Thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở tỉnh Khánh Hòa

(QLNN) – Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần quan trọng trong việc chuẩn hóa ngạch, bậc của cán bộ, công chức ở tỉnh Khánh Hòa theo quy định của Nhà nước, khắc phục sự thiếu hụt các kiến thức về quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh và giúp đội ngũ này thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ đề ra, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.


1.
Triển khai thực hiện Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (ĐTBD CBCC) giai đoạn 2011 – 2015, căn cứ tình hình thực tế tại tỉnh, ngày 23/4/2012 tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU và Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 29/5/2012 về chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2012 – 2015 và định hướng đến năm 2020, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 3397A/QĐ-UBND ngày 14/12/2011 về Kế hoạch ĐTBD CBCC giai đoạn 2011 – 2015, Quyết định số 1354/QĐ-UBND ngày 05/6/2012 về Kế hoạch ĐTBD, CBCC, viên chức tỉnh Khánh Hòa năm 2012, Quyết định số 525/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành kế hoạch ĐTBD tỉnh Khánh Hòa năm 2013, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện hàng năm.

Việc ban hành những văn bản trên làm cơ sở để các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch ĐTBD CBCC hằng năm nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, chuẩn hóa đội ngũ CBCC, viên chức đến năm 2015.

Trong 3 năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp Học viện Chính trị – Hành chính khu vực III khai giảng 04 lớp cao cấp lý luận chính trị – hành chính (474 học viên, trong đó: 238 học viên đã tốt nghiệp); 04 lớp trung cấp lý luận chính trị – hành chính (hệ tập trung: 327 học viên, trong đó: 193 đã tốt nghiệp) và 20 lớp trung cấp lý luận chính trị – hành chính (hệ tại chức: 1.398 học viên, trong đó 592 học viên đã tốt nghiệp).

Về củng cố và nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng quản lý nhà nước (QLNN), kịp thời cập nhật các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong công tác QLNN cũng như quản lý chuyên ngành cho CBCC, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QLNN dành cho chuyên viên và chuyên viên chính. Trong 3 năm, tỉnh đã tổ chức 06 lớp bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên (466 học viên) và 03 lớp bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên chính (235 học viên);… Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa đã cử 14 cán bộ lãnh đạo cấp sở và tương đương đi bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên cao cấp do Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia và các cơ sở của Học viện tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh việc ĐTBD lý luận chính trị, kỹ năng QLNN, tỉnh Khánh Hòa cũng rất quan tâm đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ để chuẩn hóa đội ngũ CBCC theo tiêu chuẩn từng ngạch công chức. Điều này được thể hiện ở việc tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa có ý kiến phê duyệt chương trình đào tạo, cho phép Trường Chính trị liên kết đào tạo với các trường đại học, học viện trong cả nước để chiêu sinh, tổ chức các lớp bậc đại học, trung cấp ở nhiều chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau, như: đại học hành chính, quản lý kinh tế, công tác tư tưởng, xây dựng Đảng – chính quyền nhà nước, luật, quản lý đất đai, trung cấp hành chính, phụ vận, nông dân,…

Các lớp này đã thu hút trên 900 CBCC trong tỉnh đăng ký thi tuyển, xét tuyển để tham gia học tập, trong đó, số CBCC cấp xã tham gia học tập chiếm trên 60% và tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng với nhiều nội dung như: bồi dưỡng đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện (856 đại biểu), công tác tổ chức, công tác tuyên giáo, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy,…

Không những vậy, tỉnh Khánh Hòa rất quan tâm đến công tác ĐTBD, CBCC, viên chức ở trình độ cao như tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa I, chuyên khoa II trong và ngoài nước (tính đến tháng 12/2013 có 315 trường hợp được tỉnh cử đi đào tạo sau đại học trong nước, 27 trường hợp đi đào tạo sau đại học ngoài nước ở Bỉ, Pháp, Thái Lan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc,…) và 54 trường hợp đi học đại học theo diện cử tuyển.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành trong tỉnh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, hằng năm tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ nhằm cập nhật thông tin, kiến thức về chuyên ngành. Điển hình như: lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho CBCC thanh tra các cơ quan, đơn vị do Thanh tra tỉnh tổ chức; lớp nghiệp vụ đối ngoại thực hành, cập nhật kiến thức đối ngoại do Sở Ngoại vụ tổ chức; lớp đào tạo về nông thôn mới của Sở Xây dựng; lớp đào tạo nghiệp vụ cho giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo; hội nghị triển khai Luật CBCC, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn, lớp nghiệp vụ văn thư – lưu trữ do Sở Nội vụ tổ chức,…

Ngoài ĐTBD chuyên môn, nghiệp vụ; công tác ĐTBD ngoại ngữ, tin học cũng có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần chuẩn hóa ngạch công chức. Bên cạnh việc CBCC tự đào tạo để nâng cao trình độ ngoại ngữ theo các chương trình chứng chỉ quốc gia (tập trung ở trình độ B và C) và chuẩn quốc tế TOEIC, TOEFL, IEFLS, số lượng CBCC học các lớp đại học văn bằng 2 chuyên ngành Anh văn ngày càng tăng và có trên 250 lượt CBCC được cử tham gia các lớp Tiếng Anh thương mại để nâng cao kỹ năng giao tiếp trong công tác, trong tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu.

90 cán bộ nguồn là công chức, viên chức trẻ được dự thi để xếp lớp và chọn được 60 cán bộ nguồn đủ điều kiện tham dự lớp bồi dưỡng tiếng Anh IELTS do Trung tâm Tiếng Anh quốc tế Việt – Mỹ tổ chức đào tạo 9 tháng (dự kiến tháng 5/2014 sẽ hoàn thành và thi để lấy chứng chỉ IELTS) để đủ điều kiện đi học sau đại học trong và ngoài nước.

Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã triển khai chương trình tin học hóa công tác QLNN, do đó, hầu hết CBCC trong các cơ quan hành chính từ tỉnh đến địa phương đều sử dụng thành thạo tin học để tác nghiệp.

Tại các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và huyện Cam Lâm có đông đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, do vậy, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa rất quan tâm và chỉ đạo sở, ngành liên quan phối hợp các huyện tổ chức dạy tiếng Raglai cho CBCC, viên chức. Sau thời gian học tập, CBCC, viên chức này đã có thể giao tiếp thông thường với đồng bào dân tộc. Nhờ vậy, việc nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và tình cảm người dân được kỹ càng hơn, chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước được tuyên truyền đến bà con sâu rộng, hiệu quả hơn.

CBCC của tỉnh cũng được cử tham gia các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, trong 3 năm, có trên 150 lượt CBCC, viên chức được đi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ với nhiều nội dung khác nhau tại các nước như: Ấn Độ, Úc, Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào,…

Tỉnh cũng đã phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh mỗi năm tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho đối tượng 3 là trưởng, phó phòng và tương đương các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và tương đương (70 học viên/lớp; tổ chức 04 lớp tập huấn về kiến thức an ninh – quốc phòng và triển khai một số pháp lệnh, nghị định của nhà nước về tôn giáo dành cho chức sắc nhà tu hành các tôn giáo (gần 350 người).

Việc hướng dẫn tập sự đối với công chức trong thời gian tập sự cũng là một phần của nội dung chế độ ĐTBD. Nắm rõ quy định này, tại các cơ quan có công chức mới được tuyển dụng, căn cứ quyết định thông báo trúng tuyển công chức hành chính của Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị sử dụng công chức đã có quyết định phân công công tác và người hướng dẫn tập sự, đảm bảo người hướng dẫn tập sự là công chức cùng ngạch hoặc ngạch cao hơn, có năng lực và kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ hướng dẫn người tập sự.

Người tập sự và người hướng dẫn tập sự được các cơ quan, đơn vị sử dụng công chức đảm bảo thời gian tập sự theo quy định và thực hiện nghiêm túc về các chế độ, chính sách, được hưởng các khoản phụ cấp theo quy định của pháp luật. Kết thúc thời gian tập sự, những người được tuyển dụng này đều được thực hiện bổ nhiệm ngạch theo đúng trình tự quy định.

Về các chương trình, tài liệu ĐTBD theo tiêu chuẩn ngạch công chức để đưa vào giảng dạy đều thực hiện đúng theo nội dung của Bộ Nội vụ ban hành. Đảm bảo đúng theo khung chương trình cũng như chuẩn xác về nội dung tài liệu. Đối với tài liệu ĐTBD được phân cấp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp Trường Chính trị thực hiện biên soạn tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, xã trên cơ sở nội dung của tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh (do Bộ Nội vụ ban hành), trình Hội đồng thẩm định tài liệu của tỉnh trước khi ban hành, xuất bản, phục vụ cho các lớp tập huấn đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã được diễn ra trong tháng 3 và 4 năm 2012 (theo đó, đã có trên 3800 đại biểu HĐND cấp huyện, xã được tham gia bồi dưỡng).

Về hoạt động xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng và tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở ĐTBD. Tỉnh có chủ trương mời giảng viên kiêm chức là lãnh đạo chủ chốt của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tham gia giảng dạy giúp học viên được tiếp cận với nhiều thực tiễn phong phú ở địa phương, lãnh đạo các đơn vị hiểu hơn về công tác đào tạo của trường, trực tiếp góp phần vào quá trình này.

Hàng năm, tỉnh không chỉ dừng lại ở việc nâng cao trình độ, kỹ năng cho CBCC, viên chức mà còn hết sức chú trọng, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao kỹ năng giảng dạy, nghiệp vụ sư phạm và trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh, giáo viên ở Trung tâm Bồi dưỡng chính trị ở các huyện, thị xã, thành phố góp phần nâng cao chất lượng ĐTBD CBCC, viên chức trên địa bàn tỉnh.

2. Có thể nói, công tác ĐTBD CBCC là việc làm thường xuyên của công tác cán bộ và là một nội dung rất quan trọng trong chương trình cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, viên chức. Vì vậy, trong thời gian qua, quá trình tổ chức thực hiện đã được sự lãnh đạo sâu sát của tỉnh ủy, của cấp ủy Đảng các cấp; sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và chính quyền các cấp bằng những chương trình, kế hoạch, mục tiêu cụ thể; có chính sách, chế độ hỗ trợ, đãi ngộ kịp thời, tạo điều kiện cho CBCC, viên chức tham gia vào quá trình ĐTBD một cách hiệu quả.

Trong những năm qua, công tác ĐTBD đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ CBCC từ cấp tỉnh đến cấp xã, từng bước tiêu chuẩn hóa ngạch, bậc theo quy định của nhà nước, khắc phục sự thiếu hụt các kiến thức về QLNN, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; CBCC tự tin hơn trong công việc, đảm bảo cho công tác quy hoạch và gắn liền với nhu cầu sử dụng. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ đề ra, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ĐTBD vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như về chế độ, chính sách của tỉnh đã từng bước được điều chỉnh song do tình hình biến động tăng giá của thị trường hiện nay vẫn chưa thực sự động viên CBCC, viên chức đi học sau đại học; chưa thu hút được nhiều lực lượng trẻ, nguồn cán bộ được đào tạo trình độ cao về tỉnh công tác; trong các cơ quan hành chính, việc thực hiện cơ chế khoán chi hành chính đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc cử CBCC, viên chức đi ĐTBD; do thực hiện chủ trương di dời, quy hoạch của trường đại học, cao đẳng, Trường Chính trị tỉnh… ra ngoài trung tâm thành phố nên cơ sở vật chất, kỹ thuật của Trường Chính trị và một số cơ sở đào tạo khác chưa được bổ sung, sửa chữa đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy hiện đại như hiện nay.

Nhu cầu mở lớp ngày càng cao, số lượng học viên tập trung ĐTBD tại Trường Chính trị nhiều, nhưng nhu cầu nội trú của học viên không được đáp ứng đủ dẫn đến có một số lớp dự kiến tổ chức chưa được thực hiện kịp trong từng năm.

Quy định không giảng vượt giờ quá 200 tiết đối với giảng viên gây nhiều bất cập cho Trường Chính trị, số giờ vượt chuẩn chưa được xem xét giải quyết thỏa đáng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của giảng viên khi tham gia giảng dạy. Giảng viên kiêm chức phần lớn chưa được bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp sư phạm hay bị động vì công việc chuyên môn; hơn nữa, chế độ giảng dạy cho đội ngũ giảng viên kiêm chức đôi lúc chưa có sức lôi cuốn, thuyết phục họ toàn tâm, toàn ý với công việc có tính sư phạm, chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng cao, kinh nghiệm nhiều để tham gia công tác giảng dạy.

Các lớp ĐTBD cũng như tập huấn, do tiết kiệm kinh phí nên số lượng học viên thường rất đông (trên 80 học viên/lớp), vì vậy, việc quản lý học viên chưa được đầy đủ, toàn diện về các mặt, thời lượng dành cho thực hành có song không đủ để tất cả học viên đều có cơ hội thực hành, phát biểu, vận dụng lý thuyết vào giải quyết các tình huống cụ thể.

3. Một số kiến nghị và giải pháp trong thời gian tới được tỉnh Khánh Hòa đề xuất. Theo đó, tỉnh kiến nghị Bộ Nội vụ cần quan tâm phân bổ chỉ tiêu thuộc địa phương đi ĐTBD, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành ở ngoài nước, đồng thời, tạo điều kiện để UBND tỉnh Khánh Hòa chọn CBCC thuộc địa phương quản lý, tham gia ĐTBD cho phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đào tạo gắn liền với việc bổ nhiệm cán bộ.

Khẩn trương xây dựng phần mềm quản lý CBCC, viên chức, trong đó có quản lý về ĐTBD (hoặc chỉ đạo, khuyến khích các tỉnh xây dựng) thống nhất trên phạm vi toàn quốc để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức trong quá trình thực hiện, thao tác, tổng hợp, báo cáo từ cơ sở đến trung ương một cách nhanh chóng, kịp thời. Quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí từ các dự án để tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham mưu, hoạch định chính sách cho CBCC các cấp, đặc biệt là trưởng, phó phòng và tương đương. Duy trì kế hoạch ĐTBD CBCC của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chuyên làm công tác tổ chức ĐTBD của các Sở Nội vụ, phòng Nội vụ để được cập nhập kiến thức, rèn luyện kỹ năng nhằm thực hiện nhiệm vụ ngày càng tốt hơn.

Một số giải pháp được tỉnh xác định là cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ và tỉnh ủy; HĐND tỉnh về công tác ĐTBD CBCC, viên chức; điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, phân cấp thẩm quyền nhằm thực hiện nhanh chóng, kịp thời các chế độ hỗ trợ ĐTBD CBCC, viên chức; khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch ĐTBD CBCC ở các nội dung QLNN, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, vị trí việc làm ngay tại cơ quan, địa phương và mời giảng viên của Trường Chính trị về giảng dạy, góp phần “giảm tải” số lượng học viên đang học tại trường.

Đồng thời, góp phần tăng số lượng CBCC đủ chuẩn theo quy định; tiếp tục quan tâm hỗ trợ, trang bị phương tiện giảng dạy hiện đại, cơ sở vật chất cần thiết phục vụ giảng viên, giáo viên tham gia giảng dạy tại Trường Chính trị và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị; tiếp tục thực hiện và hoàn thiện cơ chế chính sách thích hợp nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên kiêm chức để thực hiện tốt công tác ĐTBD CBCC gắn lý thuyết với thực tiễn; tăng cường liên kết mở một số lớp đại học chuyên ngành, tạo điều kiện chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ CBCC cấp xã.

ThS. Nguyễn Thị Thúy Vân
Học viện Hành chính Quốc gia