Xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện chiến lược cải cách Tư pháp trong thời kỳ phát triển mới của đất nước theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

(QLNN) – Xây dựng nhà nước pháp quyền, nền dân chủ, thực hiện chương trình cải cách hành chính và đẩy mạnh thực hiện chiến lược cải cách tư pháp vì mục tiêu phát triển con người hài hòa với phát triển cộng đồng đang hối thúc phải đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế. Đại hội XII, từ trong Văn kiện và Nghị quyết đã đặt ra hàng loạt vấn đề về tổ chức bộ máy, về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, về trình độ và phong cách quản lý của Nhà nước và năng lực sáng tạo, chủ động của nhân dân trên tư cách làm chủ với vai trò người chủ. 

Đại hội XII – mốc son đánh dấu sự mở đầu cuộc đổi mới lần thứ hai ở nước ta

Trải qua thực tiễn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã đạt được bước trưởng thành về tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và xây dựng CNXH ở Việt Nam. Hệ thống quan điểm lý luận của Đảng được thể hiện rõ rệt trong Cương lĩnh 1991 và Cương lĩnh 2011 – bổ sung, phát triển. Đây là Cương lĩnh của đổi mới, hội nhập và phát triển, nhất là phát triển bền vững và hiện đại hóa. Tư duy lý luận của Đảng ta là tư duy về phát triển, thể hiện tập trung ở chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030 và tới nửa đầu thế kỷ XXI với năm quan điểm phát triển nhanh và bền vững.

Đảng ta đã có những tổng kết lý luận – thực tiễn 20 năm và 30 năm đổi mới. Các Văn kiện của các Đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới được hình thành từ những tổng kết lớn và rất quan trọng đó, đặc biệt là Văn kiện Đại hội XII vừa qua.

Nếu Đại hội VI, 30 năm về trước là một mốc son trong lịch sử biên niên của Đảng – Đại hội mở đầu công cuộc đổi mới ở nước ta khi Đảng khởi xướng và lãnh đạo thực hiện đổi mới thì Đại hội XII tiếp thêm một mốc son mới trong lịch sử đổi mới của Việt Nam thời đương đại, do Đảng lãnh đạo. Đại hội XII mở ra một thời kỳ phát triển mới của nước ta. Thời kỳ phát triển mới đó có thẻ ví như mở đầu cuộc đổi mới lần thứ hai của nước ta.

Đổi mới lần thứ nhất, qua 30 năm, lấy đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế làm tiền đề nhận thức để chuyển mô hình phát triển, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp và bình quân sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, áp dụng cơ chế thị trường và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường (KTTT), mở cửa và hội nhập quốc tế để phát triển với những bước tiến lớn về nội lực, nội sinh như hiện nay.

Đổi mới lần thứ nhất đã mở đầu quá trình giải phóng lực lượng sản xuất, dân chủ hóa toàn diện các lĩnh vực của đời sống, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của xã hội, từ đó từng bước hình thành nhận thức mới về CNXH Việt Nam và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam – một con đường đặc thù, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, quá độ lên CNXH. Đổi mới của Việt Nam, do đó là đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. “Định hướng xã hội chủ nghĩa” biểu đạt một hàm nghĩa lý luận sau đây:

– Trước hết, đó là xu hướng khách quan, là tất yếu lịch sử của sự phát triển Việt Nam là phát triển tới CNXH, thực hiện quy luật độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

– Định hướng xã hội chủ nghĩa tương ứng với thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Đó là một quá trình lâu dài, từ định hướng xã hội chủ nghĩa tới định hình CNXH ở Việt Nam.

– Định hướng xã hội chủ nghĩa nói lên đổi mới của Việt Nam là đổi mới nguyên tắc, là kiên định con đường phát triển xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Đổi mới không với nghĩa là từ bỏ CNXH, trái lại đổi mới để CNXH sẽ bộc lộ đúng hơn và đầy đủ hơn những tính ưu việt thuộc về bản chất của CNXH. Do đó, việc khẳng định đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa như một nguyên tắc tổng quát trong đường lối chính trị của Đảng, thể hiện sự trung thành một cách sáng tạo của Đảng ta đối với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã vượt qua những bước ngoặt lớn. Ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng sau 10 năm đầu của đổi mới; ra khỏi tình trạng lạc hậu của một nước kém phát triển, trở thành nước phát triển, dù còn dừng ở mức thu nhập trung bình thấp. Đặc biệt quan trọng là, trong việc xử lý thành công cuộc khủng hoảng, Việt Nam đã không để xảy ra khủng hoảng chính trị, vẫn tạo lập được ổn định chính trị – xã hội tích cực làm tiền đề và điều kiện để đổi mới và phát triển.

Một trong những mối quan hệ lớn phản ánh quy luật của đổi mới và phát triển của Việt Nam là quan hệ giữa ổn định với đổi mới và phát triển, trong đó ổn định là tiền đề, điều kiện, đổi mới là phương thức, con đường và phát triển là mục đích. Nhờ đổi mới, Việt Nam đã thay đổi tư duy về mô hình phát triển, từ phát triển tuyến tính, đơn trị (chỉ một hệ thống – hệ thống Xô Viết, xã hội chủ nghĩa) sang phát triển bằng mở cửa, hợp tác song phương, đa phương với các nước trên thế giới, dù khác nhau về ý thức hệ nhưng không để sự khác biệt ý thức hệ trở thành rào cản đối với hợp tác, cạnh tranh trong phát triển.

Nhờ đó, Đảng ta đã đặt quan hệ bang giao với các Đảng chính trị tư sản cầm quyền ở các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây, ra khỏi tình trạng khép kín, biệt lập, tự khép mình trong thế ốc đảo giữa thế giới, không thuận với xu thế toàn cầu hóa và mất tính triển vọng trong phát triển. Một điểm nhấn trong đổi mới tư duy của Đảng ta là, nhận rõ KTTT không đồng nhất với chủ nghĩa tư bản, nó chính là thành quả của nền văn minh mà CNXH có thể và cần phải áp dụng. Đó là một tất yếu kinh tế để phát triển tới xã hội hiện đại, cũng là tất yếu kinh tế để phát triển dân chủ và xây dựng nhà nước pháp quyền (NNPQ). Việt Nam quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nhưng không thể bỏ qua những thành tựu kinh tế, khoa học – kỹ thuật – công nghệ, quản lý xã hội với thiết chế và thể chế nhà nước dân chủ – pháp quyền mà nhân loại đã đạt được trong thời đại tư bản chủ nghĩa.

Những chuyển biến nhận thức trên đây là kết quả nghiên cứu, khảo sát và tổng kết từ thực tiễn, cả thực tiễn trong nước và thực tiễn thế giới, quốc tế và khu vực. Chính xuất phát từ thực tiễn mà tư duy lý luận của Đảng hình thành và phát triển, mang tính khách quan, khoa học và biện chứng, khắc phục những hạn chế bởi chủ quan, duy ý chí, bệnh giáo điều, phiến diện, siêu hình đã từng mắc phải.

Thực tế đổi mới với KTTT và dân chủ hóa đã giúp chúng ta nhận thức ngày càng rõ hơn về dân chủ và NNPQ. Đó là những giá trị mục tiêu và những nhân tố động lực của phát triển, đồng thời là đặc trưng và phương hướng của CNXH ở Việt Nam. Công cuộc đổi mới lần thứ hai với Đại hội XII đánh dấu thời kỳ phát triển mới của nước ta sẽ coi đây (dân chủ và NNPQ) là những vấn đề cốt yếu của đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế.

Thời kỳ phát triển mới của đất nước đã mở ra – thời cơ, vận hội mới để phát triển đan xen rất phức tạp với những thách thức và nguy cơ. “Cuộc đi” lần này của Đảng và nhân dân ta sẽ khó khăn hơn trước rất nhiều bởi nó không còn là sự khởi động như trước đây mà là phát triển và phát triển bền vững, là đẩy mạnh hội nhập sâu vào đời sống thế giới, là đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, là tái cấu trúc kinh tế, bảo toàn và gìn giữ môi trường sinh thái đang đứng trước những thảm họa toàn cầu.

Đổi mới lần thứ hai, phải chuyển nước ta từ một nước nông nghiệp thành nước công nghiệp, phải xây dựng nền KTTT hiện đại; đồng thời phải tiến tới kinh tế tri thức với sự gia tăng chất xám, trí tuệ và công nghệ thay thế cho kinh tế tài nguyên, kinh tế gia công cho nước ngoài, phải vượt qua các điểm nghẽn bằng các đột phá tương ứng, phải phòng tránh nguy cơ rơi vào phản phát triển. Muốn được như vậy, phải làm cho yếu tố nội sinh từ văn hóa và chất lượng giá trị con người Việt Nam đủ mạnh để đi tới mục tiêu phát triển bền vững.

Với cuộc đổi mới lần thứ hai này, Đảng ta đã xác định “Phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa và con người làm nền tảng tinh thần, tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”1. Những định hướng quan điểm phát triển đó, tự nó đặt ra và đòi hỏi xây dựng NNPQ, xây dựng và thực hành dân chủ, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) phải là những mắt khâu xung yếu, tạo ra đột phá của phát triển.

Quan điểm của Đại hội XII về dân chủ, nhà nước pháp quyền, cải cách hành chính và cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

1) Về dân chủ và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thành tựu của 30 năm đổi mới là thành tựu nổi bật của dân chủ hóa, nhất là dân chủ hóa kinh tế và dân chủ hóa chính trị – hai lĩnh vực thiết yếu của đời sống xã hội. Mặt khác, thành tựu của đổi mới toàn diện các lĩnh vực ở nước ta, từ đối nội đến đối ngoại sở dĩ có được là nhờ ở động lực dân chủ, do tác động tích cực của dân chủ đem lại.

Đó là một thực tế mà ai ai cũng có thể nhận thấy. Người dân được thụ hưởng lợi ích thiết thân hàng ngày đã cảm nhận rõ ràng tác dụng của dân chủ. Nó thực sự đem lại cho xã hội luồng sinh khí mới để phát triển, để giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của xã hội.

Thực tiễn phát triển đất nước trong đổi mới và những thành tựu của dân chủ đã xác nhận một luận điểm sâu xa về tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh: “Dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân”. “Thực hành dân chủ rộng rãi là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”. Mặc dù vậy, dân chủ vẫn còn là vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để phát triển lý luận về dân chủ và đẩy mạnh thực hành dân chủ, nhất là thực hành dân chủ trong Đảng, khắc phục triệt để tình trạng dân chủ hình thức và vi phạm dân chủ, quyền làm chủ của người dẫn vẫn xảy ra ở không ít nơi.

Đề cập tới những hạn chế đó, Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ: Nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương, pháp luật còn tồn tại ở nhiều nơi. Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức. Có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội2.

Văn kiện Đại hôi XII cũng chỉ ra những nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó: “Hệ thống pháp luật, cơ chế, quy chế tổ chức và các điều kiện để thực thi dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân còn thiếu và chưa đồng bộ. Không ít cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước, cán bộ đảng viên chưa là tấm gương về phát huy dân chủ trong xã hội”3. Từ đó, Đại hội XII đã xác định phương hướng, nhiệm vụ phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Nhiều luận điểm quan trọng được nhấn mạnh về phương hướng, nhiệm vụ phát huy dân chủ. Đó là: 1) Khẳng định mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. 2) Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. 3) Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình ra quyết định, liên quan đến lợi ích cuộc sống của nhân dân. 4) Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân. 5) Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. 6) Thực hiện quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013, tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở…4

Đặc biệt là, phải thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”5, phải phát huy dân chủ trong Đảng, coi đó là hạt nhân thúc đẩy dân chủ trong xã hội, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước6. Quy định về giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý7. Phát huy dân chủ gắn liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đạo đức xã hội… Phê phán dân chủ cực đoan, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Những luận điểm nêu trên cho thấy, dân chủ đòi hỏi phải tôn trọng, đề cao vai trò chủ thể của dân, phải chú trọng đặc biệt vào hiệu lực thể chế, nêu cao trách nhiệm pháp lý và nghĩa vụ đạo đức của cán bộ đảng viên, công chức, đồng thời phải kiên quyết xử lý theo pháp luật những hành vi phản dân chủ. Đó là những điểm mới được đề cập trong Văn kiện Đại hôi XII về dân chủ.

2) Về xây dựng và hoàn thiện NNPQ xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội XII nêu bật vai trò của Hiến pháp 2013 – đạo luật cơ bản, cao nhất, luật gốc của Nhà nước ta, những chuyển động tích cực trong hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và Tòa án cũng như Viện Kiểm sát trong thực hiện và bảo vệ quyền lực nhân dân, những bước tiến đầu tiên của CCHC và tư pháp.

Đánh giá những hạn chế, khiếm khuyết trong tổ chức và hoạt động Nhà nước, Văn kiện Đại hội XII nêu rõ: Chưa chế định rõ, đồng bộ và hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước các cấp. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của Nhà nước chưa hợp lý, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định còn hạn chế. Kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém8. Những hạn chế, khiếm khuyết đó có phần do nguyên nhân khách quan, có phần do nguyên nhân chủ quan gây ra, mà chủ quan là chủ yếu.

Đại hội XII xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện NNPQ trên các vấn đề sau đây:

– Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Chú trọng vào sự hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, hiệu lực, hiệu quả của NNPQ.

– Xác định và thực hiện cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực Nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước. Thực hiện và kiểm soát các quyền ở các cấp chính quyền. Xác định, phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương.

– Hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp, chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử, đánh giá tín nhiệm và công khai kết quả đánh giá đó. Gắn kết sự giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận và nhân dân9.

Nhà nước là thiết chế quyền lực, là giường cột của hệ thống chính trị. Trong xây dựng và hoàn thiện NNPQ phải chú trọng vào bộ máy, thể chế, quan hệ giữa thẩm quyền và trách nhiệm, giữa chức năng và nhiệm vụ giữa các bộ phận trong cấu trúc Nhà nước, giữa Đảng, Nhà nước với Mặt trận, đoàn thể. Cải cách bộ máy theo hướng tái cấu trúc là vấn đề quan trọng, bức xúc nhất nhưng cũng phức tạp nhất, phải tiến hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, liên quan tới sự đồng bộ giữa thể chế – chính sách – cơ chế và con người.

Từ góc nhìn chính trị và hệ thống chính trị, Đại hội XII đã đề ra một chủ trương lớn, có tính cách mạng và đột phá: sắp xếp lại tổ chức bộ máy giữa hệ thống Đảng và hệ thống Nhà nước, hợp thành một tổ chức đối với những tổ chức Đảng và Nhà nước giống nhau về chức năng, nhiệm vụ. Nó liên quan tới mô hình cầm quyền, phương thức cầm quyền của Đảng trong lãnh đạo Nhà nước10.

3) CCHC và tư pháp là vấn đề rất phức tạp, được đặt ra từ nhiều năm nay, nhất là CCHC Nhà nước, lấy cải cách thủ tục hành chính làm khâu đột phá nhưng trên thực tế, sự chuyển biến chưa đáp ứng kịp yêu cầu của thực tiễn.

Để tiếp tục giải quyết yêu cầu CCHC và CCTP theo chương trình và chiến lược đã vạch ra, Đại hội XII nêu rõ phương hướng và nhiệm vụ chủ yếu như sau: thực hiện chương trình tổng thể CCHC Nhà nước theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ – pháp quyền, quy định trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan Nhà nước.

Giảm mạnh, bãi bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, đẩy nhanh việc áp dụng Chính phủ điện tử. Mục đích đặt ra chính là tiếp tục dân chủ hóa, khoa học hóa nền hành chính quốc gia, tạo ra một nền hành chính minh bạch, thông thoáng, hướng vào phục vụ xã hội, mà cụ thể là lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Về chiến lược CCTP, Đại hội XII đặt vấn đề xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại, bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân11. Đây là mục tiêu cơ bản và lâu dài của chiến lược CCTP, phù hợp với yêu cầu hoàn thiện NNPQ và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Để thực hiện mục tiêu, Đảng lãnh đạo Nhà nước, trong đó có tư pháp trong việc phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp – hệ thống Tòa án và hệ thống Viện Kiểm sát. Văn kiện Đại hội XII còn nhấn mạnh, phải cụ thể hóa đầy đủ các nguyên tắc hiến định về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân và hoạt động xét xử.

Một vấn đề rất cơ bản đã được nêu ra như một nguyên tắc pháp lý cần phải được thực hiện trong thực tế, đó là tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, của đương sự12. Đây không chỉ là yêu cầu của khoa học pháp lý mà còn là tính dân chủ, công minh theo luật pháp xuất phát từ tôn trọng và thực hiện các quyền cơ bản của con người, của công dân trong NNPQ. Phải làm cho các quan hệ xã hội thấm nhuần tính pháp lý, tính nhân văn của dân chủ trong hoạt động xét xử, trong hoạt động tư pháp.

Đảng ta còn nhấn mạnh, tiếp tục xã hội hóa một số hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp có đủ điều kiện13. Điều này là cần thiết và phù hợp với việc tăng cường dân chủ hóa hoạt động tư pháp, chú trọng chức năng xã hội, dịch vụ pháp lý, phục vụ người dân của NNPQ.

Trong quan hệ với Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức Tòa án và phải tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra14. Cơ quan điều tra cần phải được kiện toàn tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra, cũng như chất lượng, hiệu quả hoạt động của luật sư, bổ trợ tư pháp.

Trong xu hướng dân chủ hóa và hiện đại hóa NNPQ ở nước ta, Văn kiện Đại hội XII còn đề cập tới hệ thống chính quyền địa phương, tiếp tục làm rõ và thực hiện việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý, phân biệt và phân định sự khác biệt đặc thù giữa quản lý của chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn, hải đảo, trong đó có vấn đề về tính hợp lý của mô hình tổ chức. Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo và chế độ trách nhiệm trong quản lý, trong các cấp quản lý nhà nước của nền hành chính quốc gia.

Để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ cải cách to lớn đó, mấu chốt là vấn đề tổ chức bộ máy và con người, phải kiến tạo tổ chức mạnh nhờ vào tính hợp lý, khoa học của nó cùng với cải cách mạnh thể chế và chất lượng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, thành thạo nghiệp vụ, công vụ và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ với đạo đức công chức theo các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Kèm theo đó là chính sách tạo động lực cho đội ngũ công chức, viên chức phát triển năng lực chuyên môn, trách nhiệm xã hội và hoàn thiện nhân cách.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính, được ràng buộc bởi những quy định, cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực. Đó là những điểm mới, quan trọng trong Văn kiện Đại hội XII về dân chủ, NNPQ, CCHC và CCTP, trong nỗ lực chung tổng thể đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế ở nước ta trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu và tổng kết thực tiễn nhằm phát triển lý luận về dân chủ và nhà nước pháp quyền ở nước ta

– Nhà nước ta là NNPQ xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nền dân chủ mà chúng ta xây dựng và thực hành là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc. Dân là chủ thể gốc của quyền lực, là chủ thể ủy quyền cho Nhà nước và Nhà nước là chủ thể thực thi, bảo vệ quyền lực nhân dân. Có thể nói, dân là chủ sở hữu Nhà nước của chính mình cho nên dân cũng là chủ thể, chủ động kiểm soát quyền lực mà mình đã ủy thác để bảo vệ quyền lực khỏi mọi sự tha hóa. Vì vậy, để cho tư tưởng cốt lõi này của dân chủ – pháp quyền được thực hiện, được hiện thực hóa, phải làm tường minh các chủ trương, giải pháp sau đây:

+ Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước các cấp trong NNPQ mà tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Có cơ chế phân công và có cơ chế phối hợp giữa các thiết chế cấu thành Nhà nước, giữa các quyền lập pháp – hành pháp – tư pháp. Lại có cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất. Lại xác định quyền hạn và nhiệm vụ của mỗi quyền15. Đó là những vấn đề phải làm sáng tỏ.

+ Trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt đối với Nhà nước, Đảng ta chủ trương “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý thống nhất của Trung ương16. Trong khi đó, “quyền lực nhà nước là thống nhất” (thường được hiểu là không phân chia, không “tam quyền phân lập”). Vậy phải hiểu về lý luận và xử lý trong thực tiễn như thế nào?

– Việc “hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng nhiệm vụ”17. Đảng ta chủ trương “nghiên cứu thực hiện thí điểm”. Vậy thí điểm để thực hiện phổ biến hay giới hạn ở cấp nào (ví như nhất thể hóa chức danh lãnh đạo và quản lý hoặc bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy ở cơ sở, ở cấp huyện như đã làm)? Có kế hoạch, thời gian hay không? Trên thực tế, cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ là phổ biến chứ không phải cá biệt (do mô hình song trùng) và đậm nét nhất là ở Trung ương. Vậy phải giải quyết như thế nào cho “đột phá này”? Vấn đề đặt ra là “nhất thể hóa bộ máy” chứ không chỉ “nhất thể hóa chức danh”. Nó có liên quan tới mô hình cầm quyền của Đảng18 với giải pháp có thể hay không thể “Đảng hóa thân vào Nhà nước”?

– Vấn đề công chức, chỉ giới hạn ở khu vực công quyền, hay trong toàn bộ hệ thống chính trị, dẫn tới công chức hóa toàn bộ nhân sự, nhân lực của hệ thống chính trị, ở tất cả các cấp, tạo ra tình huống nan giải hiện nay. Hướng giải quyết thế nào trong cải cách bộ máy?

– Vấn đề xã hội dân sự và tạo môi trường cho sáng tạo, cho khởi nghiệp sáng tạo hiện nay?

– Vấn đề chống tham nhũng, đẩy lùi quốc nạn nguy hiểm này cần phải có những giải pháp mạnh khác trước ra sao để có kết quả? Đáp số trong sạch vững mạnh của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị là ở đây. Vậy phải giải quyết như thế nào? Đó là năm vấn đề cần nghiên cứu, tổng kết tiếp./.

Chú thích:
1.2.3.4.5.6.7.8.9.10.11.12.13.14.15.16.17.18. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XII, Văn phòng Trung ương Đảng. H.2016, tr.17; tr.168; tr.169; tr.170; tr.170; tr.170; tr.173; tr.178; tr.203; tr.179; tr.179; tr.179; tr.179; tr.176; tr.176; tr.215; tr.203; tr.217.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo
Hội đồng Lý luận Trung ương