ThS. Đoàn Thanh Thủy
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
ThS. Lê Thị Thùy Linh
Học viện kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tích cực, chủ động tận dụng lợi thế từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực mũi nhọn, đột phá để phát triển kinh tế – xã hội; là nội dung cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời, là công cụ hữu hiệu để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, góp phần củng cố và giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ đất nước. Bài viết nêu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào phát triển hạ tầng thông tin, nguồn nhân lực công nghệ thông tin, an toàn thông tin, an ninh mạng…
Từ khóa: Phát triển; công nghệ thông tin; phát triển bền vững; hội nhập quốc tế; kết quả; kinh nghiệm.
1. Về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghệ thông tin
Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực khoa học, công nghệ làm nền tảng cho phát triển kinh tế tri thức, như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ môi trường…”1. Kinh tế tri thức có 5 đặc trưng chủ yếu là: (1) Nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức mà căn bản là tri thức khoa học – công nghệ hiện đại; (2) Các hoạt động đổi mới và sáng tạo trở thành động lực trực tiếp của sự phát triển; (3) Các ngành công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin và viễn thông được áp dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội; (4) Là nền kinh tế học hỏi, dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có chất lượng cao và có năng lực đổi mới, sáng tạo hướng tới hiện đại với những thang bậc ngày càng cao; (5) Cơ cấu các ngành kinh tế và cơ cấu lao động xã hội chuyển đổi ngày càng nhanh theo hướng tăng nhanh giá trị gia tăng. Như vậy, quan điểm của Đảng phát triển công nghệ thông tin làm nền tảng, là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp.
Kế thừa và bổ sung phát triển quan điểm Đại hội XI (năm 2011), Nghị quyết số 36 – NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đã nhấn mạnh hơn vai trò của công nghệ thông tin, được xác định “là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”2. Theo đó, vai trò của phát triển công nghệ thông tin không chỉ dừng lại như một giải pháp hỗ trợ nhằm góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc mà bản thân nó tạo ra giá trị và là phương thức phát triển mới.
Trước bối cảnh tình hình của thế giới hiện nay, việc sử dụng công nghệ thông tin để nâng cao an ninh thông tin, quản lý rủi ro mạng là quan trọng và cần thiết. Đồng thời, các hình thái chiến tranh kiểu mới như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng đã và đang diễn ra, vì vậy, phát triển công nghệ thông tin còn là phương thức mới trong bảo vệ Tổ quốc. Ba khâu đột phá chiến lược là vấn đề rất quan đã được Nghị quyết Đại hội XI (năm 2011) đề ra nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” mấu chốt để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Giai đoạn từ năm 2016 – 2020, Đại hội XII của Đảng nhận định: “Cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia”3. Đặc điểm của cách mạng công nghiệp 4.0 là “tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin”4 đòi hỏi Đảng tiếp tục có chủ chương, chính sách phát triển công nghệ thông tin lên một tầm cao mới, mang tính đột phá. Chính vì vậy, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã chỉ ra: việc “thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số”5.
Đến Đại hội XIII của Đảng (2021) đã đặt ra yêu cầu phát triển và ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin lên một tầm cao mới mang tính cách mạng, đột phá. Trong đó, “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”6.Để chủ động tận dụng lợi thế từ cuộc cách mạng 4.0 và nhằm tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế thì chúng ta cần phải thực hiện phát triển kinh tế số, xã hội số.
Như vậy, muốn thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực thì cần phải tăng cường ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin. Mặt khác, muốn thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chính quyền số thì nhất thiết phải có nền tảng cơ sở hạ tầng thông tin, như: (1) Cơ sở dữ liệu quốc gia, mạng viễn thông, mạng internet; (2) Các phần mềm ứng dụng về tài chính, bảo hiểm, y tế…; (3) Hệ thống máy chủ mạnh và có khả năng lưu trữ dữ liệu lớn; (4) Có trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích và xử lý tình huống trong điều khiển giao thông, xe tự lái…
Hiện nay, công nghệ thông tin đã có những bước phát triển vượt bậc, tập trung vào các chủ điểm, như: Internet kết nối vạn vật (Internet of Things) (IoT), AI và Học máy (Machine Learning), dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu (Big Data và Analytics); điện toán đám mây (Cloud Computing); công nghệ chuỗi – khối (Blockchain). Các công nghệ mới này đang thực sự làm thay đổi cách thức sản xuất, mua bán và nhu cầu đời sống xã hội của người dân, tạo ra năng suất, chất lượng hiệu quả, sự cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Nhằm quán triệt và hiện thực hóa chủ trương của Đảng về phát triển công nghệ thông tin, Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai tổ chức thực hiện. Trong đó, đã chú trọng đến các chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghệ thông tin, như: Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật Viễn thông năm 2009, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 cùng nhiều luật khác có liên quan. Chính phủ cũng ban hành nhưng văn bản quan trọng, như: Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, như: Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 30/01/2018 phê duyệt Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030; Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bộ Thông tin và Truyền thông cơ quan tham mưu cho Đảng Nhà nước và trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghệ thông tin đã ban hành hàng trăm văn bản thông tư và thông tư liên tịch, quyết định, chỉ thị nhằm tạo chính sách và môi trường pháp lý cho phát triển công nghệ thông tin. Các chính sách tạo điều kiện thuận lợi, như: ưu đãi thuế hợp lý, tạo điều kiện mặt bằng để phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung và các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất – kinh doanh lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin; quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; các quy định, thủ tục đầu tư thường xuyên bổ sung, sửa đổi bảo đảm sự đơn giản và nhanh gọn nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghệ thông tin.
Với quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử hướng tới xây dựng chính phủ số, chính quyền số, ngày 14/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử; ngày 07/3/2019, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025. Nghị quyết đã đề ra các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, các chỉ tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện. Những kết quả đạt được trong công tác này đã tạo điều kiện thuận lợi to lớn để triển khai chính sách và môi trường pháp lý về phát triển công nghệ thông tin được chính xác, minh bạch, nhanh gọn và hiệu quả. Đặc biệt, cơ chế, chính sách của Nhà nước không những quan tâm mà còn thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm quảng bá và phổ biến các thành tựu về phát triển công nghệ thông tin; bảo đảm cho công nghệ thông tin phát triển toàn diện, đồng bộ trên các mặt: xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
2. Những kết quả triển khai thực hiện
Việc quản lý, tổ chức, triển khai thực hiện chủ trương về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin của Đảng thường xuyên được bảo đảm thông suốt, đồng bộ phù hợp với thực tiễn phát triển; đã khẳng định vai trò quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử. Các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố tiếp tục là cánh tay nối dài của Bộ Thông tin và Truyền thông tại địa phương để triển khai hoạt động của ngành, tạo ra sự thông suốt từ trung ương đến địa phương.
Thứ nhất, về kết quả xây dựng, phát triển hạ tầng thông tin.
Trong lĩnh vực phát triển viễn thông, đạt được những kết quả quan trọng. Mạng lưới viễn thông có sự phát triển nhanh chóng, rộng khắp trên phạm vi cả nước. Đến năm 2022, “tổng doanh thu trong lịch vực viễn thông đạt 138,69 nghìn tỉ đồng tăng 2,12% so với năm 2021. Hạ tầng viễn thông có sự tăng trưởng mạnh so với năm 2021: mạng 5G đã được triển khai thử nghiệm tại 40 tỉnh/thành phố, hạ tầng mạng 4G phủ sóng tới 99,8% dân số. Thuê bao băng thông rộng di động đạt 82,79 triệu thuê bao; Thuê bao băng rộng cố định đạt 21,24 triệu thuê bao”7. Trong đó, “tỷ lệ thuê bao băng thông rộng cố định trên 100 dân đạt 21,36”8. Tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet đến năm 2022 “đạt 87,8%,”9. Đến năm 2022, “Tỷ lệ thuê bao băng thông rộng di động mặt đất trên 100 dân đạt 83,22. Sóng di động 3G, 4G đã phủ tới 99,85% dân số, trong đó vùng phủ 4G phục vụ trên 99,8% dân số”10. Cấp phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ 5G cho Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel; Tổng Công ty MobiFone và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. Ngày 17/01/2020, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel đã cho ra mắt thiết bị thu phát sóng gNodeB 5G tự nghiên cứu sản xuất, bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Mạng di động 5G đã thử nghiệm thương mại hóa dịch vụ thành công, đánh dấu cột mốc ấn tượng đưa Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới tự nghiên cứu và sản xuất được thiết bị 5G, trong đó Việt Nam là nước thứ 5 sản xuất được thiết bị 5G.
Thực hiện công tác chuyển đổi IPv6 trên mạng Internet Việt Nam và Chương trình tư vấn hỗ trợ chuyển đổi IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của cơ quan nhà nước (IPv6 ForGov). Tính đến năm 2020, “tỷ lệ ứng dụng truy cập IPv6 trên Internet Việt Nam đạt 45,86%, gấp 1,7 lần trung bình toàn cầu và gấp 2-3 lần trung bình khối ASEAN với 34 triệu người sử dụng IPv6”11. Việt Nam “đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 4 châu Á và thứ 10 toàn cầu, khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế”12. Đến năm 2022, “chỉ số xếp hạng hạ tầng viễn thông (TII) – Thuộc bộ chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) xếp hạng 74”13.
Thứ hai, trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin.
Được triển khai tại 58 tỉnh, thành phố và đạt kết quả trong “Năm 2022, doanh thu đạt hơn 145.191 triệu USD, trong đó doanh thu công nghiệp phần cứng đạt 135.948 triệu USD, doanh thu công nghiệp phần mềm đạt 4.161 triệu USD, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin (trừ buôn bán, phân phối) đạt 4.196 triệu USD, doanh thu công nghiệp nội dung số đạt hơn 886 triệu USD”14.
Thứ ba, về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Năm 2020, “trong tổng số 237 trường đại học trong cả nước thì có 158 trường đại học có đào tạo công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và an toàn thông tin, chiếm tỷ lệ 65,83% trong tổng số trường đại học”15. Trong đó, “tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học các ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và an toàn thông tin là 68.435 thực tế tuyển sinh là 82%”16. Về đào tạo cao đẳng, trung cấp nghề có đào tạo công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và an toàn thông tin “có 442 trường trong tổng số 854 trường, chiếm tỷ lệ 51,22% với tỷ lệ tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nghề có đào tạo công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và an toàn thông tin là 7,7% trong tổng số chỉ tiêu các ngành”17. Đến năm 2020, “tổng số nhân lực làm việc trong lĩnh vực viễn thông là 79.943 người”18; tổng số lao động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin – điện tử viễn thông là 1.081.268 người19.
Trong lĩnh vực đào tạo nhân lực an toàn thông tin mạng, năm 2020, “số lượng nhân lực an toàn thông tin mạng được tuyển sinh là 2.310 người, số lượng nhân lực an toàn thông tin mạng tốt nghiệp là 880 người”20. Theo báo cáo gần đây nhất của Sách trắng Công nghệ thông và truyền thông 2023, đến năm 2022 sau đại dịch Covid-19, hàng loạt các công ty công nghệ trên toàn cầu cắt giảm nhân lực. Làn sóng khủng hoảng nhân lực ảnh hưởng lớn tới nhu cầu thị trường lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam. Số lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam sau nhiều năm tăng trưởng đến năm 2022 có dấu hiệu sụt giảm, cụ thể: số lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin là hơn 1,45 triệu người giảm 1,13% so với năm 2021…; số lao động phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin chiếm chiếm 22,7% tăng 15% so với năm 2021. Số lao động công nghiệp nội dung số năm 2022 tăng gần 8,9% so với năm 2021. Năm 2022 ghi nhận việc tăng đáng kể lao động buôn bán, phân phối công nghệ thông tin 27% so với năm 202121. Về đào tạo đại học đến năm 2022, “trong tổng số 239 trường đại học trên cả nước có 165 trường đại học có đào tạo công nghệ thông tin. Chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2022 – 2023 giảm 14,5% so với năm 2021 tuy nhiên chỉ tiêu tuyển sinh vẫn rất cao, hơn 72 nghìn sinh viên. Tỷ lệ thực tuyển đào tạo đại học ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn thông tin cũng rất cao, 84%. Số lượng sinh viên thực tuyển ngành này hơn 61 nghìn sinh viên”22 .
Thứ tư, về lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin.
Qua kết quả xếp hạng chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hiệp quốc năm 2020 tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 23/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667 cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Chỉ số tham gia điện tử: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 70/193 toàn cầu, 22/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Đến năm 2022, “Liên hiệp quốc công bố báo cáo khảo sát mức độ xếp hạng Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, trong đó chỉ số thành phần Dịch vụ trực tuyến Việt Nam xếp hạng 76/193 tăng 5 bậc so với năm 2020. Việt Nam được đánh giá là một trong số 9 quốc gia có thu nhập dưới trung bình nhưng có chỉ số trực tuyến cao trên mức trung bình thế giới”23.
