Công dân số trong môi trường số

(Quanlynhanuoc.vn) – “Người dân là trung tâm của chuyển đổi số quốc gia” là một trong những mục tiêu quan trọng của Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hướng tới mục tiêu kép xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin. Theo đó, ngành Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ bồi dưỡng và phát huy những kỹ năng số cho tất cả công dân, tạo năng lực thích ứng với môi trường số để hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh và dịch vụ có hiệu quả, góp phần phát triển bền vững xã hội.
Ảnh minh hoạ (internet).
Đặt vấn đề

Ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”, trong đó có Chương trình “Xây dựng mô hình công dân học tập”. Thực hiện Quyết định, các nhà nghiên cứu giáo dục đã thiết kế những năng lực cốt lõi của công dân sống trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, năng lực cốt lõi của công dân học tập bao gồm những kỹ năng số để đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025. Theo đó, công dân Việt Nam phải sống thích ứng với xã hội số, kinh tế số và chính phủ số. Trên cơ sở đó, bài viết bàn về công dân học tập trong quá trình CĐS quốc gia mà thế giới hiện đại gọi là công dân số (CDS).

Môi trường và môi trường số

Môi trường là không gian bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên1.

Thế giới mà chúng ta đang sống là sự gắn kết hữu cơ giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Trong thế giới đó, con người sống và hoạt động với sự tuân thủ những quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Sống thích ứng với môi trường có những năng lực thực hiện mọi hoạt động phù hợp với các quy luật của nó, nhằm cải thiện môi trường, sáng tạo những điều kiện mới để đời sống trong môi trường ngày càng tốt hơn và để môi trường phát triển luôn bền vững.

Môi trường số (MTS), hay còn gọi là môi trường kỹ thuật số là môi trường truyền thông tích hợp, nơi các thiết bị kỹ thuật số giao tiếp, quản lý nội dung và hoạt động. Khái niệm này dựa trên các hệ thống điện tử kỹ thuật số được tích hợp và triển khai cho cộng đồng toàn cầu2.

MTS là một không gian sống, trong đó công nghệ số đã chuyển phương thức sản xuất truyền thống trong hệ thống công nghiệp sang phương thức áp dụng các công nghệ với những trụ cột, như: dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, công nghệ điện toán đám mây…

MTS là môi trường nhân tạo, được hình thành và phát triển nhờ cách mạng công nghiệp hiện đại – cách mạng chuyển xã hội tri thức sang xã hội thông minh. Cũng có người gọi MTS là môi trường mạng (Network Environment), mọi thông tin được cung cấp, truyền dẫn, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua hạ tầng công nghệ thông tin. MTS trong thế giới hiện đại là một không gian công cộng rộng lớn có quy mô toàn cầu, được gọi là không gian mạng (Cyberspace), với cấu trúc đa dạng và phức tạp, các thành tố kết nối rất đặc biệt. Khái niệm không gian mạng còn dùng để chỉ mạng lưới toàn cầu của các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, gồm các mạng viễn thông và hệ thống máy tính.

Tham gia vào không gian mạng sẽ tạo ra những trải nghiệm xã hội, trong đó các cá nhân có thể tương tác, trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin, cung cấp các hỗ trợ xã hội, tranh luận hoặc đánh giá những hiện tượng, sự kiện có liên quan đến đạo đức, chính trị, giáo dục, kinh doanh, những xung đột quân sự, chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh, những va chạm chính kiến, những đối thoại hoặc đối đầu về văn hóa. Sự tương tác của con người với các cá nhân, tổ chức hay cộng đồng trong không gian mạng sẽ ngày càng đa dạng, đa chiều, tức thời hơn, không có những rào cản khi con người tương tác với nhau như trong không gian thực. Các hoạt động trong mọi lĩnh vực khoa học, văn hóa, nghệ thuật, kinh doanh, thương mại, khám, chữa bệnh… đều có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Đây chính là tính ưu việt của không gian mạng.

Xã hội học tập và công dân học tập

Xã hội học tập

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba đã tạo ra những điều kiện để hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức vào cuối thế kỷ XX. Để tiếp cận và sử dụng những thành quả của nền kinh tế mới này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (tháng 4/2001) của Đảng đã chủ trương xây dựng xã hội học tập (XHHT), Nghị quyết của Đại hội nêu rõ: “… đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập”3.

Khái niệm “Xã hội học tập” lần đầu tiên được đưa vào Văn kiện của Đảng. Về phương diện lý luận, XHHT là mô hình giáo dục mở mà UNESCO đã nói đến trong báo cáo “Học để tồn tại” năm 1972, trong đó khẳng định, những tiến bộ nhanh chóng của khoa học – công nghệ cũng như những thay đổi có gia tốc lớn của xã hội không cho phép bất cứ ai dừng lại việc học tập ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống của mình4.

Kinh tế tri thức đòi hỏi phải xây dựng XHHT, theo đó, XHHT là mô hình giáo dục hướng tới mục tiêu đào tạo ra những con người sống, phát triển, lao động và làm giàu bằng tri thức5, coi việc tích lũy và sáng tạo tri thức là một cách làm giàu kiểu mới, nhờ đó, sẽ xóa nghèo về thu nhập và nghèo về điều kiện sống.

Ở Việt Nam XHHT được xây dựng trên 4 trụ cột sau:

Một là, trụ cột chính trị. Cốt lõi của trụ cột  này là những quan điểm chỉ đạo xây dựng XHHT trong các văn kiện của Đảng, từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IX (tháng 4/2001) cho đến Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII (tháng 01/2021); Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng,… các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, như: Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021, Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021… Các văn kiện, văn bản chỉ đạo đều nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao chất lượng con người Việt Nam, xây dựng mô hình công dân học tập và chất lượng nguồn nhân lực.

Hai là, trụ cột tư tưởng. Việc học tập suốt đời của người dân trong XHHT được tổ chức theo quan điểm giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đó là kim chỉ nam cho cuộc vận động toàn dân học tập thường xuyên để nâng cao năng lực làm việc trong các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, dịch vụ… “Học không bao giờ cùng”6 là tư tưởng cốt lõi trong các hoạt động khuyến học, khuyến tài đang được triển khai trên các địa bàn dân cư hiện nay.

Ba là, trụ cột kinh tế. Hiện nay, Việt Nam chưa thực hiện xong nhiệm vụ công nghiệp hóa đất nước, nhưng việc xây dựng XHHT vẫn phải hòa vào dòng chảy toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Do vậy, trụ cột kinh tế ở đây là phát triển kinh tế tri thức, hơn nữa, là kinh tế tri thức dưới tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 và trào lưu CĐS trên bình diện toàn cầu. Theo Chương trình CĐS quốc gia, nền kinh tế Việt Nam đang xây dựng và phát triển là nền kinh tế số. Đây là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa vào công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua mạng internet”7. Nền kinh tế số đòi hỏi XHHT phải đào tạo ra con người có những kỹ năng số và văn hóa số để thúc đẩy tiến trình CĐS sẵn sàng kiến tạo tương lai.

Bốn là, những xu thế vĩ mô của giáo dục trên thế giới được thể hiện ở những hướng phát triển.

(1) Xu thế phát triển nền giáo dục mở, trước hết là tạo ra một nền giáo dục đại học mở, đáp ứng việc học tập suốt đời của con người trong thế kỷ XXI. Giáo dục mở sẽ dỡ bỏ những rào cản đối với các cơ hội học tập thường xuyên của người dân, tạo nên một hệ thống giáo dục mở rộng cho mọi đối tượng trong dân cư, theo triết lý chia sẻ tri thức, cung cấp mọi ngả đường tiếp cận tri thức miễn phí.

(2) Xu thế CĐS toàn bộ các lĩnh vực hoạt động trong từng quốc gia, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo, xây dựng XHHT. Trong quốc gia CĐS, giáo dục và đào tạo sẽ thay nhà trường truyền thống với việc giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, thi cử từ phương thức trực tiếp sang ứng dụng triệt để công nghệ số vào đào tạo và học tập (số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập). Với XHHT, do yêu cầu người dân học tập suốt đời lấy tự học làm cốt, phương thức “Đào tạo – Phát triển” sẽ chuyển sang phương thức “Học tập – Phát triển”. Xu hướng này cho thấy, việc học tập suốt đời sẽ đề cao kỹ năng tự xây dựng lộ trình phát triển tri thức và hoàn thiện con người. Chủ động học tập, tự học, tự đào tạo cần phải trở thành tố chất của từng công dân.

(3) Xu thế đào tạo nhân lực tại chỗ chất lượng cao. Xu thế này đang lôi cuốn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan hành chính – sự nghiệp… vào việc tổ chức đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị theo những lộ trình trang bị công nghệ mới. Xu thế này không chỉ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, tại các trường dạy nghề, thậm chí các trường phổ thông, chương trình đào tạo những kỹ năng mới đang ngày càng trở thành xu thế tất yếu. Gần đây, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” cho thấy sự bất cập trong xu thế phát triển các nghề mới ở nông thôn. Do đó, để có nhân lực chất lượng cao tại địa bàn nông nghiệp và nông thôn, danh mục nghề đào tạo dùng cho nông thôn không những phải thay đổi, mà công nghệ đào tạo chắc chắn sẽ phải trang bị lại8.

Công dân học tập

Học tập suốt đời là đặc trưng của người dân trong XHHT. Để mỗi công dân thực hiện yêu cầu học tập thường xuyên, nhà nước có những quy định với tính chất là những tiêu chí đánh giá việc học tập của công dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội. Con người tham gia vào việc học tập suốt đời sẽ phải thực hiện một hành trình tìm kiếm, sử dụng và sáng tạo những tri thức, bất kể họ đang ở lứa tuổi nào. Hành trình đó trước hết là tìm kiếm những tri thức cần thiết theo nhu cầu, gọi là hành trình hướng tới tri thức để tạo ra cơ hội và điều kiện phát triển những năng lực cá nhân. Tiếp theo là hành trình kiến tạo tri thức để có những sáng tạo trong việc làm, trong lao động nghề nghiệp và trong đời sống của mỗi người9.

Nền giáo dục hiện đại phải nhận thức đúng sứ mệnh đào tạo những công dân học tập. Theo Jacques Delors (Cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu) cho biết: “… để đáp ứng nhu cầu học tập của con người, hệ thống giáo dục phải mềm dẻo hơn, tạo sự đa dạng về các chương trình giảng dạy và xây dựng cầu nối giữa các loại hình giáo dục khác nhau hoặc giữa cuộc sống nghề nghiệp và việc đào tạo. Sự mềm dẻo góp phần làm giảm bớt sự thất bại trong học tập và gây lãng phí to lớn về nguồn nhân lực… Căn cứ vào những tiến bộ hiện tại và tương lai trong khoa học – công nghệ, với tầm nhìn ngày càng tăng về nhận thức cùng những yếu tố phi vật chất khác trong sản xuất của cải và dịch vụ, chúng ta cần phải suy nghĩ lại vị trí của lao động và những thiết chế thay đổi của nó trong xã hội ngày mai. Trí tưởng tượng của con người để sáng tạo đúng đắn xã hội đó, phải đi trước những tiến bộ công nghệ, nếu chúng ta muốn tránh làm trầm trọng thêm sự thất nghiệp và muốn loại khỏi xã hội những bất bình đẳng trong sự phát triển”10.

Công dân số

Trong quốc gia CĐS, công dân học tập chính là “công dân số”, vì vậy, một loạt các văn bản đã ra đời tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của CDS. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạo điều kiện để người dân có những năng lực thích ứng với xã hội số; Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”,  trong đó có Đề án thành phần về xây dựng mô hình công dân học tập trong điều kiện xã hội số.

CDS là người có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để giao tiếp với người khác, tham gia vào các hoạt động xã hội, kinh doanh và chính trị trên nền tảng kỹ thuật số11. Việc xây dựng mô hình CDS nhất thiết phải tính đến các yếu tố: (1) Công dân phải có kỹ năng sử dụng và khai thác các thiết bị công nghệ trong thế kỷ XXI, như: ti-vi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, máy giặt, máy hút bụi,… Những thiết bị này yêu cầu người sử dụng phải có kỹ năng số để điều khiển. (2) Tri thức trong xã hội được sản xuất theo cấp số nhân, được chia sẻ nhanh chóng và tiện lợi nhờ những thiết bị thông minh. Vì vậy, trong XHHT, với chương trình CĐS, nếu con người không tiếp cận được với thương mại điện tử, giao dịch điện tử, giáo dục điện tử… thì không phải là CDS, công dân học tập trong kỷ nguyên số.

Ủy ban châu Âu đã có nhiều công trình nghiên cứu về những năng lực cần cho sự thích ứng với đời sống trong kỷ nguyên số. Cấu trúc và nội dung (những kỹ năng) của những năng lực số bao gồm:

– Năng lực thông tin và dữ liệu số, gồm 3 kỹ năng số: (1) Duyệt, tìm kiếm và lọc dữ liệu; (2) Đánh giá dữ liệu; (3) Quản lý dữ liệu.

– Năng lực truyền thông số và cộng tác, gồm 6 kỹ năng số: (1) Tương tác qua công nghệ số; (2) Chia sẻ qua công nghệ số; (3) Tham gia vào quyền công dân qua các công nghệ số; (4) Cộng tác qua các công nghệ số; (5) Quy tắc ứng xử trên internet; (6) Quản lý nhận diện số.

– Năng lực tạo lập nội dung số, gồm 4 kỹ năng số: (1) Phát triển nội dung số; (2) Tích hợp và tái chi tiết hóa nội dung số; (3) Bản quyền và cấp giấy phép; (4) Lập trình.

– Năng lực bảo vệ sự an toàn thiết bị số và sức khỏe, gồm 4 kỹ năng: (1) Bảo vệ các thiết bị; (2) Bảo vệ dữ liệu cá nhân và tính riêng tư; (3) Bảo vệ sức khỏe; (4) Bảo vệ môi trường.

– Năng lực giải quyết vấn đề, gồm 4 kỹ năng: (1) Giải quyết các vấn đề kỹ thuật; (2) Xác định các nhu cầu, các câu trả lời về công nghệ; (3) Sử dụng sáng tạo các công nghệ; (4) Xác định các phân cách năng lực số12.

Ở Việt Nam, bàn về CDS, ông Phan Phương Đạt (Giám đốc Funix-FPT) đưa ra 9 kỹ năng số cấu thành CDS, gồm:

(1) Truy cập số (Digital Access);

(2) Thương mại số (Digital commerce);

(3) Truyền thông số (Digital Communication);

(4) Kiến trúc số (Digital Literacy);

(5) Nghi thức số (Digital etiquette);

(6) Luật lệ số (Digital Law);

(7) Quyền và trách nhiệm số (Digital Rights & Responsibilities);

(8) Sức khỏe số (Digital Health & Wellness);

(9) An ninh số (Digital Security).

Đến nay, bộ tiêu chí đánh giá mô hình CDS vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Tuy nhiên, nói đến CDS, chúng ta đều hiểu rằng, sự phát triển của xã hội số và kinh tế số tùy thuộc vào chất lượng đào tạo CDS.

Kết luận

Những kỹ năng số được đề cập trong bài viết đã được nhiều hội thảo khoa học trong nước nhất trí và lồng vào Bộ tiêu chí đánh giá mô hình công dân học tập, trong đó có Hội thảo: “Những năng lực cốt lõi của công dân học tập đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia” do Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 7/2020. Sau thành công của Hội thảo, Bộ tiêu chí đánh giá mô hình công dân học tập đã được Hội Khuyến học Việt Nam bổ sung thêm một số kỹ năng số như những chỉ số quan trọng.

Bộ tiêu chí đã được thử nghiệm rộng rãi trên nhiều địa bàn dân cư thuộc 63 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Cuộc vận động xây dựng mô hình công dân học tập với những kỹ năng số là một bước phát triển mới của phong trào xây dựng Việt Nam thành một XHHT.

Chú thích:
1. Môi trường. https://vi.wikipedia.org, ngày 27/3/2022.
2. Môi trường số. https://en.wikipedia.org, ngày 27/3/2022.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. H. NXB Chính trị quốc gia, 2004, tr.109.
4. UNESCO (1997) – Contruction une sociéte educative – Les idées forces, p-37.
5. N. Stehr (2010) – Thế giới sinh thành từ tri thức. Tạp chí Khoa học xã hội, số 2 (Bản tiếng Nga), tr. 14.
6. Hồ Chí Minh. Thư gửi Quân nhân học báo. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Sự thật, 1985, tr. 213.
7. Nhận thức về kinh tế số và một số giải pháp phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam. https://tapchicongthuong.vn, ngày 10/6/2021.
8. Lê Đăng Lăng. Hoạch định phát triển nông nghiệp chất lượng cao. NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, 2019, tr. 79.
9. Bùi Quang Tuyến. Hành trình tri thức thời kinh tế số. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020, tr. 24.
10. Jacques Delors (1996). Học tập – Một kho báu tiềm ẩn (Bản dịch tiếng Việt của Trịnh Đức Thắng). H. NXB Giáo dục, 2000, tr. 16 – 17.
11. Công dân kỹ thuật số. https://vi.wikipedia.org, ngày 27/3/2022.
12. Stephanie Carretero, Riina Vuorikari and Yves Punie (2017) – DigComp 2.1 – The digital competence framework for citizens with eight proficiency level and examples of use, EU.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Tất Dong. Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 – 2030. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Những năng lực cốt lõi của công dân học tập”, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực. H. NXB Công ty Trách nhiệm hữu hạn Fennex, 2020.
2. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
3. Lê Trung Nghĩa. Tổng quan về tài nguyên giáo dục mở và một kịch bản giả tưởng về tương lai của giáo dục Việt Nam. Giáo dục Mở – xu thế toàn cầu trong thế kỷ XXI – Tài liệu của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, 2020, tr. 83 – 123.
4. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
5. Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”.
6. Bùi Quang Tuyến. Phát triển nhân lực kiến tạo tương lai. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2022.
GS.TS. Phạm Tất Dong
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam