Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên địa bàn huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và một số kiến nghị đề xuất

Đào Minh Nam
Học viên An ninh nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết khái quát kết quả đạt được thông qua triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên địa bàn huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, từ đó chỉ ra những hạn chế và kiến nghị, đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động này thời gian tới.

Từ khóa: Quản lý nhà nước; an ninh, trật tự; huyện Tân Yên.

1. Đặt vấn đề

Tân Yên là huyện phía Tây của tỉnh Bắc Giang, có diện tích tự nhiên 203,8 km2, dân số trên 170 nghìn người, phân bố ở 22 xã và 2 thị trấn. Về kinh tế, đa số người dân làm nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hoạt động thương mại, dịch vụ chiếm số lượng nhỏ, với 253 doanh nghiệp tư nhân, 72 hợp tác xã nông nghiệp. Trên địa bàn hiện có 3 tôn giáo: Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và nhiều lễ hội, tín ngưỡng dân gian khác. Công tác an ninh, trật tự cơ bản được giữ vững, tuy nhiên, do những yếu tố tác động cả chủ quan và khách quan đã nảy sinh những vi phạm về quản lý đất đai, môi trường, các dịch vụ, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hoạt động tôn giáo trái phép, những mâu thuẫn tranh chấp, khiếu kiện… còn tình trạng kéo dài, chưa giải quyết triệt để, tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh thành “điểm nóng”, phức tạp về an ninh trật tự.

Trước tình hình đó, thời gian qua, Công an huyện Tân Yên đã kết hợp triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, nghiệp vụ với tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước (QLNN) về an ninh trật tự, đã kịp thời phát hiện, giải quyết, xử lý triệt để các vi phạm, không để nảy sinh thành “điểm nóng” hoặc tội phạm nguy hiểm.

2. Những kết quả đạt được trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên địa bàn huyện

Thứ nhất, thu thập thông tin, nắm tình hình, kịp thời phát hiện các hoạt động vi phạm.

Công an huyện Tân Yên đã thường xuyên thu thập thông tin, nắm tình hình, kịp thời phát hiện các hoạt động vi phạm. của các tổ chức tôn giáo, nhất là hoạt động xây dựng, sửa chữa, cơi nới, chuyển nhượng, lấn chiếm đất đai trái pháp luật; kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong QLNN đối với các tôn giáo, như: giáo họ Hòa An (xã Hợp Đức), Lục Hạ (xã Tân Trung) tự công nhận là giáo xứ khi chưa có văn bản của nhà nước có thẩm quyền; vụ giáo xứ Bỉ Nội (xã Ngọc Thiện) tự dựng Chúa Giê – sutreen núi Đài, tự ý cải tạo khuôn viên nhà thờ không xin phép chính quyền; vụ mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong nội bộ Phật giáo xảy ra tại chùa Gia Tiến, chùa Tân Hòa (xã Tân Trung)…; đặc biệt là thu thập thông tin, tình hình về hoạt động tu tập, sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật; các hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo”, hoạt động của các hệ phái, tổ chức tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân.

Thu thập thông tin về đối tượng tuyên truyền, kích động, móc nối, lôi kéo người tham gia tổ chức phản động, nhất là số đối tượng cơ hội chính trị, cực đoan, từ đó có kế hoạch ngăn chặn, không để thành lập hội, nhóm bất hợp pháp; thu thập tình hình người dân bị các đối tượng chống đối, cực đoan lôi kéo tham gia “Hội đoàn kết dân oan tỉnh Bắc Giang”… Qua đó, chủ động gọi hỏi, giáo dục, cảm hóa, răn đe, cảnh cáo đối tượng chủ mưu, cầm đầu; đồng thời, vận động người dân cảnh giác, không tin theo các hội, nhóm bất hợp pháp. Đồng thời, thu thập, nắm tình hình về các đối tượng có tiền án, tiền sự, tội phạm ma túy, hình sự, kinh tế, tham nhũng… để triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, chuyên án đấu tranh, ngăn chặn, không để hình thành các băng, ổ nhóm tội phạm chuyên nghiệp, tội phạm có tổ chức, có nhiều đối tượng ở nhiều địa phương khác nhau tham gia…