Năm 2020, “100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với trục liên thông văn bản quốc gia, tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử trên toàn quốc có tỷ lệ khá cao, đạt 90,81%”24; có 100% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng khoảng 3 lần, từ 10,76% năm 2019, lên 30,1% vào tháng 12/2020. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến của một số lĩnh vực có hiệu quả cao như các dịch vụ thuế (99,8% doanh nghiệp khai thuế điện tử), hải quan (99,7% doanh nghiệp thực hiện hải quan điện tử), kho bạc (80% đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch tại kho bạc nhà nước tỉnh, quận, thị xã); đăng ký kinh doanh (75% đăng ký doanh nghiệp qua mạng), lĩnh vực công thương (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ Công Thương). Năm 2022, “tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 97,4%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 80,05% vượt mục tiêu của Chính phủ là 80% (tăng 2,2 lần so với năm 2021)”25.
Thứ năm, lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng.
Công tác bảo đảm an toàn thông tin đạt được những kết quả tích cực, trong giai đoạn 2018 – 2020 với “87 doanh nghiệp hoạt động”26. Theo Báo cáo Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của ITU, Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia (tăng 50 bậc so với năm 2017), được xếp vào nhóm có chỉ số cao. Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, “Việt Nam đứng thứ 11/38. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5/11 (so với năm 2017 là 9/11). Chỉ số hành lang pháp lý của Việt Nam được đánh giá điểm ở mức cao: 0,165/0,2, nghĩa là đạt 82,5%”27. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia là thành viên sáng lập của Diễn đàn toàn cầu về an toàn, an ninh mạng (GFCE: Global Forum on Cyber Expertise), có nhiều đề xuất và triển khai sáng kiến trung tâm an toàn, an ninh mạng khu vực ASEAN (ASEAN Cybersecurity Hub). Trong bảng xếp hạng do Kaspersky công bố, Việt Nam cũng được đánh giá là có số lượng mã độc di động thấp thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Đến năm 2022, “số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng là 101 doanh nghiệp… Doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng năm 2022 đạt 3.319 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2021”28.
3. Một số kinh nghiệm rút ra từ kết quả triển khai đối với phát triển công nghệ thông tin
Một là, nhận thức đúng và nhạy bén, kịp thời đề ra chủ trương phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Công nghệ thông tin là một ngành công nghệ cao, với đặc điểm có tốc độ phát triển rất nhanh, vòng đời sản phẩm ngắn. Chính vì vậy, nếu không thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng, có cả khả năng dự báo xu hướng phát triển kịp thời và nhạy bén thì rất dễ bị lạc hậu về chủ trương, chính sách về phát triển công nghệ thông tin. Do đó, cần nhận thức đúng về phát triển công nghệ thông tin đòi hỏi các cấp, các ngành, toàn xã hội và mỗi người dân cần hiểu thấu đáo vị trí, vai trò của phát triển công nghệ thông tin đối với sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Việc tận dụng “cơ hội vàng” từ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà cốt lõi là sức mạnh lan tỏa của số hóa thì việc chú trọng đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trở nên quan trọng và cấp bách.
Mặt khác, cần hoạch định chủ trương và chính sách về phát triển công nghệ thông tin đậm nét trong tổng thể đường lối phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm phát triển công nghệ thông tin thực sự là phương thức phát triển mới, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.
Hai là, chú trọng hoàn thiện chính sách, môi trường pháp lý tạo thuận lợi phát triển công nghệ thông tin.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chương trình, đề án, kế hoạch và các văn bản của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng và kịp thời để tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển công nghệ thông tin. Nội dung này rất quan trọng vì chủ trương về phát triển công nghệ thông tin chỉ được hiện thực hóa khi có sự tích cực vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành. Sự tích cực vào cuộc được thể hiện chính bằng việc kịp thời ban hành các văn bản tổ chức thực hiện chủ trương về công nghệ thông tin. Các văn bản sẽ tạo cơ chế, chính sách và môi trường pháp lý để mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị thực hiện.
Thường xuyên bám sát thực tiễn phát triển công nghệ thông tin trên thế giới và trong nước, kịp thời bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển công nghệ thông tin. Chú trọng ban hành các luật, xem xét, điều chỉnh các luật cho phù hợp với thực tiễn. Các nghị định của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư hướng dẫn của các bộ, ban, ngành phải thường xuyên được rà soát để bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với xu hướng công nghệ mới. Các văn bản bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, tránh chồng chéo và không thống nhất trong thực hiện
Ba là, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phát triển công nghệ thông tin.
Quán triệt, tuyên truyền và phổ biến rộng rãi, sâu sắc chủ trương, chính sách về phát triển công nghệ thông tin của Đảng trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cấp, các ngành, lực lượng có liên quan và toàn thể nhân dân cần nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, tạo sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, trong lối sống và sinh hoạt của các tổ chức, lực lượng, doanh nghiệp, đơn vị và người dân, tạo nhu cầu cấp thiết trong ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
Phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi người dân trong phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Hệ thống chính trị quan tâm, tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách, pháp luật tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin. Cơ chế, chính sách, pháp luật cần có sự đồng bộ, toàn diện, minh bạch, công bằng, vì vậy, cần có sự phối hợp nhịp nhàng của các thành tố trong hệ thống chính trị.
Trên cơ sở có môi trường thuận lợi, các doanh nghiệp, đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin tích cực, chủ động đầu tư nguồn vốn và nhân lực nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin mới. Các địa phương căn cứ vào thông tư, chỉ thị của các bộ, ban, ngành quản lý chặt chẽ nguồn vốn ngân sách đầu tư, thực hiện triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển công nghệ thông tin của địa phương hiệu quả, thiết thực; chủ động, sáng tạo thu hút các nguồn đầu tư từ nước ngoài và các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Mọi người dân nâng cao trình độ ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin, nâng cao ý thức, kỹ năng trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho bản thân và xã hội.
Bốn là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ thông tin.
Mở rộng quy mô và đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với sự phát triển của ngành. Hiện nay, hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công nghệ thông tin ở nước ta chỉ bao gồm các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề, do đó tất yếu dẫn tới việc quy mô đào tạo công nghệ thông tin tại các thành phố, các trung tâm phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, để công nghệ thông tin tiếp tục đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số thì mọi người dân ở mọi vùng miền đều cần có những kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin. Do đó, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cho người dân.
Tập trung đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin trong hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và sau đại học, hệ thống các trường nghề; đồng thời trang bị cơ sở hạ tầng, đầu tư, cải tiến trang thiết bị dạy học để các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng ngay với nhu cầu sử dụng, lao động trong ngành công nghệ thông tin. Khuyến khích đầu tư, thu hút các tập đoàn công nghệ thông tin quốc tế có uy tín quan hệ hợp tác trong việc đào tạo nguồn nhân lực.
Mặt khác, cần thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng lại nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiện có. Thực hiện đào tạo lại thông qua việc tổ chức đào tạo tại chỗ, đào tạo qua công việc hoặc thuê các đơn vị đào tạo có uy tín.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao. Có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tạo môi trường làm việc thuận lợi, khen thưởng động viên kịp thời và tạo điều kiện thăng tiến trong nghề nghiệp đối với các chuyên gia, các nhân lực công nghệ thông tin bậc cao. Bố trí khoản ngân sách phù hợp để chi trả lương đặc thù cho các chuyên gia, các nhà khoa học uy tín trên thế giới về nghiên cứu, giảng dạy phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin tiên tiến và hiện đại ở Việt Nam. Tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ thông tin mạnh ở Việt Nam đầu tư nguồn vốn để thu hút nhân lực công nghệ thông tin bậc cao trên thế giới về làm việc, công tác.
4. Kết luận
Trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, đồng thời đặt ra yêu cầu mới đối với sự phát triển công nghệ thông tin của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước ngành Công nghệ thông tin liên tục giữ vững và năm sau cao hơn năm trước. Mức tăng trưởng của ngành cũng không bị chững lại ngay cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 và trong năm 2020. Điều đó, chứng tỏ ngành Công nghệ thông tin có khả năng phát triển bền vững là ngành kinh tế mũi nhọn có khả năng lan tỏa, làm nền tảng để phát triển kinh tế – xã hội; tạo nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng và phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Từ thực tiễn đó, rút ra một số vấn đề tham khảo, vận dụng vào quá trình phát triển công nghệ thông tin cho những giai đoạn tiếp theo.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 135.
2. Bộ Chính trị (2014). Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 70 – 71.
4. Thủ tướng Chính phủ (2017). Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
5. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2019). Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 201.
15, 16, 17, 18, 19, 20. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Sách trắng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2021. H. NXB Thông tin và Truyền thông, tr. 57, 57, 58, 28, 43, 36.
11, 12, 24. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Báo cáo tổng kết năm 2020 và giai đoạn 2016 – 2020 phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 kế hoạch phát triển ngành Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2021 – 2025, ngày 12/1/2021. H. NXB Thông tin và Truyền thông, tr. 20, 20, 31.
7, 8, 9, 10, 13, 14, 21, 22, 23, 25, 28. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023). Sách trắng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2023. H. NXB Thông tin và Truyền thông, tr. 22, 24, 31, 32, 32, 42, 61, 62, 33, 33, 28.