còn tạo ra động lực và sự tiếp thu tích cực từ phía sinh viên. Ngoài ra, giảng viên được hỗ trợ với nguồn tài liệu và các công cụ giảng dạy liên quan giúp họ tạo ra những trải nghiệm học tập sâu sắc và thú vị cho sinh viên. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng các trò chơi, bài thảo luận, hoạt động thực hành và các phương tiện trực tuyến để kích thích tương tác và sự tham gia tích cực từ phía sinh viên. Cần tạo ra một môi trường học tập đa chiều, nơi sinh viên có thể phát triển toàn diện không chỉ về mặt học thuật mà còn về mặt đạo đức và phẩm chất con người.
Năm là, tổ chức đánh giá và phản hồi liên tục về các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tiến hành các cuộc đánh giá định kỳ để đo lường hiệu quả các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống và đề xuất cải tiến, thu thập phản hồi từ sinh viên và giảng viên để hiểu rõ hơn về những khó khăn và cơ hội để cải thiện hoạt động giáo dục. Điều này giúp các nhà quản lý và giảng viên hiểu rõ hơn về những điểm mạnh và điểm yếu của các hoạt động, từ đó đưa ra các biện pháp cải tiến cần thiết về chương trình, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy và các hoạt động liên quan.
Dựa vào các phản hồi từ sinh viên và giảng viên, các hoạt động có thể điều chỉnh và tinh chỉnh để bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với nhu cầu và mong muốn của cả hai bên. Điều này giúp tăng cường sự hài lòng và động viên sự tham gia từ phía sinh viên và giảng viên. Việc thu thập phản hồi từ sinh viên và giảng viên không chỉ là một phần của quy trình đánh giá mà còn là cách khuyến khích sự tham gia và cam kết từ phía các bên liên quan đóng góp vào quá trình cải tiến các hoạt động giáo dục, đạo đức lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
4. Kết luận
Sinh viên các trường đại học, cao đẳng là bộ phận của thanh niên, những chủ nhân tương lai của đất nước; giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống cho sinh viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là quá trình lâu dài, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm nhằm hình thành, phát triển phẩm chất, nhân cách cho sinh viên để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Trong quá trình giáo dục, bồi dưỡng cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng với nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng phấn đấu vươn lên của thanh niên để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chú thích:
* Bài viết này được hỗ trợ bởi đề tài khoa học, mã số: SPD 2023.01.22
1. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 2. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 113.
2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật. 2011, tr. 216.
3. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật. 2011, tr. 35.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
2. Nguyễn Thị Tâm. Giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên hiện nay (Qua thực tiễn các trường đại học ở tỉnh Thanh Hóa), Tạp chí Lý luận chính trị, số 537 (11/2022).