Công an huyện luôn chú trọng đến việc xây dựng, tranh thủ người có uy tín (trưởng các dòng họ, người đứng đầu các tôn giáo có uy tín…) tham gia vận động quần chúng, giáo dục, cảm hóa đối tượng chưa tiến bộ, còn tái phạm để thu thập thông tin, tài liệu. Bên cạnh đó, còn thông qua hoạt động của các mô hình, phong trào bảo vệ an ninh trật tự để thu thập thông tin phục vụ QLNN về an ninh trật tự. Trong đó, triệt để phát huy vai trò cá nhân điển hình tiên tiến trong các mô hình, phong trào để nhân rộng phục vụ tuyên truyền. Từ năm 2022 đến nay, Công an huyện đã tham mưu triển khai hàng trăm tài liệu của Đảng, Nhà nước liên quan đến QLNN về an ninh trật tự và tham mưu xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch QLNN về an ninh trật tự gắn với địa bàn huyện.

Thứ hai, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng, triển khai các văn bản liên quan đến QLNN về an ninh trật tự.

Tham mưu triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, quán triệt thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước trong bảo đảm an ninh trật tự. Công an huyện đã rà soát, tập hợp, hệ thống hóa, phân loại theo chuyên đề, lĩnh vực để xây dựng kế hoạch triển khai. Trong đó, đã bám sát các lĩnh vực chủ yếu liên quan QLNN về an ninh trật tự trên địa bàn huyện Tân Yên, như: hoạt động của các tôn giáo; an ninh nông thôn; các vụ tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nhân dân; hoạt động của các đối tượng cơ hội chính trị tiềm ẩn nguy cơ xâm hại an ninh trật tự (đối tượng có tư tưởng, chống đối, đối tượng tù tha, tái hòa nhập cộng đồng…, đối tượng thuộc diện giáo dục, cảm hóa…); các đối tượng có tiền án, tiền sự, tội phạm ma túy, hình sự, tham nhũng, tiêu cực…; hoạt động phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân; quản lý vũ khí vật liệu nổ; công cụ hỗ trợ; bảo vệ môi trường, các cơ sở, dịch vụ kinh doanh có điều kiện…

Tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai các văn bản QLNN về an ninh trật tự của cấp trên và chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng phối hợp tuyên truyền, phổ biến đến các cá nhân, tổ chức có liên quan. Việc triển khai thực hiện các văn bản thông qua hình thức quán triệt hội nghị chuyên đề hoặc thông qua cấp ủy, chính quyền cơ sở (xã, thị trấn) để phổ biến, quán triệt đến từng đối tượng, lĩnh vực, hoạt động cụ thể; thông qua các phong trào, mô hình bảo vệ an ninh trật tự để thực hiện. Việc linh hoạt, sáng tạo các hình thức triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự vừa góp phần nâng cao nhận thức, vừa tổ chức hiệu quả các hoạt động thực tiễn QLNN về an ninh trật tự trên địa bàn huyện. Từ năm 2016 đến nay, đã tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai hàng trăm văn bản của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự, góp phần định hướng cho các cơ quan, lực lượng chức năng thực hiện tốt vai trò QLNN về an ninh trật tự trên địa bàn. 

Với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Tân Yên đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng các văn bản, kế hoạch chỉ đạo QLNN về an ninh trật tự. Căn cứ lĩnh vực, đối tượng, địa bàn và các vụ việc phức tạp nổi lên trong lĩnh vực an ninh trật tự, cũng như các văn bản hướng dẫn của cấp trên, Công an huyện đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng, ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch hằng năm đối với việc xây dựng các văn bản chỉ đạo QLNN về an ninh trật tự.

Cùng với triển khai các chương trình, kế hoạch, quyết định của cấp ủy, chính quyền cơ sở về QLNN về an ninh trật tự, lực lượng Công an đã kết hợp mở các cao điểm tấn công trấn áp tôi phạm với kiểm tra các lĩnh vực, đối tượng, địa bàn có hoạt động phức tạp liên quan an ninh trật tự để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm và phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm. Công an huyện đã tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước tại các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp…; rà soát, sắp xếp, bố trí nhân sự bảo đảm tiêu chuẩn chính trị làm việc ở bộ phận thiết yếu, cơ mật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ nội bộ trong tình hình mới; bảo vệ các công trình quan trọng về an ninh quốc gia; xây dựng các phương án phòng ngừa tụ tập đông người, khiếu kiện vượt cấp, gây rối trật tự công cộng…, phương án bảo vệ các sự kiện chính trị quan trọng, các lễ hội truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Từ năm 2022 đến nay, Công an huyện đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện triển khai hàng trăm chương trình, kế hoạch, phương án triển khai thực hiện trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm bám sát, sâu sắc, triệt để toàn diện các lĩnh vực, đối tượng, địa bàn, đáp ứng mục tiêu ổn định phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. 

