Một số giải pháp nhằm triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

(QLNN) – Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 đã được thực hiện đồng bộ, tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo và tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn. Do đó, cần có những giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của cả nước.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: https://vtc.vn).
Tình hình thực hiện công tác giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua

Trên cơ sở Hội nghị tổng kết các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐTƯ) các CTMTQG đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2016 – 2020 và các chính sách giảm nghèo hiện hành (y tế, giáo dục, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhà ở, tín dụng…).

Kết quả cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước cuối năm 2018 giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017), trong đó: tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3 – 4% so với cuối năm 20171. Kết quả cụ thể:

Thứ nhất, về ban hành các cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện CTMTQG.

Hệ thống văn bản chính sách thực hiện CTMTQG GNBV giai đoạn 2016 – 2020 đã được Chính phủ, các bộ, ngành ban hành một cách đồng bộ, đầy đủ nhằm tạo điều kiện cho các bộ, ngành và cơ quan địa phương triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả nhất. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 5 nghị định và 1 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 7 quyết định; các bộ, ngành như: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH); Bộ Tài chính; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… ban hành các văn bản tổ chức thực hiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện CTMTQG giai đoạn và hằng năm2.

Đối với địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ địa bàn nghèo, hộ nghèo, hộ DTTS ít người, hộ nghèo DTTS, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin… Trong năm 2018, có 21 tỉnh, thành phố tiếp tục ban hành các chính sách giảm nghèo đặc thù trên địa bàn và 42 tỉnh, thành phố ban hành các văn bản liên quan đến thực hiện CTMTQG GNBV giai đoạn 2016 – 20203.

Thứ hai, công tác kiểm tra, giám sát.

Công tác kiểm tra, giám sát được triển khai theo kế hoạch hoạt động của BCĐTƯ các CTMTQG và Thông tư số 39/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH với hệ thống biểu mẫu thu thập thông tin, báo cáo thống nhất áp dụng cho toàn Chương trình. Kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy, các địa phương cơ bản thực hiện đầy đủ các nội dung của Chương trình, bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng.

Quy trình triển khai từ khâu lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện bảo đảm nguyên tắc công khai, có sự tham gia của người dân, cộng đồng. Các hoạt động của Chương trình phù hợp với quy hoạch chung của địa phương, đồng thời, gắn liền với mục tiêu giải quyết các nhu cầu bức thiết của cộng đồng, tạo được sự đồng thuận và tin tưởng của đồng bào trong suốt quá trình triển khai Chương trình.

Chẳng hạn, Bộ LĐTBXH  đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ phát động, công bố thể lệ cuộc thi các tác phẩm báo chí (lần 2) về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020; tổ chức nhiều cuộc đánh giá CTMTQG về GNBV giai đoạn 2016 – 2020; về mô hình giảm nghèo và GNBV thông qua hoạt động đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; tổ chức 3 lớp tập huấn cho trên 400 cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp tỉnh, huyện năm 2018 tại Đồng Tháp, Ninh Bình và Hà Tĩnh4.

Thứ ba, thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo.

Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu GNBV đến năm 2020. Trong đó, ngân sách trung ương bố trí thực hiện năm 2018 là 7.305 tỷ đồng. Ngoài số kinh phí bố trí trong cân đối ngân sách địa phương, dự toán năm 2018, ngân sách trung ương bố trí tăng thêm khoảng 15.897 tỷ đồng để thực hiện một số chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo để hỗ trợ chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế; chính sách bảo đảm xã hội hỗ trợ tiền điện hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, hỗ trợ hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg, kinh phí bảo trợ xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, kinh phí trợ giúp pháp lý5.

Các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước trong quý I/2019 được bảo đảm chặt chẽ, theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Bộ Tài chính đã trích 450,6 tỷ đồng ngân sách trung ương năm 2019 cho các địa phương để hỗ trợ khẩn cấp về nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai từ năm 2016 – 2018; đồng thời, xuất cấp 46,8 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ nhân dân trong dịp tết Nguyên đán và học sinh vùng khó khăn6.

Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các địa phương cũng thực hiện huy động xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo, tặng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách, người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó, vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất – kinh doanh, tạo việc làm cho gần 243 nghìn lao động; giúp gần 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 51 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 1,4 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng trên 30 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 2,8 nghìn căn nhà ở xã hội…7

Thực hiện Chương trình 30a về nội dung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đối với đầu tư xây dựng và duy tu các công trình hạ tầng. Trong đó, ưu tiên đầu tư giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, kênh mương nội đồng… Đến nay, đã có 22/291 xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 8 huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn…8.

Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, đến nay, các địa phương đã triển khai phân bổ cho các huyện và các xã để triển khai thực hiện, với “trên 810 dự án, hỗ trợ trên 30.000 hộ, tập trung hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật… theo dự án vào các cây, con chủ lực có lợi thế của địa phương như cây ăn quả, chè, cây dược liệu, rau sạch, chăn nuôi bò, dê, lợn bản địa…”9.

Việc hỗ trợ đưa lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đi lao động có thời hạn ở nước ngoài được các địa phương có huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thực hiện cho 1.037 lao động tham gia đào tạo để đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện 40 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 3.332 người; 14.681 lượt lao động được tư vấn giới thiệu việc làm sau khi về nước.

Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã thực hiện ký 26 hợp đồng đặt hàng đào tạo hỗ trợ cho 1.386 người lao động đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua Trung tâm Lao động ngoài nước, tổ chức 02 lớp tập huấn cho 160 cán bộ thuộc tỉnh Kon Tum và Bắc Kạn10.

Thực hiện Chương trình 135 về dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng đã đầu tư khoảng 3.250 công trình, tập trung cho các công trình giao thông, thủy lợi, công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình y tế, nước sinh hoạt, công trình điện, trường học và công trình khác…

Các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu đã bố trí ngân sách địa phương đúng như quy định để thực hiện Chương trình; đối với tỉnh sử dụng ngân sách địa phương còn lại là tỉnh Khánh Hòa, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu những năm qua, thiên tai diễn ra thường xuyên đã tàn phá nặng nề hạ tầng kỹ thuật, gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn tỉnh gây khó khăn cho việc đầu tư hỗ trợ cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135.

Đối với triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, đã triển khai trên 280 dự án hỗ trợ sinh kế và hỗ trợ mô hình giảm nghèo, hỗ trợ cho 13.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tập trung cho các xã ngoài Chương trình 135, Chương trình 30a nhưng có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao.

Việc hỗ trợ đã gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng thu nhập của hộ nghèo từ 15 – 20%; bình quân có khoảng 15% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo; 100% người nghèo tham gia mô hình được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai thực hiện dự án, bổ sung kiến thức công tác giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ cơ sở11.

Trong thực hiện dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp với cơ quan báo, đài phát thanh, truyền hình bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú thực hiện biên soạn, in và phát hành các tin bài, phim tài liệu, tuyên truyền về chính sách, chương trình giảm nghèo, về các gương hộ nghèo làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và giảm nghèo;

Đồng thời, tổ chức 297 lớp để tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo cho khoảng 17.810 lượt tuyên truyền viên, báo cáo viên; tổ chức 44 buổi tọa đàm, 555 cuộc đối thoại chính sách giảm nghèo cho khoảng 46.163 lượt người; tổ chức được khoảng 91 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 10.177 lượt cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở; thực hiện hỗ trợ 290 tivi và 500 radio cho các hộ nghèo; trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động cho 100 huyện và 198 xã; xây dựng, nâng cấp 218 điểm thông tin, tuyên truyền cổ động ngoài trời ở 311 xã nghèo12

Qua đó, đã truyền tải chính sách, chương trình giảm nghèo đến đông đảo cộng đồng, người dân; khuyến khích, động viên người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo.

Nhằm nâng cao năng lực và giám sát đánh giá, Bộ LĐTBXH cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp tỉnh, huyện về các chủ trương, chính sách mới về giảm nghèo, hướng dẫn đánh giá giữa kỳ CTMTQG GNBV giai đoạn 2016 – 2020… Các hội đoàn thể (Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) cũng đã tổ chức các lớp tập huấn công tác giảm nghèo cho đoàn viên, hội viên các tỉnh, thành phố.

Tại các địa phương, tổ chức tập huấn cho hàng nghìn cán bộ giảm nghèo các cấp và người dân. Qua đó giúp cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở cơ sở có thêm kiến thức và kỹ năng tổ chức thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo; tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo ở địa phương, cơ sở.

Những nguyên nhân và hạn chế trong triển khai thực hiện xóa đói, giảm nghèo

Một là, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững: tỷ lệ hộ tái nghèo vẫn cao; tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn so với tổng số hộ thoát nghèo… Nguyên nhân có thể kể đến như: do tách hộ, do hậu quả của thiên tai, lũ lụt, nhất là ở vùng đồng bào DTTS. Một số bộ, ngành, địa phương còn chậm trong báo cáo và báo cáo chưa bảo đảm theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-BLĐTBXH; các thông tin báo cáo từ cấp xã về thực hiện và hiệu quả các dự án còn thiếu…

Hai là, năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 135 ở các địa phương chưa đồng đều mặc dù cùng một cơ chế thực hiện: có tỉnh thực hiện Chương trình đúng tiến độ, hiệu quả cao, trong khi một số tỉnh lại gặp khó khăn khi triển khai các nội dung về giao xã làm chủ đầu tư, cơ chế đặc thù trong đầu tư xây dựng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo…

Ba là, công tác tổ chức tuyên truyền chưa có sự kết hợp tốt giữa trung ương và địa phương trong việc khai thác, sử dụng các sản phẩm truyền thông có cùng chủ đề nội dung, phù hợp với yêu cầu của công tác tuyên truyền; còn nhiều hạn chế về chủ đề, nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đối tượng thụ hưởng, do đó hiệu quả chưa cao.

Bốn là, việc thực hiện cơ chế đặc thù về đầu tư xây dựng đối với các công trình hạ tầng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp tại một số địa phương chưa đồng bộ trong quy trình chuẩn bị đầu tư, lập hồ sơ công trình, hồ sơ hoàn công, cơ chế thanh, quyết toán dẫn đến khó thực hiện, không huy động được sự tham gia của người dân; việc lập kế hoạch đầu tư ở một số nơi chưa sát với thực tế, phê duyệt dự án ở một số huyện còn chậm.

Năm là, đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, nhất là cán bộ làm công tác LĐTBXH, thông tin cơ sở và các hội, đoàn thể không ổn định, thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành trong công tác giảm nghèo ở địa phương, cơ sở.

Chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ này ở cấp huyện, cấp xã chưa được quan tâm đúng mức. Việc quy định không chi hỗ trợ chế độ ăn, nghỉ, đi lại cho các đối tượng cán bộ, công chức xã (người hưởng lương) đã ảnh hưởng đến việc tham gia của các cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở trong các lớp tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm… vì đối tượng là cán bộ, công chức cấp xã có lương, phụ cấp thấp và hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa… Một bộ phận hộ nghèo vẫn còn trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa thật sự chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Một số giải pháp nhằm triển khai hiệu quả chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Để tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước và thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo, thời gian tới, cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, cần tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện CTMTQG GNBV giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến kết quả, mức độ đạt được về các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình, những khó khăn, vướng mắc, nghiên cứu, đề xuất định hướng xây dựng CTMTQG GNBV giai đoạn 2021 – 2025 theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014.

Cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng mở rộng các hoạt động/hạng mục chi phí liên quan đến nội dung nâng cao năng lực, giám sát đánh giá thực hiện Chương trình; nghiên cứu, sửa đổi các quy định để thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính trong quá trình thực hiện Chương trình GNBV.

Thứ hai, đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu GNBV; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo 3 nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Thứ ba, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS. Gắn kết thực hiện các CTMTQG với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp cho cơ sở, tạo cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch, điều hành quản lý hoạt động của các chương trình.

Thứ tư, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện CTMTQG GNBV giai đoạn 2016 – 2020, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Đồng thời, mở rộng hợp tác trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình với các tổ chức quốc tế, cả đa phương, song phương và các tổ chức phi chính phủ để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, cũng như tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình nhằm khắc phục những hạn chế, phát huy những điểm mạnh, lợi thế để CTMTQG về GNBV đạt được hiệu quả tốt nhất./.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 9, 10, 11, 12. Báo cáo số 06/BC-LĐTBXH ngày 28/01/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội  về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2018 phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.
5. Báo cáo số 361/BC-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả 2 năm (2017 – 2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13.
6. Bộ Tài chính. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước quý I năm 2019. https://www.mof.gov.vn, ngày 02/4/2019.
7. Tổng cục Thống kê. Tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2018. https://www gso.gov.vn, ngày 24/6/2019.
8. Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 – 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Đầu tư công năm 2014.
2. Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
3. Báo cáo đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2019. Tài liệu Hội nghị ngành Tài chính, ngày 07/01/2019.
4. Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.

ThS. Chu Thị Hạnh
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội