Ngô Quang Duy
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ và những thành tựu khoa học – công nghệ đã thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam, sinh viên là lực lượng trẻ, nhiệt huyết, luôn sẵn sàng tiếp nhận, thử sức với cái mới. Một trong những ảnh hưởng tiêu cực là sự xuống cấp đạo đức, lối sống, thiếu lý tưởng, mờ nhạt tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc của một bộ phận sinh viên. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho sinh viên sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời, góp phần xây dựng nguồn lực chất lượng cho đất nước.
Từ khóa: Sinh viên; lý tưởng cách mạng; đạo đức; lối sống; lòng yêu nước.
1. Đặt vấn đề
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự áp dụng những thành tựu của khoa học vào trong đời sống xã hội đã và đang chi phối sâu sắc đời sống của con người dưới cả góc độ cá nhân và xã hội loài người. Cuộc sống của mỗi chúng ta khó có thể tách rời khỏi các thành tựu công nghệ mà điển hình là các thành tựu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Những thành tựu to lớn về AI, Big Data, công nghệ in 3D,… đã và đang làm thay đổi nhận thức, lối sống, hành vi của con người, đặc biệt, cuộc cách mạng lần này còn đặt ra nhiều vấn đề về bản sắc con người, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị tồn tại thực sự của con người.
Thanh niên với vị thế là những công dân tương lai của đất nước đã và đang thụ hưởng những thành quả từ sự phát triển khoa học – công nghệ và quá trình toàn cầu hóa. Thời đại công nghệ và toàn cầu hóa đã và đang đóng góp để tạo nên một lực lượng lao động cho thời đại xã hội mới với những tính chất đặc thù, như: năng động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, đa năng,… Nhưng chính bối cảnh thời đại cũng tác động mạnh mẽ khiến cho sinh viên ngày nay có nhiều thay đổi, khác biệt so với trước đây, trong đó một số giá trị truyền thống bị mai một, thay đổi trong lối sống, nhận thức, hành vi theo hướng đi ngược lại với những giá trị tốt đẹp vốn là bản sắc tinh thần của con người Việt Nam.
Trong bài viết, tác giả nghiên cứu, phân tích khái quát thực trạng vấn đề lý tưởng, đạo đức, lối sống,… của bộ phận sinh viên Việt Nam hiện nay; từ đó đặt cơ sở để làm rõ vai trò của giảng viên Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc,… cho sinh viên; đồng thời, góp phần quan trọng vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trên tinh thần coi trọng giáo dục từ gốc, giáo dục tinh thần yêu nước, cách mạng từ sớm, từ môi trường gia đình, nhà trường đến xã hội, xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời đại.
2. Sinh viên Việt Nam hiện nay luôn có lòng yêu nước, tự tôn dân tộc
Con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta được xác định là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, thanh niên, sinh viên cũng là lực lượng xã hội quan trọng, một trong những nhân tố quyết định tương lai, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đặc biệt quan tâm đến giáo dục và đào tạo con người, đối với lực lượng thanh niên. Người luôn khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”1. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã xác định nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với những đức tính đó là: (1) Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu; đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. (2) Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung. (3) Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, lợi ích của cộng đồng. (4) Có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. (5) Lao động chăm chỉ với lương tâm, nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình và xã hội. (6) Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.
Người luôn nhắc đến đạo đức của thanh niên, sinh viên là đạo đức cách mạng, Người căn dặn “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”2. Người nói tới vai trò to lớn của đạo đức (hồng) trong tương quan với tài năng (chuyên). Trong đó, đức được xem là yếu tố tiên quyết của người làm cách mạng. Có thể thấy, phát triển con người, đặc biệt là phát triển thế hệ thanh niên, sinh viên luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước vì con người luôn được coi là nguồn tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia. Sinh viên trong thời đại mới càng được quan tâm, giáo dục do những cám dỗ trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế.
Tiếp thu tinh thần đó, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục định hướng phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn mới: “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”3. Trong đó, bản sắc văn hóa truyền thống được xác định bao gồm các giá trị tinh thần: lòng yêu nước nồng nàn, tự tôn dân tộc, đoàn kết, kiên cường, nghị lực,… Như vậy, có thể hiểu, đạo đức là những phẩm chất tốt đẹp của con người, là yếu tố quan trọng đầu tiên cần có của một con người trong xã hội ngày nay. Những phẩm chất đó là sự kế thừa những truyền thống tốt đẹp, quý báu của dân tộc Việt Nam bao đời nay.
Tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc được xem là một trong những truyền thống quý báu làm nên đặc sắc trong tính cách, phẩm chất của con người Việt Nam. Đó đồng thời là niềm tự hào của người Việt Nam khi nhắc tới lịch sự dựng nước và giữ nước của cha ông xưa. Bước vào trang sử mới trong công cuộc phát triển đất nước đã và đang mở ra, thuận lợi nhiều và thách thức cũng nhiều, đòi hỏi sự đoàn kết chung sức của toàn dân tộc.
Bối cảnh thời đại toàn cầu hóa và cách mạng khoa học – công nghệ tạo nên những thách thức không hề nhỏ trong sự phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước cùng toàn dân tộc Việt Nam đang nỗ lực để đưa đất nước phát triển theo tinh thần “nhanh”, “mạnh” và “bền vững”. Sinh viên là lực lượng kế tục, phát huy nguồn trí tuệ nước nhà, là nguồn lực chủ yếu trong thời đại kinh tế tri thức, khoa học – công nghệ, đóng vai trò then chốt trong phát triển đất nước. Trong thời đại đó, để khẳng định đặc trưng của con người, dân tộc Việt Nam thì phải tận dụng điểm tựa vững chắc, đó chính là sức mạnh của những giá trị “mềm”, những giá trị văn hóa làm nên sức mạnh to lớn của dân tộc ta ngàn đời nay, những sức mạnh đó cần được khơi dậy, phát huy, trở thành động lực cho dân tộc ta vững bước.
3. Một số hạn chế, bất cập của thanh niên, sinh viên hiện nay
Thực tiễn hiện nay, một bộ phận sinh viên thiếu mục tiêu phấn đấu trong cuộc sống, không trả lời được câu hỏi “muốn trở thành người như thế nào trong tương lai?”, “muốn đóng góp, cống hiến gì cho đất nước trong tương lai?”. Thậm chí, ngay cả trong hoạt động học tập, nhiều sinh viên cũng rất thụ động, không cảm thấy cần phải chăm chỉ, nỗ lực phấn đấu để có cơ hội tốt trong công việc tương lai. Nhiều sinh viên có lối sống “đến đâu hay đến đó”, “nước chảy, bèo trôi”, dẫn đến lười biếng, buông thả, dễ dàng bị sa vào các tệ nạn xã hội.
Hiện nay, thường xuyên thấy các thông tin về bạo lực học đường do học sinh, sinh viên đánh nhau, làm nhục bạn bè rồi tung lên mạng xã hội; nói tục chửi bậy trở thành thói quen; một số học sinh, sinh viên không giữ thái độ lễ phép với thầy cô, nhiều hành vi đi ngược lại truyền thống “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc, như: gặp thầy cô không chào, nói xấu thầy cô,… Những hành vi đó cho thấy sự suy thoái về nhận thức, hành vi, đạo đức của học sinh, sinh viên, nó đi ngược lại với tinh thần hiếu học, coi trọng người thầy. Những biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức ở một bộ phận sinh viên hiện nay còn thể hiện ra ở lối sống thực dụng, dễ dãi và vô cảm với con người, xã hội.
Một bộ phận sinh viên đang có lối sống thực dụng, coi trọng vai trò của tiền bạc, lấy tiền bạc để làm thước đo những giá trị trong cuộc sống, nhận thức lệch lạc về giá trị sống; đồng thời, cũng do nhận thức sai lệch này mà nhiều sinh viên chọn cho mình lối sống dễ dãi, sống buông thả bản thân, sa chân vào các tệ nạn xã hội.
Cùng với đó, một thực trạng chung đó là lối sống vô cảm, thờ ơ trong các mối quan hệ của giới trẻ. Các mối quan hệ, các vấn đề không mang lại lợi ích gì cho bản thân bị giới trẻ xem nhẹ, các mối quan hệ xã hội – gia đình, bạn bè, hàng xóm,… Điều đó khiến cho sợi dây gắn kết giữa người với người trong xã hội trở nên lỏng lẻo. Nó còn cho thấy sự thiếu trách nhiệm của những cá nhân trẻ đối với cộng đồng, xã hội. Một bộ phận thanh niên, sinh viên dường như không có tinh thần làm việc vì những vấn đề chung, mà chỉ ưu tiên những việc làm có lợi cho cá nhân, đó là biểu hiện của thói ích kỷ trong cuộc sống.
Bên cạnh những người con Việt Nam luôn giàu lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đang dốc sức dựng xây đất nước thì còn không ít các bạn trẻ sống thiếu lý tưởng cách mạng, thiếu ý chí, nghị lực và không thấu cảm được những giá trị trường tồn mà ông cha để lại. Nhiều thanh niên, sinh viên đang có những nhận thức, hành vi lệch lạc đi ngược với lòng yêu nước và tự tôn dân tộc. Phát huy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc có thể đến từ những hành vi nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày, như: xây dựng thói quen bảo vệ môi trường, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuân thủ pháp luật, có thể đó là những hành động tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đóng góp sức mình vào những hoạt động cộng đồng,…
4. Chú trọng vai trò của giảng viên trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc cho sinh viên
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là trường đại học đa ngành, đào tạo hàng đầu trong các lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường, tài nguyên nước… Nhà trường có Khoa Lý luận chính trị, với hơn 40 giảng viên, tham gia giảng dạy các học phần có tính chất cơ sở lý luận, xây dựng nền tảng tư tưởng cho sinh viên, gắn liền với con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước.
