ThS. Ngô Thị Kiều Oanh
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp là một yếu tố không thể thiếu đối với tất cả các ngành, các lĩnh vực, trong đó có các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức của ngành Lưu trữ. Từ tính chất đặc thù của ngành Lưu trữ, nhất là trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển như vũ bão thì vấn đề đạo đức của người làm lưu trữ cần phải được coi trọng đặc biệt. Bài viết nêu sự cần thiết và các giải pháp tăng cường rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của người làm lưu trữ trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: Ngành Lưu trữ; cán bộ; công chức; viên chức; đạo đức; nghề nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Tài liệu lưu trữ là kho tài nguyên thông tin quý giá của dân tộc, góp phần lưu giữ và truyền lại cho muôn đời sau những thông tin quá khứ có giá trị đặc biệt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế và kiến thiết quốc gia. Do đó, công tác lưu trữ ở các cơ quan, tổ chức luôn đóng vị trí đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ an toàn và sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ. Để đạt được điều này phụ thuộc rất lớn vào thái độ, nhận thức, hành vi của con người ứng xử với tài liệu lưu trữ. Vì vậy, việc tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp được coi là biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công việc, phòng ngừa những rủi ro nghề nghiệp có thể xảy ra trong công tác lưu trữ.
2. Đạo đức nghề nghiệp của người làm lưu trữ
“Đạo đức là phép tắc về mối quan hệ giữa người, giữa cá nhân với tập thể, với xã hội”1. Như vậy, đạo đức có vai trò to lớn đối với sự phát triển của xã hội, con người, nói một cách khác, con người chính là chủ thể của các quan hệ, các hoạt động được điều chỉnh bởi đạo đức. Chuẩn mực đạo đức sẽ là nền tảng quan trọng để mỗi cá nhân, cộng đồng, xã hội căn cứ vào đó để điều chỉnh hành vi của mình, rèn luyện phẩm chất đạo đức của bản thân theo những chuẩn mực chung mà xã hội đặt ra.
“Nghề nghiệp là một công việc mà người ta thực hiện trong suốt cả cuộc đời”2. Nghề nghiệp không chỉ đem đến cho chúng ta nguồn lực về tài chính mà còn bồi dưỡng nhân cách, thỏa mãn niềm khát khao với công việc. Nghề nghiệp gắn liền với kiến thức, kỹ năng, thái độ của con người tham gia vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, chính vì thế mà khái niệm “đạo đức nghề nghiệp” ra đời.
Khoản 2 Điều 3 Luật Viên chức năm 2010 giải thích “đạo đức nghề nghiệp là các chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định”. Như vậy, đối với mỗi ngành, lĩnh vực sẽ có những đặc thù riêng mà trong đó người làm nghề nào phải có đạo đức nghề nghiệp của ngành đó. Đối với nghề lưu trữ, đạo đức nghề nghiệp của người làm lưu trữ là “các tiêu chuẩn, nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của hoạt động lưu trữ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định”. Trong hoạt động nghề nghiệp của người làm lưu trữ thì việc tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp được coi là nhiệm vụ của cơ quan quản lý, người quản lý công tác lưu trữ và bản thân mỗi người làm lưu trữ, bởi vì rèn luyện đạo đức nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên hiệu suất, chất lượng công tác chuyên môn nghiệp vụ.
3. Sự cần thiết phải tăng cường rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp đối với người làm lưu trữ
Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp là một yếu tố không thể thiếu đối với tất cả các ngành, các lĩnh vực. Ví dụ: ngành Giáo dục có tiêu chuẩn nhà giáo; ngành Luật có đạo đức nghề luật sư; ngành y có tiêu chuẩn đạo đức của nghề Y,… và ngành Lưu trữ cũng cần có tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của người làm lưu trữ. Đạo đức nghề nghiệp là cơ sở để mỗi cá nhân không vi phạm đạo đức xã hội, không vi phạm pháp luật.
Cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của người làm lưu trữ thể hiện ở các nội dung: sứ mệnh, trách nhiệm của nghề lưu trữ đối với xã hội; tính chất đặc thù của ngành nghề lưu trữ. Cụ thể:
Thứ nhất, về sứ mệnh, trách nhiệm của nghề lưu trữ đối với xã hội.
