Tư tưởng Hồ Chí Minh về tính chuyên nghiệp của công tác quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo cho việc xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý “vừa hồng, vừa chuyên”. Bài viết dưới đây giới thiệu một số nội dung tư tưởng của Hồ Chí Minh về việc bảo đảm tính chuyên nghiệp của công tác quản lý điều hành của bộ máy chính quyền trong thời kỳ đầu xây dựng đất nước.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951). Ảnh tư liệu

Một trong những phương pháp để Người truyền đạt nội dung kiến thức nghiệp vụ hành chính cho cán bộ, công chức, đó là mô tả trình bày một cách sâu sắc, dễ hiểu và nhấn mạnh vào trọng tâm vấn đề, đặc biệt, Người dùng thủ pháp hài hước, châm biếm, tuy nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc, tác động trực tiếp đến tình cảm, thái độ của người đọc, giúp cho người đọc dễ nhớ, dễ tiếp thu, sửa đổi.

Về phong cách lãnh đạo, điều hành

Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí cụ thể, chức năng nhiệm vụ cụ thể của người lãnh đạo, kiên quyết chống thói hợm hĩnh, quan liêu. Yêu cầu đối với công tác lãnh đạo là dân chủ, gắn liền thực tiễn, chủ động sáng tạo, chịu trách nhiệm, không phải cứ ngồi phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh.

Về yêu cầu đối với hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo, người cho rằng hoạt động này phải gắn liền với quần chúng và thực tiễn cách mạng:“Lãnh đạo đúng nghĩa là: 1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng… nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. 2. Tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong. 3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng cũng phải có quần chúng giúp mới được” 1.

Phong cách, hình ảnh của người lãnh đạo cần gần gũi với dân, sao cho được lòng dân: “Dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lăm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ chực muốn chặt người ta. Người ta còn bĩu môi nói đến bà “phủ trưởng” nọ bận quần áo chẽn, tóc cắt ngắn cưỡi ngựa đi rong khắp chỗ mà chẳng có việc gì, người ta còn thì thào chỉ trỏ ông tỉnh trưởng kia vác ô tô đưa bà tỉnh trưởng đi chơi mát mỗi buổi chiều” 2.

Tăng cường tính chủ động trong lãnh đạo hành chính, chống lại việc thi hành máy móc

Theo Hồ Chí Minh, đây là một cách chống lại tệ quan liêu, bàn giấy, đi sát yêu cầu thực tiễn. Người đã viết trong bài “Tinh thần tự động trong ủy ban nhân dân”: “Tự động là không dựa vào ai, là tự mình biết biến báo, xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú…Nhiều ủy ban nhân dân, một khi nhận được mệnh lệnh gì của cấp trên là chỉ biết cắm đầu cắm cổ thi hành đúng như vậy, thi hành một cách máy móc. Họ không biết tùy hoàn cảnh địa phương, tùy tình thế từng lúc mà châm chước đi, không biết biến báo, làm khác đi ít nhiều cho được thích hợp” (ví dụ thay cho quyên vàng trong Tuần lễ Vàng, có xã chỉ quyên độc 1 thứ vàng, do đó không biết kiếm đâu ra. Các địa phương, làng xã có thể quyên thóc, sắt, đồng nếu làng, xã ấy có nhiều các thứ ấy)” 3

Một trong những nguyên nhân của tệ quan liêu chính là thái độ sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức: “Khi làm xong việc lại chỉ ngồi không, không chịu bới việc ra mà làm, cứ ỳ ra như xe bò lên dốc, không có người đẩy là y như đứng lại. Nhiều ủy viên trong các ủy ban, đã được phân công rõ ràng, đã nhận phụ trách một việc nhất định, không biết xoay xỏa nghĩ cách thực hành công tác mình cho có hiệu quả, lại nhất nhất điều gì cũng đòi hỏi chủ tịch hay thường cấp, không biết tự quyết, tự định cái gì, như vậy làm sao công tác phát triển được. Có mắt ta phải trông, có óc ta phải nghĩ, có tay ta phải làm chứ”4.

Ngược lại, tăng cường tính chủ động theo Hồ Chí Minh cần đi đôi với việc chống lại sự tùy tiện, vô kỷ luật, vượt thẩm quyền, lạm quyền, những việc làm rất có hại. “Tự động không phải là tự tiện… tự ý làm bừa đi, chẳng bàn hỏi thảo luận với ai, không theo pháp luật Chính phủ, không dựa vào ý nguyện dân chúng. Những ca bắt bớ, tịch thu tài sản bừa bãi thường xuyên xảy ra ở nhà quê… các ủy ban đó vô tình gây nên nhiều chuyện có hại đến uy tín của Chính phủ, làm cho dân chúng oán than kêu ca.”5

Người nhấn mạnh, đề cao việc thực hiện nguyên tắc tổ chức bộ máy, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: phải có tập thể, nhiều người, nhiều kinh nghiệm để xem xét vấn đề một cách toàn diện; đồng thời, chống bệnh quan liêu, tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Mặt khác, Người đề cao trách nhiệm cá nhân, nếu không sẽ dẫn đến người nọ ủy cho người kia, không ai thi hành. Việc ra quyết định là phải bảo đảm tính thực tiễn, tính khả thi, phù hợp lòng người nhưng vẫn phải có tính quyết đoán, đón đầu, đi trước thời đại “học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”. “ Làm việc với dân chúng có 2 cách:

Cách 1. Làm việc theo cách quan liêu, cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo. Có nhiều cán bộ theo cách đó. Họ còn tự đắc rằng, làm như thế họ vẫn làm tròn nhiệm vụ, làm được mau, lại không rầy rà… Họ quên rằng… làm theo cách quan liêu đó thì dân oán. Dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị là thất bại.

Cách 2. Làm theo cách quần chúng. Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do đó dân chúng vui lòng ra sức làm. Như thế hơi phiền một chút, phiền cho những người biếng học hỏi và giải thích. Nhưng việc gì cũng nhất định thành công”6.

Về tổ chức bộ máy

Bài học lớn về tổ chức bộ máy của Người để lại cho đến bây giờ còn nguyên tính thời sự, đó là nguyên tắc trách nhiệm một đầu mối trong tổ chức: kết hợp lãnh đạo chung với chỉ đạo riêng. Mọi việc cần thông qua người đầu mối phụ trách chung, chứ không chỉ biết tìm đến người phụ trách ngành dọc: “Bất kỳ công tác gì, cơ quan lãnh đạo cấp trên cần phải kinh qua những người phụ trách chung của cơ quan lãnh đạo cấp dưới, mỗi khi có việc gì liên quan đến một ngành hoạt động nào đó thuộc cấp dưới. Không nên một bộ phận nào đó thuộc cấp trên chỉ tìm thẳng dọc xuống bộ phận cùng loại thuộc cơ quan cấp dưới để liên lạc theo hệ thống dọc, thành thử người phụ trách chung thuộc cơ quan cấp dưới như thư ký, chủ tịch, chủ nhiệm… không biết hoặc không phụ trách… Phải cho cả người phụ trách chung và người phụ trách bộ phận cấp dưới đều biết. Một việc gì do người phụ trách chung chỉ huy thì nhiều cán bộ, hoặc tất cả cán bộ đều ra làm. Như thế tránh được tệ cán bộ không phụ trách mà mọi người đều thành ra cán bộ cho công tác đó”7.

Về công tác tổ chức nơi làm việc, thiết kế phân công công việc, Hồ Chí Minh chỉ rõ khiếm khuyết: sắp đặt chỗ làm việc, phương tiện làm việc cũng như phân chia công việc lộn xộn, thiếu trật tự. Người phê phán:“Nhiều nơi, cách làm việc vẫn chưa đâu vào đâu cả… Một khuyết điểm lớn, chung cho phần đông các ủy ban nhân dân là bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức. Vào trụ sở một ủy ban nhân dân, người ta nhận ngay thấy sự lộn xộn trong việc xếp đặt bàn giấy: đố ai biết chỗ ông chủ tịch, ông thư ký, ông tài chính ngồi đâu” 8.

Tính hiệu quả, tính thực tiễn cũng được Người thể hiện ngay trong công tác tiếp khách, tiếp dân. Việc tiếp khách, tiếp dân cũng cần theo nguyên tắc nhất định để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, có lợi cho cả người lãnh đạo tiếp lẫn khách đến gặp. Người đưa ra đề nghị đoàn khách cần đăng ký, giới hạn số lượng khách và thời gian tiếp: “Từ nay tôi sẽ rất vui lòng tiếp chuyện các đại biểu, các đoàn thể… xin chú ý: 1. Gửi thơ nói trước, để tôi sắp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công. 2. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị. 3. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ”9.

Tổ chức lao động khoa học, bố trí, phân công công việc bảo đảm tính chuyên nghiệp

Hồ Chí Minh phê phán việc tổ chức lao động còn thiếu khoa học, nhất là trong việc bố trí, phân công công việc, đội ngũ cán bộ hành chính còn thiếu chuyên nghiệp. Khuyết điểm lớn hiện nay của cán bộ, công chức, theo Hồ Chủ tịch, là phân công không đúng người đúng việc, không đúng năng lực, không đồng đều. Theo Người, phân việc phải đúng chức trách, chức năng nhiệm vụ chính yếu, phải cân đối và hợp lý: “Nhiều ông chủ tịch ủy ban thường không nhận định những công việc chính của mình phải đem hết tâm lực vào đó, mà thường chỉ dùng thì giờ để xử những vụ kiện vớ vẩn, tiếp những ông khách vu vơ, hay cặm cụi viết thư, viết báo cáo – việc có thể giao cho người khác làm được. Trong một ủy ban, nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc: nào ngọai giao, nào tư pháp, nào tài chính. Chia công việc không khéo thành ra bao biện: Nhiều việc quá sao làm đến nơi đến chốn, vì thì giờ và sức lực người ta chỉ có chừng”10.

Người chỉ rõ, đối với tiêu chuẩn phân công công việc, cần tính đến năng lực là chính, chú trọng thực hiện mục tiêu chính, không nên khắt khe, giáo điều: “Có kế hoạch làm việc nhưng phân công công việc không khéo, không sáng suốt thì việc gì cũng đến hỏng. Người nói giỏi lại dùng vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được. Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, miễn có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt việc nhỏ, ai có năng lực vào việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta không lo thiếu gì cán bộ” 11.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp, phê phán sự tùy tiện của một số cán bộ không nắm rõ vị trí, chức năng nhiệm vụ của mình, Hồ Chủ tịch sử dụng hình ảnh chiếc đồng hồ: có kim giây, kim giờ, mặt số, bộ máy. Giả sử cái nào cũng muốn theo ý mình, xin thay đổi, kim giây mệt xin chạy chậm lại hoặc nghỉ ít lâu; mặt số muốn chạy như kim giây do đứng mãi một chỗ nên buồn chán; bộ máy muốn đổi làm mặt số để mọi người biết đến thì sẽ không còn là đồng hồ nữa. Vậy tùy theo trình độ và yêu cầu mà Đảng và Nhân dân giao nhiệm vụ, mỗi người một việc mới hợp thành công việc chung.

Về công tác nhân sự

Hồ Chí Minh nêu ra yêu cầu lựa chọn cán bộ cần linh hoạt, phù hợp thực tiễn, phù hợp nguyên tắc, mục tiêu cách mạng. Người đặt ra vấn đề luân chuyển cán bộ. Hồ Chí Minh nêu rõ định hướng: “Các ủy ban nhân dân… phải chọn những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay thế lực gì khác mà chui lọt vào các ủy ban đó” 12. Để chống bệnh quan liêu bàn giấy, Hồ Chí Minh đặt ra vấn đề chọn người, thay người, luân chuyển cán bộ. Những người mắc bệnh quan liêu, bàn giấy, không làm được việc, phải thải đi. Trong từng giai đoạn của dự án, kế hoạch, cần luôn cất nhắc những người hăng hái, thay thế cho người cũ bị đào thải vì tài không xứng chức hoặc hủ hóa.

Người chú trọng xây dựng cán bộ trước hết để làm hạt nhân cho tổ chức. Hướng phát triển đúng là: đào tạo cán bộ kiểu mẫu trước hết rồi nhân rộng, khuyến khích thành một làng, một đội kiểu mẫu. Tránh cách làm sai là nghĩ ra một làng, một đội kiểu mẫu sẵn có trong tư tưởng. Một vấn đề nữa cần chú trọng là phát triển cán bộ từ trong ra, từ cơ sở, “Một sai lầm nữa là khi muốn lập một làng, một đội kiểu mẫu, chúng ta đem cán bộ từ ngoài đến, để xung phong, mà không đào tạo cán bộ ngay ở đó. Khi cán bộ xung phong phải điều động đi nơi khác thì làng kia hoặc đội kia lại xếp. Như cái bong bóng, thổi hơi vào thì phùng lên, hết hơi lại xẹp xuống” 13.

Cần xây dựng thí điểm, gây dựng phong trào phải từ từ từng bước, cần xây dựng thí điểm, tránh “tham lam làm nhiều một lúc… dàn lực lượng… thành thử ăn nhiều nuốt không xuống. Chúng ta không biết tập trung lực lượng, làm xong một nơi, lấy đủ kinh nghiệm, rồi làm nơi khác… Vì vậy, từ nay bất kỳ việc gì chúng ta phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc”.14

Về sắp xếp, sử dụng cán bộ, Người cho rằng cần có những phương thức đối với những loại cán bộ chưa bảo đảm yêu cầu cách mạng: “Đối với những người cậy mình là “công thần cách mạng”, ngang tàng, không giữ kỷ luật phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật, để chữa tính kiêu ngạo. Đối với hạng người nói suông tuy thật thà, trung thành nhưng không có năng lực làm việc, không thể dùng vào việc thực tế”15.

Ví dụ: “Người hỏi cán bộ L:

Hỏi: Mùa màng năm nay thế nào?

Đáp: Việc đó tôi đã động viên nhân dân rồi.

Hỏi: Rồi sao nữa?

Đáp: Tôi đã bày tỏ vấn đề một cách rất đầy đủ.

Hỏi: Rồi sao nữa?

Đáp: Công tác xem chừng khá.

Hỏi: Rồi sao nữa?

Đáp: Chắc là có tiến bộ.

Hỏi: Nói tóm lại đã cày được mấy mẫu.

Đáp: Ở vùng chúng tôi, cày cấy hiện nay chưa đâu vào đâu cả16.

Một sai sót thường gặp thể hiện phong cách lạc hậu trong điều hành hành chính là thành phần bộ máy lãnh đạo chưa cân đối, còn mang tư tưởng trọng nam khinh nữ: “Gái làm nhiều nhưng đi gặp Trung ương lại không có ai là gái? Điều đó chứng tỏ các đồng chí còn trọng trai khinh gái. Cần tích cực sửa chữa17.

Hồ Chí Minh vừa là nhà lý luận, vừa là người tổ chức thực hiện những nhiệm vụ cách mạng. Nắm vững vai trò cốt yếu của nghiệp vụ quản lý điều hành, là chìa khóa để hiện thực hóa các tư tưởng, mục tiêu cách mạng, Người đã đưa ra những chỉ dẫn hết sức sâu sắc về các nội dung cụ thể của công tác lãnh đạo điều hành, giúp cho người thực hiện dễ dàng thấm nhuần tư tưởng định hướng mục tiêu cho đúng đắn, đồng thời trang bị được những kiến thức quý báu về phương thức thực hiện mục tiêu đó.

Những yêu cầu về nghiệp vụ hành chính, Hồ Chí Minh đưa nhấn mạnh tính dân chủ, tính chuyên nghiệp, tính khoa học, tính thực tiễn, cụ thể, tính mục đích, nghiêm túc, quyết đoán, nhằm tăng cường sức mạnh cho đội ngũ công chức, hiệu lực quản lý nhà nước. Theo quan điểm của Người, gốc rễ của tính hiệu quả trong hành chính nằm ở nguyên tắc dân chủ, ở việc gắn bó mật thiết với nhân dân, xuất phát từ quan điểm, lợi ích của nhân dân. Hiệu quả công việc chỉ có thể được bảo đảm khi người cán bộ luôn bám sát, không xa rời thực tiễn công việc.

Những chỉ dẫn quý báu của Hồ Chí Minh vẫn mang tính còn nguyên giá trị ứng dụng, tính thời sự hiện nay. Rất nhiều căn bệnh hành chính mà Hồ Chí Minh chỉ ra vẫn là các thứ bệnh nan y hiện nay cần phải quét sạch, diệt tận gốc nhằm xây dựng nền hành chính trong sạch. Việc vận dụng triệt để những bài học trên là việc làm cấp thiết để đẩy mạnh thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng trong giai đọan mới, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với mở cửa, hội nhập sâu về kinh tế quốc tế.

Chú thích:
1, 6, 13, 14, 15, 16, 17. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 636, 333, 332, 282, 282, 326, 327, 525.
2, 3, 4, 5, 8, 9, 10, 11, 12. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 51, 45, 45, 45, 42, 9, 42, 42 – 43, 21 .
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011.
2. Nguyễn Văn Khoan. Phong cách Hồ Chí Minh. H. NXB Trẻ, 2019.

TS. Lê Ngọc Hồng
Học viện Hành chính Quốc gia