TS. Vũ Thị Hiền
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết hướng đến đánh giá và kiểm tra một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua xăng sinh học của người tiêu dùng tại thành phố Hà Nội. Phương pháp nghiên cứu định lượng với mẫu khảo sát gồm 279 người tiêu dùng, dữ liệu được xử lý bằng phần mềm Smart PLS 3.0. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố thái độ, ý định mua, động lực nội tại xanh, động lực bên ngoài xanh đều có tác động đến hành vi mua xăng sinh học của người tiêu dùng. Một số hàm ý chính sách đã được đề xuất trên cơ sở kết quả nghiên cứu của bài viết.
Từ khóa: Lý thuyết tự quyết định; nhiên liệu sinh học; người tiêu dùng; xăng sinh học; Hà Nội.
1. Đặt vấn đề
Phát triển nhiên liệu sinh học hiện nay và cụ thể là xăng sinh học đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Đối với các quốc gia phát triển, như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (Eu), việc phát triển nhiên liệu sinh học nhằm đa dạng hóa nguồn nhiên liệu để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm môi trường. Đối với các nước đang phát triển, nước có nền kinh tế nông nghiệp, như: Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… thì phát triển nhiên liệu sinh học còn có mục đích quan trọng là phát triển kinh tế – xã hội, tạo công ăn việc làm cho người nông dân.
Tại Việt Nam, nhiên liệu sinh học cũng ngày càng được Chính phủ quan tâm. Chiến lược phát triển xăng sinh học trong tiêu dùng được coi là nỗ lực của Chính phủ trong việc hiện thực hóa mục tiêu đưa nhiên liệu sinh học vào thị trường. Ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Đồng thời, quy định từ ngày 01/01/2018, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5 và xăng A95. Theo lộ trình đề ra, ngày 01/01/2018, xăng E5 chính thức được đưa vào sử dụng trên toàn quốc để thay thế cho xăng A92. Cũng theo đề án của Chính phủ, bên cạnh xăng sinh học E5, xăng E10 cũng sẽ sớm được phối trộn và đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Trong giai đoạn 2020 – 2024, tình trạng không khí ở thành phố Hà Nội luôn nằm trong mức “kém” với chỉ số chất lượng không khí (AQI) phổ biến từ 100 – 200. Ở ngưỡng ô nhiễm này, con người có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm (người già, trẻ em)1. Nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí tại các đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng được xác định là do hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, các xí nghiệp nội đô, sinh hoạt của dân cư, xử lý rác thải rắn. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có đến 70% lượng khói và bụi gây ô nhiễm không khí là do hoạt động giao thông vận tải2. Do tình hình ô nhiễm không khí tại thành phố Hà Nội ngày càng nghiêm trọng, việc khuyến khích người dân sử dụng các loại nhiên liệu giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong giai đoạn từ năm 2019 – 2023, sản lượng tiêu thụ xăng sinh học có xu hướng sụt giảm. Mặc dù được Nhà nước khuyến khích sử dụng, đến nay, rất nhiều người tiêu dùng vẫn chưa có đầy đủ thông tin về xăng sinh học hoặc còn e ngại về chất lượng, mức độ an toàn của loại xăng này. Như vậy, có thể thấy, việc thay đổi thói quen, hành vi của người tiêu dùng là điều rất quan trọng. Chính vì vậy, tìm hiểu hành vi mua xăng sinh học cùng những nhân tố tác động tới nó có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống kinh tế – xã hội. Bài viết hướng tới việc sử dụng phối hợp lý thuyết tự quyết định và lý thuyết hành vi có hoạch định nhằm đánh giá và có cái nhìn tổng quan về hành vi mua xăng sinh học của người tiêu dùng tại địa bàn thành phố Hà Nội.