Thứ ba, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện.

Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên thuộc chức năng phụ trách, thời gian qua, Công an huyện đã chủ động tham mưu xây dựng triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các luật đã có hiệu lực thi hành và các văn bản pháp luật khác về lĩnh vực an ninh trật tự; đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các danh mục liên quan các lĩnh vực trong bảo đảm an ninh trật tự, như: danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; danh mục công trình quan trọng về an ninh quốc gia; danh mục bảo vệ bí mật nhà nước; danh mục hàng cấm…; danh sách đối tượng chú ý xuất cảnh, nhập cảnh; danh mục quản lý phòng cháy, chữa cháy cấp xã, thị trấn… Đây là những lĩnh vực quan trọng cần bổ sung để tuyên truyền, phổ biến phòng ngừa vi phạm, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động trở thành tội phạm nguy hiểm.

Thông qua hoạt động mô hình hoặc phong trào, lực lượng Công an đã lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật giúp đối tượng nắm vững nội dung và nghiêm túc thực hiện. Từ 2022 đến nay, đã tổ chức 115 đợt tuyên truyền, thu hút hàng nghìn đối tượng tham gia. Đã huy động hàng chục mô hình tự quản về an ninh trật tự, gia đình, dòng họ không có ma túy… tham gia tuyên truyền tác hại, hậu quả về ma túy. Thông qua hình thức sân khấu hóa, các cuộc thi… để tuyên truyền và thu hút được nhiều người tham gia, hoặc thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đài phát thanh, tuyền hình đăng các tin, bài, phóng sự, phim tài liệu liên quan để tuyên truyền cũng đạt hiệu quả nhất định, hoặc phát tài liệu đến các cơ quan, lực lượng liên quan để tuyên truyền, phổ biến, hoặc kẻ vẽ pa nô, áp phích tuyên truyền…

Thứ tư, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an ninh, trật tự.

Từ 2022 đến nay, Công an huyện đã thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 97/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ internet và đã phát hiện hàng chục cơ sở kinh doanh không bảo đảm điều kiện, đã đình chỉ một số cơ sở, nhắc nhở dần 20 cơ sở; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh đối với công dân trên địa bàn và người nước ngoài đến địa bàn, các cơ sở lưu trú khách sạn, nhà hàng, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đối với các cơ sở thờ tự; các quy định về khai thác sử dụng đất đai, bảo vệ tài nguyên môi trường, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

3. Một số hạn chế, bất cập

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động QLNN về an ninh trật tự trên địa bàn huyện Tân Yên vẫn còn có một số hạn chế, bất cập, như:

(1) Công tác thu thập, xử lý thông tin, nắm tình hình phục vụ QLNN về an ninh trật tự có lúc, có nơi, có vụ việc chưa kịp thời; chưa tranh thủ triệt để sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Công tác QLNN về an ninh trật tự liên quan đến tôn giáo chưa tương xứng, ngang tầm với nhiệm vụ, nhất là còn lúng túng trong giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến cơ sở thờ tự tôn giáo và các vụ mâu thuẫn, khiếu nại, tố cáo trong nhân dân; các vụ việc phức tạp liên quan đến môi trường…

(2) Công tác tuyên truyền, phổ biến, vận dụng pháp luật phục vụ QLNN về an ninh trật tự chưa thực sự có chiều sâu, có lúc, có thời điểm còn hình thức, hiệu quả thấp; chưa phát huy, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật;

(3) Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực an ninh trật tự có lúc chưa kịp thời, đồng bộ, còn chạy theo giải quyết sự vụ, nhất là việc kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vũ khí, vật liệu nổ, môi trường…; công tác phát hiện, phòng ngừa tội phạm ma túy, hình sự; giáo dục, cải tạo đối tượng có tiền án, tiền sự, tù tha chưa hiệu quả…;

