Bồi dưỡng cho giảng viên về xây dựng và thực hiện các chương trình giảng dạy trực tuyến dành cho lãnh đạo, quản lý

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 11/11, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Hàn Quốc và Viện Phát triển nguồn nhân lực cán bộ địa phương Hàn Quốc (LOGODI) tổ chức khóa bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên về xây dựng và thực hiện các chương trình trực tuyến dành cho lãnh đạo, quản lý – Kinh nghiệm Hàn Quốc và ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam.
Toàn cảnh khóa bồi dưỡng tại điểm cầu trực tuyến Hà Nội, Việt Nam.

Tham gia khóa bồi dưỡng, về phía Hàn Quốc, có bà Lee Hyeon Jung – Giám đốc Chương trình Quản trị nhà nước, OECD KPC; ông No Hong-sik, Trưởng Ban Kế hoạch LOGODI; bà Lee Sun Hee – Phó Giáo sư Trường Đại học Ngoại ngữ trực tuyến Hàn Quốc, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển E-learning; TS. Kang Min Suk – Trường Đại học trực tuyến Kyunghee; GS. Han Tae-In – Trường Đại học Mở trực tuyến Hàn Quốc.

Hình ảnh các điểm cầu trực tuyến.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có, TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc điều hành Học viện; lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên Ban Hợp tác Quốc tế cùng 30 học viên là cán bộ, viên chức, giảng viên của Học viện tham gia khóa bồi dưỡng. Khóa bồi dưỡng diễn ra dưới hình thức trực tiếp (tại Hà Nội) và trực tuyến với OECD KPC, LOGODI cùng 3 phân viện Học viện tại TP. Huế, Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh.

Ông Noh Hong Sik – Trưởng phòng Kế hoạch, Ban Kế hoạch của Viện Phát triển nguồn nhân lực cán bộ địa phương (LOGODI).

Ông Noh Hong Sik – Trưởng phòng Kế hoạch, Ban Kế hoạch của Viện Phát triển nguồn nhân lực cán bộ địa phương (LOGODI) nhấn mạnh, mối quan hệ giữa LOGODI và Việt Nam bắt đầu từ năm 2006, vào thời điểm này, sau khi bắt đầu chương trình đào tạo theo yêu cầu cho đối tượng là cán bộ, công chức Việt Nam trong hoạt động phối hợp với UNDP (Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc).

Đến nay, với sự hợp tác của nhiều tổ chức quốc tế khác nhau, phía Hàn Quốc đã tổ chức các khóa học nâng cao năng lực cho 280 cán bộ công chức từ trung ương đến địa phương của Việt Nam. Bên cạnh đó, trong năm 2007, LOGODI đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Học viện Hành chính Quốc gia (NAPA) Việt Nam về giáo dục và đào tạo cho cán bộ, công chức, cho đến nay hai bên đã duy trì trao đổi và hợp tác tốt. Ông Noh Hong Sick hy vọng rằng, cơ hội này sẽ mở rộng hơn nữa giao lưu và hợp tác giữa LOGODI và NAPA, góp phần vào phát triển hợp tác với các tổ chức quốc tế.

Bà Lee Hyun Jeong – Giám đốc Điều hành Chương trình Quản trị nhà nước đại diện Trung tâm Chính sách OECD Hàn Quốc.

Tiếp sau phát biểu khai giảng khóa bồi dưỡng, bà Lee Hyun Jeong – Giám đốc Điều hành Chương trình Quản trị nhà nước, đại diện Trung tâm Chính sách OECD Hàn Quốc phát biểu khai mạc khóa bồi dưỡng. Bà nhiệt liệt chào đón sự tham gia của các đại biểu đến từ LOGODI và NAPA cũng như GS. Lee Sun Hee, TS. Kang Min Seok và GS. Han Tae-in đã dành thời gian quý báu để báo cáo chuyên đề trong khoá tập huấn lần này. Khoá tập huấn lần này là chương trình thứ 3 mà OECD KPC thực hiện cùng NAPA và tin rằng, đây sẽ là nơi mọi người có thể thảo luận về đào tạo trực tuyến hiệu quả trong thời điểm Covid-19. Bà rất hy vọng chương trình tập huấn lần này sẽ hữu ích trong việc nâng cao năng lực giảng viên cũng như sự phát triển của giáo dục trực tuyến tại NAPA.

TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia, Việt Nam.

TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia thay mặt lãnh đạo và viên chức Học viện nhiệt liệt chào mừng các giảng viên, chuyên gia quốc tế và viên chức, giảng viên Học viện tham gia khóa bồi dưỡng trực tuyến “Xây dựng và thực hiện các chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý trực tuyến – Kinh nghiệm Hàn Quốc và ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam” từ Seoul tới Hà Nội và 3 phân viện Học viện tại Huế, Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện thứ 3 được tổ chức trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Học viện Hành chính Quốc gia và Trung tâm Chính sách OECD Hàn Quốc.

TS. Nguyễn Đăng Quế nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức chưa từng có trên mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục, đào tạo. Trong bối cảnh đại dịch, các cơ sở đào tạo phải thực hiện nhiệm vụ kép: vừa tích cực phòng chống dịch, bảo đảm an toàn, sức khỏe của viên chức, giảng viên, học viên, vừa đổi mới, thích ứng và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Ngay khi dịch bắt đầu bùng phát, Học viện đã chủ động chuyển đổi mạnh mẽ mô hình đào tạo, bồi dưỡng từ trực tiếp sang trực tuyến và từ xa, trên nền tảng đào tạo, bồi dưỡng điện tử mang tên E-NAPA và hệ thống học liệu điện tử. Lãnh đạo và viên chức Học viện ý thức sâu sắc việc dạy và học trực tuyến không chỉ là giải pháp thay thế để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, mà còn là xu hướng phát triển tất yếu của giáo dục, đào tạo trong kỷ nguyên 4.0, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, phát huy tính chủ động và năng lực tự học của học viên, hướng tới mục tiêu xây dựng Học viện trở thành Học viện điện tử.

Phó Giám đốc điều hành Học viện cũng tin tưởng sự tham gia giảng dạy của các giáo sư đầu ngành về đào tạo trực tuyến của Hàn Quốc sẽ mang đến khóa bồi dưỡng nhiều kinh nghiệm có giá trị về cả lý luận và thực tiễn. Đề nghị viên chức, giảng viên Học viện tham gia khóa bồi dưỡng tận dụng cơ hội quý giá này, chủ động, tích cực thực hiện tốt các hoạt động học tập, thảo luận, trao đổi để tiếp thu tốt nhất kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quý báu được các chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ, áp dụng nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Bà Lee Sun Hee – Phó Giáo sư Trường Đại học Ngoại ngữ trực tuyến Hàn Quốc, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển E-learning.

Bà Lee Sun Hee – Phó Giáo sư Trường Đại học Ngoại ngữ trực tuyến Hàn Quốc, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển E-learning truyền đạt với Chuyên đề: “Xây dựng nội dung bồi dưỡng trực tuyến”. Chia sẻ của bà tập trung vào 5 vấn đề về giáo dục trực tuyến, đó là: (1) Sự thay đổi của thời đại, quan điểm giáo dục và môi trường giáo dục; (2) Mô hình học tập kết hợp và chiến lược thiết kế nội dung; (3) Quy trình và phương pháp xây dựng nội dung; (4) Đánh giá hoạt động và quản lý chất lượng; (5) Giáo dục phát triển qua không gian.

Giáo dục có bền vững hay không khi các buổi học trực tiếp chuyển sang trực tuyến, hội thảo trực tuyến rất phát triển dẫn đến hiện tượng người tham gia chương trình trực tuyến sẽ bị mệt mỏi vì họp trực tuyến, từ đó chúng ta cần thiết kế và phát triển giáo dục bền vững (hậu Covid-19). Giáo sư cũng đề cập đến vấn đề môi trường giáo dục hiện nay chuyển từ lớp học sang giáo dục mọi nơi, chính là sự tăng tương tác trực tuyến, cung cấp các kênh học của mỗi cá nhân, hình thành các lớp học ảo với sự nổi lên của Zoom, WebEx…

Bà đưa ra kết luận, giáo dục thay đổi theo sự thay đổi của thời đại, theo đó, mô hình dạy và học sẽ có tính tuần hoàn và tính linh hoạt nhằm thích nghi với mô hình học trực tuyến (trong đó chính là sự du nhập của Microlearning – mô hình chia nội dung học thành các đơn vị nhỏ để tiếp thu nhanh hơn) với việc sử dụng không gian trực tuyến là nơi học tập và nghiên cứu chính của hiện tại và tương lai.

TS. Kang Min Suk – Trường Đại học Trực tuyến Kyunghee.

Chuyên đề “Mô hình học tập kết hợp trực tiếp và trực tuyến” do TS. Kang Min Suk – Trường Đại học Trực tuyến Kyunghee truyền tải. Ông cho rằng, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, giáo dục trực tuyến cũng đã phát triển song song với giáo dục trực tiếp. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, giáo dục trực tuyến thực sự trở thành phương pháp giáo dục chủ đạo (không tiếp xúc). Tuy nhiên, nên kết hợp cân bằng 2 phương pháp giáo dục trực tiếp và trực tuyến với nhau để tăng hiệu quả học tập.

Việc cần kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến với lý do, nếu tập trung vào trực tuyến quá sẽ khiến người học bị kiệt sức, tương tác giữa người dạy và người học bị giảm đi, việc sửa và phản hồi bài tập không được đầy đủ; có trường hợp sinh viên bất mãn về các môn thực tập và việc xảy ra lỗi khi truy cập buổi học trực tuyến cũng diễn ra thường xuyên. Do đó, học tập kết hợp là sự lựa chọn tốt hơn do phát huy được thế mạnh của chương trình tập trung và chương trình trực tuyến, cho người học có nhiều sự lựa chọn phù hợp với điều kiện học tập và làm việc.

TS. Han Tae-In – Trường Đại học Mở trực tuyến Hàn Quốc.

TS. Han Tae-In – Trường Đại học Mở trực tuyến Hàn Quốc trình bày bài giảng với nội dung:“Kinh nghiệm Hàn Quốc trong bồi dưỡng trực tuyến”. Bài giảng tập trung vào các nội dung: (1) Sự thay đổi trong môi trường giáo dục (gồm: sự thay đổi trong môi trường công nghệ thông tin, sự thay đổi của các lý thuyết học tập và sự xuất hiện của thế hệ người học mới); (2) Thiết kế và triển khai E-learning đáp ứng sự thay đổi của môi trường giáo dục (gồm: quy trình của hoạt động E-learning; về thiết kế bài giảng cân nhắc đến yếu tố tương tác; thiết kế bài giảng áp dụng phương pháp học tập đảo ngược; những thay đổi về môi trường học tập và vai trò của người dạy; phân tích học tập và về các trường hợp sử dụng công nghệ mới nổi; xu hướng dịch vụ, giải pháp và nội dung E-learning trong tương lai; những thay đổi về E-learning ở Hàn Quốc trước và sau Covid-19 từ thực tiễn ở các trường đại học).

Bà Kim Hye Ryun – Trưởng Ban Hợp tác và Đào tạo quốc tế, LOGODI.

Sau một ngày làm việc nghiêm túc, chất lượng, cuối chiều ngày 11/11, khóa bồi dưỡng đã hoàn thành các nội dung đề ra. Phát biểu bế mạc khóa bồi dưỡng, bà Kim Hye Ryun – Trưởng Ban Hợp tác và Đào tạo quốc tế, LOGODI và bà Chae Young Joo – Phó Giám đốc Chương trình Quản trị nhà nước, OECD KPC vui mừng vì khóa bồi dưỡng đã thành công tốt đẹp, đã gợi mở nhiều kinh nghiệm cho việc giảng dạy trực tuyến của Học viện Hành chính Quốc gia. Hy vọng các đại biểu tham gia khóa bồi dưỡng gặt hái được nhiều thành công trong công việc và sẽ áp dụng những kiến thức, được chia sẻ từ khóa bồi dưỡng vào thực tế điều hành cũng như giảng dạy trực tuyến tại Học viện.

Phát biểu đáp từ, TS. Nguyễn Đăng Quế gửi lời cảm ơn chân thành đến OECD KPC, LOGODI và các chuyên gia đầu ngành về giảng dạy trực tuyến của Hàn Quốc đã dành thời gian, tâm huyết cũng như những kiến thức hữu ích, thiết thực tới khóa bồi dưỡng. Chúc sự hợp tác của NAPA, OECD KPC và LOGODI ngày càng phát triển và hợp tác lâu dài, bền vững trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại Việt Nam nói chung và Học viện nói riêng.

Các đại biểu tại điểm cầu Học viện (Hà Nội).
Tin, ảnh: Thu Hương