Một số giải pháp phát triển kinh tế tập thể ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Kinh tế tập thể tạo ra hàng hóa, việc làm, đóng góp cho sự phát triển GDP của đất nước, đồng thời, tạo ra sự liên kết, hợp tác, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển… Tuy nhiên, hiện nay, kinh tế tập thể phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế trong nền kinh tế. Do đó, cần có giải pháp nhằm phát triển kinh tế tập thể vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hội nghị toàn quốc “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa 9 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Ảnh: TTXVN).
Chủ trương của Đảng trong phát triển kinh tế tập thể

Một trong những nội dung về đổi mới kinh tế tập thể (KTTT) được xác định trong Văn kiện Đại hội XII khác với các văn kiện trước đây là: “Đẩy mạnh liên kết và hợp tác trên cơ sở lợi ích”1. Thực tiễn đã chứng minh quan điểm của Đảng đưa ra là đúng đắn, sáng tạo.

Bởi vì, trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay, cạnh tranh ngày càng gay gắt, quyết liệt, các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ với quy mô nhỏ bé, thiếu vốn, khó áp dụng khoa học – công nghệ, thiếu thông tin về thị trường… muốn tồn tại và phát triển thì cần phải liên kết lại với nhau để cùng giúp đỡ nhau phát triển. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ nền sản xuất hàng hóa nhỏ, lạc hậu, nông dân chiếm đại bộ phận dân cư, chúng ta không thể không phát triển KTTT, trong đó phát triển các hợp tác xã (HTX) làm nòng cốt.

Trong quá trình phát triển KTTT, Đảng ta chủ trương phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, từ thấp đến cao trên cơ sở xuất phát từ quan hệ lợi ích của các xã viên khi tham gia vào KTTT. Nếu không dựa trên cơ sở lợi ích hoặc lợi ích của các thành viên không được bảo đảm thì không thể phát triển các HTX.

Thực tiễn của hơn 30 năm đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã chứng minh, để phát triển các hình thức hợp tác, liên kết giữa các thành phần kinh tế diễn ra một cách thuận lợi, có hiệu quả, chúng ta phải vận động và giúp đỡ các tiểu thương, tiểu chủ tự nguyện xây dựng các cơ sở kinh tế hợp tác đa dạng, từ thấp đến cao; thành lập, tổ chức các hội nghề nghiệp, nghiệp đoàn trong những ngành nghề thích hợp; đồng thời, phát triển nhiều hình thức hợp tác, liên kết giữa kinh tế nhà nước với các thành phần kinh tế khác trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và bảo đảm lợi ích hợp pháp của mỗi chủ thể kinh tế.

Bên cạnh đó, để KTTT phát triển phải cần tới sự hỗ trợ về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tại Đại hội XII, Đảng ta đã khẳng định chủ trương “Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác phát triển trên cơ sở phát huy vai trò của kinh tế hộ”2.

Sự hỗ trợ của Nhà nước không phải theo ý muốn chủ quan mà trên cơ sở phát huy vai trò của các hộ kinh doanh. Vai trò của các hộ đã được thực tiễn chứng minh bằng chính sách “Khoán 10”trước đây giúp cho sản xuất nông nghiệp ở nước ta phát triển khi quyền lợi của các hộ gia đình được bảo đảm.

Với “Khoán 10” đã cho phép kinh tế hộ gia đình được tự chủ trong sản xuất – kinh doanh, nhờ đó sản xuất nông nghiệp trong những năm qua đã có bước phát triển đáng kể. Quyền chủ động sản xuất – kinh doanh của người nông dân được giải phóng khỏi những ràng buộc sắc lệnh từ đó đã mang lại hiệu quả nhanh chóng trong khi mức đầu tư vốn còn quá thấp.

Nhận thức rõ hiệu quả của kinh tế hộ, tại Đại hội XII, khi đưa ra định hướng phát triển cho các ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế, Đảng ta đã khẳng định chủ trương: “Tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển có hiệu quả trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia”3.

Ở nông thôn, khuyến khích tối đa mọi người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn; gắn kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thành một chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, để nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam.

Những thành công bước đầu của công cuộc đổi mới, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cho thấy, KTTT tất yếu phải đổi mới cho phù hợp với các quy luật của thị trường, như: quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung – cầu… thông qua việc phát huy quyền làm chủ của các xã viên và sự liên kết các hộ kinh doanh cá thể thành một chuỗi từ khâu sản xuất cho tới tiêu thụ.