(4) Công tác phối hợp trong và ngoài lực lượng Công an trong QLNN về an ninh trật tự trên địa bàn huyện Tân Yên chưa chặt chẽ, nhịp nhàng; việc trao đổi, chia sẻ thông tin và thống nhất biện pháp giải quyết còn chậm trễ…

Những hạn chế trên là do một số nguyên nhân:

Một , các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để móc nối, kích động các hoạt động chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó trên địa bàn huyên Tân Yên có đối tượng tham gia; lợi dụng chính sách mở cửa, đổi mới, mặt trái của nền kinh tế thị trường làm gia tăng nhiều tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy, hình sự, kinh tế; những sơ hở, thiếu sót của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chính sách cũng là nguyên nhân làm nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân;

Hai là, nhận thức của các cơ quan, lực lượng liên quan về QLNN về an ninh trật tự chưa tương đồng, thống nhất; một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của QLNN về an ninh trật tự;

Ba là, trình độ, năng lực chuyên môn của một số cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Tân Yên chưa đồng đều; kinh nghiệm thực tiễn còn ít;

Bốn , hệ thống văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho QLNN về an ninh trật tự nói chung, QLNN về an ninh trật tự trên địa bàn huyện Tân Yên nói riêng còn tồn tại, bất cập, thiếu những văn bản là cơ sở pháp lý trực tiếp cho QLNN về an ninh trật tự; các chương trình, kế hoạch bảo đảm QLNN về an ninh trật tự chưa được tổng kết, đánh giá, rút ra các bài học kinh nghiệm.

4. Một số kiến nghị, đề xuất

Để góp phần nâng cao hiệu quả QLNN về an ninh trật tự trên địa bàn huyện Tân Yên thời gian tới, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện một số vấn đề cơ bản, trọng tâm sau:

Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm QLNN về an ninh trật tự với các cấp, các ngành tại địa phương

Công an huyện Tân Yên cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở chương trình bồi dưỡng kiến thức QLNN về an ninh trật tự cho các lực lượng chức năng liên quan; phổ biến đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng về tăng cường QLNN về an ninh trật tự trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của họ khi tham gia. Cần tuyên truyền sâu rộng đối với các tầng lớp nhân dân trong xã hội nêu cao nận thức, trách nhiệm và nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo đảm an ninh trật tự trong sản xuất, kinh doanh…; tích cực tham gia tố giác, phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Đối với lực lượng Công an, cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò nòng cốt của mình trong tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức các hoạt động thực tiễn QLNN về an ninh trật tự ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn. Theo đó, thủ trưởng, cấp ủy các đơn vị cần chú trọng đổi mới tư duy, phương pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả QLNN về an ninh trật tự. Chú ý tiến hành sơ kết, tổng kết các chương trình, kế hoạch QLNN về an ninh trật tự để nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ rõ xu hướng hoạt động và giải pháp ngăn chặn hoạt động xâm phạm an ninh trật tự của các loại đối tượng trong thời gian tới.

Thứ hai, cần nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng, triển khai các văn bản liên quan đến QLNN về an ninh trật tự.

Công an huyện cần nắm vững đặc điểm, tình hình đối tượng, địa bàn, những tồn tại, hạn chế trong QLNN về an ninh trật tự để định hướng tham mưu với cấp ủy, chính quyền vừa kết hợp thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước vừa chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nội dung QLNN về an ninh trật tự thực chất, hiệu quả. Trong đó, thường xuyên quán triệt thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Công an… về công tác bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới.

Công an huyện Tân Yên cần căn cứ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Ban Thường vụ huyện ủy Tân Yên để chủ động xây dựng triển khai nhiều chương trình, kế hoạch QLNN về an ninh trật tự liên quan đến các lĩnh vực, như: an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn, an ninh kinh tế; tội phạm ma túy, hình sự, kinh tế, các tệ nạn xã hội; tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nhân dân; cơ sở thờ tự tôn giáo, đất đai sản xuất, đất ở, môi trường và quản lý vũ khí vật liệu nổ, kinh doanh ngành nghề có điều kiện hoặc những vấn đề phức tạp khác liên quan đến y tế, giáo dục, văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội… Qua đó, chủ động góp phần bảo vệ an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả thu thập thông tin, nắm tình hình phục vụ QLNN về an ninh trật tự.

