ThS. Hoàng Việt Hưng
Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, tỉnh Cao Bằng
(Quanlynhanuoc.vn) – Trung tâm chính trị cấp huyện đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn huyện; là một trong ba cấp cơ bản thực hiện nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua các lớp đào tạo, nghiên cứu. Bài viết nghiên cứu thực trạng hoạt động của hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện trong giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên hiện nay.
Từ khóa: Trung tâm chính trị cấp huyện; giáo dục lý luận chính trị; cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu quả hoạt động.
1. Đặt vấn đề
Thực tiễn những năm qua, hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện đã phát huy vai trò trong việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Song, bên cạnh những kết quả, hoạt động của hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế. Chính vì vậy, nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hoạt động của hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện hiện nay là việc làm cần thiết.
2. Thực trạng hoạt động của hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện
Tại hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có 2 cơ sở tham gia đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, đó là trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các trung tâm chính trị cấp huyện. Trung tâm chính trị cấp huyện (trước đây là trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện1. Về chức năng, trung tâm chính trị cấp huyện là: “tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị – hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện, tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương; tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của cấp ủy”2.
a. Những kết quả đạt được
Thời gian qua, các trung tâm chính trị cấp huyện đã bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, các cấp ủy đảng, Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp. Hoạt động của hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện đã đạt được những kết quả tích cực.
Một là, tích cực triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu phù hợp với thực tiễn tại các địa phương. Cụ thể: “… quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí kinh phí bảo đảm hoạt động của trung tâm; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; quy định rõ ràng hơn về tiêu chuần cán bộ, giảng viên; thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của trung tâm chính trị cấp huyện trong việc nâng cao trình độ, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”3.
Hai là, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị từng bước được đổi mới về nội dung, phương pháp, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên, tính kỷ luật trong giảng dạy được giữ vững. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng được bổ sung, cập nhật kịp thời với sự biến đổi của đời sống xã hội. Các chương trình, khóa đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện theo hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bảo đảm nội dung, thời lượng, mục đích, yêu cầu, phù hợp với các đối tượng học viên. Trong quá trình thực hiện, các trung tâm chính trị cấp huyện cũng đã có những sáng tạo, linh hoạt, cập nhật các sự kiện có tính thời sự để tăng tính thuyết phục đối với học viên. Phương pháp giảng dạy có sự linh hoạt, chú trọng gắn lý luận với thực tiễn, tăng sự đối thoại giữa học viên và giảng viên…
Ba là, nguồn nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy học tại các trung tâm chính trị cấp huyện được cấp ủy các cấp quan tâm, chất lượng giáo dục lý luận chính trị được củng cố, duy trì và ngày càng nâng cao. Đội ngũ giảng viên được tăng lên cả về số lượng và chất lượng; hằng năm được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng; tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, như: đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, viết bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, bài hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế… Đội ngũ giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện cũng tích cực tham gia các hội giảng giảng viên lý luận chính trị giỏi các cấp, qua đó học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong đổi mới phương pháp giảng dạy.
Bốn là, phát huy tốt vai trò của trung tâm chính trị cấp huyện trong việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Trong năm 2022, “mở được 2.558 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 165.859 học viên; 8.017 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho 102.065 đảng viên mới; 4.110 lớp sơ cấp lý luận chính trị cho 50.418 học viên; 4.561 lớp chuyên đề cho 254.222 học viên; 17.541 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 256.185 học viên; 27.649 lớp bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội với 389.650 học viên; 32.393 lớp bồi dưỡng cập nhật cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở cho 244.067 lượt người”4. Như vậy, “hằng năm, các trung tâm chính trị cấp huyện trên cả nước trung bình mở khoảng 76.500 lớp với hơn 4,2 triệu lượt học viên”5; “có 1,7 triệu lượt cán bộ, đảng viên ở cơ sở được tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về những vấn đề lý luận mới, những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”6.
Cùng với đó, các trung tâm chính trị cấp huyện chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống đảng bộ địa phương tại các trung tâm chính trị cấp huyện, trường chính trị. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, hình thành đội ngũ công chức, viên chức vừa có trình độ chuyên môn vững vàng, vừa có trình độ lý luận chính trị cao.
b. Những tồn tại, hạn chế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong hệ thống các trung tâm chính trị cấp huyện vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định. Cụ thể:
(1) Sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền tại các địa phương đôi lúc chưa kịp thời, đầy đủ; thái độ học tập của một bộ phận học viên chưa cao do chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị; tình trạng học đối phó vẫn diễn ra khá phổ biến.
(2) Nội dung chương trình đào tạo mặc dù có sự đổi mới song vẫn chưa thực sự khoa học, một số chương trình còn trùng lặp về các chuyên đề; phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên đa số vẫn theo phương pháp truyền thống; chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo; chất lượng, hiệu quả giảng dạy chưa cao.
(3) Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, năng lực nghiên cứu khoa học của một bộ phận giảng viên còn hạn chế, một số giảng viên gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, giảng viên chưa có nhiều cơ hội để tham gia các đề tài khoa học cấp trên.
(4) Việc thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chưa đều, chủ yếu tập trung vào các lớp nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, đối tượng kết nạp đảng, đảng viên mới. Các lớp bồi dưỡng chuyên đề, nghiệp vụ còn ít. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã sáp nhập trung tâm chính trị cấp huyện với ban tuyên giáo huyện ủy nên nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên ở cơ sở còn bị buông lỏng, chất lượng đào tạo nhiều nơi không bảo đảm.
(5) Tình trạng thiếu cơ sở vật chất, hệ thống phòng học, phương tiện phục vụ giảng dạy còn phổ biến ở hầu hết các trung tâm chính trị cấp huyện, nhất là tại các huyện vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của trung tâm chính trị cấp huyện trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các tổ chức cơ sở đảng để tham mưu cho thường trực cấp ủy ban hành kế hoạch và thông báo chiêu sinh mở lớp, xây dựng lịch học phù hợp với từng đối tượng. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, trong đó tập trung vào tuyên truyền các nội dung của văn kiện Đại hội XIII của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện các quy định về đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Xây dựng và thống nhất các quy định chung về chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chế độ đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện, nhất là các quy định, hướng dẫn về sử dụng nguồn lực tài chính tại các trung tâm chính trị cấp huyện để làm căn cứ áp dụng chung cho cả nước.
Thứ ba, hoàn thiện tổ chức bộ máy tại các trung tâm chính trị cấp huyện theo hướng tinh gọn nhưng phải bảo đảm đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu về trình độ. Tại các trung tâm cần thành lập hội đồng sư phạm, các ban thành viên, như: ban nghiên cứu lịch sử đảng bộ địa phương, ban biên tập thông tin, ban thẩm định giáo trình, giáo án giảng dạy… Việc tuyển dụng cán bộ quản lý các trung tâm chính trị cấp huyện cần thực hiện công khai, minh bạch.
Cùng với đó, phát triển đội ngũ giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện cả về số lượng và chất lượng. Việc tuyển dụng giảng viên phải diễn ra công khai, minh bạch, chú trọng thu hút những giảng viên có trình độ chuyên môn cao, am hiểu thực tiễn về tham gia giảng dạy. Mỗi giảng viên tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy sát với thực tiễn, phù hợp với tính chất công việc của học viên; tích cực trong tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, kinh nghiệm nhằm tạo động lực và hứng thú học tập cho học viên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, sử dụng giáo án điện tử hoặc các phần mềm để tăng tính hấp dẫn cho bài học. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu đổi mới hình thức và nội dung kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động tổ chức thi kết thúc học phần, quản lý điểm và các hoạt động đào tạo.
Thứ tư, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các trung tâm chính trị cấp huyện để bảo đảm cho việc giảng dạy và học tập, như: máy chiếu, hệ thống âm thanh, ánh sáng… Các trung tâm cũng cần có kế hoạch sử dụng nguồn tài chính hợp lý, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức nghiên cứu, học tập, tham quan để học hỏi kinh nghiệm những mô hình hay, cách làm hiệu quả tại các trung tâm khác trong cả nước.
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế và tổng kết thực tiễn tại các trung tâm chính trị cấp huyện. Tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên được tham gia và làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và cấp cao hơn. Các trung tâm cần thành lập các bản tin định kỳ để đội ngũ giảng viên có cơ hội được tham gia nghiên cứu, viết bài. Xây dựng các chế độ đãi ngộ đối với những giảng viên có các công trình nghiên cứu khoa học hay, hiệu quả, có chế độ quy đổi các giờ nghiên cứu khoa học đối với những giảng viên có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Hằng năm, tổ chức cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở để nắm bắt được những thay đổi trong quá trình thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Bản thân mỗi giảng viên cần chủ động tìm hiểu, viết bài cộng tác trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế.
4. Kết luận
Hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện có vị trí, vai trò quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Hoạt động của hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng cho công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Trong tình hình mới, cần thực hiện những giải pháp đồng bộ, khoa học để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện, góp phần củng cố nền tảng lý luận, tư tưởng của Đảng vững chắc từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Chú thích:
1, 2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2019). Quy định số 208/QĐ-TW ngày 08/11/2019 về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm chính trị cấp huyện.
3, 4, 5, 6. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2019). Kết luận số 66-KL/TW ngày 08/11/2019 về tổng kết việc thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tố chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị khóa XI (2014). Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.
2. Ban bí thư (2019). Quy định số 208-QĐ/TW ngày 08/11/2019 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện
3. Hội nghị trực tuyến giao ban, tập huấn công tác giáo dục lý luận chính trị ở cơ sở năm 2023. https://tuyengiaocaobang.vn/index.php/nghiep-vu-tuyen-giao/hoi-nghi-truc-tuyen-giao-ban-tap-huan-cong-tac-giao-duc-ly-luan-chinh-tri-o-co-so-nam-2023-1163.html.
4. Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy trung tâm chính trị cấp huyện.https://www.quanlynhanuoc.vn/2019/11/26/quy-dinh-moi-ve-chuc-nang-nhiem-vu-to-chuc-bo-may-trung-tam-chinh-tri-cap-huyen/
5. Phát huy vai trò đội ngũ giảng viên tại các trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Lạng Sơn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/05/02/phat-huy-vai-tro-doi-ngu-giang-vien-tai-cac-trung-tam-chinh-tri-cap-huyen-tinh-lang-son-trong-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/