Nỗ lực xây dựng Việt Nam thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển

(Quanlynhanuoc.vn) – Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta là thực hiện song song hai nhiệm vụ vừa phát triển bền vững kinh tế biển, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời mở ra hướng “tư duy đại dương” trong thời đại kinh tế mở và hội nhập toàn cầu.
Ảnh minh hoạ.

Thành công rất tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng đã mở ra hành trình đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với khí thế mới, khát vọng mới. Với mục tiêu và tầm nhìn tới năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) và năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước), Việt Nam phấn đấu đến năm 2025, trở thành nước đang phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đó chắc chắn là một hành trình dài, đầy thử thách nhưng cũng đầy tự hào, phấn chấn bởi khát vọng phồn vinh của dân tộc.

Đại hội Đảng lần thứ XIII như lời mở đầu của một câu chuyện phát triển đáng kỳ vọng, sau những “Thần kỳ Nhật Bản”, “Kỳ tích sông Hàn”, hay “Câu chuyện thần kỳ” mang tên Singapore… Hành trình đó luôn có sự đóng góp không nhỏ của các vùng biển, đảo Việt Nam bởi vị trí, tầm quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay từ Đại hội lần thứ VIII (1996), Đảng đã đưa ra chủ trương: “Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển, ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế – xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc”. Tại Đại hội IX (2001), Đảng xác định mục tiêu: “Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn 1 triệu km2 thềm lục địa… Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh trên biển”. Hội nghị Trung ương 4 khoá X của Đảng đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 nhằm phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Đến Đại hội XI (2011), trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011- 2020 của Đảng nêu rõ: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển”. Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII xác định Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã khẳng định: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển”.

Nhất quán với những quan điểm từ các kỳ đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước” và xác định “phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ trung tâm, bảo vệ chủ quyền biển đảo là trọng yếu và thiết thực”. Như vậy, có thể thấy quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta chính là thực hiện song song hai nhiệm vụ vừa phát triển bền vững kinh tế biển, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời mở ra hướng “tư duy đại dương” trong thời đại kinh tế mở và hội nhập toàn cầu.

Những năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã tích cực thực hiện chiến lược bảo đảm chủ quyền, an ninh. Bằng các hoạt động linh hoạt nhưng kiên quyết, Việt Nam đã giữ được môi trường hoà bình, bảo vệ và khẳng định chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích chính đáng trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế. Là thành viên của Liên hợp quốc, tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) cũng như tuyên bố của các bên về cách ứng xử trên biển Đông (DOC), Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không và nỗ lực cùng các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải cho tàu thuyền của các nước qua lại Biển Đông phù hợp với Công ước Luật Biển và hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước vào việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế; kiên trì con đường giải quyết các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; thông qua đàm phán, thương lượng, nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế. Mặt khác, trên cơ sở công khai hóa, minh bạch hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam sẵn sàng cùng các bên liên quan tiến hành hợp tác cùng phát triển ở những khu vực thực sự có tranh chấp phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển. Chúng ta nỗ lực cùng các bên liên quan thúc đẩy hợp tác về an toàn biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống tội phạm trên biển nhằm góp phần xây dựng lòng tin, vì hòa bình thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.

Đồng thời, Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh về mọi mặt. Trong đó, việc củng cố lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư là yêu cầu bức thiết hiện nay. Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển, giữ vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc, được ưu tiên đầu tư hiện đại hóa. Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách quản lý, duy trì thực thi pháp luật trên biển, được tiếp tục củng cố, hoàn thiện về tổ chức, biên chế, tăng cường trang bị hiện đại. Bộ đội Biên phòng được đầu tư đủ trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện cơ động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn, chống buôn lậu và các tệ nạn xã hội trên các vùng biển.  Kiểm ngư là lực lượng được tổ chức chặt chẽ, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm của tàu thuyền nước ngoài; hỗ trợ ngư dân, đảm bảo an ninh trật tự và có vai trò quan trọng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Tổ quốc.

