Yếu tố tác động đến chất lượng công tác dân vận của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trên địa bàn Quân khu 1 

Thượng tá, ThS. Bùi Xuân Tuấn
NCS của Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận 127-KL/TW ngày 28/02/2025 về việc triển khai nghiên cứu, đề xuất sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là một chủ trương quan trọng, tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, chất lượng công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị nói chung, chất lượng công tác dân vận của Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh trên địa bàn Quân khu 1 nói riêng là một trong những nhiệm vụ bị ảnh hưởng lớn. Do đó, nhận thức rõ các yếu tố tác động là tiền đề quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác dân vận của Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh trên địa bàn Quân khu 1 hiện nay.

Từ khóa: Dân vận; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Quân khu 1; Kết luận 127-KL/TW.

1. Đặt vấn đề

Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng1; củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công tác dân vận trong Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là một bộ phận quan trọng của công tác dân vận Đảng mà còn là chức năng của quân đội, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh. 

Quân khu 1 có vị trí chiến lược quan trọng, là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn. Do đó, công tác dân vận của Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh trong khu vực không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà còn góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và quân đội. Việc thực hiện Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư càng nhấn mạnh vai trò của quân đội trong công tác dân vận, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế – xã hội và củng cố quốc phòng – an ninh.

2. Yếu tố đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội tác động đến chất lượng công tác dân vận của Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh trên địa bàn Quân khu 1.

Quân khu 1 là địa bàn chiến lược nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); phía Nam giáp với Bộ Tư lệnh Thủ đô; phía Đông giáp Quân khu 3; phía Tây giáp Quân khu 2. Có tổng diện tích tự nhiên là hơn 28.000 km2; dân số trên 6 triệu người; bao gồm 6 tỉnh là: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Bắc Kạn. 

Các tỉnh thuộc Quân khu 1 có điều kiện địa hình, địa chất phong phú, đa dạng và phức tạp, gồm cả đồng bằng, trung du và miền núi, trong đó rừng núi chiếm 90% diện tích, nhiều khu vực hiểm trở, đặc biệt có nhiều dãy núi rất cao, chạy từ Đông Bắc xuống Tây Nam theo ba cánh cung: Bắc Sơn, Ngân Sơn, Sông Gâm, tạo thế chia cắt lớn. Có nhiều vùng núi đá vôi rộng hàng nghìn km2, đèo cao, vực sâu, khó tiếp cận. Có hệ thống sông, suối tương đối dày đặc, điển hình như các sông lớn Bằng Giang, sông Cầu, sông Công, sông Gâm, sông Lăng, sông Lục Nam, sông Thương. Các sông có độ dốc tương đối lớn, nước chảy xiết về mùa mưa lũ. Có nhiều hồ nước ngọt tự nhiên lớn như: Núi Cốc, Khuôn Thần, Cấm Sơn, Bảo Linh, Ba Bể và một số thác nước, như: La Peo, La Hang và Bản Giốc… gây khó khăn cho phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh cũng như công tác dân vận của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Khu vực có nhiệt đới gió mùa với những tháng sương mù dày đặc, độ ẩm lên tới 95%. Đặc biệt, vào mùa Đông, các tỉnh biên giới, như: Cao Bằng, Lạng Sơn có băng tuyết vào mùa đông, ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế, sức khỏe và đời sống của Nhân dân và công tác dân vận.

Hiện nay, trên địa bàn Quân khu 1 có nguồn tài nguyên phong phú với nhiều loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao, trữ lượng tương đối lớn, như: than, chì, kẽm, sắt, vonfram, bôxít, sét, cao lanh và đá vôi; tài nguyên rừng và đất đai phù hợp, thuận lợi cho phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng và các ngành công nghiệp khai thác, chế biến nông, lâm sản; có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều cụm di tích lịch sử văn hóa và lịch sử cách mạng, nhiều lễ hội đặc sắc. Ngoài ra, còn là cửa ngõ thông thương với quốc tế, trước tiếp với nước lớn – Trung Quốc, vừa cho phép các tỉnh trên địa bàn Quân khu đẩy mạnh phát triển các ngành luyện kim, khai khoáng, các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch, đối ngoại về an ninh – quốc phòng, vừa là khó khăn, thách thức trong công tác vận động Nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại và giữ vững an ninh – quốc phòng.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế những năm gần đây có nhiều khởi sắc do thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm khá cao; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực do phát huy được lợi thế riêng có. Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp, lại đứng trước nhiều khó khăn, thách thức,tiềm năng, lợi thế, nhất là tiềm năng về đất đai, đồi rừng, khoáng sản, du lịch, kinh tế cửa khẩu… chưa được khai thác và phát huy nên tình hình kinh tế – xã hội các tỉnh trên địa bàn Quân khu 1 vẫn còn nhiều khó khăn. Giữa các tỉnh có sự chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển, tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn là hai tỉnh có thu nhập GDP thấp nhất nước. Đây là những yếu tố gây nhiều khó khăn trong công tác dân vận của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trên địa bàn Quân khu 1. Khi có sự điều chỉnh tổ chức các tỉnh, các xã và bỏ cấp huyện thì sẽ có nhiều thay đổi và khó khăn hơn khi thực hiện công tác dân vận.

Quân khu 1 là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, như: Kinh, Nùng, Tày, Hoa, Mông, Dao, Cao Lan, Lô Lô, Sán Chay, Sán Dìu… với tỷ lệ dân tộc thiểu số cao  (Cao Bằng trên 90%). Ở các huyện miền núi, vùng cao, vùng biên giới, có từ 7 – 15 dân tộc; một xã có từ 2 – 7 dân tộc; một bản có từ 2 – 3 dân tộc2. Nhìn chung, các dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, một bộ phận nhân dân có quan hệ gắn bó với người dân bên kia biên giới, do đó, việc nâng cao chất lượng công tác dân vận gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đây cũng là khu vực có nhiều tôn giáo (gồm 6 tôn giáo), trong đó có tôn giáo chính là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành chiếm tỷ lệ lớn. Đa số tín đồ chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn có một bộ phận người dân bị các thế lực thù địch lợi dụng để kích động, lôi kéo, mua chuộc, cùng với đó là sự phát triển các tôn giáo trái pháp luật là những nhân tố gây mất ổn định về chính trị – xã hội, tạo ra những khó khăn công tác dân vận.

Những năm qua, hệ thống chính trị các cấp ở các tỉnh trên địa bàn Quân khu 1 luôn được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu quả song một số nơi ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn rất khó khăn, thậm chí có hiện tượng trong bản không có đảng viên, đây là những trở ngại lớn cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác dân vận. Các tỉnh trên địa bàn Quân khu 1 là địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng – an ninh, giữ vai trò là “tiền đồn” phía Bắc của Tổ quốc, “lá chắn” bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, trên địa bàn, các hoạt động khiếu kiện, thăm thân, xâm nhập, tội phạm qua biên giới, buôn lậu… vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn phải được giữ vững; quốc phòng, an ninh được tăng cường; xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ tỉnh, phòng thủ quân khu phải thực sự vững chắc để hoàn thành vai trò “phên dậu” ở phía Bắc của Tổ quốc.… 

Yêu cầu đặt ra đối với công tác dân vận của hệ thống chính trị ở địa phương nói chung, chất lượng công tác dân vận của các Bộ Chỉ huy Quân dự tỉnh nói riêng phải đặc biệt chú trọng để củng cố lòng dân, giữ vững an ninh chính trị.

3. Yêu cầu của Kết luận 127-KL/TW về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đến công tác dân vận

Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là chủ trương có vai trò to lớn đối với sự phát triển của đất nước, tác động sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có chất lượng công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị nói chung, chất lượng công tác dân vận của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh trên địa bàn Quân khu 1 nói riêng. 

Việc “sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã”3 đặt ra những thách thức trong công tác vận động Nhân dân, như: thay đổi về tổ chức, nhân sự, địa bàn phụ trách làm tăng khó khăn cho cán bộ chuyên trách công tác dân vận được phụ trách địa bàn mới, đối tượng mới, phạm vi mới và có sự thay đổi rộng hơn, xa hơn. Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị đang vận hành hiện nay4, vì vậy, cần phải điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm tính hiệu quả, đồng bộ giữa các tổ chức các lực lượng, đặc biệt là việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận giữa Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các ban đảng, cơ quan, ngành ở tỉnh và các chính quyền xã. 

Hệ thống tổ chức quân sự địa phương khi được điều chỉnh sẽ gọn về cơ cấu, số lượng, song phạm vi đảm nhiệm nhiệm vụ dân vận sẽ rộng hơn, những giới hạn về điều kiện địa lý khó khăn nay càng trở lên khó khăn hơn, đòi hỏi sự nỗ lực cao của cấp ủy, chỉ huy các cấp thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trong thực hiện công tác dân vận. 

Yêu cầu về chất lượng công tác dân vận của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trên địa bàn Quân khu 1 còn chịu sự tác động của tình hình thế giới, khu vực, trong nước và nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới.

Đất nước ta bước vào “kỷ nguyên vươn mình” trong điều kiện thế giới, khu vực “có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức”5: xung đột lợi ích giữa các nước, các khối kinh tế – chính trị – quân sự mà điển hình, như: cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraina; xung đột Trung Đông; bao vây, cấm vận; lôi kéo nước này để chống nước kia ngày càng quyết liệt… Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đông Nam Á, nhất là Biển Đông tiếp tục trở thành trọng điểm cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn, các khối liên minh. Tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột… Những vấn đề này đặt ra thách thức trong việc tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ. 

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng tình hình phức tạp của quốc tế, khu vực và trong nước để cấu kết, tăng cường chống phá công khai và trực diện ngày càng quyết liệt bằng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm kích động, chia rẽ mối quan hệ mật thiết Đảng, Nhà nước với Nhân dân, chia rẽ mối quan hệ máu thịt quân – dân, tác động tiêu cực đến nhận thức của Nhân dân. Theo đó, công tác dân vận cần linh hoạt, nhạy bén để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu này.

Ngoài ra, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta thu được nhiều thành tựu song cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức, nhất là ở vùng cao, biên giới. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã từng cảnh báo vẫn còn hiện hữu, có mặt sẽ còn diễn biến phức tạp và gay gắt hơn, đòi hỏi công tác dân vận phải làm tốt nhiệm vụ củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

4. Kết luận

Công tác dân vận của Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh thuộc Quân khu 1 không chỉ là nhiệm vụ chính trị – quốc phòng mà còn là nền tảng xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh thực hiện Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, công tác dân vận chịu tác động từ nhiều yếu tố, đòi hỏi sự đổi mới, linh hoạt và chủ động thích ứng. 

Nâng cao chất lượng công tác dân vận đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chỉ huy, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng quân sự địa phương, gắn kết chặt chẽ với hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân. Đổi mới nội dung, phương thức dân vận phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, chú trọng đào tạo cán bộ, huy động mọi nguồn lực, bảo đảm tính hiệu quả và bền vững.

Thực hiện tốt công tác dân vận là nhân tố quyết định để củng cố niềm tin của nhân dân, tăng cường sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược Quân khu 1, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chú thích:
1. Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa XI) (2013). Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
2. Lê Hồng Tư (2021). Nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương ở cá tỉnh trên địa bàn Quân khu 1 hiện nay. Luận án tiến sĩ Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Học viện Chính trị, tr. 31.
3. Bộ Chính trị (2025). Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
4. Bộ Chính trị (2021). Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 27.
Tài liệu tham khảo:
1. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận, góp phần phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân trong phát triển mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/960102/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-dan-van,-gop-phan-phat-huy-toi-da-suc-manh-cua-nhan-dan-trong-phat-trien-moi-mat-doi-song-kinh-te-xa-hoi-cua-dat-nuoc.aspx.
2. Nâng cao chất lượng công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 hiện nay, https://lyluanchinhtri.vn/nang-cao-chat-luong-cong-tac-dan-van-cua-luc-luong-vu-trang-quan-khu-4-hien-nay-6765.html.
3. Lực lượng vũ trang Quân khu 1 đẩy mạnh công tác dân vận theo lời Bác Hồ dạy. http://tapchiqptd.vn/Sites/print.aspx?newid=21756
4. Biện pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận ở đơn vị cơ sở trong quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/08/08/bien-phap-nang-cao-chat-luong-cong-tac-dan-van-o-don-vi-co-so-trong-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-hien-nay.