Càng kỷ luật, càng tự do

(Quanlynhanuoc.vn) – Ý nghĩa của kỷ luật chính là thúc đẩy bạn ràng buộc bản thân mình trong chuẩn mực. Cất đi và thay đổi thói tùy tiện của bản thân, thay vào đó là dựa vào sức mạnh và ý chí kiên trì, bền bỉ để tạo ra nguyên tắc làm việc thuộc về mình, tạo dựng nên một trật tự và tiết tấu mang tính quy luật ổn định.

Con người thường có tính lười nhác, hễ trì hoãn một việc gì đó thì ta rất dễ bị thói quen dụ dỗ. Hôm nay không muốn đọc sách, ngày mai cũng có thể tìm lý do để lười biếng. Lần này không kiên trì, sự trốn tránh của lần sau, lần sau nữa sẽ nhanh chóng trở thành một lẽ đương nhiên. Không hoàn thành công việc một cách hiệu quả trong khoảng thời gian quy định, bạn sẽ cảm thấy lo lắng bất an. Không thực hiện một ước muốn nào đó của bản thân, bạn sẽ thấy bi quan, thất vọng. Khi tiết tấu cuộc sống bị đảo lộn, bạn sẽ mất kiểm soát… Cứ như vậy một thời gian dài, năng lượng tiêu cực ập tới cũng chẳng có gì kỳ lạ cả. Chính vì lẽ đó, kỷ luật cá nhân đối với mỗi người là điều hết sức cần thiết.

Kỷ luật vốn rất khó, bởi sự mê hoặc của lười nhác quá lớn: nằm dài trên sofa xem bộ phim truyền hình thật thoải mái biết bao, ôm điện thoại lướt mạng mới dễ chịu làm sao…. sống trong sự nhàn nhã lâu ngày, những người lười nhác sẽ ngày càng trở lên tạm bợ, không có hoài bão, không có lý tưởng. Những người chần chừ sẽ quen với việc tìm muôn vàn cớ khác nhau để an ủi mình. Những người ăn uống không điều độ, không có thời gian làm việc và nghỉ ngơi nhất định, cuộc sống không có “kế hoạch” sẽ gặp rất nhiều sai sót trong công việc và phiền não trong cuộc sống. Trong cuộc đời mỗi người, phần lớn thời gian là để theo đuổi những lý tưởng đẹp, như: thành danh, thành công, đạt được ước nguyện của mình, hoặc an nhiên tự tại, bình an vô sự, tình yêu viên mãn, tiền tài “rủng rỉnh”… Muốn có tất cả những thứ đó, chúng ta buộc phải có một tiền đề. Đó chính là từ chối sự mê hoặc của tùy tiện, thiết lập một thói quen tốt trong hành vi thường ngày, thực sự biết cách tự kỷ luật, tự xem xét và tự phê bình bản thân.

Ý nghĩa của kỷ luật chính là thúc đẩy bạn ràng buộc bản thân mình. Cất đi và thay đổi thói tùy tiện, dựa vào sức mạnh và ý chí kiên trì bền bỉ để tạo ra nguyên tắc làm việc thuộc về mình, tạo dựng nên một trật tự và tiết tấu mang tính quy luật ổn định. Chỉ có như vậy, ta mới có tự do thực sự. Sự tự do đó không chỉ bao gồm tự do về tài chính, sự nghiệp, tinh thần, sinh hoạt,… mà thậm chí còn bao gồm cả tự do về hôn nhân và tình yêu. Có được những tự do đó, mỗi khi đối diện với khó khăn, trắc trở, thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng, bạn mới có thể có được đầy đủ mọi chỗ dựa, giúp bạn suy nghĩ tích cực và giải quyết vấn đề, chủ động hơn trong cuộc sống.

Cuốn sách: Càng kỷ luật, Càng tự do được xuất bản năm 2020 theo hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giữa Bloom Books (thuộc Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông AZ Việt Nam) và Jiangxi Education Publishing House gồm 4 phần với những nội dung: tất cả những lời khích lệ nên thực hiện bằng hành động; trong cuộc sống, chúng ta không những phải biết phép trừ mà còn phải biết phép cộng; sự giáo dục của một người ẩn trong từng cử chỉ, hành động của người đó; thay đổi tâm trạng, quay người lại bạn sẽ gặp một cuộc đời khác.

Kỷ luật vốn là ván cờ bạn tự đấu với chính mình, thắng – bạn là người hưởng, thua – bạn cũng là người chịu. Càng dễ dàng dung túng cho những thói quen trì hoãn, cuộc sống của bạn sẽ đi càng nhanh tới sự mất kiểm soát. Vì thế, hãy kiên trì, đặt ra yêu cầu cao với bản thân, từ chối sự mê hoặc của thói tùy tiện. Sự nỗ lực sẽ luôn được đền đáp xứng đáng nếu bạn biết cách đầu tư thời gian và công sức.

Tạp chí Quản lý nhà nước trân trọng giới thiệu cuốn sách tới Quý bạn đọc.

                                                                                       Hoàng Trang
Học viện Hành chính Quốc gia