Cần sử dụng tổng hợp các biện pháp công tác thu thập thông tin, nắm tình toàn diện những vấn đề nổi lên về an ninh trật tự, trong đó kết hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả giữa các biện pháp nghiệp vụ với vận động quần chúng, giáo dục, cảm hóa các đối tượng trọng điểm để thu thập, nắm tình hình phục vụ QLNN về an ninh trật tự. Cần có kế hoạch thu thập thông tin, nắm tình hình đối tượng, địa bàn, tuyến, lĩnh vực trọng điểm về an ninh trật tự. Trong đó, tập trung lực lượng, biện pháp, xác định nội dung cần thu thập, nắm tình hình. Về lực lượng, cần phân công, phân cấp, có cơ chế phối hợp chặt chẽ và bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo, kịp thời cung cấp thông tin, tình hình phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo QLNN về an ninh trật tự trên địa bàn.

Cần thu thập thông tin, nắm tình hình những vấn đề nổi cộm, tiền ẩn nguy cơ nảy sinh thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, như: hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, nội bộ các tôn giáo, hoạt động tôn giáo của các chức sắc, chức việc; tình hình an ninh nông thôn, tranh chấp, khiếu kiện liên quan đất đai, mâu thuẫn trong nhân dân; quản lý vũ khí vật liệu nổ; tội phạm ma túy, hình sự, kinh tế…; các vi phạm pháp luật về môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh; hoạt động của người nước ngoài; các đối tượng tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật; các đối tượng cơ hội chính trị, đối tượng bị các thế lực, thù địch, phản động móc nối, kích động, lôi kéo tham gia…  

Thứ , nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị về an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

Công an huyện Tân Yên cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, lực lượng liên quan để thống nhất xây dựng quy chế, kế hoạch phối hợp. Căn cứ vào đối tượng, lĩnh vực, địa bàn cần tăng cường QLNN về an ninh trật tự để có các kế hoạch cụ thể chuyên sâu, phát huy tối đa hiệu quả công tác phối hợp. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể trong quan hệ phối hợp, trong đó có chủ thể thường trực tham mưu triển khai thực hiện, chủ thể tham gia. Nội dung phối hợp phải toàn diện, cụ thể và hiệu quả từ việc lãnh đạo, chỉ đạo cũng như phân công lực lượng, đối tượng, địa bàn, lĩnh vực và phương pháp phối hợp bảo đảm phát huy được vai trò của các cơ quan, đơn vị, lực lượng tham gia.

Thứ năm, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự trên địa bàn.

Có thể thấy, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là “thước đo”, đánh giá kết quả quá trình thực hiện QLNN về an ninh trật tự. Kết quả của nội dung này phản ánh thực chất, khách quan nhất đối với địa bàn về vấn đề an ninh trật tự. Qua thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự có thể khẳng định còn nhiều tồn tại, hạn chế; đồng thời phát hiện những sơ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền có biện pháp khắc phục, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm. Vì vậy, công tác này phải thực hiện nghiên túc, hiệu quả, chính xác, khách quan.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần chú ý một số nội dung, như: căn cứ lĩnh vực, đối, tượng địa bàn cần tiến hành kiểm tra, xử lý để tham mưu ban hành kế hoạch, nội dung, phương pháp kiểm tra và đề xuất các biện pháp xử lý vi phạm bảo đảm đúng vụ việc, đúng người, đúng hành vi, kiên quyết không để sót lọt sai phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự; căn cứ các văn bản pháp luật hiện hành để kiểm tra, xử lý; căn cứ vào tính chất vụ việc xảy ra trên địa bàn để kiểm tra, xử lý…

Quá trình kiểm tra, xử lý cần sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để có giải pháp hiệu quả hơn, từng bước phấn đấu đạt mục tiêu giảm vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự, góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện Tân Yên.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 của Công an huyện Tân Yên.  Bắc Giang, năm 2021.
2. Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 của Công an huyện Tân Yên. Bắc Giang, năm 2022.
3. Báo cáo tình hình, kết quả công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng an ninh năm 2023 của Công an huyện Tân Yên. Bắc Giang, năm 2023.