2. Cơ sở lý luận và mô hình nghiên cứu
2.1. Xăng sinh học và hành vi mua xăng sinh học của người tiêu dùng
Xăng sinh học được gọi là gasohol hoặc biogasoline để phân biệt với gasoline (xăng thông thường), được tạo ra bằng cách phối trộn cồn sinh học ethanol khan (anhydrous ethanol) với xăng thông thường theo tỷ lệ nhất định, trong đó xăng E5 gồm 5% ethanol và 95% xăng thông thường, còn xăng E10 có 10% ethanol (Bộ Giao thông Vận tải, 2014). Xăng sinh học từ E5 đến E25 được gọi là hỗn hợp ethanol thấp, từ E30 đến E85 là hỗn hợp ethanol cao. E100 là Ethanol nguyên chất sau khi sản xuất. Sản phẩm này được gọi là xăng sinh học bởi vì cồn sinh học ethanol dùng để phối trộn xăng được chế biến thông qua quá trình lên men các sản phẩm hữu cơ, như: tinh bột, cellulose, lignocellulose, thường là từ các loại ngũ cốc như ngô, sắn, lúa mì, đậu tương hoặc từ vỏ cây, bã mía…
Tại Việt Nam, xăng sinh học đang được phát triển và khuyến khích sử dụng vì nhiều lợi ích: bảo đảm an ninh năng lượng, thay thế một phần xăng khoáng bằng nhiên liệu sinh học (là loại nhiên liệu có khả năng tái sinh); sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu sinh học giúp bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải độc hại của động cơ ra môi trường; bảo đảm sự phát triển của ngành Nông nghiệp, tạo thêm việc làm, ổn định đời sống và tăng thu nhập cho người nông dân; do cồn sinh học nguyên chất có trị số octan cao nên khi pha vào xăng nguyên chất sẽ giúp tăng trị số octan của hỗn hợp nhiên liệu làm tăng hiệu suất cháy, giảm kích nổ giúp động cơ hoạt động êm ái và hiệu quả hơn, tăng tuổi thọ động cơ.
Theo Ajzen & Fishbein (1975), thái độ ảnh hưởng đến hành vi thông qua ý định thực hiện hành vi. Cũng theo lý thuyết này, ý định là yếu tố dự báo tốt nhất về hành vi. Ý định mua được mô tả là sự sẵn sàng mua sản phẩm của khách hàng (Ajzen, 2020). Trong nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng, ý định mua được coi là thước đo hiệu quả về hành động mua trong tương lai của người tiêu dùng (ElHaffar & cộng sự, 2020). Thêm vào đó, hành vi mua xăng sinh học được cho là hành động thực sự của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, mua sắm và sử dụng xăng dầu.
2.2. Mô hình nghiên cứu
Lý thuyết hành vi có hoạch định (TPB) được Icek Ajzen xây dựng dựa trên các nội dung của lý thuyết hành động hợp lý (1985) và tiếp tục được phát triển vào năm 1991. Mô hình TPB gồm ba yếu tố: thái độ đối với hành vi, chuẩn mực chủ quan của người tiêu dùng và nhận thức kiểm soát hành vi. Trong mô hình này, hành vi chịu tác động bởi ba yếu tố trên thông qua biến trung gian là ý định mua của người tiêu dùng. Lý thuyết hành vi có hoạch định đã được xác nhận là một mô hình hiệu quả trong dự đoán hành vi cho các lĩnh vực khác nhau (Ajzen, 2020), bao gồm cả lĩnh vực tiêu dùng xanh (Zaremohzzabieh & cộng sự, 2021; ElHaffar & cộng sự, 2020).
Lý thuyết tự quyết định (SDT) là mô hình cơ bản về động lực của con người (Ryan & cộng sự, 2000) được sử dụng để làm sáng tỏ những ý định và hành vi thân thiện với môi trường, chẳng hạn như tái chế (Yang & cộng sự, 2022); giảm việc sử dụng nhựa dùng một lần (Nguyen & cộng sự, 2022). Lý thuyết tự quyết định đề xuất các cá nhân trở nên tự quyết định trong hành động của mình để đáp ứng nhu cầu tâm lý cơ bản: tính tự chủ, sự liên quan và năng lực (Ryan & cộng sự, 2017). Nhóm tác giả Li & cộng sự (2020); Deci (2017) phân tích và đưa ra hai cấu trúc mới: động lực nội tại xanh (GIM) và động lực bên ngoài xanh (GEM). Trong khuôn khổ bài viết, tác giả phối hợp hai lý thuyết trên nhằm đưa ra những nhận định về hành vi mua xăng sinh học của người tiêu dùng – một sản phẩm tiêu dùng xanh trên thị trường.
Thái độ đối với hành vi được hiểu là ý kiến chung của một người về việc có nên chấp thuận hay không chấp thuận một hành vi cụ thể (Ajzen & Fishbein, 1980). Theo Ajzen (1991), thái độ là yếu tố có tác động tích cực đến ý định thực hiện hành vi. Thái độ chịu ảnh hưởng của hai yếu tố là niềm tin của một người về các tác động, kết quả/hậu quả mang lại nếu hành vi được thực hiện; đánh giá của một người về các tác động, kết quả/hậu quả này. Ý định mua xăng sinh học là yếu tố dự báo tốt nhất về hành vi. Ý định mua được mô tả là sự sẵn lòng mua sản phẩm của khách hàng (Ajzen, 2020). Trong nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng, ý định mua được coi là thước đo hiệu quả về hành động mua trong tương lai của người tiêu dùng (ElHaffar & cộng sự, 2020).
Động lực nội tại xanh (GIM) đề cập đến động cơ liên quan đến hành vi thân thiện với môi trường xuất phát từ bên trong mỗi chúng ta vì nó tự nhiên có giá trị và thỏa mãn. Mặt khác, động lực bên ngoài xanh (GEM) đề cập đến việc thực hiện hành động thân thiện với môi trường nhằm giảm phát thải, tăng hiệu quả của các hoạt động vì môi trường hoặc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Nhiều kết quả nghiên cứu đã kết luận rằng, ý định mua xăng sinh học là kết quả của động lực xanh (Ali & cộng sự, 2020). Thông qua ý định mua, người tiêu dùng cũng có thể chuyển đổi những động lực này thành hành vi thân thiện với môi trường (Gilal & cộng sự, 2019). Thêm vào đó, GIM và GEM có tác động trực tiếp đến hành vi mua xanh của khách hàng (Doanh & cộng sự, 2023). Từ những lập luận đó, các giả thuyết được đề xuất như sau:
H1: Thái độ tác động tích cực đến ý định mua xăng sinh học của người tiêu dùng.
H2: Ý định mua tác động tích cực đến hành vi mua xăng sinh học của người tiêu dùng.
H3: Động lực nội tại xanh tác động tích cực đến ý định mua xăng sinh học của người tiêu dùng.
H4: Động lực bên ngoài xanh tác động tích cực đến ý định mua xăng sinh học của người tiêu dùng.
H5: Động lực nội tại xanh tác động tích cực đến hành vi mua xăng sinh học của người tiêu dùng.
H6: Động lực bên ngoài xanh tác động tích cực trực tiếp đến hành vi mua xăng sinh học của người tiêu dùng.

3. Phương pháp nghiên cứu
Các khái niệm được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm: ý định mua, thái độ, hành vi mua xăng sinh học, động lực nội tại xanh, động lực bên ngoài xanh. Tất cả các thang đo đều được kế thừa từ các nghiên cứu trước đây và được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh nghiên cứu đối với người tiêu dùng tại thành phố Hà Nội. Cụ thể, thang đo ý định mua xăng sinh học (PI) được kế thừa từ nghiên cứu của Lee (2008) (PI1->PI5), hành vi mua xăng sinh học (PB) (PB1->PB3) được kế thừa từ nghiên cứu của Ritter & cộng sự (2015). Để đo lường thái độ (AT) (AT1->AT3), tác giả kế thừa có điều chỉnh từ thang đo của Chan (2001), bao gồm 3 biến quan sát. Động lực nội tại xanh (GIM) (GIM1->GIM5) và động lực bên ngoài xanh (GEM) (GEM1->GEM3) được kế thừa từ nghiên cứu của Ali & cộng sự (2020). Các thang đo trên được đo lường theo dạng likert 5 điểm, trong đó: 1 là hoàn toàn không đồng ý, 5 là hoàn toàn đồng ý.
Quá trình khảo sát tập trung vào sự đa dạng trong cơ cấu mẫu nghiên cứu (giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp…). Mẫu phân tầng được thực hiện theo khu vực sinh sống, cụ thể là các quận, phường tại thành phố Hà Nội. Bảo đảm khảo sát cả những người đã và chưa sử dụng sản phẩm.
Có 320 phiếu điều tra đã được gửi đến người tiêu dùng tại Hà Nội, chủ yếu khảo sát trực tuyến. Số phiếu thu được 302 phiếu, trong đó có 279 phiếu đủ điều kiện để đưa vào phân tích. Mẫu nghiên cứu được chọn theo phương pháp chọn mẫu phi ngẫu nhiên, cụ thể là phương pháp chọn mẫu thuận tiện kết hợp với phương pháp chọn mẫu phân tầng. Trong đó, cơ sở để phân tầng mẫu nghiên cứu là dựa trên khu vực sinh sống, loại phương tiện của khách hàng được phỏng vấn. Trong mẫu có 111 phiếu là nữ, chiếm 39,8%; nam: 168 người, chiếm 60,2%. Hơn 50% người được khảo sát trả lời, họ có thu nhập trung bình từ 8 – 15 triệu đồng/tháng. Mẫu nghiên cứu bao gồm 186 (66,67%) chủ phương tiện xe máy và 93 (chiếm 33,33%) chủ phương tiện xe ô tô. Dữ liệu sau khi làm sạch được xử lý bằng phần mềm Smart PLS 3.0.
4. Kết quả nghiên cứu
Đánh giá mô hình đo lường. Theo Hair và cộng sự (2017), đánh giá đo lường bao gồm: (1) Kiểm tra độ tin cậy của cấu trúc bằng hệ số Cronbach’s Alpha (>= 0,7) và độ tin cậy tổng hợp (CR) (>= 0,7) của tất cả các biến tiềm ẩn. (2) Khảo sát độ giá trị hội tụ bằng Outer loading (>= 0,7) và tổng phương sai trích xuất (AVE) (>= 0,5). (3) Đánh giá độ giá trị phân biệt bằng HTMT (<= 0,9). Trong lần chạy dữ liệu đầu tiên, biến PI3, GIM4 bị loại khỏi mô hình do có Outer loading nhỏ. Chạy dữ liệu lần 2, tất cả các biến đều đáp ứng yêu cầu của Outer loading và tất cả các biến tiềm ẩn đều đủ điều kiện cho các yêu cầu của Cronbach’s Alpha, CR và AVE. Ngoài ra, tính phân biệt của các biến đều bảo đảm chỉ tiêu HTMT < 0,9, đạt yêu cầu (Hair & cộng sự, 2017).
Bảng 1. Đánh giá độ tin cậy, độ hội tụ của các biến
Mã biến | Cronbach’s Alpha | CR | CR (Roh_C) | AVE |
(Rho_A) | ||||
AT | 0.88 | 0.895 | 0.809 | 0.576 |
PI | 0.82 | 0.829 | 0.839 | 0.62 |
PB | 0.887 | 0.914 | 0.909 | 0.61 |
GIM | 0.813 | 0.821 | 0.902 | 0.797 |
GEM | 0.865 | 0.852 | 0.89 | 0.702 |
Đánh giá mô hình cấu trúc. Trước hết, kiểm tra đa cộng tuyến theo điểm VIF < 5 (Hair & cộng sự, 2017). Điểm VIF trong nghiên cứu này nằm trong khoảng [1.151; 1.882] cho thấy, không có đa cộng tuyến. Tiếp theo, tiến hành nghiên cứu mối quan hệ giữa các biến trong mô hình. Theo Hair & cộng sự (2017), cần phải kiểm tra các hệ số Path, giá trị P, giá trị T và độ lệch chuẩn. Kết quả đánh giá mô hình cấu trúc trong bảng 2.
Bảng 2. Kết quả đánh giá mô hình cấu trúc
Mẫu gốc | Độ lệch chuẩn | T Statistics | P Values | Kết quả | |
H1: AT-> PI | 0.233 | 0.028 | 8.32 | 0.013 | Ủng hộ |
H2: PI -> PB | 0.118 | 0.065 | 1.82 | 0 | Ủng hộ |
H3: GIM -> PI | 0.195 | 0.045 | 4.33 | 0.101 | Không ủng hộ |
H4: GEM ->PI | 0.294 | 0.028 | 10.50 | 0 | Ủng hộ |
H5: GIM -> PB | 0.202 | 0.043 | 4.70 | 0 | Ủng hộ |
H6: GEM -> PB | 0.318 | 0.028 | 11.36 | 0 | Ủng hộ |
Từ Bảng 2 cho thấy, thái độ, động lực nội tại xanh, động lực bên ngoài xanh và ý định mua đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hành vi mua xăng sinh học của người tiêu dùng (H1: Beta = 0,233, giá trị p = 0,013, giá trị T = 8,32; H2: Beta = 0,118, giá trị p = 0,000, giá trị T = 1,82; H4: Beta = 0,294, giá trị p = 0,000, giá trị T = 10,5; H5: Beta = 0,202, giá trị p = 0,000, giá trị T = 4,7; H6: Beta = 0,318, giá trị p = 0,000, giá trị T = 11,36). Hành vi mua xăng sinh học của người tiêu dùng có thể được cải thiện đáng kể nếu khách hàng cải thiện được những yếu tố trên. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu chưa tìm thấy ý nghĩa của mối quan hệ giữa động lực nội tại xanh đối với ý định mua của người tiêu dùng (H3: Beta = 0,195, giá trị p = 0,101 > 0,05, giá trị T = 4,33).
Thái độ đối với hành vi có tác động trực tiếp và thuận chiều đến ý định mua xăng sinh học của người tiêu dung. Khẳng định này thống nhất với các kết quả nghiên cứu trước đây về mối quan hệ giữa thái độ và ý định, hành vi mua trong lĩnh vực tiêu dùng xanh nói chung (Ahmad & cộng sự, 2023) và xăng sinh học nói riêng (Ánh & cộng sự). Xét trong tương quan so sánh với các yếu tố khác, thái độ đối với hành vi có mức độ ảnh hưởng khá lớn tới hành vi mua xăng sinh học của khách hàng. Có thể hiểu khi người tiêu dùng có thái độ tích cực, họ sẽ hình thành ý định mua mạnh mẽ. Từ đó, người tiêu dùng sẽ có thể hình thành hành vi mua xăng sinh học. Xăng sinh học là sản phẩm được Chính phủ khuyến khích sử dụng vì ít phát thải ra môi trường hơn so với xăng khoáng thông thường. Hơn nữa, đây cũng là nhiên liệu tái tạo. Với những người tiêu dùng thông thái, họ có xu hướng lựa chọn sử dụng sản phẩm này trong tương lai.
Động lực nội tại xanh và động lực bên ngoài xanh đều tạo ra tác động mạnh mẽ đến hành vi mua xăng sinh học của người tiêu dùng tại thành phố Hà Nội. Đối với người tiêu dùng, việc mua sản phẩm xăng sinh học không chỉ đến từ những động lực nội tại (khả năng tự chấp nhận, sự phấn khích, phản hồi để cải thiện…) mà còn đến từ những yếu tố bên ngoài mỗi người tiêu dùng (sự công nhận từ người khác, mức giá ưu đãi…). Kết quả này được cho là hỗ trợ cho các kết quả nghiên cứu trước đây trong lĩnh vực tiêu dùng xanh (Doanh & cộng sự, 2023). Tất cả các mối quan hệ được kiểm định đều thuận chiều. Kết quả nghiên cứu cũng ghi nhận mối quan hệ giữa động lực xanh nội bên ngoài đến ý định mua xăng sinh học của người tiêu dùng tại thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, không tìm thấy ý nghĩa thống kê giữa động lực nội tại xanh và ý định mua của người tiêu dùng.
5. Kết luận và hàm ý chính sách
Khung lý thuyết được đề xuất có ý nghĩa thực tiễn cho các nhà quản lý và những người làm marketing trong doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và các cơ quan quản lý nhà nước. Những kết luận được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các nhà quản trị trong việc thiết kế và thực hiện các chiến lược marketing cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu tại thị trường Việt Nam nói chung, thị trường thành phố Hà Nội nói riêng nhằm thúc đẩy hành vi mua của người tiêu dùng. Thông qua kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu đề xuất, nhà quản trị và các cơ quan quản lý nhà nước có thể xác định được các yếu tố, mức độ và chiều hướng tác động đến hành vi mua xăng sinh học trong bối cảnh thị trường thành phố Hà Nội. Đây là cơ sở giúp những người làm marketing, các cơ quan quản lý điều chỉnh các chiến lược marketing; đồng thời, thiết kế các chương trình marketing hỗn hợp dựa trên sự hiểu biết về hành vi của người tiêu dùng Việt Nam.