Đội ngũ giảng viên của khoa đã xác định rõ vai trò cần thiết phải gắn nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc vào các học phần đang giảng dạy cho sinh viên trong Trường. Việc đó góp phần trang bị cho sinh viên nhận thức đúng đắn về các giá trị văn hóa bền vững của dân tộc cần được giữ gìn, nhận thức đúng về các giá trị sống, từ đó, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, cách mạng cho sinh viên, góp phần tạo nên những thế hệ trẻ đủ đức, đủ tài cho tương lai đất nước.
Thứ nhất, luôn giữ vững lập trường chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, trung thành, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Đây được xem là điều tiên quyết đối với giảng viên ngành lý luận chính trị. Bởi phải trang bị cho bản thân thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, đúng đắn, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và ủng hộ, kiên quyết con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước thì người giảng viên mới có thể đủ niềm tin và nhiệt huyết để truyền cảm hứng, tri thức, niềm tin đến các thế hệ sinh viên. Với một niềm tin và tinh thần như vậy, đội ngũ giảng viên tích cực học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, thường xuyên nghiên cứu chuyên môn để nâng cao chất lượng bài giảng. Các giảng viên cũng luôn tích cực tự phê bình và phê bình trong các cuộc họp Chi bộ. Ngoài ra, trong sinh hoạt ở địa phương, các giảng viên của khoa cũng luôn là những đảng viên tích cực, có tinh thần đoàn kết, luôn tích cực trong hoạt động tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân ở địa phương.
Thứ hai, luôn tích cực nâng cao trình độ chuyên môn để mang tới những bài giảng tốt nhất cho sinh viên. Đội ngũ giảng viên của Khoa chủ yếu có trình độ Tiến sĩ và Thạc sĩ, các giảng viên luôn có ý thức nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Các giảng viên cùng với hoạt động giảng dạy luôn tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học. Hằng năm, nhiều bài viết của các giảng viên khoa được đăng trên các tạp chí uy tín xuất bản cả trong nước và quốc tế. Các giảng viên còn tích cực xuất bản sách tham khảo, chuyên khảo để đóng góp vào nguồn tài liệu của nhà trường để cung cấp cho sinh viên học tập và nghiên cứu.
Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên luôn cố gắng gắn việc giáo dục đạo đức cách mạng, định hướng cho sinh viên lối sống đúng đắn, khoa học để vừa hòa nhập với thế giới nhưng đồng thời giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc, con người Việt Nam, trong các học phần được giảng dạy, như Triết học Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh là các học phần gắn liền với đường lối lãnh đạo của Đảng. Chính vì vậy, các giảng viên luôn nỗ lực để truyền đạt tinh thần cách mạng và củng cố niềm tin cho sinh viên đối với đường lối và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước.
Thứ ba, tổ chức cho giảng viên và sinh viên tham gia các chương trình ngoại khóa tại các khu di tích văn hóa để cung cấp những trải nghiệm thực tế cho sinh viên, cung cấp tài liệu cho giảng viên. Qua đó gia tăng hiệu quả trong học tập; đồng thời, nâng cao lý tưởng cách mạng, lòng tự tôn dân tộc cho sinh viên. Các giảng viên thông qua hoạt động thực tiễn ý thức hơn vai trò quan trọng của mình trong giáo dục đạo đức, lối sống, tư tưởng cho sinh viên, cùng với đó là trau dồi kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy phù hợp với sinh viên.
5. Kết luận
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường nói chung, Khoa Lý luận chính trị nói riêng luôn xác định rõ vai trò bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc cho sinh viên, từ đó nghiêm túc đặt ra nhiệm vụ và triển khai thực hiện trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động cộng đồng với mục tiêu là dốc sức vì một thế hệ sinh viên “vừa hồng, vừa chuyên” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với những hành động thực tiễn cụ thể mà các giảng viên trong Khoa đang thực hiện, sẽ góp sức trong công cuộc xây dựng, củng cố, phát huy lý tưởng, đạo đức cách mạng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước, tự tôn dân tộc cho các thế hệ sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Từ đó, góp phần vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 216.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 622.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, tr. 115 – 116.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2017). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – thời cơ và thách thức đối với Việt Nam (Kỷ yếu cấp Học viện ngày 10/5/2017). H. NXB Lý luận chính trị.
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Klaus Schwab (2018). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.