Tài liệu lưu trữ có ý nghĩa quan trọng trên mọi lĩnh vực, như: kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại giao, lịch sử, văn hóa, giáo dục và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với các công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời là kho ký ức của một quốc gia, dân tộc, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, tài liệu lưu trữ có vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý, lãnh đạo chỉ đạo điều hành quốc gia, đòi hỏi người làm nghề lưu trữ phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, có trách nhiệm đối với nghề và với xã hội.
Thứ hai, về tính chất đặc thù của ngành/ nghề lưu trữ.
(1) Tính chính trị: tài liệu lưu trữ của các cơ quan nhà nước có nội dung phản ánh đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; những quyết sách quan trọng trong từng thời kỳ lịch sử; những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội… Vì vậy, đây được coi là tài sản đặc biệt của quốc gia và các cơ quan, tổ chức. Tính chính trị đòi hỏi người làm lưu trữ không chỉ nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ mà phải đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất chính trị, như: lòng trung thành với Tổ quốc, luôn có ý thức kỷ luật, chấp hành nghiêm chỉnh các quy chế bảo mật tài liệu lưu trữ của Đảng, Nhà nước, cơ quan.
(2) Tính cơ mật của hoạt động lưu trữ: công tác lưu trữ ở bất kỳ quốc gia nào cũng đòi hỏi yêu cầu bảo mật vì tài liệu lưu trữ chứa đựng bí mật nhà nước, cơ quan, tổ chức, quốc gia. Nhiều tài liệu chứa đựng nội dung thuộc bí mật quốc gia, do đó các thế lực thù địch luôn có âm mưu, thủ đoạn để đánh cắp thông tin trong tài liệu lưu trữ. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số người làm lưu trữ còn tham gia giải mật tài liệu lưu trữ. Nhiệm vụ này đòi hỏi người làm lưu trữ phải làm việc nghiêm túc, chính xác, nắm rõ quy định chuyên môn, nghiệp vụ và quy định của pháp luật về việc giải mật tài liệu.
(3) Tính khoa học: tài liệu lưu trữ đa dạng về thể loại và phong phú về nội dung, bao gồm tài liệu mộc bản, tài liệu giấy, tài liệu ghi âm, tài liệu ghi hình, tài liệu khoa học kỹ thuật, tài liệu điện tử… nên việc tổ chức khoa học tài liệu đòi hỏi chặt chẽ và phù hợp với từng loại hình tài liệu, nhằm bảo quản và kéo dài tuổi thọ và bảo mật thông tin (đối với những tài liệu mật chưa được phép công bố). Quy trình nghiệp vụ trong hoạt động lưu trữ là loại hình lao động kết hợp lao động trí óc với lao động chân tay, nếu cán bộ lưu trữ không nhiệt tình, kiên nhẫn sẽ dẫn đến nguy cơ rủi ro đối với tài liệu như làm mất, hư hại tài liệu.
(4) Tính kỷ luật cao: nghề lưu trữ đòi hỏi người làm lưu trữ phải có tính kỷ luật cao, bởi công việc của họ liên quan đến tài liệu, đến nguồn thông tin vô cùng quan trọng của các cơ quan, tổ chức. Ngoài việc tuân thủ kỷ luật về thời gian làm việc, người làm lưu trữ cần phải tuân thủ những quy định của nhà nước và cơ quan về những điều “được làm” và “không được làm” trong hoạt động nghề nghiệp.
Dựa vào sứ mệnh, trách nhiệm của nghề lưu trữ đối với xã hội; dựa tính chất đặc thù đó của ngành Lưu trữ mà Nhà nước đã xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cho người làm lưu trữ. Đó là:
(1) Khoản 3 Điều 5 Luật Viên chức năm 2010 chỉ rõ: “Tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử”.
(2) Điều 8 Luật Lưu trữ năm 2011 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, như: chiếm đoạt, làm hỏng, làm mất tài liệu lưu trữ; làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu lưu trữ; mua bán, chuyển giao, hủy trái phép tài liệu lưu trữ; sử dụng tài liệu lưu trữ vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài trái phép .
(3) Điều 3 Thông tư số 13/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành lưu trữ: trung thực, khách quan trong quá trình thực hiện công việc; cẩn thận và tuân thủ nghiêm các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong thực hiện các quy trình nghiệp vụ lưu trữ; tận tụy, trách nhiệm và có tâm huyết với nghề, với công việc; đoàn kết, khiêm tốn, phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; giữ gìn bí mật thông tin tài liệu theo đúng quy định của pháp luật và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chủ động nghiên cứu, đề xuất ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, sáng kiến vào công tác lưu trữ.
(4) Quyết định số 916/QĐ-BNV ngày 20/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức ngành lưu trữ nhằm: nâng cao ý thức, trách nhiệm của viên chức ngành Lưu trữ trong thi hành nhiệm vụ, quan hệ xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ, bảo quản an toàn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của cơ quan, đơn vị và của nhân dân; là căn cứ để cơ quan, đơn vị đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của viên chức; xử lý trách nhiệm khi viên chức vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội.
Đặc biệt, đạo đức nghề nghiệp trong Quyết định số 916/QĐ-BNV đã được quy định chi tiết, nghiêm khắc:
(1) Tuyệt đối giữ gìn bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước trong thực hiện công tác lưu trữ;
(2) Luôn cảnh giác, không để kẻ gian lợi dụng sơ hở để nắm được bí mật của Đảng, Nhà nước và cơ quan;
(4) Nghiêm cấm chiếm đoạt, làm hỏng, làm mất tài liệu lưu trữ;
(5) Nghiêm cấm làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu lưu trữ; nghiêm cấm mua bán, chuyển giao, hủy trái phép tài liệu lưu trữ;
(6) Nghiêm cấm sử dụng tài liệu lưu trữ vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
(7) Nghiêm cấm mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài trái phép.
Từ các quy định trên cho thấy, đạo đức nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng, là yếu tố không thể thiếu đối với công tác lưu trữ. Đặc biệt, sự phát triển khoa học công nghệ như vũ bão đã và đang tác động trực tiếp đến người làm công tác lưu trữ, nhất là khi lưu trữ điện tử đã và đang thay thế lưu trữ truyền thống thì: yêu cầu về tính bảo mật thông tin (tài liệu bí mật của Nhà nước, tổ chức, cá nhân); yêu cầu giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị; yêu cầu tăng cường rèn luyện đạo đức công vụ của người làm lưu trữ phải được đặt lên hàng đầu, đồng thời phải được củng cố và lan tỏa. Thực hiện tốt điều đó sẽ giúp người làm lưu trữ sẽ không bị dao động trước những lợi ích vật chất tầm thường, thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao và những việc có ích cho xã hội, quốc gia, dân tộc.
4. Một số giải pháp
Một là, đối với người làm lưu trữ: cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp của mình. Trên cơ sở các quy định về đạo đức nghề nghiệp đã được ban hành, người làm lưu trữ bắt buộc phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng nâng cao phẩm chất, rèn luyện bản thân, phấn đấu, tu dưỡng để đạt đến những chuẩn mực cao hơn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của công việc.
Bên cạnh đó, cần nâng cao bản lĩnh chính trị, cảnh giác với các âm mưu của các thế lực thù địch, không để các thế lực thù địch lợi dụng, chi phối, làm lộ thông tin bí mật của Nhà nước, không vì quyền lợi kinh tế, lợi ích cá nhân mà làm tổn hại đến cơ quan, Nhà nước.
Ngoài ra, người làm lưu trữ cần tuân thủ, chấp hành tốt kỷ luật lao động, thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Tích cực phê phán những cái ác, bảo vệ lẽ phải, chủ động chống lại những hành vi vi phạm, phê phán những thói hư tất xấu, chỉ ra những sai phạm, yếu kém, bất hợp lý. Việc tuân thủ các quy định về đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp người làm lưu trữ nâng cao sự hiểu biết về pháp luật, tránh được các rủi ro về pháp lý do khách quan hoặc chủ quan đem lại. Do đó, việc rèn luyện, nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp là yếu tố không thể thiếu đối với người lao động nói chung và người làm lưu trữ nói riêng.
Hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trong công cuộc chuyển đổi số cũng đòi hỏingười làm lưu trữ phải luôn trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo khoahọc, nắm vững quy luật, có năng lực tổ chức thực tiễn, tích cực chủ động trong công việc để đưa ra những cải tiến, đổi mới, phù hợp với hình thái xã hội tại thời điểm hiện tại. Công tác lưu trữ là khoa học độc lập,trong đó bao gồm các quy trình nghiệp vụ đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ. Vì vậy, cần phải hội nhập để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng 4.0 và công cuộc chuyển đổi số, lưu trữ số. Một trong những biểu hiện của đạo đức nghề nghiệp là tâm huyết với nghề, yêu nghề và phải rèn luyện, học hỏi suốt đời, đó cũng là đạo đức cá nhân thể hiện trong đạo đức nghề nghiệp của người làm lưu trữ.
Hai là, đối với cơ quan lưu trữ: cần phải quan tâm, tuyên truyền, phổ biến những quy định, quy tắc ứng xử về đạo đức nghề nghiệp cho viên chức, người lao động trong đơn vị. Qua đó, giúp cho viên chức, người lao động trong đơn vị trau dồi, học hỏi và thấm nhuần những quy tắc ứng xử, đồng thời nhận thức được một cách chính xác nhất những chuẩn mực về đạo đức công vụ của người làm nghề lưu trữ. Từ đó, điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với những yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nghề nghiệp.
Căn cứ vào các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm lưu trữ, các cơ quan sẽ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định và phát hiện, xử lý những sai phạm khi cán bộ lưu trữ thực hiện chưa đúng quy định về đạo đức nghề nghiệp trong công tác lưu trữ. Điều này sẽ làm cho mỗi người nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp, chủ động, sáng tạo trong công việc, gắn chặt trách nhiệm pháp lý của mỗi người, bảo đảm trật tự kỷ cương, sự ổn định, hiệu quả trong công việc. Đây cũng là một trong những biện pháp góp phần tăng cường việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của người làm lưu trữ.
Ba là, đối với cơ sở đào tạo ngành nghề lưu trữ:
Các cơ sở đào tạo cần phải chú ý đến việc tăng cường giáo dục ý thức đạo đức nghề nghiệp cho người học song song với trang bị kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Các cơ sở đào tạo cần đưa học phần môn học “Đạo đức nghề nghiệp trong công tác văn thư, lưu trữ” vào chương trình đào tạo nhằm phục vụ cho việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ đức và tài, đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ trong bối cảnh cải cách hành chính hiện nay. Bởi vì, giáo dục đạo đức nghề nghiệp chính là hình thành nhân cách của chủ thể trong môi trường lao động, hướng con người tới giá trị chân – thiện – mỹ trong hoạt động nghề nghiệp.
Có nhiều hình thức khác nhau để giáo dục đạo đức nghề nghiệp. Chẳng hạn: qua các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn về nghiệp vụ lưu trữ, nhà trường cần bổ sung thêm hàm lượng kiến thức về giáo dục đạo đức nhằm giúp người làm lưu trữ dù ở môi trường nào cũng nâng cao ý thức trách nhiệm của người làm lưu trữ đối với nghề. Chỉ khi người làm lưu trữ nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đạo đức nghề nghiệp của bản thân, như: có kiến thức chuyên môn vững vàng, có trách nhiệm với công việc, có tình cảm với độc giả, có niềm tin vào các nguyên tắc, chuẩn mực trong đạo đức nghề nghiệp, thì khi đó, họ sẽ tự giáo dục, tự chuyển hóa những yêu cầu, chuẩn mực, nguyên tắc của nghề nghiệp thành phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt đẹp của bản thân.
5. Kết luận
Đặc trưng quan trọng của đạo đức nghề nghiệp là “lương tâm nghề nghiệp”, nghĩa, mỗi cá nhân cần có trách nhiệm với nghề, với sản phẩm mình làm ra, nhiệm vụ mình thực hiện. Vì vậy, cần phải tăng cường rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho người làm lưu trữ, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất cốt lõi quan trọng hàng đầu, là động lực, nền tảng thôi thúc trách nhiệm, nhiệt huyết để mỗi người làm lưu trữ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ nhằm phục vụ tốt nhất yêu cầu cải cách hành chính của đất nước.
Chú thích:
1. Hoàng Phê (chủ biên). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng, 2007, tr.280.
2. Nguyễn Như Ý (chủ biên). Đại từ điển tiếng Việt. H. NXB Văn hóa Thông tin, 2012, tr. 595.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngô Thành Can (chủ biên). Đạo đức công chức trong thực thi công vụ. H. NXB Tư Pháp, 2018.
2. Phạm Văn Chung. Đạo đức học. H. NXB Chính trị quốc gia, 2012, tr. 52.
3. Luật Viên chức năm 2010.
4. Luật Lưu trữ năm 2011.
5. Xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại TP. Hồ Chí Minh. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 19/5/2023.