Trên mặt trận chính trị – đối ngoại, Việt Nam đã vận dụng khéo léo, lồng ghép nội dung đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ trong các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta công khai đấu tranh chống lại các tuyên bố, hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền ở Biển Đông; đưa các vấn đề Biển Đông, cũng như chủ trương nhất quán của Việt Nam của Việt Nam đến các diễn đàn song, đa phương, ở quốc tế như Liên hợp quốc, đến khu vực ASEAN… Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng luôn được chú trọng. Các lực lượng chấp pháp trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng..) đã kết hợp chặt chẽ với lực lượng tuyên truyền (báo cáo viên, tuyên truyền viên, cơ quan thông tấn báo chí…) xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng, biên soạn, phát hành hàng ngàn tài liệu tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là cư dân, ngư dân tại khu vực ven biển, trên đảo, kiều bào ta ở nước ngoài. Các bộ, ngành, đơn vị từ trung ương đến địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất đã góp phần thông tin kịp thời, minh bạch, chính xác để mọi người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới hiểu cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử về chủ quyền Việt Nam trên các vùng biển, đảo ở Biển Đông; hiểu rõ quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết vấn đề chủ quyền trên Biển Đông; từ đó, xây dựng niềm tin, đồng thuận xã hội, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và các hoạt động kinh tế biển.

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời.

Xác định bảo vệ đi cùng với phát triển, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khai thác tài nguyên môi trường, phát triển kinh tế biển. Vì thế, kinh tế biển ngày càng giữ vai trò quan trọng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời, cung cấp nguyên liệu phong phú, đa dạng cho phát triển kinh tế của cả nước. Theo ước tính hiện nay, giá trị kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam đạt khoảng 47- 48% GDP; trong đó, đóng góp chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch biển. Trong lĩnh vực vận tải biển có hơn 90% lượng hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển đi và đến Việt Nam bằng đường biển. Trữ lượng dầu mỏ khoảng 4,4 tỷ thùng, được xếp thứ 28 trong các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xác minh trên thế giới, đứng thứ nhì ở khu vực Đông Á, chỉ sau Trung Quốc1. Ngành dầu khí đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, chiếm 10-13% tổng GDP của cả nước; cung cấp 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng phân đạm và 70-80% sản lượng khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước. Tài nguyên thuỷ, hải sản phong phú, đa dạng và có giá trị kinh tế cao. Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 8,15 triệu tấn (khai thác 3,77 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn); kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản năm 2020 đạt 8,6 tỷ USD, chủ yếu là từ khai thác, chế biến hải sản biển. Du lịch biển chiếm khoảng 70% tổng thu từ du lịch của cả nước với gần 200 điểm du lịch và nghỉ dưỡng nằm ở các vùng ven biển trải dọc từ Bắc đến Nam. Tốc độ tăng trưởng về thu nhập từ du lịch trong vòng 15 năm gần đây giữ mức tăng trưởng hơn 24%/năm. Lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực ven biển có xu hướng tăng năm sau cao hơn năm trước và hiện nay chiếm gần 70%-80% tổng lưu lượng khách trên cả nước.

Khắc ghi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”, để xây dựng nước Việt Nam thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; khơi dậy ý chí độc lập dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về biển đảo Việt Nam, về thành tựu phát triển kinh tế biển, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần không ngừng nâng cao nhận thức về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và phát huy giá trị biển, đảo.

Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phát huy giá trị biển đảo hiện nay, cần phát huy cao nhất tinh thần yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm điểm tựa để tiến ra biển, bám biển và làm giàu từ biển.

Sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và phát huy giá trị biển, đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, đầy khó khăn và thách thức. Mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Việt Nam cần giữ vững ý chí, tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tuyệt đối không để các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng, khích động biểu tình, gây rối, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khôn khéo đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật về đường lối đối ngoại của Đảng, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, về quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước. Đồng thời, chú trọng thúc đẩy việc nghiên cứu, biên soạn các công trình, tài liệu nghiên cứu khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông; phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin trong nước và quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế./.

Chú thích:
1. https://pvpower.vn/tru-luong-dau-cua-viet-nam-chi-thua-trung-quoc-o-dong-a.
Phạm Huy Thăng – Lê Hồng Vân
Nguồn: tuyengiao.vn