Giải pháp thay đổi nếp nghĩ, cách làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu góp phần bảo đảm an sinh xã hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đẩy mạnh nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chính sách vẫn bộc lộ nhiều hạn chế nhất định. Nhiều chính sách hỗ trợ chưa hiệu quả, nhất là các nguồn lực về đất đai, con người; nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đôi lúc còn bị lãng phí; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn cao, dẫn đến khoảng cách phát triển giữa các dân tộc vẫn còn khá lớn, nhất là giữa dân tộc chiếm đa số là người Kinh và các dân tộc thiểu số.
Ảnh minh họa (internet).

Để các chính sách của Đảng và Nhà nước triển khai hiệu quả, phát huy sức mạnh nội lực của người dân, tạo đà cho những thay đổi lớn hơn, đòi hỏi phải có những nghiên cứu, tìm hiểu về đời sống kinh tế – xã hội, phong tục, tập quán, thói quen, tâm lý dưới khía cạnh là những yếu tố tác động đến việc hình thành xây dựng nếp sống mới của người dân. Hiểu rõ được tầm quan trọng của việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều chương trình, hành động có ý nghĩa thiết thực đem lại hiệu quả cao, góp phần chung tay vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với hộ đồng bào DTTS.

Thực trạng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu

Hiện nay, dân số của tỉnh Lai Châu là 460.196 người, 17,8% dân số sống ở đô thị và 82,2% dân số sống ở nông thôn; dân tộc Kinh có 73.233 người, chiếm 15,9% dân số; các dân tộc khác có 386.963 người, chiếm 84% dân số toàn tỉnh. Tổng số hộ nghèo trên toàn tỉnh là 20.174 hộ, chiếm 20,12%, trong đó số hộ nghèo DTTS là 19.956 hộ, chiếm 19,9%, số hộ tái nghèo 14.208 hộ, chiếm 28,77%1. Thu nhập của người DTTS hằng năm cũng có những cải thiện đáng kể. Xét chung trong toàn tỉnh, số hộ DTTS thu nhập bình quân tăng từ 600.000 năm 2017 lên 635.000 năm 2019, trong khi đó tại các huyện nghèo hộ DTTS cũng có thu nhập bình quân đầu người tăng lên từ 600.000 đồng/tháng và đến nay là 635.000 đồng/tháng. Khi xét đến hộ nghèo là người DTTS  thì số liệu cũng tương tự2. Sang giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở Lai Châu tiếp tục giảm mạnh, xuống còn 16,7% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 8,6%3. Kết quả năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo ở Lai Châu tiếp tục giảm xuống còn 16,2% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 8,1%4.

Năm 2021, qua số liệu Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu ghi nhận không có trường hợp nào kết hôn cận huyết thống. Trước thực trạng trên, ngoài việc tiếp tục triển khai mô hình giảm tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại 37 xã ở các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên; duy trì hoạt động 41 câu lạc bộ truyền thông về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; triển khai Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”… góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số5. Ngày 02/11/2016, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 1504/QĐ-UBND về việc phê duyệt mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Theo đó, mô hình được phê duyệt triển khai tại 4 xã: Hồng Thu (huyện Sìn Hồ); Huổi Luông (huyện Phong Thổ); Nậm Pì (huyện Nậm Nhùn); Tà Tổng (huyện Mường Tè).

Để có được kết quả này là do sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh cũng như các huyện, địa phương, đặc biệt là việc thực hiện trực tiếp của cán bộ khi tiếp xúc với người DTTS để nắm bắt đặc điểm, tình hình tâm tư, tình cảm, nhận thức của người DTTS.

Tuy nhiên, hiện nay, trong đời sống của đồng bào DTTS tỉnh Lai Châu còn có một số đặc điểm sau:

Một là, trong đời sống của đồng bào DTTS Lai Châu còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu kéo dài và tốn kém, trở thành gánh nặng đối với người dân, như: tục lệ ma chay, một đám ma hay một nghi lễ “bỏ mả” (mỗi gia đình trong dòng họ có thể phải góp một con bò, đời sống càng đi lên thì mức đóng góp càng lớn, gây ra sức ép đối với các hộ dân khi phải thực hiện nghĩa vụ này). Ngoài ra, còn có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ đứng trước nhiều khó khăn, trở ngại, như: con ốm, chi phí chăm sóc y tế trong gia đình tăng cao; các bệnh về gen thường không thể chữa được tạo gánh nặng cho gia đình, từ đó kéo theo nghèo đói, bệnh tật.

Hai là, bản lĩnh của một bộ phận người DTTS chưa vững vàng, dẫn đến số vụ tự tử tăng. Nạn nhân tự tử là người DTTS chiếm tỷ lệ lớn, với khoảng 76% trong toàn bộ số người tự tìm đến cái chết trên địa bàn thời gian qua, trong đó nguyên nhân chủ yếu là mâu thuẫn gia đình (chiếm 68%)6. Kết quả này đã phản ánh đặc điểm tính cách, tâm lý của người DTTS là bộc trực, trọng tín nghĩa nhưng cũng rất tự ti, mặc cảm, thường sống khép kín nên khi phát sinh mâu thuẫn hoặc bế tắc trong cuộc sống thường nghĩ ngay đến cái chết. Dựa trên tính chất của từng vụ việc có thể thấy hiện tượng tự tử không còn là sự đơn lẻ, cá biệt. Đây thực sự là tiếng chuông cảnh báo, bởi phần lớn những người tự tử là lao động chính đóng góp chủ yếu vào kinh tế gia đình, hơn nữa, vấn nạn tự tử trong cộng đồng DTTS còn trở thành một hiện tượng xã hội phức tạp, tạo nên những hệ lụy xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tâm lý xã hội miền núi. Đặc biệt, vấn nạn này là một trở ngại đối với sự phát triển của tiến bộ xã hội, là một trong những vấn đề để các thế lực thù địch lợi dụng nhằm tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ba là, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận đồng bào DTTS còn hạn chế. Ở một số địa phương còn diễn ra hiện tượng mua bán, cho thuê, chuyển nhượng đất đai không thông qua chính quyền. Nhận thức của một bộ phận người dân về việc thực hiện các thủ tục, như: đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh, làm chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước điện tử… còn bất cập, dẫn đến việc các cơ quan chính quyền khó nắm bắt được những vi phạm có thể xảy ra trên địa bàn để kịp thời có hướng xử lý (vấn đề di cư tự do đi các tỉnh, thành phố khác, đi nước ngoài, di cư nội tỉnh và từ tỉnh khác đến).

Ngoài ra, tình trạng buôn lậu vẫn diễn ra thường xuyên và người trực tiếp tham gia có không ít là đồng bào DTTS. Nguyên nhân là do đối tượng buôn lậu thường lợi dụng những người DTTS còn hạn chế trong nhận thức và tâm lý ưa hàng rẻ nên đã đưa hàng sắp hết hạn sử dụng, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, thiếu trọng lượng… vào tiêu thụ trên địa bàn hoặc một số đối tượng nghiện ngập, có tiền án, tiền sự thông thạo địa bàn đã vận chuyển ma túy, pháo nổ từ các đường mòn, lối mở khu vực biên giới vào nội địa tiêu thụ.

Một số giải pháp nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở Lai Châu

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng việc gặp trực tiếp nói chuyện. Công tác này được coi là một trong những hình thức quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là một kênh giao tiếp hữu hiệu để tạo nên mối quan hệ xã hội đồng thuận. Hình thức tuyên truyền này có nhiều ưu điểm, nhất là ở những địa bàn dân trí thấp, tỷ lệ người già và người không biết chữ cao. Đây là cách đáp ứng nhanh các yêu cầu thông tin, các vấn đề nóng, nhạy cảm mà các hình thức khác khó thực hiện kịp thời. Việc vận động phải tiến hành từng bước theo lộ trình phù hợp.

Thứ hai, phải có sự đồng thuận của phần đa cộng đồng. Trước hết là những người tiên phong gương mẫu, đó là: cán bộ, đảng viên là người DTTS trong làng, già làng, người có uy tín, các hộ giá đình khá giả, chức sắc tôn giáo… để loại bỏ các hủ tục và tâm lý sợ nếu không thực hiện theo các phong tục không hợp lý…

Ngoài việc dựa vào yếu tố tâm lý, còn cần có sự tham gia nhiệt tình của cán bộ đoàn thể…, bởi đây là những người tiên phong trong các phong trào xây dựng bản, làng, nông thôn mới. Cán bộ hội phải tin tưởng vào sự thay đổi đến từ chính người dân, chỉ cần có phương pháp vận động phù hợp trực tiếp cho người dân.

Thứ ba, phát huy xu thế cạnh tranh lành mạnh trong các vùng và các làng DTTS. Khi thực hiện các chính sách, nhất là việc xây dựng nông thôn mới, nên ưu tiên làm trước và hỗ trợ thêm cho những làng, xã, thôn, bản… mà người dân tích cực hưởng ứng tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường. Từ việc thay đổi trong phạm vi từng làng, người dân sẽ tự thấy sự khác biệt và cạnh tranh công bằng với nhau.

Thứ tư, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội đẩy mạnh các mô hình xã hội hóa để hỗ trợ đồng bào DTTS. Đoàn Thanh niên là tổ chức năng động nhất, có khả năng kết nối các nguồn hỗ trợ từ thiện từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, kinh nghiệm cho thấy các khoản hỗ trợ này cần được minh bạch hóa, được công khai để những người đóng góp biết được các khoản tiền của mình được chi cụ thể như thế nào. Làm được như vậy, sẽ thu hút nguồn lực đầu tư xã hội đầu tư cho vùng đồng bào DTTS.

Với sự hỗ trợ hợp lý của Nhà nước, cộng đồng DTTS hoàn toàn có thể phát huy các tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu một cách bền vững.

Chú thích:
1, 2. Tỉnh ủy – Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu. Dư địa chí Lai Châu. H. NXB Lý luận chính trị, 2020.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu. Báo cáo đánh giá tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, 2020.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu. Biểu tổng hợp diễn biến hộ nghèo trong năm 2021. Tháng 12/2021.
5. Lai Châu giải pháp nhằm hạ nhiệt tình trạng tảo hôn kết hôn cận huyết thống. https://giadinh.net.vn, ngày 21/7/2021.
6. Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu. Báo cáo tổng kết công tác trợ giúp pháp lý 2019 – 2020 Lai Châu, tháng 12/2020.
TS. Đông Thị Hồng
Trường Đại học Lao động – Xã hội