Việc liên kết này đòi hỏi phát huy vai trò của các HTX trong quá trình liên kết, hợp tác để cùng phát triển. Phát triển KTTT sao cho KTTT cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân, đây là điều có ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thực trạng phát triển kinh tế tập thể ở nước ta những năm qua

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, những năm qua, KTTT đã có sự phát triển mạnh mẽ. Kết quả đó được thể hiện rõ nét trên nhiều mặt, cụ thể:

Một là, số lượng các HTX mới thành lập tăng lên, kết quả hoạt động tốt hơn trước. Theo số liệu thống kê: “tính đến hết năm 2018, cả nước có 21.787 HTX (tăng 1.711 HTX, tương đương 5,9% so với năm 2017). Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hoạt động của các HTX ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển.

Doanh thu bình quân năm 2018 đạt trên 4 tỷ đồng/năm (tăng 4,9%), cao hơn yêu cầu tại Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX. Trong đó, doanh thu của thành viên HTX chiếm tới 60%, lãi bình quân của một HTX là 277 triệu đồng (tăng 11,7%).

Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2018 là 39,54 triệu đồng/người (tăng 9,5% so với năm 2017)”4. Điều này chứng tỏ những quan điểm của Đảng về phát triển KTTT, trong đó nòng cốt là các HTX là đúng đắn và phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Hai là, mô hình HTX hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị từ sản xuất – tiêu thụ tăng lên và đã đem lại hiệu quả cao. Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam: “Các HTX thành lập mới và tái cơ cấu HTX đang hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị tăng mạnh ở các địa phương. Đến tháng 6/2018 có khoảng 1.200 HTX (tăng 21% so cuối năm 2017). Tỷ lệ HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả có xu hướng tăng”5.

Ba là, trong lĩnh vực nông nghiệp đã bước đầu hình thành mô hình nông sản an toàn gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu dùng gắn với thương hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Tại Hội nghị triển khai nhân rộng mô hình chợ nông thôn an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã khẳng định những thành công bước đầu của mô hình này, cụ thể: “Kết quả trong 8 năm, tổng số chợ đã được nâng cấp và đưa vào sử dụng là 499 chợ thực phẩm tại 12 tỉnh… Tỷ lệ chợ được hỗ trợ cải thiện các tiêu chuẩn môi trường đã đạt được từ 86,68% (năm 2012) lên 99,26% (năm 2016), 99,37% (năm 2017)”6.

Như vậy, KTTT còn góp phần quan trọng trong việc hình thành chuỗi giá trị nông sản an toàn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như góp phần vào bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Bốn là, ngoài các HTX (nòng cốt của KTTT) thì các hình thức khác của KTTT như: liên hiệp HTX, các tổ hợp tác cũng có bước phát triển đáng kể. Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2018, các hình thức này đã tăng so năm 2017 là: “72 liên hiệp HTX (tăng 16,1%) và hơn 106.000 tổ hợp tác với tổng số thành viên là gần 1,5 triệu thành viên (tăng 2,4%)”7.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, KTTT còn có những hạn chế nhất định, cụ thể:

Thứ nhất, KTTT vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ bé trong nền kinh tế, chỉ từ 3 – 6% GDP cả nước, nhỏ hơn nhiều so với số lượng kinh tế cá thể hiện nay (chiếm khoảng 30% GDP). Điều này chứng tỏ KTTT còn chưa thu hút được các hộ kinh doanh cá thể vào làm ăn tập thể8.

Thứ hai, hầu hết các HTX ở nước ta có quy mô nhỏ bé chỉ từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng theo đánh giá của Liên minh các HTX Việt Nam: “Hầu hết quy mô của HTX nhỏ lẻ, manh mún; trình độ quản lý thấp; phương thức sản xuất lạc hậu… chỉ có một số HTX nổi trội với doanh thu cao”9. Với quy mô còn nhỏ bé, KTTT khó cạnh tranh trên thương trường cũng như áp dụng khoa học – công nghệ tiên tiến vào sản xuất do chi phí cao.

Thứ ba, KTTT phát triển còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Theo đánh giá của Chính phủ: “kinh tế hợp tác, HTX cũng còn nhiều hạn chế, phát triển còn chậm cả về số lượng và chất lượng (khoảng 20% HTX yếu kém)”10.

Nguyên nhân của những hạn chế này được xác định là do nhận thức của các hộ xã viên khi tham gia vào HTX chưa cao, do họ bị ảnh hưởng bởi mô hình HTX kiểu cũ trước đổi mới đã làm mất niềm tin vào vai trò của HTX. Bên cạnh đó, các hộ xã viên còn gặp khó khăn về nguồn vốn, nhân lực, khoa học – công nghệ…

Một số giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế tập thể ở Việt Nam hiện nay

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về vị trí, vai trò của KTTT trong nền kinh tế quốc dân. Qua đó, giúp người dân nói chung và các hộ kinh doanh cá thể nói riêng hiểu rõ về vai trò của các HTX trong kinh tế là liên kết hỗ trợ các xã viên phát triển chứ không phải làm mất vai trò của các hộ xã viên. Về xã hội, đó còn là sự giúp đỡ nhau cùng phát triển, tăng cường tình đoàn kết, tương thân tương ái…

Hai là, cần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng các chính sách của Nhà nước sao cho các HTX dễ tiếp cận với các nguồn lực, như: vay vốn ngân hàng, có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX…

Thống kê từ Liên minh HTX cho thấy: “mới chỉ khoảng 2% số HTX tiếp cận được vốn vay, còn phần lớn vẫn tự xoay sở. Thiếu vốn khiến nhiều HTX không thể mở rộng sản xuất – kinh doanh, thậm chí còn có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản”11. Do đó, Nhà nước cần có các chính sách cụ thể để tháo gỡ vướng mắc về việc vay vốn cho các HTX. Có như vậy, các HTX mới dễ tiếp cận vốn và có điều kiện phát triển.

Ba là, cần tổng kết, mở rộng các mô hình HTX làm ăn tốt có hiệu quả để tạo sức lan tỏa trong xã hội. Chẳng hạn như, các HTX liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng của TP. Hồ Chí Minh: “HTX tổ chức sản xuất với doanh nghiệp lớn là HTX Tân Thông Hội và HTX Phước An trở thành 2 trong tổng số hơn 100 HTX nông nghiệp tiêu biểu của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình chọn).

Ngoài ra, còn có 8 HTX tổ chức tiêu thụ sản phẩm của thành viên tại hệ thống siêu thị, như HTX Bánh tráng Phú Hòa Đông, HTX Thỏ Việt, HTX Nhuận Đức, HTX Phú Lộc, HTX Phước Bình, HTX Phước An, HTX Ngã Ba Giồng, HTX Nấm Việt”12.

Bốn là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phát triển KTTT. Trong đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội (nhất là Hội Nông dân Việt Nam).

Năm là, phát huy vai trò của Liên minh HTX Việt Nam. Đây là tổ chức đại diện cho quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các HTX và các xã viên. Vì vậy, Liên minh HTX cần thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình trong việc chủ động đề xuất, tham gia với Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển KTTT. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các HTX phát triển.

Thứ sáu, phát triển KTTT với nhiều hình thức đa dạng từ thấp đến cao: các tổ hợp tác, các HTX, liên minh các HTX… tăng cường liên kết, hợp tác giữa KTTT với các thành phần kinh tế khác như kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài./.

Chú thích:
1, 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016, tr.107, 107, 293.
4, 7. Minh Hậu. Họp Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. https://baomoi.com, ngày 16/01/2019.
5. Liên minh hợp tác xã Việt Nam. Tình hình phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã và hoạt động hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018. www.vca.org.vn, ngày 21/6/2018.
6. Trung tâm các chương trình kinh tế – xã hội. Hội nghị triển khai nhân rộng mô hình chợ nông thôn an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. www.vca.org.vn, ngày 21/11/2018.
8. Thanh Giang. Gỡ vướng mắc để hợp tác xã phát triển. http://daidoanket.vn, ngày 24/11/2018.
9. Như Hương. Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. http://kinhtedothi.vn, ngày 03/8/2018.
10. Nguyễn Hạnh. Mới chỉ khoảng 2% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay. https://congthuong.vn ngày 19/5/2018.
11,12. Công Phiên. Hợp tác xã nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh có chuyển biến nhưng còn chậm. http://www.sggp.org.vn, ngày 29/10/2018.
TS. Nguyễn Văn Sơn
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội