TS. Hồ Quỳnh Anh
Học viện Tài chính
(Quanlynhanuoc.vn) – Các động lực tăng trưởng kinh tế đang phục hồi cùng với lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết dự báo tăng tốc trong thời gian tới, tạo niềm tin về dòng vốn từ khối ngoại sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam. Theo đó, cần nhìn rõ những hạn chế trong khung pháp lý cho hoạt động M&A và nhanh chóng có giải pháp khắc phục, Việt Nam sẽ gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ khóa: Pháp lý, mua bán và sáp nhập, M&A.
1. Thực trạng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam
Kinh tế khó khăn, đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị toàn cầu… đã khiến dòng đầu tư toàn câu, trong đó có các khoản đầu tư theo hình thức M&A chậm lại đáng kể. Thị trường Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, tuy nhiên, tình hình đang được cải thiện. Số liệu từ Cục đầu tư từ nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tới tháng 10/2023 vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 25.76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ; vốn giải ngân đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 5,13 tỷ USD, tăng 35.4% so với cùng kỳ. Mức tăng mạnh này được ghi nhận bởi một số thương vụ M&A lớn. Trong số đó, lớn nhất là thương vụ Sumitomo Mitsui Banking Coporation (SMBC) của Nhật Bản chi 1,5 tỷ USD mua 15% cổ phần phát hành riêng lẻ của Ngân hàng thương mại cổ phẩn Việt Nam thịnh vượng (VP bank) vào cuối tháng 3/2023. Đây không chỉ là thương vụ M&A lớn nhất ngành Ngân hàng từ trước đến nay mà với thương vụ này, thị trường M&A Việt Nam cũng như dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã sôi động trở lại.
Ngoài thương vụ SMBC, hàng loạt thương vụ khác có thể kể đến như ESR Group limited mua lại cổ phần chiến lược Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW với tổng giá trị 450 triệu USD, hay Quỹ đầu tư KKR Global Impact của Mỹ đầu tư vào Tập đoàn giáo dục Equest với số tiền 120 triệu USD, rồi DB Insurance mua lại cổ phần của Tổng công ty Bảo hiểm Hàng không VNI với số tiền 57 triệu USD, Quỹ tín thác Thái Lan hoàn tất các thương vụ bán khách sạn IBIS Sài Gòn South và Khách sạn Capri by Frasers tại TP. Hồ Chí Minh cho Công ty Bất động sản LT Rubicon với giá 33 triệu USD, Keppel Land ký các thỏa thuận ràng buộc để mua lại từ Tập đoàn Khang Điền 49% cổ phần trong hai dự án khu dân cư liền kề tại thành phố Thủ Đức với tổng giá trị 136 triệu USD.
Số lượng các thương vụ M&A không ngừng tăng lên. Không chỉ là với các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng tích cực thực hiện các thương vụ M&A để mở rộng thị trường ở trong nước và nước ngoài. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đã chi gần 135 tỷ đồng mua vào 3,4 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Ắc quy Tia Sáng Tibaco để nâng sở hữu từ 0% lên 51% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO quyết định đầu tư vào công ty sở hữu thương hiệu bánh bao Thọ Phát; Công ty cổ phần Tập đoàn FPT không ngừng thực hiện các thương vụ M&A ở nước ngoài điển hình là thương vụ FPT mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ của Công ty Intertec International và trở thành nhà đầu tư lớn của Landing AI – Công ty phần mềm thị giác máy tính và AI hàng đầu của Mỹ.
Xu hướng M&A tại Việt Nam đang có những thay đổi đáng kể khi các khoản đầu tư từ quỹ đầu tư tư nhân đang dần chiếm ưu thế trên thị trường. Gần đây, nhiều quỹ đầu tư tư nhân tiếp quản các doanh nghiệp hoạt động lâu năm, cung cấp vốn để thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp và mở rộng hoạt động. Xu hướng này được dự báo tiếp tục tăng cường, khi ngày càng nhiều nhà đầu tư tư nhân nhận ra cơ hội tiềm năng tại thị trường Việt Nam.
Một xu hướng khác định hình bối cảnh cho hoạt động M&A tại Việt Nam là mức độ phủ sóng công nghệ và gia tăng số hóa trong nhiều lĩnh vực. Khi đất nước đẩy mạnh số hóa và ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp là một phần của quá trình chuyển đổi này đang trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các thương vụ M&A. Trong đó, những lĩnh vực, như: thương mại điện tử, fintech và viễn thông sở hữu tiềm năng tăng trưởng đáng kể.
Tuy nhiên, để bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thị trường M&A, Việt Nam cần giải quyết được những hạn chế tồn tại. Và một trong những thách thức nhất cho hoạt động M&A Việt Nam hiện nay là khung khổ pháp lý của Việt Nam còn phức tạp và không rõ ràng, khiến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động M&A khó định hướng.
2. Thủ tục pháp lý còn nhiều phức tạp, mất nhiều thời gian
Khung pháp lý M&A của Việt Nam đã được hoàn thiện qua nhều năm, song các thủ tục còn khá phức tạp, nhìn chung tốn thời gian và có thể làm giảm động lực của các nhà đầu tư nước ngoài. Tại các nước phát triển, thời điểm ký kết và hoàn tất giao dịch M&A có thể trùng hoặc gần nhau. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch M&A thường tốn nhiều thời gian hơn để thực hiện các thủ tục pháp lý hoàn tất giao dịch.
Về thủ tục chấp thuận đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp (chấp thuận M&A), theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài phải có chấp thuận M&A để mua cổ phần hoặc phần vốn góp tại các doanh nghiệp chưa phải là công ty đại chúng và kinh doanh ngành nghề có điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, nếu giao dịch đó làm tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Luật Đầu tư (năm 2020) và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ hơn về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Danh sách ngành nghề có điều kiện được rút gọn nhưng vẫn bao gồm một số hoạt động kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu 100%. Chẳng hạn, danh sách này quy định dịch vụ logistics là ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà không loại trừ phần ngành không bị hạn chế sở hữu nước ngoài, như dịch vụ đại lý vận tải hay dịch vụ kho bãi.
Ngoài ra, chấp thuận M&A cũng là điều kiện bắt buộc nếu giao dịch mua cổ phần, phần vốn góp cho phép các nhà đầu tư nước ngoài nắm quyền kiểm soát (50%) hoặc làm tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài sau khi tỷ lệ này đã được ngưỡng trên 50% tại công ty mục tiêu, bất kể ngành nghề kinh doanh. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần kiểm soát trong một công ty Việt Nam, dù không có ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế sở hữu nước ngoài vẫn cần có chấp thuận M&A. Giao dịch mua lại một công ty có sử dụng đất tại các khu vực ảnh hưởng đến quốc phòng và an ninh cũng cần có chấp thuận M&A.
Cơ quan cấp phép cần tham vấn các bộ, ngành có liên quan để xác minh công ty mục tiêu có thuộc trường hợp này hay không và có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để có câu trả lời.
(1) Về quy định thông báo tập trung kinh tế
Xác định thị phần kết hợp là một công việc phức tạp, tốn kém chi phí và thời gian, bởi cần có chuyên gia nghiên cứu và phân tích (do thiếu quy định giải thích chi tiết các yếu tố để tính thị phần). Thông báo tập trung kinh tế là thủ tục bắt buộc đối với giao dịch mua cổ phần hoặc tài sản dẫn đến đến việc người mua có quyền kiểm soát công ty hoặc một ngành, nghề của công ty được mua lại, có giao dịch từ 1.000 tỷ đồng trở lên (trừ giao dịch mua công ty bảo hiểm hoặc chứng khoán có giá trị dưới 3.000 tỷ đồng). Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế này được cho là thấp đối với lĩnh vực có vốn đầu tư lớn như bất động sản.
Trong hơn 20 năm qua, ước tính Việt Nam có hơn 4.000 thương vụ M&A với giá trị gần 50 tỷ USD. Năm 2021 và 2022, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xem xét 130 và 154 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, trong khi năm 2020 chỉ có 62 hồ sơ. Riêng quý 1/2023, Bộ nhận được 76 hồ sơ.
Theo Luật Cạnh tranh (năm 2018) và Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh, việc tập trung kinh tế được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam (giao dịch giữa các công ty nước ngoài), nghĩa vụ nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế sẽ được áp dụng khi một trong các bên đạt được các ngưỡng thông báo sau đây:
Bảng 1: Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế theo quy định | ||
Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam trong năm tài chính liền kế trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế | Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam trong năm tài chính liền kế trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế | Thị phần kết hợp trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế |
>=3.000 tỷ đồng | >=3.000 tỷ đồng (Khoảng 132 triệu USD) | >=20% |
Đối với việc tập trung kinh tế liên quan đến tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm hoặc công ty chứng khoán sẽ áp dụng một ngưỡng thông báo khác. Một điểm đáng chú ý là, khác với cách tiếp cận của Liên minh Châu Âu (EU), Ấn Độ và Singapore, pháp luật hiện hành của Việt Nam không quy định bất kỳ miễn trừ cụ thể nào đối với nghĩa vụ nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đối với các giao dịch nội bộ trong tập đoàn. Do đó, các giao dịch tập trung kinh tế giữa các thành viên trong cùng một tập đoàn (ví dụ sáp nhập theo chiều dọc giữa công ty mẹ và công ty con, hoặc sáp nhập theo chiều ngang giữa các công ty con của cùng một công ty mẹ nhằm tái cấu trúc nội bộ) cũng thuộc trường hợp phải nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế tại Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (VCC). Sau khi các bên tham gia giao dịch gửi hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, VCC sẽ tiến hành quy trình xem xét tập trung kinh tế gồm 2 giai đoạn: thẩm định sơ bộ và thẩm định chính thức (chỉ áp dụng đối với các trường hợp phức tạp). Tổng thời gian theo quy định để thực hiện cả 2 giai đoạn này có thể đến 6 tháng.
Khi Việt Nam ngày càng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc thực hiện giao dịch nội bộ của nhiều tập đoàn đa quốc gia có các công ty con tại Việt Nam trở nên phổ biến hơn. Do đó, việc thiếu vắng quy định miễn trừ nghĩa vụ nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đối với các giao dịch nội bộ trong cùng một tập đoàn tương tự quy định của các quốc gia khác có thể trở thành một yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài do dự khi xem xét đầu tư vào Việt Nam, bởi quy trình thực hiện thủ tục hành chính kéo dài nêu trên. Ngoài ra, các giao dịch nội bộ này có thể không dẫn đến bất kỳ thay đổi nào về quyền kiểm soát đối với bất kỳ bên tham gia nào và thường được thực hiện cho mục đích quản trị và điều hành hơn là mục đích hạn chế cạnh tranh. Do đó, để duy trì sự hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đầu tư tiềm năng, vấn đề này nên được đưa ra và xem xét sửa đổi Luật Cạnh tranh trong thời gian tới.
(2) Về thủ tục thay đổi thành viên và cổ đông nước ngoài
Sau khi hoàn tất giao dịch M&A, công ty được nhà đầu tư nước ngoài mua lại phải thực hiện thủ tục thay đổi thành viên hoặc cổ đông nước ngoài với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi. Trên thực tế, các bên thường thỏa thuận thay đổi thành viên hoặc cổ đông khi giao dịch hoàn tất và quyền sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần được chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Luật Doanh nghiệp, nhà đầu trở thành thành viên hoặc cổ đông của công ty mục tiêu khi cổ phần hoặc phần vốn góp được thanh toán đủ và thông tin của nhà đầu tư được ghi vào sổ đăng ký cổ đông hoặc thành viên của công ty. Tuy nhiên, theo quy định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là thành viên, cổ đông của công ty được mua lại chỉ được xác lập sau khi hoàn tất thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông nước ngoài.
Sự không thống nhất này gây bối rối và có khả năng ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của nhà đầu tư nước ngoài đối với khoản đầu tư của họ.
(3) Về rủi ro khi giải quyết tranh chấp
Nhà đầu tư nước ngoài thường ưu tiên lựa chọn các cơ quan giải quyết tranh chấp cho các thỏa thuận mua cổ phần, bởi những cơ quan này sở hữu nhiều ưu điểm và có độ tin cậy. Ví dụ như, Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore là lựa chọn phổ biến của nhiều nhà đầu tư. Điểm hạn chế khi đưa tranh chấp ra trọng tài nước ngoài là phán quyết trọng tài phải trải qua thủ tục công nhận và cho thi hành để được thi hành tại Việt Nam.
Pháp luật Việt Nam cho phép tòa án bác phán quyết của trọng tài nước ngoài bị xem là vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, nhưng không có định nghĩa rõ ràng về “nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Vì vậy, một số nhà đầu tư lo ngại, những “nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” có thể được giải thích rộng, dẫn đến các phán quyết của trọng tài có thể bị vô hiệu hóa một cách không hợp lý.
(4) Thiếu quy định cụ thể áp dụng cho đặc thù của giao dịch M&A
Các nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp thường yêu cầu áp dụng các điều khoản được thừa nhận rộng rãi trong các giao dịch quốc tế khi đầu tư tại Việt Nam. Ví dụ, bên trong giao dịch mua bán một phần công ty có thể yêu cầu quyền được cùng bán (tag- along rights) hoặc quyền buộc bên còn lại bán cùng (drag-along rights) trong các giao dịch thoái vốn xẩy ra trong tương lai. Hoặc điều khoản thanh toán sau (earn – out) được đưa ra để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài. Những điều khoản này rất phổ biến và được áp dụng từ lâu tại các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, các điều khoản đó cũng được các bên chấp thuận và ghi nhận trọng các tài liệu giao dịch do pháp luật Việt Nam điều chỉnh. Tuy nhiên, việc thực thi các điều khoản này có thể gặp khó khăn hoặc không chắc chắn vì pháp luật Việt Nam chưa trực tiếp công nhận, hoặc thiếu các quy định tương đương. Do đó, khi xảy ra tranh chấp, tòa án Việt Nam có thể giải thích khác đi so với ý định ban đầu của các bên. Điều này có thể dẫn đến một kết quả khó đoán trước cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bên mua nước ngoài có thể yêu cầu bên bán và công ty mục tiêu tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch thông tin trong quá trình soát xét pháp lý, tuân thủ quy định về sử dụng thông tin nội bộ liên quan đến các công ty đại chúng hoặc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Pháp luật Việt Nam có quy định chung về các vấn đề này, nhưng còn thiếu quy định cụ thể để có thể áp dụng trực tiếp trong bối cảnh đặc thù của giao dịch M&A.
(5) Khó khăn trong việc phân chia lợi nhuận và rút vốn
Pháp luật Việt Nam đặt ra các điều kiện nghiêm ngặt về hoạt động phân chia lợi nhuận và rút vốn cùng với các quy định quản lý ngoại hối chặt chẽ khiến những hoạt động này khó khăn hơn. Việc chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ theo các quy định về quản lý ngoại hối và có thể cần sử dụng đồng Việt Nam, làm phát sinh các rủi ro về ngoại hối. Ngoài ra, việc thanh toán trong các giao dịch M&A có thể phải được thực hiện từ tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của công ty mục tiêu hoặc tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư tại một ngân hàng thương mại Việt Nam. Đồng thời, nhà đầu tư cần đáp ứng các yêu cầu đặc thù từ ngân hàng để chuyển tiền. Đây là một vấn đề quan trọng khi các nhà đầu tư xem xét đầu tư vào các giao dịch M&A tại Việt Nam.
3. Gỡ rối pháp lý M&A
Việc ban hành hướng dẫn rõ ràng áp dụng thống nhất cho các thủ tục liên quan đến giao dịch M&A là cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng của các giao dịch M&A tại Việt Nam. Hệ thống pháp luật có thể được điều chỉnh để hài hòa giữa pháp luật Việt Nam với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, bao gồm việc ban hành các quy định và hướng dẫn bảo đảm công nhận nguyên tắc “tự do thỏa thuận” khi các bên áp dụng các điều khoản được chấp nhận rộng rãi trong thực tiễn giao dịch quốc tế.
Các quy định pháp lý cần tập trung giải quyết nhu cầu thị trường và được xây dựng với mục tiêu áp dụng lâu dài thống nhất để khắc phục những điểm không rõ ràng, khó dự liệu của môi trường đầu tư, kinh doanh.
Hạn chế việc cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật không thống nhất cũng rất quan trọng để có thể gia tăng sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài vào khung pháp lý M&A tại Việt Nam. Bên cạnh đó làm rõ “nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” và các trường hợp áp dụng để xem xét công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài.
Giải quyết lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài về quy định ngoại hối và hạn chế các hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài cũng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động M&A tại Việt Nam.
Nhìn nhận một cách khách quan, tuy còn một số tồn tại nhưng khung pháp lý cho hoạt động M&A tại Việt Nam đã và đang được hoàn thiện với những thay đổi tích cực và được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng hoạt động M&A trong thời gian sắp tới.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Quốc hội (2010). Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
3. Quốc hội (2018). Luật Cạnh tranh năm 2018.
4. Quốc hội (2019). Luật Chứng khoán năm 2019.
5. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp năm 2020.
6. Quốc hội (2020). Luật Đầu tư năm 2020.