Dựa trên kết quả nghiên cứu này, các cơ quan quản lý và đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể chủ động xây dựng các chiến lược truyền thông marketing để cung cấp đầy đủ thông tin về xăng sinh học cho người tiêu dùng, từ đó hình thành thái độ tích cực đối với sản phẩm này. Hơn nữa, với thông tin chi tiết về sản phẩm, người tiêu dùng có thể nhận thức rõ hơn về đặc điểm và lợi ích khi sử dụng xăng sinh học, qua đó, thúc đẩy động lực nội tại xanh của họ. Các chiến lược kinh doanh, chính sách cũng cần hướng đến tác động đến động lực bên ngoài xanh (giá cả, các chương trình khuyến mãi, nhận thức về sự tiết kiệm…) nhằm củng cố và thúc đẩy hành vi mua xăng sinh học của người tiêu dùng.
Chú thích:
1. Vì sao chất lượng không khí tại các đô thị lớn ngày càng “xấu”?https://congnghiepmoitruong.vn/vi-sao-chat-luong-khong-khi-tai-cac-do-thi-lon-ngay-cang-xau-2861.html
2. Ô nhiễm không khí tại Hà Nội phần lớn do hoạt động giao thông. https://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/52054/o-nhiem-khong-khi-tai-ha-noi-phan-lon-do-hoat-dong-giao-thong.aspx
Tài liệu tham khảo:
1. Bạch Hoàng Ngọc Ánh, Cao Quốc Việt, Hà Minh Trang (2023). Các yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn lòng tiêu dùng sản phẩm xanh. Trường hợp xăng sinh học E5 . Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Châu Á. Số 33 (12), P125-140.
2. Cong Doanh Duong, Thanh Hieu Nguyen, Hoai Long Nguyen (2023). How green intrinsic and extrinsic motivations interact, balance and imbalance with each other to trigger green purchase intention and behavior: A polynomial regression with response surface analysis. Heliyon (9) (2023)
3. E.L. Deci (2017). Intrinsic motivation and self-determination☆, in: Reference Module in Neuroscience and Biobehavioral Psychology.
4. F. Ali, et al., (2020). How “Green” thinking and altruism translate into purchasing intentions for electronics products: the intrinsic-extrinsic motivation mechanism. Sustain. Prod. Consum. 24 (2020) 281–291.
5. F.G. Gilal, et al., (2019). Towards a new model for green consumer behaviour: a self-determination theory perspective. Sustain. Dev. 28 (4).
6. G. ElHaffar, F. Durif, L. Dub´e (2020). Towards closing the attitude-intention-behavior gap in green consumption: a narrative review of the literature and an overview of future research directions. J. Clean. Prod. (2020) 275.
7. Hair, J.F., Black, W.C., Babin, B.J. and Anderson, R.E. (2017). Multivariate Data Analysis. 7thEdition, Pearson, New York.
8. H.V. Nguyen, M.T.T. Le, L.T. Do (2022). Intrinsic motivation for reducing single-use plastics: the compensation effects of basic psychological needs, Resour. Conserv.Recycl.
9. I. Ajzen (2020). The theory of planned behavior: frequently asked questions. Human Behavior and Emerging Technologies 2 (4) 314-324.
10. R.M. Ryan, E.L. Deci (2000). Self-determination theory and the facilitation of intrinsic motivation, social development, and well-being, Am. Psychol.
11. R.M. Ryan, E.L. Deci, Self-determination Theory: Basic Psychological Needs in Motivation, Development, and Wellness, Guilford Publications, 2017
12. W. Li, et al., Unlocking employees’ green creativity: the effects of green transformational leadership, green intrinsic, and extrinsic motivation, J. Clean. Prod. 255 (2020).
13. Wasim Ahmad, Qingyu Zhang (2022). Green purchase intention: Effects of electronic service quality and customer green psychology. Journal of cleaner production.
14. X. Yang, J. Thøgersen (2022). When people are green and greedy: a new perspective of recycling rewards and crowding-out in Germany, the USA and China. J. Bus. Res. 144.
15. Z. Zaremohzzabieh, et al. (2021). The effects of consumer attitude on green purchase intention: a meta-analytic path analysis J. Bus. Res. 132.