ThS. Nguyễn Ngọc Diệp
Trường Đại học Thành Đông
(Quanlynhanuoc.vn) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giáo dục – đào tạo, đặc biệt là giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước. Người luôn đánh giá cao vị trí và tầm quan trọng của họ trong sự nghiệp cách mạng, tương lai của dân tộc. Vì thế, trước lúc đi xa, Người không quên căn dặn Đảng ta phải luôn chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về mọi mặt, coi đó là việc làm thường xuyên và cần thiết. Trên cơ sở làm rõ những quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức, bài viết khẳng định giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục nói chung và đặc biệt trong công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên Trường Đại học Thành Đông nói riêng.
Từ khóa: Giáo dục đạo đức; sinh viên; tư tưởng Hồ Chí Minh; Trường Đại học Thành Đông.
1. Đặt vấn đề
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về đạo đức để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đặc biệt quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, bởi trong đó “đạo đức cách mạng làm nền tảng”1 và là sức mạnh của người cách mạng, “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”2.
Trong bối cảnh đổi mới đất nước hiện nay, cùng với những thành tựu to lớn mà chúng ta đã gặt hái được trên tất cả các lĩnh vực thì vẫn tồn tại sự hạn chế, suy thoái về nền tảng đạo đức xã hội bởi sự tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, nhất là vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, sinh viên trẻ có dấu hiệu tha hóa biến chất, theo đuổi những giá trị vật chất tầm thường mà quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao của mình đối với Tổ quốc. Vì vậy, việc nghiên cứu, hiện thực hóa đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh vào việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên là việc làm có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về giáo dục đạo đức cho thanh niên
2.1. Giáo dục tinh thần yêu nước
Trong giáo dục đạo đức cho thanh niên, nội dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu là giáo dục tinh thần yêu nước. Mục đích của việc giáo dục tinh thần yêu nước chính là để hình thành nhân cách cho thanh niên, làm cho họ nhận thức được rằng, yêu nước, yêu quê hương là biểu hiện cao nhất trong thang giá trị đạo đức Việt Nam. Khi nhận thức điều đó, thanh niên có ý thức chuyển giá trị đạo đức từ yêu cầu bên ngoài thành nhu cầu, khát vọng bên trong mỗi người. Tinh thần yêu nước không chỉ thể hiện ở nhận thức mà còn phải thể hiện ở hành động, Người yêu cầu: “phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”3. Người đã khơi dậy lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam, coi đó là chìa khóa vàng để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tổ chức họ, lãnh đạo họ thực hiện mục tiêu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân. Hiện nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, thanh niên phải tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc; phải trung thành với lý tưởng, sự nghiệp dựng nước và giữ nước, với con đường đi lên và phát triển của đất nước. Tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”4. Cùng với đó, còn biết đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên hàng đầu; quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
2.2. Giáo dục lý tưởng cách mạng
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn dành nhiều tâm huyết vào việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, rèn luyện ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần sẵn sàng xung phong trong mọi nhiệm vụ và công tác. Lý tưởng cách mạng mà Người quan tâm giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ chính là mục tiêu và con đường của cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt để giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ, Người đã nêu gương bằng chính cuộc đời hoạt động cách mạng với lý tưởng cách mạng của Người trong giáo dục cho thế hệ trẻ còn là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin; đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; lấy hạnh phúc của Nhân dân, của con người làm mục tiêu cao nhất, nhằm đem lại cho con người cuộc sống ấm no, hạnh phúc; được sống trong xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Ngày nay, “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng…”5 đã được chứng minh qua các lớp thanh niên khi bước vào đời phải hình thành cho mình lý tưởng cuộc sống phù hợp với lý tưởng chung của dân tộc, góp công sức, trí tuệ dù có nhỏ bé nhưng đã chứng minh sự nhận thức và ý thức cao cả, vẻ vang vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
2.3. Giáo dục đạo đức cách mạng
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thanh niên xứng đáng là những người chủ tương lai của đất nước, là những cán bộ kế cận của Đảng thì ngoài yêu cầu về năng lực hoạt động thực tiễn thì phải có những phẩm chất đạo đức của người cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: là nội dung cốt lõi của đạo đức cách mạng, đó là phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hằng ngày của mỗi người. Trong quan niệm của Người thì cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cũng là một biểu hiện cụ thể của phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân”.
“Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”6. Cần tức là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng.
“Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”7. Kiệm tức là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của của nhân dân, của nước, của bản thân mình; không phô trương hình thức, không liên hoan chè chén lu bù. “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm. Tiết kiệm phải kiên quyết không xa xỉ”8.
“Liêm là trong sạch, không tham lam”9, là liêm khiết, luôn tôn trọng và giữ gìn của công và của dân, phải trong sạch, không tham lam; không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng; không ham người khác tâng bốc mình; vì vậy mà quang minh chính đại.
“Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”10. Hồ Chí Minh cho rằng, các đức cần, kiệm, liêm, chính có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, ai ai cũng phải thực hiện, song cán bộ, đảng viên phải là những người thực hành trước để làm kiểu mẫu cho dân.
Chí công vô tư là hoàn toàn vì lợi ích chung, không vì tư lợi; là hết sức công bằng, không chút thiên tư, thiên vị, công tâm, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân, của dân tộc lên trên hết, trước hết; chỉ biết vì Đảng, vì dân tộc. Người chí công vô tư thì lòng dạ thảnh thơi, đầu óc mới tỉnh táo, sáng suốt. Có chí công vô tư mới nêu cao được tinh thần tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân.
Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên còn là giáo dục tình yêu thương con người. Hồ Chí Minh xác định yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp, không thể thiếu của người cán bộ, Đảng viên. Bản thân Người cũng chính là tấm gương của người cách mạng giàu tình cảm, vì yêu thương Nhân dân, yêu thương con người mà sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để đem lại độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho con người.
Hiện nay, đứng trước bối cảnh và yêu cầu của thực tiễn cách mạng, nhất là hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thì nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức càng trở nên quan trọng. Chính vì vậy, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”11. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là nền tảng, là gốc để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng vào công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên Trường Đại học Thành Đông
Thứ nhất, giáo dục tinh thần tự giác, chủ động, sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học.
Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”12, đồng thời thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục nước nhà, Trường Đại học Thành Đông luôn quan tâm đến chất lượng học tập của sinh viên, từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy; trên cơ sở đó rèn luyện và hình thành cho sinh viên ý thức, tinh thần tự giác, chủ động học tập và nghiên cứu khoa học.
Nhà trường lấy trọng tâm phương pháp “Interative Learning – Tương tác sư phạm” – một phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới hiện nay làm mô hình đào tạo, sinh viên được chủ động tham gia vào quá trình dạy và học, tương tác với giảng viên và các nhóm sinh viên khác để đạt hiệu quả tiếp thu cao nhất.
Mục tiêu chính của phương pháp này là khơi dậy tính chủ động, tích cực và sự say mê học tập của mỗi sinh viên để từ đó giúp sinh viên có cơ hội phát triển toàn diện, cả kiến thức chuyên môn và biết ứng dụng kiến thức chuyên môn đó vào thực tiễn cuộc sống.
Đối với mỗi môn học, Nhà trường quy định giảng viên phải giành ít nhất 30% thời lượng để sinh viên trao đổi, thảo luận, rèn khả năng tư duy và kỹ năng phản biện; khuyến khích sinh viên trình bày quan điểm cá nhân. Đề thi cũng được lựa chọn ra theo dạng đề mở, tạo điều kiện cho sinh viên phát huy được năng lực tư duy sáng tạo, hạn chế tình trạng sinh viên học vẹt, ghi nhớ kiến thức một cách máy móc, sáo rỗng. Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, học viên cũng luôn được khuyến khích, chú trọng.
Nhà trường có chính sách khen thưởng cho thành tích nghiên cứu khoa học của người học như cấp giấy khen và giấy chứng nhận sinh viên nghiên cứu khoa học, được cộng thêm điểm thưởng vào điểm rèn luyện của học kỳ để làm căn cứ xét cấp học bổng và xếp loại thi đua; được cộng thêm 0,5 điểm cho đề tài học viên cao học được đăng trên tạp chí khoa học của Nhà trường.
Chính vì vậy, sinh viên nghiên cứu khoa học đã trở thành phong trào rất sôi nổi diễn ra trong toàn trường. Và mặc dù rất khó khăn nhưng Nhà trường đã xây dựng hoàn chỉnh chiến lược và đầu tư cho kế hoạch dài hạn công tác nghiên cứu khoa học đến năm 2025 tầm nhìn 2030 với nguồn kinh phí đầu tư chiếm từ 5,7 đến 8,9% so với tổng doanh thu toàn trường, đạt quy định tại Điều 12 Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ.
Ngoài ra, Nhà trường đã đầu tư xây dựng các phòng thực hành nghiên cứu các sản phẩm thuốc, các trung tâm thực hành mạng máy tính, trung tâm thực hành tài chính – ngân hàng, kế toán – kiểm toán, xây dựng trung tâm đào tạo điều dưỡng, trung tâm văn hóa Đức…. để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hành, thí nghiệm và chuyển giao công nghệ cho khối ngành khoa học sức khỏe, kinh tế.
Thứ hai, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc.
Lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta. Giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho sinh viên hiện nay là giáo dục tình yêu đối với đất nước, lòng trung thành với Tổ quốc và khát vọng được phục vụ những lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân. Tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ hai (07/5/1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh răn dạy thanh niên, tri thức phải có sáu cái yêu: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, yêu khoa học và kỹ thuật, trong đó yêu Tổ quốc và yêu Nhân dân được Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu. Theo Người, phương pháp tốt nhất để bồi dưỡng lòng yêu nước, thương nòi cho sinh viên là giáo dục truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng.
Thông qua giáo dục truyền thống dân tộc, những giá trị tốt đẹp như: lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc; tinh thần quả cảm, dám xả thân bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia… được bồi đắp, củng cố làm cho sinh viên thấy được giá trị lớn lao và ý nghĩa của cuộc sống hòa bình, tự do, độc lập. Những giá trị này trở thành nguồn động lực thôi thúc sinh viên vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.
Tiếp thu và vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vào quá trình giáo dục đào tạo, ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường Đại học Thành Đông không chỉ chú trọng trang bị cho sinh viên về kiến thức mà còn đề cao việc bồi đắp, trau dồi cho các em về đạo đức, lối sống đặc biệt là giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc với nhiều hình thức và phương pháp phong phú, như: trong giảng dạy các môn lý luận chính trị, giảng viên luôn lồng ghép những nội dung của chủ trương, đường lối, mục tiêu, lý tưởng của Đảng với lòng yêu nước, ý thức bảo vệ Tổ quốc và lòng tự hào về quê hương, đất nước. Giáo dục lòng yêu nước cho sinh viên còn được lồng ghép qua các hoạt động văn hóa – nghệ thuật do Nhà trường tổ chức, như các cuộc thi, hội diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; tuyên truyền sáng tác các tác phẩm ca ngợi về Đảng, Nhà nước, Bác Hồ kính yêu…
Thứ ba, giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, Nhân dân.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là một nét đẹp trong đạo đức cách mạng. Tại lớp nghiên cứu chính trị khóa II, trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 8/12/1956, Người đã răn dạy sinh viên: “Thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích cho nhân dân”. Là người cách mạng, sinh viên phải luôn đặt nghĩa vụ lên trên quyền lợi; phải ra sức học tập, lao động để cống hiến; trong mọi công việc cần phải nêu cao tinh thần đâu cần sinh viên có, đâu khó có sinh viên.
Trong mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở sinh viên phải luôn ý thức xem mình đã cống hiến được gì cho nước nhà chứ không phải hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Người cũng chỉ rõ: muốn hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân sinh viên phải xác định được nhiệm vụ chính của mình là học tập, lao động; mục đích của việc học không phải chỉ vì bản thân, gia đình mà hơn hết học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh.
Ngoài ra, để sinh viên không chỉ có ý thức và động cơ học tập đúng đắn mà còn sống có lý tưởng và hoài bão, có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà trường đã kết hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức các phong trào, các hoạt động ngoại khóa, như: Thanh niên tình nguyện, Thanh niên lập nghiệp, Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh…; các dự án kêu gọi bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa; các cuộc vận động, quyên góp ủng hộ cho gia đình khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai… Đây thực sự là những hoạt động hết sức ý nghĩa không chỉ vun đắp những tình cảm cao đẹp, đậm tính nhân văn cho sinh viên mà còn tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội.
4. Kết luận
Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là một nhiệm vụ có tính chiến lược,vừa có ý nghĩa cấp bách hiện nay, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội. Thực chất của công tác này là nhằm đào tạo ra những thanh niên, sinh viên có đạo đức trong sáng, phẩm chất cao đẹp; có năng lực, trình độ chuyên môn cao để lập thân, lập nghiệp, góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước. Mặt khác, giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh với tư cách là nội dung cốt lõi trong giáo dục lý luận chính trị sẽ góp phần giúp cho mỗi sinh viên nói chung và sinh viên Trường Đại học Thành Đông nói riêng có điều kiện rèn luyện bản lĩnh chính trị, phấn đấu tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng, chuyên môn, nghiệp vụ… xứng đáng là lực lượng rường cột – chủ nhân tương lai của đất nước.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (1996). Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, tr.283.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 252-253.
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 39.
4, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 34, 108.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 47.
6, 7, 8, 9, 10. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 118, 122, 123, 126, 129.
12. Hồ Chí Minh toàn tập (1996). Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 647.