Đảng lãnh đạo Nhà nước trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế

(QLNN) Mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước xét theo chức năng và nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm là mối quan hệ giữa lãnh đạo và quản lý. Phân tích mối quan hệ này từ tổ chức và hoạt động với thiết chế và thể chế tương ứng cùng với nhân lực, ở đây là cán bộ đảng viên của Đảng và công chức, viên chức Nhà nước, có thể nhận rõ sự khác biệt giữa Đảng và Nhà nước. Song xét theo mục đích và mục tiêu, Đảng và Nhà nước đều có sự tương đồng, hơn nữa còn thống nhất hữu cơ với nhau.
Trọng trách lịch sử mà dân ủy thác, trao quyền

Mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước xét theo chức năng và nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm là mối quan hệ giữa lãnh đạo và quản lý. Phân tích mối quan hệ này từ tổ chức và hoạt động với thiết chế và thể chế tương ứng cùng với nhân lực, ở đây là cán bộ đảng viên của Đảng và công chức, viên chức Nhà nước, có thể nhận rõ sự khác biệt giữa Đảng và Nhà nước. Song xét theo mục đích và mục tiêu, Đảng và Nhà nước đều có sự tương đồng, hơn nữa còn thống nhất hữu cơ với nhau. Sự tồn tại và hoạt động của Đảng cũng như của Nhà nước đều chỉ vì Dân, vì lợi ích và quyền lực của nhân dân, vì dân chủ và quyền làm chủ của dân – chủ thể đích thực của xã hội. Do đó, thực chất sâu xa mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước lại là mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân.

Đảng xác định rõ ràng mối quan hệ ấy trong Cương lĩnh của Đảng (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bổ sung, phát triển năm 2011): “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Đây là một trong tám mối quan hệ lớn cần được nhận thức và giải quyết đúng đắn trong thực tiễn đổi mới[1].

Mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước hình thành từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền và Nhà nước của dân, do dân, vì dân được xác lập, được xây dựng, không ngừng củng cố và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà nỗ lực cao nhất của Đảng, của Nhà nước đều hướng tới thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Giành được độc lập rồi thì phải làm cho nhân dân được hưởng tự do và hạnh phúc. Phấn đấu cho dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc – Đó là mục đích, là khát vọng và lẽ sống của Hồ Chí Minh – người sáng lập ra Đảng, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và xây đắp nền móng của chế độ mới. Người đã đấu tranh không mệt mỏi, đã hy sinh và dâng hiến cả đời mình vì hạnh phúc của nhân dân.

Theo lý tưởng cao quý đó, lý tưởng thấm đẫm chất nhân văn cách mạng, lại ở tầm cao tư tưởng của thời đại mới mà Hồ Chí Minh là người thể hiện thành đường lối chiến lược độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã ra sức thực hiện lý tưởng, mục tiêu đó.

Trong lịch sử vẻ vang 85 năm qua, Đảng ta đã ở vị thế Đảng cầm quyền và cầm quyền liên tục 70 năm nay, từ sau thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, năm 1945. Lúc đó, Đảng mới có 15 tuổi, lực lượng của Đảng mới chưa đầy 5000 đảng viên. Vậy mà, nhờ có đường lối đúng đắn, sáng suốt, biết dựa vào dân, phát huy cao độ lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của toàn dân, thực hiện “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” – một tư tưởng chiến lược thuộc về triết lý và chủ thuyết phát triển vô cùng sâu sắc, in dấu ấn của thiên tài tư tưởng, lại mẫn tiệp, thông tuệ của Hồ Chí Minh mà cách mạng đã thắng lợi, đã gặt hái “thành công, thành công, đại thành công”.

Cách mạng Tháng Tám đã giải phóng dân tộc ta, lúc đó là 20 triệu người, đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc và nhân dân ta, mở ra thời đại mới, kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta. Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên độc tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945 mãi mãi đi vào lịch sử như bản Tuyên ngôn dựng nước, Tuyên ngôn lập quốc trong thời đại mới. Nó kế thừa các Tuyên ngôn của ông cha ta từ các thời đại, triều đại trong quá khứ, phát huy truyền thống, đến hiện đại từ truyền thống, làm cho truyền thống kết tinh và thăng hoa trong thời đại mang tên Người – thời đại Hồ Chí Minh.

Nhờ đó, trong 70 năm cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước theo tư tưởng, đường lối Hồ Chí Minh, luôn nhất quán với động cơ, mục đích vì dân, nêu cao trách nhiệm với dân, dù khó khăn, thử thách như thế nào cũng quyết vượt qua, không phụ lòng tin của dân. Dù còn nhiều vấn đề Đảng chưa làm được thật tốt như mong muốn của Đảng, như nguyện vọng của dân nhưng về căn bản, uy tín và ảnh hưởng của Đảng trong xã hội, trong lòng dân là một sự thật, một thực tế lịch sử không thể phủ nhận.

Nhân dân tin tưởng và tự hào về Đảng, coi Đảng là Đảng của mình. Trong lịch sử chính trị thế giới hiện đại và đương đại, không phải Đảng Cộng sản lãnh đạo và cầm quyền nào cũng được như vậy. Để gìn giữ và phát huy giá trị cao quý này, bất luận thế nào cũng không để mất, Đảng phải gần dân, không một lúc nào lãng quên chân lý “Dân là gốc của Nước”, hành động nhất quán theo bài học hàng đầu “lấy dân làm gốc”, luôn tự thức tỉnh mình, ghi nhớ và thực hành lời dạy của Hồ Chí Minh “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trên thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân”, phải thấm thía quy luật của muôn đời “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, có dân là có tất cả, mất dân là mất hết.

Đảng cần có dân mà dân cũng cần có Đảng. Không có dân thì Đảng không có lực lượng, không có Đảng thì dân không có người dẫn dắt hành động. Liên hệ tất yếu tự nhiên này làm cho quan hệ giữa Đảng với dân là quan hệ máu thịt. Nhà nước lại là Nhà nước của dân, do dân, vì dân nên Đảng lãnh đạo Nhà nước phải sao cho Nhà nước mạnh, phải trong sạch để vững mạnh. Muốn cho nhà nước trong sạch vững mạnh thì trên hết, trước hết, Đảng phải thực sự nêu gương trong sạch vững mạnh. Đó là mấu chốt, là thực chất của vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà nước hiện nay. Đây là yêu cầu, là đòi hỏi của phát triển trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Đây cũng là tâm nguyện của Hồ Chí Minh, là ý nguyện của nhân dân ta, khi nhân dân ủy thác trọng trách cho Đảng của mình, trao quyền cho Nhà nước của mình.

Đề cao dân chủ, pháp quyền, thực hành trọng dân, trọng pháp

Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng lãnh đạo toàn dân đấu tranh chống đế quốc thực dân, phong kiến để giành độc lập tự do cho nhân dân, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ tới tự do và làm chủ. Lúc đó, chế độ thực dân phong kiến và nhà nước của nó là đối tượng của cách mạng, phải bị xóa bỏ. Đảng phải hoạt động bí mật, bị chính quyền thực dân phong kiến đặt ra ngoài vòng pháp luật, chúng dùng nhà tù, lưỡi lê, máy chém để giam cầm, tra tấn, giết hại những người cách mạng và đàn áp dân chúng, dìm phong trào cách mạng trong máu lửa.

Trong hoàn cảnh nghiệt ngã đó, nhân dân đã nuôi dưỡng, đùm bọc, che chở và bảo vệ Đảng và cán bộ đảng viên, thậm chí phải bằng cả máu của mình để giữ vững phong trào cách mạng. Đây là thời kỳ mà quan hệ giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng gắn bó keo sơn, mật thiết, động cơ, mục đích vào Đảng của những chiến sỹ trẻ tuổi là hoàn toàn trong sáng, chỉ có dấn thân và hy sinh, tuyệt nhiên không có lợi ích riêng tư, động cơ vô cùng trong sáng, đó là sự thật hiển nhiên.

Đến khi cách mạng thành công, quyền lực cũ của thực dân, phong liến, bị xóa bỏ, Nhà nước kiểu mới ra đời, do dân lập nên và do Đảng lãnh đạo. Quan hệ giữa Đảng với dân khi Đảng đã cầm quyền, giữa Nhà nước với dân khi Nhà nước đã được tạo dựng là quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Dân làm chủ và dân tham gia kiểm soát quyền lực trực tiếp và gián tiếp. Sự thay đổi này là một bước ngoặt của lịch sử. Tình hình mới, nhiệm vụ mới đặt ra nhiều yêu cầu mới mà Đảng và Nhà nước phải đáp ứng. Đảng và Nhà nước đứng trước những nguy cơ phải vượt qua.

Thứ nhất, khi Đảng đã cầm quyền, khi Nhà nước do dân ủy quyền nên có quyền lực thì rất dễ xa dân, xa rời mục đích vì dân. Cán bộ đảng viên, công chức do xa dân trở nên quan liêu, do những cám dỗ của địa vị, danh lợi, quyền chức mà không đủ dũng khí vượt qua, trở nên vụ lợi, vị kỷ, tham nhũng. Xa dân là nguy cơ lớn nhất đối với Đảng cầm quyền. Tham nhũng do lạm dụng, lợi dụng chức quyền để mưu lợi riêng một cách bất minh, bất chính là căn bệnh chỉ xảy ra trong bộ máy công quyền, ở những người được dân ủy quyền nhưng thoái hóa, biến chất, gây tổn hại cho dân, cho nước. Quan liêu tham nhũng làm suy yếu Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, Đảng lãnh đạo Nhà nước trên tư cách Đảng cầm quyền. Quan hệ giữa Đảng với Nhà nước đòi hỏi phải phân biệt rõ và phân định đúng về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm giữa Đảng với Nhà nước để Đảng thực sự lãnh đạo và Nhà nước thực sự quản lý, không lẫn lộn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, không chồng chéo, trùng lắp tổ chức bộ máy, không song trùng quyền lực trong mô hình tổ chức, trong phương thức hoạt động. Đây là vấn đề phức tạp nhất, cần phải giải quyết trong đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta.

Đổi mới hệ thống chính trị trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trước hết cần đổi mới mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước.

Đảng lãnh đạo Nhà nước và lãnh đạo xã hội nói chung sao cho đáp ứng các yêu cầu:

Lãnh đạo trên cơ sở khoa học đòi hỏi Đảng phải không ngừng nâng cao tiềm lực tư tưởng và lý luận, tôn trọng quy luật khách quan, không chủ quan duy ý chí. Đường lối, Nghị quyết của Đảng phải xuất phát từ thực tiễn, từ thực tiễn đổi mới của đất nước đến thực tiễn quốc tế, khu vực và thế giới. Thực tiễn ấy biến đổi mau lẹ, diễn biến phức tạp, tác động vào nước ta đòi hỏi Đảng phải có tầm nhìn chiến lược, đánh giá và dự báo đúng xu thế phát triển để có quyết sách kịp thời.

Lãnh đạo trên cơ sở dân chủ, phát huy vai trò động lực của dân chủ trong đổi mới và phát triển. Đảng đã xác định phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn chính bản thân mình để thúc đẩy đổi mới xã hội, do đó Đảng càng phải đẩy mạnh thực hành dân chủ trong Đảng để thúc đẩy thực hành dân chủ trong Nhà nước, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, ra sức khắc phục dân chủ hình thức và vi phạm dân chủ để tôn trọng và đảm bảo quyền dân chủ và làm chủ của người dân.

Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh, thực hành dân chủ rộng rãi sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Từ rất sớm, hơn 1/2 thế kỷ trước đây, Người đã nhìn nhận dân chủ là động lực phát triển xã hội. Lãnh đạo Nhà nước và xã hội theo các chuẩn mực dân chủ, theo nguyên tắc tập trung dân chủ hay dân chủ tập trung như Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh, phải đề cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách, không để tập trung dân chủ biến thành tập trung quan liêu ở bên trên và tự do vô chính phủ ở bên dưới.

Hiến pháp nước ta đã thể chế hóa, đã hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng đồng thời cũng xác định rõ, Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân và xã hội về những quyết định của mình. Mọi hoạt động của Đảng và cán bộ đảng viên phải phù hợp với khuôn khổ của pháp luật, bởi pháp luật là tối thượng trong nhà nước pháp quyền. Đề cao dân chủ – pháp quyền, tất yếu trong hoạt động lãnh đạo của Đảng và hành vi của các cán bộ đảng viên phải nhất quán với tinh thần trọng dân và trọng pháp, hợp hiến, hợp pháp. Phải xây dựng và gương mẫu thực hiện cơ chế bảo hiến, nghiêm khắc xử lý vi hiến, không được có bất cứ một ngoại lệ nào.

Dân chủ gắn liền quyền với nghĩa vụ, bổn phận, lợi ích và trách nhiệm. Dân chủ đòi hỏi, mọi thành viên trong xã hội đều bình đẳng trước pháp luật, không một tổ chức nào, không một ai được đứng trên, đứng ngoài pháp luật, không có bất cứ ngoại lệ nào. Pháp quyền trong nhà nước pháp quyền đòi hỏi luật pháp, kỷ cương phải nghiêm minh. Quyền lực, quyền uy và quyền năng của nhân dân – chủ thể gốc của quyền lực phải được thể hiện thành luật và được Hiến pháp, luật pháp bảo vệ.

Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, một cách dân chủ đòi hỏi phải tôn trọng quyền lực của Nhà nước, quyền lực xã hội của nhân dân, không làm điều gì mang tính áp đặt, can thiệp bằng mệnh lệnh, hành chính, không bao biện làm thay Nhà nước nhưng cũng không bao giờ xa rời các quan điểm, các định hướng nguyên tắc trong lãnh đạo Nhà nước, chú trọng công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện đường lối, Nghị quyết của Đảng của cán bộ đảng viên trong các cơ quan công quyền.

Đảng đồng thời giáo dục cán bộ đảng viên, tuyên truyền vận động quần chúng ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật, công khai minh bạch thông tin, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các cấp ủy và người đứng đầu các cấp ủy. Tiếng nói của người dân, thẩm quyền và trách nhiệm của các đại biểu của dân, của các cơ quan đại biểu cho ý chí, quyền lực, lợi ích của nhân dân phải được tôn trọng và coi trọng. Đảng lãnh đạo một cách dân chủ trong xã hội dân chủ và trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân phải làm cho Nhà nước mạnh, quản lý có hiệu lực, hiệu quả, lợi ích chính đáng và quyền của người dân, của công dân được hiến định trong Hiến pháp, trong luật pháp phải được thực hiện.

Đảng lãnh đạo Nhà nước phòng chống, đẩy lùi quốc nạn tham nhũng, phê phán, lên án và xử lý nghiêm minh theo luật pháp những hành vi bất minh, bất chính của các lợi ích nhóm làm tổn hại tới lợi ích của người dân và cộng đồng xã hội – đó là cách lãnh đạo thiết thực nhất, phục vụ lợi quyền của dân, bảo vệ dân chủ và phát huy tác dụng của nhà nước pháp quyền do Đảng lãnh đạo.

Đảng còn thực thi vai trò lãnh đạo của mình đối với Nhà nước và xã hội bằng sự gương mẫu. Theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, lãnh đạo bằng sự gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất, phù hợp nhất. Một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn. Đảng viên đi trước làng nước theo sau. Lời nói đi đôi với việc làm, đã nói thì phải làm, đã hứa thì phải thực hiện, xin lỗi phải dẫn tới hành động quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, lỗi lầm để dân tin, dân theo. Cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy càng phải nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, chịu trách nhiệm trước hết và trên hết về mọi vấn đề xảy ra trong lĩnh vực và trên địa bàn công tác của mình, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “dĩ công vi thượng”, “quang minh chính đại”, “tinh thành đoàn kết”, “phụng công thủ pháp”… Từ những yêu cầu ấy, Đảng lãnh đạo Nhà nước chú trọng vào những mắt khâu trọng yếu:

Lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa đường lối, Nghị quyết, quan điểm tư tưởng của Đảng cầm quyền thành chính sách, luật pháp, chương trình hành động thiết thực để chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, thực hiện dân quyền và phát huy dân chủ. Đây là những việc làm thiết thực nhất để phục vụ cuộc sống của người dân.

Lãnh đạo Nhà nước đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp, phấn đấu xây dựng nền hành chính công minh bạch, thông thoáng, thuận tiện cho đời sống của dân và hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân. Đảm bảo một nền tư pháp công minh, chính trực, liêm khiết, không để ai bị oan sai trong xét xử.

– Lãnh đạo Nhà nước trong công tác tổ chức và cán bộ, từ đào tạo bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ vào các vị trí công tác phù hợp, theo đúng quan điểm và chính sách cán bộ của Đảng. Đảm bảo đánh giá đúng để sử dụng đúng, phát huy tài năng, sở trường cán bộ, không để lãng phí nhân lực, trọng dụng và quý trọng nhân tài, hiền tài. Lênin và Hồ Chí Minh gắn liền tổ chức bộ máy với con người, chú trọng hiệu quả hoạt động, chất lượng công tác, có chính sách hợp lý để tạo động lực phát triển “chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên và đãi ngộ xứng đáng”.

Kiểm tra, giám sát cán bộ phải dựa vào dân, sự hỗ trợ giúp đỡ của dân. Thực hiện công việc quan trọng này là hết sức cần thiết, một mặt để phát hiện kịp thời và xử lý đúng những sai phạm, giữ cho bộ máy và con người được trong sạch, liêm khiết, mặt khác, chỉ có đẩy mạnh thực hành dân chủ từ phía người dân, lắng nghe tiếng nói của dân ở cơ sở mới có thể chống được quan liêu, giảm thiểu tới mức thấp nhất những tổn hại do tham nhũng gây ra, tiến tới đẩy lùi tham nhũng.

Trọng dân trọng pháp, tăng cường kiểm tra giám sát, đề cao pháp luật, pháp quyền còn là cách thức hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, chống lại sự tha hóa quyền lực, cái mà Hồ Chí Minh luôn chú trọng phòng ngừa dân chủ biến thành “quan” chủ, đầy tớ công bộc của dân mà lên mặt “quan” cách mạng.

Đảng lãnh đạo Nhà nước có hiệu lực, hiệu quả được đo bằng chất lượng tổ chức, chất lượng cán bộ công chức nhà nước, chất lượng quản lý xã hội và phục vụ cuộc sống dân cư. Một Nhà nước trong sạch vững mạnh do Đảng lãnh đạo là một nhà nước, từ lập pháp đến hành pháp và tư pháp hoạt động theo các nguyên tắc, chuẩn mực của nhà nước pháp quyền dân chủ hiện đại, thực hiện đúng sự ủy quyền, trao quyền của dân để phục vụ và bảo vệ dân, làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có nhà ở, được học hành, được chăm sóc sức khỏe, được tự do đi lại, được hưởng những quyền tự do dân chủ mà họ xứng đáng được hưởng – như điều mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ ngày đầu xây dựng chính thể dân chủ cộng hòa.

Mấu chốt của vấn đề vẫn là chất lượng con người, chất lượng cán bộ đảng viên công chức hoạt động trong các cơ quan công quyền.

Như đã nói, xa dân và thiếu tinh thần trách nhiệm phục vụ dân, rơi vào tình trạng quan liêu tham nhũng, hại dân, hại nước, luôn luôn là nguy cơ tha hóa quyền lực. Chỉ có sức mạnh của dân chủ và pháp quyền mới có thể đề phòng và khắc phục được nguy cơ đó. Trong tình hình hiện nay, Đảng lãnh đạo Nhà nước còn phải hết sức chú trọng lãnh đạo Nhà nước thực thi công tác dân vận. Dân vận không chỉ là việc của Đảng, của đoàn thể mà còn là trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Mọi cơ quan công quyền, mọi cán bộ công chức phải coi trọng dân vận, gần dân, hiểu dân, tin dân, trọng dân, vì dân là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đạo đức, là văn hóa dân chủ mà mỗi người phải thường xuyên thực hiện. Dân vận đúngkhéo việc gì cũng xong, việc khó mấy có dân ủng hộ cũng giải quyết được. Dân vận kém và dở, việc có dễ cũng không thành vì không có sự hậu thuẫn từ dân. Dân chủ và dân vận, đoàn kết và thanh khiết, đó là những chỉ số đo lường về sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, của Nhà nước do Đảng lãnh đạo.

Đề cao đạo đức công chức, kỷ luật công vụ, vấn đề thời sự hiện nay của Nhà nước mà Đảng quan tâm lãnh đạo thực hiện

Người dân, công dân trong quan hệ với Nhà nước qua những người đại diện của Nhà nước, đó là công chức và đội ngũ công chức, nhất là qua thái độ ứng xử, hành xử của họ với dân, khi tiếp dân.

Dân cũng đánh giá hành vi, việc làm, đạo đức của cán bộ đảng viên một cách khách quan, công bằng, trung thực nhất, từ đó có thể thấy hiện trạng của Đảng, của Nhà nước ra sao. Đảng lãnh đạo Nhà nước trong đổi mới và hội nhập quốc tế không thể xem nhẹ công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục và kiểm soát cán bộ đảng viên của mình.

Cách tốt nhất trong việc đẩy mạnh đổi mới chính trị, cải cách hành chính, cải cách tư pháp lúc này là quan tâm và thực hiện bằng các chủ trương, chính sách, cơ chế, chế tài đủ mạnh và đồng bộ để nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cán bộ công chức. Đây lại là chỗ yếu kém, bất cập hiện nay.

Phải sắp xếp lại hệ thống tổ chức bộ máy, bố trí nhân lực sao cho người giỏi, người tốt phải được trọng dụng, phải tăng cường kiểm tra chất lượng công việc, xác lập hệ thống các tiêu chí đánh giá đảm bảo cho bộ máy mạnh nhờ cán bộ tốt, cán bộ giỏi, có như vậy dân mới được thụ hưởng lợi ích từ Nhà nước của mình.

Tăng cường chất lượng, sàng lọc đội ngũ, theo phương châm thà ít mà tốt, khắc phục vấn nạn về tổ chức và biên chế ngày một phình ra mà việc không chạy, sức ỳ lớn, hiệu quả thấp, nhân dân than phiền cả về đức lẫn tài của không ít quan chức, công chức vẫn nhận là công bộc của dân.

Đề cao đạo đức công chức, xiết chặt kỷ luật công vụ trong bộ máy Nhà nước, xây dựng văn hóa công vụ, văn hóa công sở đang là một đòi hỏi bức xúc hiện nay.

Đảng lãnh đạo Nhà nước trên lĩnh vực xung yếu này, cần học tập và làm theo lời dạy của Hồ Chí Minh về công chức, công vụ trong nhà nước pháp quyền, trong xã hội dân chủ. Người đòi hỏi công chức phải thạo chính trị, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy, mẫn cán, kính trọng lễ phép với dân, nêu cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, ra sức thực hành cần kiệm liêm chính để xứng đáng là người đầy tớ tận tụy, công bộc trung thành của nhân dân./.

Chú thích:
1. Tám mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ (Văn kiện Đại hội XI, NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr.72-73).

GS.TS. Hoàng Chí Bảo
Hội đồng Lý luận Trung ương